Lực lượng QLTT Hải Phòng tiến hành tiêu hủy hàng giả, hàng nhái |
Hàng giả vẫn …“sống khỏe”!
Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hải Phòng vừa tổ chức tiêu hủy 16 mặt hàng giả, hàng vi phạm SHTT, hàng kém chất lượng và hàng nhập lậu. Trong đó, có 1.207 chai mỹ phẩm các loại, 626 loại đồ chơi Trung Quốc, 6.449 đĩa hình các loại, 120 kg nhãn mác hàng hóa vi phạm, 415 bao thuốc lá, 12 thùng bia Trung Quốc, 30 kg xà phòng tắm, 25 kg bàn chải đánh răng...không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Bình Minh- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng- cho biết, thị trường hàng hóa trong nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đã xuất hiện thêm nhiều loại hàng giả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, các loại mỹ phẩm, phụ tùng xe máy... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và sức khỏe người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, thị trường hàng giả bị “nội địa hóa” bằng cách nhập lậu vào Việt Nam, sau đó tiêu thụ công khai dưới dạng linh kiện, bán thành phẩm qua hình thức gia công lắp ráp, gắn bao bì nhãn mác mới.
Đại diện Thanh tra Sở KH&CN Hải Phòng cũng cho biết, người tiêu dùng trên địa bàn chấp nhận sử dụng hàng hiệu nổi tiếng với giá “ngất ngưởng” hơn là tiêu thụ hàng chính hãng rõ nguồn. Hơn nữa, nhiều DN chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu, còn coi việc chống hàng giả là của cơ quan chức năng nên đã tạo điều kiện cho hàng giả xuất hiện ồ ạt, “ăn theo” những thương hiệu, sản phẩm chất lượng, nổi tiếng….
Vướng vì …chờ nghị định
Vấn nạn hàng giả đang tung hoành nhưng theo các nhà sản xuất chính hãng và cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý không dễ dàng gì. Lực lượng QLTT Hải Phòng cho biết, khó khăn nhất trong quá trình chống hàng giả hiện nay là khâu giám định. Ví như, để giám định mỹ phẩm dưỡng da Olay, lực lượng chức năng phải nhờ đến các chuyên viên Unilever; để thẩm định mặt hàng phân bón giả cũng cần sự tư vấn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Phòng...
Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện lại không thể giám định được vì hàng hoá có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hoá không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam….
Trong quá trình giám định, ngay cả những chuyên gia, tư vấn viên của các dòng sản phẩm chính hãng cũng không khỏi giật mình trước thủ đoạn làm giả, làm nhái quá tinh vi và khôn khéo hiện nay. Lực lượng chức năng còn “vật vã” mới phát hiện được đâu là thật giả, chứng tỏ người tiêu dùng khó tránh khỏi cảnh “lập lờ đánh lận con đen”.
Cũng theo ông Minh, hiện cơ sở cho việc xác định để xử lý vi phạm về hành chính và hình sự chưa thống nhất, đồng bộ.Bên cạnh đó, việc xử lý hàng hóa vi phạm nhãn mãng, sở hữu còn trong tình trạng “cắt khúc” nên dẫn đến hiệu quả xử lý không đủ sức mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm.
Hiện nay tại Hải Phòng, Thanh tra công nghệ xử lý vi phạm hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, còn Chi cục QLTT thì xử lý vi phạm phát hiện trong quá trình lưu thông hàng hóa, khiến cho cơ chế thực thi còn nhiều khó khăn, kém hiệu qủa nên việc xử lý những vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT vẫn ở trong tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”…
Ông Nguyễn Bình Minh- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng: “Các chế tài xử lý hàng giả quy định ở rất nhiều văn bản, có khi còn chồng chéo lẫn nhau; trong khi Nghị định xử lý vi phạm hành chính về hàng giả mới đang dự thảo lần thứ 3, thiếu những quy định cụ thể và chi tiết về giám định SHTT, sở hữu công nghiệp… Trong khi đó, các chế tài xử phạt còn quá nhẹ, mỗi lần phát hiện sai phạm chỉ phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm của các đối tượng là rất lớn”. |
Phương Thanh