Thông tư 87/2017/TT-BTC: Kỳ vọng tạo sự thay đổi về 'chất' của công ty chứng khoán

21/08/2017 15:32 PM

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTCThông tư số 165/2012/TT-BTC trước đó.

Thông tư 87/2017/TT-BTC

"Sức khỏe" các CTCK kỳ vọng tiếp tục tăng khi Thông tư 87 có hiệu lực.

Thông tư 87 khi có hiệu lực (10/10/2017) kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới về số lượng cũng như chất lượng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK) hiện nay.

Sửa đổi để đáp ứng được “nhiều cái mới”

Sau gần 6 năm thực hiện, Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC (gọi chung là Thông tư 226) đã phát huy hiệu quả khi số lượng và chất lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK) phát triển theo chiều hướng tích cực. Một số đánh giá cho thấy, bên cạnh nhiều giải pháp khác, Thông tư 226 góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán nói chung và tái cấu trúc hệ thống các TCKDCK nói riêng.

Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của  thị trường chứng khoán (TTCK), thực tế hoạt động các công ty chứng khoán (CTCK) vừa qua đã cho thấy, Thông tư 226 cần có sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động ngày càng đa dạng của TCKDCK; đồng thời cũng cần nâng cao quy định về các hình thức xử lý TCKDCK không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC).

Thời gian tới, theo kế hoạch, một loạt các quy định mới sẽ có hiệu lực, từ đó thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới, điển hình như: Các sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền bảo đảm, công cụ đầu tư tài chính nước ngoài, lập chi nhánh nước ngoài,... Do đó, Thông tư 87 ra đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới này.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những tồn tại ảnh hưởng tới sự phát triển hơn nữa của khối các CTCK hiện nay là không đa dạng hóa và chuyên môn hóa trong cung cấp dịch vụ. Cơ cấu cạnh tranh của các CTCK hầu như không có sự khác biệt. Các CTCK hầu như chỉ cung cấp dịch vụ môi giới, đối với sản phẩm tài chính là cổ phiếu niêm yết và cho đối tượng (phân khúc) khách hàng là nhà đầu tư nhỏ lẻ; còn mảng nghiệp vụ ngân hàng đầu tư vẫn chưa thật sự phát triển. Các CTCK vừa và nhỏ gặp sự cạnh tranh gắt gao từ các CTCK lớn ngay ở mảng dịch vụ vốn thích hợp đối với CTCK vừa và nhỏ là môi giới cho khách hàng nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 phần liên quan đến CTCK và tái cấu trúc CTCK đã đề ra mục tiêu phát triển một khối các CTCK đa dạng và chuyên môn hóa cao trong triển khai nghiệp vụ kinh doanh.

Do vậy, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Thông tư 87 ra đời là một bước đi đầu tiên trong việc quản lý các CTCK theo chức năng, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa và chuyên môn hóa nghiệp vụ kinh doanh của khối các CTCK, bằng cách áp dụng các mức độ tuân thủ, mức độ xử lý về tỷ lệ vốn khả dụng và đáp ứng tỷ lệ vốn khả dụng tùy thuộc vào mức độ phức tạp trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính của công ty chứng khoán.

Cùng với đó, với sự thay đổi được quy định trong Thông tư mới sẽ tạo động lực cho các CTCK tính toán khả năng tài chính, cũng như cân nhắc mức chí phí tuân thủ phù hợp với tiềm lực của mình trước khi tiến hành các nghiệp vụ kinh doanh khác nhau.

Nhiều điểm mới “khắt khe”, nhưng tích cực

Theo UBCKNN, Thông tư 87 đã kế thừa các công thức tính toán tỷ lệ an toàn tài chính (ATTC) và các hình thức xử lý đối với các TCKDCK không đáp ứng các chỉ tiêu ATTC trong Thông tư 226; đồng thời, bổ sung công thức tính vốn khả dụng phù hợp với những hoạt động kinh doanh mà CTCK được phép thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, Thông tư 87 cũng bổ sung hệ số rủi ro cho một số tài sản tài chính mới sẽ xuất hiện trên thị trường trong thời gian tới; cập nhật lại phụ lục tính toán chỉ tiêu an toàn tài chính theo chế độ kế toán mới.

Theo quy định của Thông tư 87, định kỳ hàng tháng, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi UBCKNN báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính theo mẫu quy định. Báo cáo phải được gửi bằng tệp thông tin điện tử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc tháng.

Bên cạnh chế độ báo cáo định kỳ, các TCKDCK phải đáp ứng nghiêm ngặt chế độ báo cáo bất thường. Chẳng hạn như, kể từ khi tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 180%, TCKDCK phải báo cáo UBCKNN tỷ lệ vốn khả dụng 1 tháng 2 lần, trong vòng 3 ngày làm việc sau ngày 15 và 30 hàng tháng. Kể từ khi tỷ lệ vốn khả dụng xuống dưới 150%, TCKDCK phải báo tỷ lệ vốn khả dụng 1 tuần 1 lần, trước 16 giờ ngày thứ Sáu hàng tuần....

Đồng thời, Thông tư 87 cũng đã bổ sung phương án xử lý áp dụng đối với các cấp độ cảnh báo để quản lý chặt chẽ hơn nữa rủi ro hệ thống; cũng như quy định chi tiết hơn mức độ đáp ứng (các cấp độ cảnh báo) khác nhau cho từng đối tượng CTCK trên cơ sở xem xét tính phức tạp cũng như rủi ro mà CTCK gây ra cho hệ thống.

Theo đó, ngoài việc quy định chi tiết hơn về các mức độ cảnh báo (cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt), Thông tư mới đã bổ sung thêm nhiều quy định về trách nhiệm của các bên liên quan.

Chu Thái

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,900

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn