09 chính sách Lao động – Tiền lương có hiệu lực từ tháng 12

01/12/2015 09:25 AM

Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin giới thiệu những chính sách mới về Lao động – Tiền lương bắt đầu có hiệu lực trong tháng 12/2015.

1. Quy định mới về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Từ ngày 01/12/2015, Quyết định 959/QĐ-BHXH  quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Quyết định đã quy định mới về mức tiền lương tháng đóng BHXH, theo đó đối với Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì mức tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong Hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

- Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định pháp luật về lao động;

- Từ 01/01/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật về lao động.

Quy định trước đây chỉ là đóng BHXH trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng ghi trên Hợp đồng lao động mà không quy định rõ đóng thêm các khoản phụ cấp lương hay khoản bổ sung khác.

Quyết định 959 thay thế Quyết định 1111/QĐ-BHXH   năm 2011 và bãi bỏ Điều 1 Quyết định 1018/QĐ-BHXH  năm 2014.

2. Hướng dẫn chế độ với lao động dôi dư tại công ty MTV Nhà nước

Theo Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH  về chính sách với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên (MTV) Nhà nước, tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ quy định như sau:

Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 05 năm cuối cùng trước khi nghỉ việc theo Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 63/2015/NĐ-CP  được tính như sau:

Thông tư 44/2015/TT-BLĐTBXH

Trong đó:

TLbq5  là tiền lương bình quân 05 năm cuối trước khi nghỉ việc.

TLi là tiền lương tháng thứ i được xác định như sau:

- Bằng hệ số lương cộng phụ cấp lương (nếu có) theo công việc hoặc chức danh được xếp theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP  hoặc Nghị định 204/2004/NĐ-CP  nhân với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với thời gian người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

- Là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đối với thời gian công ty sắp xếp lại chưa xây dựng thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

- Là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP  đối với thời gian người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Thông tư 44 có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

3. Hướng dẫn xếp lương viên chức giảng dạy đại học công lập

Theo Thông tư liên tịch 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV  thì nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập như sau:

- Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy quy định tại Thông tư liên tịch 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV  phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.

- Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;

Trừ trường hợp viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch này còn quy định chi tiết về cách xếp lương cùng ví dụ cụ thể để làm rõ vấn đề.

Theo Thông tư liên tịch 28 hiệu lực kể từ ngày 15/12/2015.

4. Hướng dẫn vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Từ ngày 31/12/2015, Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn Nghị định 61/2015/NĐ-CP  về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, hồ sơ vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với người lao động bao gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 28 Nghị định 61 được thực hiện theo Mẫu số 01a và Mẫu số 01b ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Việc làmđược hướng dẫn như sau:

+ Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân.

+ Đối với người khuyết tật là bản sao giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.

Các quy định về hồ sơ vay vốn có hiệu lực từ ngày 01/9/2015.

5. Thông tư 124/2015/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế đối với đối tượng làm việc trong Quân đội bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/12/2015.

Chế độ bồi thường, trợ cấp hướng dẫn trong Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2013.

Thông tư 14/2004/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với quân nhân, công chức, công nhân viên quốc phòng và lao động hợp đồng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

6. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Từ ngày 05/12/2015, Thông tư 38/2015/TT-BLĐTBXH quy định về cấp, quản lý việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, hồ sơ đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động đạt yêu cầu bao gồm:

- Văn bản đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề của tổ chức đánh giá kỹ năng nghề;

- Danh sách đề nghị công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người đạt yêu cầu kèm 01 ảnh màu nền trắng 3x4 cm;

- Quyết định công nhận kết quả đánh giá của ban giám khảo kèm theo bản tổng hợp kết quả điểm bài kiểm tra có ký tên xác nhận.

- Quyết định của người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề công nhận kết quả đánh giá của ban giám khảo có kèm theo bản tổng hợp kết quả điểm bài kiểm tra kiến thức, bài kiểm tra thực hành của người lao động.

7. Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành chăn nuôi và thú y

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 05/12/ 2015 và bãi bỏ:

- Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y tại Quyết định 417/TCCP-VC.

- Quy định về danh mục các ngạch viên chức chuyên ngành chẩn đoán bệnh động vật, kiểm nghiệm thuốc thú y tại Quyết định 78/2004/QĐ-BNVvề việc ban hành danh mục các ngạch công chức và các ngạch viên chức.

8. Thông tư liên tịch 38/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành kiểm nghiệm thủy sản (có hiệu lực từ ngày 05/12/2015).

9. Thông tư liên tịch 36/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 05/12/2015 và bãi bỏ:

- Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch bảo vệ thực vật, dự tính, dự báo bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm giống cây trồng quy định tại Quyết định 417/TCCP-VC.

- Quy định về danh mục các ngạch viên chức chuyên ngành dự báo bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm giống cây trồng tại Quyết định 78/2004/QĐ-BNV về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và các ngạch viên chức.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 58,060

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]