Nhiều điểm mới trong quy định miễn thuế theo định mức

04/10/2016 17:26 PM

Trên cơ sở quy định tại Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 , Nghị định 134/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã dành 6 điều để quy định cụ thể các trường hợp miễn thuế theo định mức. Về cơ bản các quy định của các trường hợp miễn thuế theo định mức trên cơ sở kế thừa quy định pháp luật hiện hành đang thực hiện ổn định. Tuy nhiên, Nghị định 134 cũng có nhiều thay đổi về đối tượng cũng như cách tính để được miễn thuế.

Theo quy định mới tại Nghị định 134 thì tài sản di chuyển là ô tô, xe máy không được miễn thuế

Bỏ định mức miễn thuế vật dụng sinh hoạt với đối tượng ngoại giao

Về miễn thuế đối với hàng hóa XK, NK của tổ chức quốc tế và thành viên tổ chức quốc tế được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ, theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế Liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc, Cơ quan đại diện của các tổ chức phi Chính phủ và thành viên của cơ quan của các tổ chức này và được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với tổ chức quốc tế đó. Theo quy định hiện hành về danh mục và định lượng các vật dụng được NK, XK, tạm nhập, tái xuất hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam được quy định cụ thể. Tuy nhiên, qua rà soát của Bộ Tài chính về các mặt hàng được miễn thuế có định lượng khá lớn; đồng thời việc quy định định mức đối với các vật dụng sinh hoạt khác như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa do việc quy định định mức này không cần thiết và không còn phù hợp với thực tế hiện nay, trong nước đã sản xuất được, NK chủ yếu từ các nước trong khối ASEAN được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt rất thấp là 0-5%.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Nghị định 134 đã bỏ quy định định mức miễn thuế đối với các vật dụng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa; chỉ quy định định mức miễn thuế đối với các mặt hàng có thuế Tiêu thụ đặc biệt như ô tô, xe gắn máy, rượu, bia và thuốc lá; đồng thời để phù hợp với quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc miễn thuế tại Luật thuế XK, thuế NK 2016, tại Điều 5 Nghị định 134 đã bãi bỏ quy định cho phép tạm NK miễn thuế mặt hàng ô tô, xe máy vượt định lượng (theo quy định hiện hành thì cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được tạm NK miễn thuế mặt hàng ô tô, xe máy vượt định lượng nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép).

Về định mức miễn thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy; rượu, bia, thuốc lá quy định cụ thể tại Phụ lục I, II, III đính kèm Nghị định 134 trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành có liên quan. Đối với các hàng hóa nằm ngoài danh mục hàng hóa áp dụng định mức miễn thuế, kế thừa quy định hiện hành về cho phép các đối tượng là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc được NK miễn thuế trên cơ sở xác nhận của Bộ Ngoại giao, ngoài ra bổ sung cơ sở để xác định dựa trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hành lý nhập cảnh: 90 ngày mới được miễn thuế 1 lần

Để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt về phân loại nồng độ rượu, tại Điều 6 Nghị định 134 đã điều chỉnh lại cách phân loại nồng độ rượu đối với nhóm hàng hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh theo loại dưới 20 độ và trên 20 độ.

Vì vậy, để phù hợp với thông lệ của nhiều nước trong khu vực, tại Điều 6 Nghị định 134 điều chỉnh định mức miễn thuế đối với rượu và xì gà như sau: “Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3 lít”; “Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu”. Đồng thời, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể các đối tượng xuất nhập cảnh thường xuyên như người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ trên các chuyến bay quốc tế; người điều khiển tàu hỏa và nhân viên phục vụ trên tàu hỏa liên vận quốc tế… không được hưởng định mức hành lý miễn thuế cho từng lần nhập cảnh mà cứ 90 ngày được miễn thuế 1 lần.

Tài sản di chuyển là ô tô, xe máy không được miễn thuế

Theo Quyết định 31/QĐ-TTg ban hành ngày 4-8-2015 quy định miễn thuế đối với tài sản di chuyển là một ô tô, xe máy đã qua sử dụng cho đối tượng là công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề đến công tác, làm việc tại Việt Nam từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, theo Bộ Tài chính, một số cá nhân đã lợi dụng chính sách ưu đãi này để miễn thuế NK các dòng xe hạng sang từ nước ngoài để bán và tiêu thụ cho các cá nhân, tổ chức trong nước; đã có hơn 1.000 xe ô tô NK dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương, trong đó chưa đến 100 xe được đăng ký lưu hành dưới tên của Việt kiều, số còn lại hầu hết sau khi NK đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam (theo phản ánh của một số Chi cục Hải quan gần đây, NK xe ô tô là tài sản di chuyển tiếp tục có dấu hiệu lợi dụng vì các xe ô tô NK thường có giá trị cao, năm sản xuất mới như loại xe Porsche, Bentley, BMW, Lexus …). Hiện nay, chính sách đăng ký thường trú tại Việt Nam khá thuận lợi, do vậy Việt kiều có thể đăng ký thường trú tại Việt Nam, song thực tế không cần định cư hoặc sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, tại Điều 7 Nghị định 134 Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bỏ quy định miễn thuế đối với 1 ô tô, xe máy là tài sản di chuyển của các đối tượng trên. Đồng thời, bổ sung quy định về thời gian cư trú hoặc làm việc tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, phù hợp với quy định của pháp luật lao động về việc cấp giấy phép lao động có thời hạn lao động từ 12 tháng trở lên.

Quà biếu, quà tặng miễn thuế không quá 4 lần/năm

Để hạn chế việc lợi dụng chính sách, Điều 8 Nghị định 134 đã quy định cụ thể về định mức miễn thuế chung áp dụng đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam; quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có trị giá hải quan không vượt quá 2 triệu đồng hoặc có trị giá hải quan trên 2 triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 200 nghìn đồng và khống chế số lần để được miễn thuế không quá 4 lần/năm;

Đối với đối tượng là cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách và quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện, Nghị định quy định định mức miễn thuế không vượt quá 30 triệu đồng và không chế số tiền được miễn thuế là không quá 4 lần/năm (phù hợp với định mức quy định tại Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg).

Trường hợp vượt định mức miễn thuế, Bộ Tài chính xem xét giải quyết miễn thuế từng trường hợp cụ thể là tổ chức, cơ quan được ngân sách Nhà nước cấp phát kinh phí hoạt động. Nghị định cũng quy định quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài là thuốc, thiết bị y tế cho cá nhân là người bị bệnh hiểm nghèo hoặc người bị thiên tai, tai nạn có trị giá hải quan không vượt quá 10 triệu đồng được miễn thuế NK. Để có cơ sở miễn thuế đối với trường hợp này, Nghị định đã quy định cụ thể Danh mục bệnh hiểm nghèo để làm căn cứ cho việc thực hiện trên cơ sở kế thừa Danh mục bệnh hiểm nghèo hiện đang được Bộ Tài chính công bố để làm căn cứ cho việc thực hiện chính sách thuế Thu nhập cá nhân.

Thu Trang

Theo Báo Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,316

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn