Tổng hợp văn bản nổi bật về bảo hiểm đầu tháng 01/2016

11/01/2016 11:16 AM

Từ ngày 01 – 10/01/2016, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật được nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực bảo hiểm. Cụ thể như sau:

1. Nghị định 01: Chức năng của BHXH Việt Nam

Ngày 05/01/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó:

- BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật.

- BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về BHXH, BHTN; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BHTN, BHYT.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/2/2016 và thay thế cho Nghị định 05/2014/NĐ-CP.

2. Nghị định 134: BHXH tự nguyện

Theo đó, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH theo Điều 79 của Luật BHXH được quy định như sau:

- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

- Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nêu trên được điều chỉnh như sau:

+ Thu nhập tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.

+ Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hằng năm và được xác định bằng công thức sau:

Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t bằng (=) Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100% chia cho (:) Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 2008 bằng 100%.

Trong đó:

- t: Là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh.

- Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1.

- Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này thì mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, trong đó thu nhập tháng đã đóng BHXH theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nhận mức điều chỉnh bằng 1.

- Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2016.

3. Thông tư 58: Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH 2016

Ngày 29/12/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng thực hiện theo Bảng 1 Điều 2 của Thông tư này.

- Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 2 Điều 3 của Thông tư này.

Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/2/2016.

Các quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01/1/2016.

4. Thông tư 59: Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

- Từ 01/01/2016 đến 31/12/2017: là mức lương và phụ cấp lương theo Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Phụ cấp lương nhằm bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Bao gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

- Từ 01/01/2018 trở đi: là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47.

Thông tư 59 có hiệu lực từ 15/2/2016.

Các chế độ quy định tại Thông tư này thực hiện từ ngày Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực.

Riêng người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng áp dụng Thông tư này từ 01/01/2018.

5. Quyết định 1559: Điều chỉnh thủ tục giao dịch điện tử về BHXH

Quyết định này sửa đổi Quyết định 528/QĐ-BHXH về giao dịch điện tử trong quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.

Theo đó, quy định về thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được điều chỉnh như sau:

- Đối với người chỉ tham gia BHYT: Do Ủy ban nhân dân cấp xã, trường học, Đại lý thu thực hiện.

- Đối với thủ tục đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện: Do Đại lý thu thực hiện.

- Đối với người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH; điều chỉnh chức danh nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995: đơn vị gửi hồ sơ giấy đến cơ quan BHXH thông qua dịch vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính có ký hợp đồng với cơ quan BHXH.

Quyết định 1559 có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2016.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,817

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn