09/12/2011 09:15 AM

-- Chỉ sau thời gian ngắn thí điểm thuê tổng giám đốc, cả hai tổng công ty nhà nước lớn đều quay trở lại với chế độ bổ nhiệm do những bất cập của mô hình mới - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nói tại hội nghị 10 năm đổi mới DNNN ngày 8/12.

Thí điểm mô hình thuê tổng giám đốc ở DN 100% vốn nhà nước từng được xem là một ý tưởng mới trong quản trị DN. Năm 2005, Thủ tướng đã ra quyết định giao một số bộ thí điểm ký hợp đồng thuê tổng giám đốc tại 5 tổng công ty lớn.

Ngay sau đó, 5 tổng công ty này đã sớm hoàn thành đề án thí điểm trình Thủ tướng và có hai DN tiến hành thuê. Đó là Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam và Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện.

"Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả hai DN này đều quay trở lại chế độ bổ nhiệm và như vậy, đến nay chưa đơn vị nào thực hiện chủ trương này", Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định.

Theo ông Huân, ý tưởng này chưa thành công chủ yếu do cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm viên chức quản lý DNNN vẫn bị ràng buộc bởi nhiều quy định của công chức, viên chức nhà nước. Các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng, bổ nhiệm, thẩm quyền trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế độ trách nhiệm vẫn chưa đủ cụ thể để gắn với sản xuất, kinh doanh và cơ chế thị trường.

Mặt khác, việc chưa thực sự tách bạch được thẩm quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm của viên chức quản lý với hội đồng quản trị dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Trên thực tế không phân định được trách nhiệm rõ ràng khi DN hoạt động kém hiệu quả, hoặc vai trò, quyền lợi khi DN làm ăn tốt.

Trong khi đó, cơ chế lương, thưởng chưa đổi mới nên vẫn thấp so với các chức danh tương đương trên thị trường nên không thu hút được người giỏi vào vị trí này.

Chuyện thí điểm thuê tổng giám đốc không được nhắc lại hoặc có thêm bất kỳ ý kiến thảo luận nào tại hội nghị hôm nay. Ảnh: LN

Tại hội nghị, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cũng nói rõ hơn câu chuyện thử nghiệm thuê tổng giám đốc tại các DN thuộc Bộ. Vừa qua, Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam và hai DN nhỏ là công ty Vận tải đa phương tiện và công ty xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư giao thông vận tải đã thí điểm mô hình này.

Nhưng chỉ sau hơn 9 tháng làm việc theo hợp đồng (cuối 2008 đến đầu 2009), Tổng giám đốc được thuê tại Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam đã đưa đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và được chấp thuận.

Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải chia sẻ, sự 'thất bại" này cho thấy nguyên nhân trước hết là sự chưa đồng bộ về hình thức lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Tổng giám đốc là người do hội đồng quản trị ký hợp đồng thuê, trong khi đó các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng do hội đồng quản trị bổ nhiệm, dẫn đến khó khăn cho tổng giám đốc khi chỉ đạo điều hành.

Mặt khác, mô hình này cũng bộc lộ mâu thuẫn trong quản lý. Tổng giám đốc chỉ là người ngoài được thuê về chứ không phải là thành viên hội đồng quản trị, trong khi phó tổng và kế toán trưởng lại là ủy viên. Vì thế rất dễ nảy sinh vướng mắc trong quá trình triển khai nghị quyết của toàn thể hội đồng.

Chế độ lương, thưởng cũng bộc lộ nhiều bất cập. Tổng giám đốc được hưởng lương, thưởng và các phụ cấp khác theo hợp đồng. Trong khi đó, các cán bộ lãnh đạo trong tổng công ty hưởng lương theo quy định nhà nước, thấp hơn rất nhiều so với tổng giám đốc, dễ dàng nảy sinh tâm lý so sánh, ỷ lại.

Trong quá trình thí điểm vẫn chưa thực sự làm rõ được mối quan hệ giữa sự điều hành của tổng giám đốc được thuê và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng cũng như sự tham gia của công đoàn khi giải quyết chính sách, chế độ.

"Thực tế tổng giám đốc được thuê vẫn phải tuân thủ theo các quy định, chuẩn mực như tổng giám đốc được bổ nhiệm", lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải kết luận.

Từ những ví dụ trên, chuyện thí điểm thuê tổng giám đốc không được nhắc lại hoặc có thêm bất kỳ ý kiến thảo luận nào tại hội nghị hôm nay.

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,353

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn