Dự họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể.
Giải quyết nhanh yêu cầu bồi thường
Trình bày Báo cáo định hướng xây dựng luật, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết: Trên cơ sở rà soát Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) hiện hành với Hiến pháp 2013 và các đạo luật liên quan, dự kiến Luật TNBTCNN (sửa đổi) tập trung vào: Phạm vi TNBTCNN; thiệt hại được bồi thường; cơ quan bồi thường nhà nước; trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường; kinh phí bồi thường, thủ tục chi trả; trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật.
Theo đó, để tạo thuận lợi cho việc xác minh, thương lượng giá trị thiệt hại được bồi thường, nhất là những trường hợp khó xác minh thiệt hại hoặc người bị thiệt hại không thể cung cấp các tài liệu, chứng cứ thì cần quy định cụ thể mức cho một số thiệt hại được bồi thường. Tổ biên tập đề xuất cần quy định cụ thể mức cho một số thiệt hại được bồi thường, đồng thời quy định mức tối đa, tối thiểu làm cơ sở xác định thiệt hại được bồi thường.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bốn, Dự luật cũng bổ sung hình thức xin lỗi công khai đối với trường hợp công dân bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trái pháp luật. Để bảo đảm quyền được khôi phục danh dự của người dân, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thành phần tham gia việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai trong quá trình khôi phục danh dự.
Việc quy định cụ thể, rõ ràng trình tự, thủ tục này sẽ góp phần tránh tình trạng làm qua quýt, lấy lệ với hoạt động xin lỗi, cải chính công khai như một số trường hợp trong thời gian vừa qua.
Đáng chú ý, để việc giải quyết bồi thường thực chất, hiệu quả, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN cần được sửa đổi, bổ sung toàn diện, đặc biệt cải cách triệt để thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường của cơ quan bồi thường nhà nước, cụ thể, trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường.
Đồng thời, nhằm hạn chế những vướng mắc, bất cập về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành, định hướng xây dựng Luật Sửa đổi cũng nêu rõ các nguyên tắc cụ thể, trong đó giải quyết nhanh chóng, kịp thời việc yêu cầu bồi thường. Hạn chế tối đa chi phí trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại cũng như cho cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
Dự luật cần phù hợp Hiến pháp
Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đồng tình đầu mối cơ quan bồi thường về Bộ Tư pháp. “Bộ Tư pháp phải thay mặt Nhà nước đứng ra làm tất cả các thủ tục và hướng dẫn cho người dân thủ tục bồi thường, kể cả việc chi trả cho người được bồi thường”, ông Thể đề nghị. Ngoài ra, với điều kiện thực tế thu nhập của cán bộ, công chức thấp như hiện nay thì bồi hoàn là rất khó, vì vậy phải tính tỷ lệ hoàn trả sao cho hợp lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh lưu ý Dự luật cần đảm bảo phù hợp Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Ông Khánh cũng đồng tình việc có một quỹ bồi thường và thống nhất đầu mối cơ quan bồi thường tại Bộ Tư pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lưu ý, Luật cần dự liệu những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để có những quy định rõ ràng, cụ thể, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Trưởng ban soạn thảo yêu cầu Tổ biên tập tiếp tục chỉnh lý báo cáo định hướng để rõ nét hơn các vấn đề sửa đổi. Nên có đánh giá tác động sau khi Luật TNBTCNN đã làm chuyển biến ý thức công vụ của cán bộ, công chức như thế nào cũng như nhận diện những bất cập, hạn chế của luật tác động đến xã hội, trong đó có vấn đề về thủ tục bồi thường.
Về những định hướng lớn, Bộ trưởng nhấn mạnh cần làm rõ hơn các vấn đề: phạm vi điều chỉnh của Luật; xác định chủ thể bồi thường; thiệt hại bồi thường. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, làm sao khi có quyết định của cơ quan bồi thường là phải có tiền chi trả ngay. Việc hoàn trả phải tăng cường trách nhiệm nhưng bảo đảm cũng không làm “chùn tay” cán bộ, công chức. Trong một số lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng cũng nên có quy định miễn trừ. |
Thu Hằng
Theo Pháp luật Việt Nam