Học gì ở chương trình phổ thông mới?

29/07/2017 13:59 PM

Bộ GD-ĐT vừa thông qua Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó quy định rõ số môn học, thời lượng học tập ở từng cấp học.

Bộ GD-ĐT cho biết đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Chương trình mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn.

Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

Tiểu học thêm hoạt động trải nghiệm

Các môn ở cấp tiểu học (xem đồ họa). Nội dung môn học giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô đun); nội dung hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các môn học tự chọn ở cấp học này gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

THCS: Các môn học đều tích hợp nội dung hướng nghiệp

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (xem đồ họa). Mỗi môn học công nghệ, tin học, giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học công nghệ, tin học, khoa học tự nhiên, nghệ thuật, giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục ở cấp THCS được quy định mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường THCS đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Học sinh THPT có thể học môn tự chọn tại trường khác

Cấp THPT được xem là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Ở cấp học này, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (xem đồ họa).

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn. Trong đó, nhóm môn khoa học xã hội: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn khoa học tự nhiên: vật lý, hóa học, sinh học. Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: công nghệ, tin học, nghệ thuật. Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ở mỗi lớp 10, 11 và 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.

Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục, mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Có thể sẽ lùi thời gian thực hiện 1 năm

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ, Ban Soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, có chất lượng để đảm bảo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đều đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cân nhắc, xem xét kỹ việc có thể lùi thời gian thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới lại 1 năm, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 để có thời gian chuẩn bị tốt hơn.

Chưa chính thức đề cập bỏ thi tốt nghiệp THPT

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: So với dự thảo công bố hôm 12.4, chương trình có một số thay đổi về tên, thời lượng dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục và quy định về công nhận tốt nghiệp THPT. Những vấn đề căn bản như quan điểm xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, định hướng về nội dung giáo dục, hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch dạy học không thay đổi. Theo GS Thuyết, những thay đổi nói trên là kết quả tiếp thu ý kiến của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, các chuyên gia trong nước, tư vấn quốc tế, các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các tầng lớp nhân dân.

Về phương thức công nhận tốt nghiệp THPT, dự thảo công bố ngày 21.4 quy định:“Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT”. Còn trong chương trình chính thức, nội dung này được chuyển xuống phần "Điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông".

Xung quanh thay đổi này, GS Nguyễn Minh Thuyết lý giải: Hội đồng thẩm định cho rằng luật Giáo dục hiện hành vẫn đang quy định phải thi tốt nghiệp. Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng đề cập đến việc đổi mới cách thi và đánh giá, nhưng chưa bỏ từ “thi”. Do đó, nếu quy định ngay trong chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ không phù hợp với luật và nghị quyết. Tiếp thu ý kiến hội đồng thẩm định, ban soạn thảo đã bổ sung nội dung "thi tốt nghiệp, tuyển sinh các lớp đầu cấp, tuyển sinh ĐH" vào phần "Điều kiện thực hiện chương trình", coi đó như một điều kiện hỗ trợ việc thực hiện chương trình.

 

Tuệ Nguyễn

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,746

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn