Sinh toàn con gái được cho tiền?

28/09/2015 10:17 AM

Dự thảo luật Dân số đang được lấy ý kiến, trong đó có quy định hỗ trợ gia đình sinh một bề con gái, gây nhiều tranh cãi.

sinh con gái

Luật pháp hiện hành quy định nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính… - Ảnh: Ngọc Thắng

Chỉ con trai mới báo hiếu... ?!

Theo dự thảo, “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.

Nhận định về quy định này, GS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, cho rằng: “Mất cân bằng giới tính khi sinh đang rất cần được kiểm soát, ngăn chặn, do đó Ban soạn thảo đã có ý tưởng đưa ra quy định như vậy nhằm khuyến khích, động viên các gia đình sinh con gái. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc này bởi nó càng khoét sâu thêm sự mất cân bằng giới, thậm chí có thể gia đình sinh toàn con trai sẽ không vui vì bị phân biệt về chế độ chính sách. Còn gia đình sinh con gái cũng chưa chắc đã mong muốn được hỗ trợ như vậy”.

Theo GS Cử, để bình đẳng giới thì mọi chế độ chính sách cần phù hợp và gắn với thực tế cuộc sống. “Không chỉ con trai mới báo hiếu được cha mẹ mà các con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. Khi gia đình họ “được” hỗ trợ chi phí phụng dưỡng có thể lại làm khơi sâu thêm về mất bình đẳng giới, họ cảm thấy bị coi thường, không đủ khả năng phụng dưỡng cha mẹ. Mà thực tế, chưa chắc cha mẹ có con trai được phụng dưỡng tốt hơn gia đình sinh toàn con gái”, ông Cử phân tích.

Một cán bộ dân số ở Hà Nội cho rằng chính sách này nên cân nhắc, bởi nó có thể tạo ra việc ỷ lại. “Nếu các cặp vợ chồng sinh con, phấn đấu, lao động tốt, có tích lũy, họ hoàn toàn có thể tự lo được khi cao tuổi. Bởi vậy, những nguồn trợ cấp nên dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, mong muốn được hỗ trợ chứ không nên nhắm đến các cặp vợ chồng cao tuổi sinh toàn con gái”, vị cán bộ này nói.

Nhận tiền rồi lại sinh con trai thì sao?

“Tôi cũng được biết, khi xây dựng dự thảo còn có ý kiến đề cập cho tiền khi cặp vợ chồng sinh con gái. Cá nhân tôi không đồng tình việc này bởi nó không hiệu quả nếu tâm lý họ vẫn khao khát con trai. Thậm chí gia đình được “thưởng” còn cảm thấy bị xúc phạm do đó là phần thưởng được hiểu là dành cho người yếu thế. Tôi biết, có địa phương đã có hình thức thưởng tiền, thưởng quạt cho các gia đình sinh con một bề gái, nhưng đó không phải là giải pháp hiệu quả cho việc ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh”, GS Cử thẳng thắn.

Một lãnh đạo của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng dự thảo quy định trên nhằm hướng đến mục đích tích cực là giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận cần có cách tiếp cận phù hợp từng vùng miền, từng thời điểm trên cơ sở có đánh giá cơ bản về hiệu quả của chính sách.

“Các cặp vợ chồng cao tuổi có con gái một bề được trợ cấp hay các cặp vợ chồng khi sinh con gái được cho tiền có thể họ vẫn nhận nhưng thực sự trong ý thức của họ vẫn “khát” con trai. Có thể với các vợ chồng trẻ, sau khi nhận tiền rồi, vài năm sau họ vẫn cố đẻ thêm con trai. Bởi vậy, giảm mất cân bằng giới tính vẫn phải là thay đổi được tư duy, làm sao để mỗi người đều thấy rằng, việc nuôi dạy con cái trưởng thành, khỏe mạnh, đạo đức tốt mới là cốt lõi, chứ không phải chỉ con trai mới có thể chăm sóc, hay thờ phụng. Với xã hội ngày càng phát triển, con gái và con trai hoàn toàn bình đẳng và có khả năng chăm sóc bố mẹ như nhau”, vị cán bộ này nói.

Mâu thuẫn với luật Bình đẳng giới

Theo luật sư Nông Thị Hồng Dung (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái đã mâu thuẫn với luật Bình đẳng giới. Theo luật sư Dung, điều 6 và 7 luật Bình đẳng giới năm 2011 đã quy định rất cụ thể: nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Như vậy, người chỉ có con gái hay con trai cũng đều phải được bình đẳng như nhau.

“Nếu quy định như vậy thì những người chỉ có toàn con trai cũng đòi quyền lợi thì sẽ giải thích như thế nào”, luật sư Dung đặt vấn đề và cho rằng dù tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề đối với người Á Đông nhưng điều đó không chứng minh được rằng người chỉ có con gái sẽ không có ai phụng dưỡng khi về già. Thực tế, theo tập quán của người miền Nam, khi về già, cha mẹ vẫn thường ở với con gái nhiều hơn là ở với con trai, con gái vẫn phụng dưỡng cha mẹ tốt như con trai. Ngược lại, những người có con trai cũng chưa hẳn đã chắc chắn sẽ được đảm bảo cuộc sống khi về già.

Hải Nam - Phan Thương

Liên Châu

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,289

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn