Chủ tịch Hà Nội: Thi công chức thủ đô có thể phải ‘cam kết có chỗ ở’

20/03/2017 07:47 AM

Ông Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đang xem xét mở rộng diện thí sinh được thi tuyển công chức, viên chức theo hướng không cần hộ khẩu Hà Nội nhưng phải “cam kết có chỗ ở và phương tiện đi lại”.

Ngày 19/3, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với thanh niên về học tập, khởi nghiệp và việc làm.

Trước ý kiến của một sinh viên ĐH Luật Hà Nội rằng trong Luật Thủ đô có chính sách chiêu mộ nhân tài, tuy nhiên lại có quy định chặt chẽ về hộ khẩu gây khó khăn với sinh viên muốn thi vào công thức, Chủ tịch Hà Nội UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đang trọng dụng, tuyển đặc cách với thủ khoa, tiến sỹ và người tốt nghiệp đại học, sau đại học bằng giỏi ở nước ngoài. Những trường hợp trên không cần hộ khẩu Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc ngày 19/3. Ảnh: Võ Hải.

Ông Chung cho hay, quá trình tuyển dụng công chức viên chức không quy định hộ khẩu Hà Nội. Tuy nhiên mấy năm qua, do nhu cầu ứng tuyển vào ngành giáo dục thủ đô quá lớn, nên Sở Nội vụ thành phố vụ đề xuất hạn chế tuyển dụng ngoài hộ khẩu Hà Nội.

Theo ông Chung, năm 2017 thành phố có thể nghiên cứu mở rộng diện thi tuyển ngoài hộ khẩu thành phố để thu hút nhân lực chất lượng cao. “Thành phố chưa quyết định chính thức việc mở rộng diện thi tuyển. Tuy nhiên, người lao động phải cam kết có chỗ ở, có phương tiện”, ông Chung nói.

Cho rằng sinh viên rất thiếu kiến thức thực hành xã hội, Kiều Linh, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề nghị các bộ, ban ngành nên tạo điều kiện cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp được thực tập đây và tạo cơ hội để các em có thể làm việc tại những cơ quan này. Phản hồi ý kiến trên, Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Hà Nội Phạm Quang Thanh cho rằng, kiến thức được trang bị ở trường rất hạn chế. Vì thế sinh viên lĩnh hội kiến thức ngoài thực tế và “cố gắng đi nước ngoài một lần trong thời sinh viên”, chỉ cần đi 2-3 ngày thì suy nghĩ đã rất khác.

Nhiều học sinh, sinh viên và doanh nhân trẻ nêu ý kiến với đại biểu Quốc hội và lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Võ Hải.

Là cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông cho rằng kiến thức ở trường tạo nền tảng về kiến thức, tư duy để sinh viên sử dụng như một công cụ để sau này ứng dụng vào thực tế.

“Phải nói thẳng thắn khoảng 80% kiến thức chúng ta học trong trường nhiều khi đi làm không áp dụng được", ông nói và đánh giá "nếu làm trái ngành trái nghề thì 100% kiến thức chẳng dùng được”.

Ông Phạm Quang Thanh chia sẻ với học sinh, sinh viên về việc học tập. Ảnh: Võ Hải.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, thành phố là nơi tập trung 119 trường đại học, cao đẳng với trên 2 triệu học sinh, sinh viên, đây là lợi thế lớn của thủ đô. Những năm qua, thành phố đã tuyển dụng được hàng nghìn công chức, viên chức từ nguồn lực chất lượng trên.

Với 200.000 doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội, ông cho rằng vẫn là con số "rất nhỏ bé, vẫn để trống thị trường cho các doanh nghiệp nước khác". Thành phố hy vọng lớn vào đội ngũ sinh viên có thể trở thành hạt nhân trong hình thành doanh nghiệp, tạo động lực cho quá trình phát triển.

Trưởng đoàn Quốc hội thành phố cho biết, Hà Nội đã có vườn ươm khoa học công nghệ ở Hoà Lạc. Các ý tưởng của học sinh, sinh viên sẽ được hội đồng khoa học đánh giá xem có trở thành hiện thực hay cần nghiên cứu thêm hoặc kết nối các trường đại học để có nguồn lực giúp đỡ.

“Chúng ta đều biết 90% ý tưởng không thành hiện thực nhưng nếu có hội đồng thì có thể nâng đỡ 10% còn lại đi vào hiện thực, 10% này là đáng quý và có thể làm thay đổi thế giới”, ông Hải nói.

Võ Hải

Theo VnExpress

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,176

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn