Đề xuất quy định mới về kinh doanh rượu

17/08/2016 08:24 AM

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu nhằm thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP .

Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 94/2012/NĐ-CP, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên cả nước đã cơ bản được tổ chức ổn định, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu đề ra; chất lượng sản phẩm rượu từng bước được nâng cao, mẫu mã, nhãn mác rượu ngày càng phong phú; tình trạng rượu nhập lậu, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường được hạn chế; tổ chức mạng lưới kinh doanh rượu bao gồm phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu dần được hoàn thiện và đi vào nề nếp; sản xuất rượu thủ công đã được quản lý chặt chẽ hơn, các làng nghề sản xuất rượu đã dần đi vào hoạt động tập trung và quy củ hơn, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm được quan tâm hơn.

Việc cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu cơ bản đã thực hiện theo quy định, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp và thương nhân phân phối, bán buôn sản phẩm rượu đang hoạt động đều đã được cấp giấy phép. Thẩm quyền cấp phép được quy định cụ thể và phân cấp rõ ràng. Đến nay, Bộ Công Thương đã cấp được 16 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có công suất từ 3 triệu lít/năm trở lên và 204 Giấy phép phân phối sản phẩm rượu; Sở Công Thương các tỉnh đã cấp được khoảng 151 Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp công suất dưới 3 triệu lít/năm và khoảng 1.100 Giấy phép bán buôn sản phẩm rượu (bao gồm cả Giấy phép đã cấp theo Nghị định 40/2008/NĐ-CP); Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng quận/huyện đã cấp được khoảng 599 Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và 13.774 Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua đánh giá tình hình thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 94/2014/NĐ-CP cũng cho thấy một số tồn tại, vướng mắc, bất cập. Cụ thể, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương là quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động (chỉ khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ) do các khó khăn, vướng mắc sau: (i) Hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có quy mô nhỏ, sản lượng ít, sản xuất chủ yếu là để lấy phụ phẩm chăn nuôi nên không thực hiện việc cấp phép. Một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như không có Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP... Ngoài ra, quy định rượu là sản phẩm phải được công bố hợp quy nhưng hiện nay chưa có đủ các quy chuẩn kỹ thuật cho tất cả các loại rượu trên thị trường nên cũng gây khó khăn cho việc cấp phép; (ii) Các thương nhân bán lẻ thường là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán rượu kèm với các loại tạp hóa khác nên không đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký cấp giấy phép bán lẻ rượu; (iii) Thủ tục cấp giấy phép còn phức tạp, phí và lệ phí cấp phép cao dẫn đến tâm lý e ngại.

Việc áp dụng nguyên tắc xác định số lượng tuyệt đối thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu trên cơ sở quy mô dân số theo quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP có thể dẫn tới tình trạng một bộ phận thương nhân đã đủ điều kiện được cấp phép, nghiêm túc tuân thủ pháp luật và đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả sẽ không được tiếp tục tham gia thị trường khi số lượng giấy phép được xác định theo nguyên tắc nêu trên đạt tới giới hạn quy định. Đặc biệt, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tình trạng cấp phép bán buôn rượu hiện nay hết sức căng thẳng do số lượng giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu được xem xét, cấp cho thương nhân bảo đảm các yêu cầu quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP đã đạt, gần đạt tới hoặc vượt số lượng cho phép (Hà Nội đã cấp 70/70 giấy phép; thành phố Hồ Chí Minh đã cấp 67/78 giấy phép; Đà Nẵng đã cấp 25 giấy phép theo Nghị định số 40/2008/NĐ-CP đã vượt số lượng tối đa theo quy định Nghị định 94/2012/NĐ-CP).

Vẫn còn tồn tại tình trạng rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường...

Vì vậy, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định về kinh doanh rượu thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 48 điều. Bên cạnh những quy định chung, Bộ Công Thương đã đề xuất những quy định cụ thể về sản xuất rượu công nghiệp; sản xuất rượu thủ công; phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ; nhập khẩu rượu...

Tuệ Văn

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,403

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn