Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 50.
Khó đếm bao lần hoãn
Ông Thông trình bày, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.
Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ.
Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình, ông Thông báo cáo.
Như vậy, khó có thể tính được cho đến nay dự án Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn, giãn bao nhiêu lần.
Và khi nào Quốc hội mới trả được nhân dân “món nợ” này vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời.
Đợi một dự luật quan trọng
Liên quan đến dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật năm 2016, ông Thông cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình của năm nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ cần sớm ban hành dự án luật này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay hồ sơ về dự án luật này chưa có, nên không thể đưa vào chương trình trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 như đề nghị của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trình bày, dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ khắc phục được sự chồng chéo trong đầu tư kinh doanh với nhiều luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai....
"Từ kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại cuộc gặp với Thủ tướng ngày 29/4, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp soạn thảo, đến nay dự thảo luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định và hy vọng tháng Bảy này Chính phủ sẽ thông qua và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay theo quy trình một kỳ họp", ông Đông nói thêm.
Cho biết là đến nay chưa có thông tin gì về dự án luật nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu “phản biện” các ý kiến tại cuộc gặp với Thủ tướng không có vấn đề gì lớn liên quan đến thể chế, thậm chí có vài ý kiến chỉ ca ngợi Chính phủ.
Ông Giàu cũng trích dẫn nhiều kiến nghị được VCCI tập hợp, chủ yếu nói các vấn đề cụ thể chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính. Vì thế Chủ nhiệm Giàu đề nghị cân nhắc thật kỹ các vấn đề đặt ra tại dự án luật không nên đặt vấn đề quá gấp rút.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông trần tình là do được giao nhiệm vụ quá khẩn nên chưa trao đổi được với các uỷ ban chức năng của Quốc hội, trong đó có Uỷ ban Kinh tế.
Nhưng, ông Đông vẫn đề nghị đưa dự án luật nói trên vào chương trình của năm nay vì đây thực sự là nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp, của cuộc sống.
Chính phủ không tự nghĩ ra việc mà đề xuất dựa trên quá trình rà soát khoa học, bài bản. Hiện có 12 luật có những điểm chồng chéo nhau, nếu sửa được thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả nền kinh tế này, ông Đông thuyết phục.
Thứ trưởng Đông cũng hứa ngay sau hôm nay sẽ làm việc với các uỷ ban liên quan của Quốc hội để làm rõ sự cần thiết phải ban hành dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.
Nhấn mạnh là quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ mùng 1/7 năm nay, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói bà chưa thấy có trường hợp nào luật mới có hiệu lực 10 ngày lại sửa. Bà nói rõ là bà không đồng ý, nếu đồng ý thì là hồ đồ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chính phủ mới có Nghị quyết 35 nhưng chưa có hồ sơ trình dự án luật nói trên và Uỷ ban Kinh tế cũng chưa biết gì cả.Vì thế chưa có cơ sở để chưa vào chương trình.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14.
51 dự án luật
Chuyển sang dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã nhận được đề nghị 51 dự án luật cụ thể. Và số lượng này được cho là nhiều so với khả năng thực hiện.
Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chỉ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định, thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nguyên Vũ
Theo Vneconomy