Quy định biện pháp điều tra đặc biệt: Còn tranh cãi

06/05/2015 08:26 AM

Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) xin ý kiến 10 bộ, ngành thì có đến chín bộ, ngành ủng hộ quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, chỉ riêng Bộ Công an phản đối.

Ngày 5-5, liên ngành Tư pháp - Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao và một số cơ quan liên quan đã họp cho ý kiến về việc quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi).

Hai phương án xin ý kiến

Trước đó, giữa tháng 4 VKSND Tối cao (cơ quan soạn thảo BLTTHS sửa đổi) đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc tập thể Chính phủ cho ý kiến hoặc ủy quyền cho bộ chức năng cho ý kiến bằng văn bản về việc này.

Theo văn bản trên, ban soạn thảo đề xuất hai phương án: Phương án thứ nhất quy định cụ thể các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) gồm: Theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử và sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật.

Phương án thứ hai là chỉ quy định trong dự thảo căn cứ, thẩm quyền, thời hạn áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và việc công nhận là chứng cứ đối với các kết quả có được do việc áp dụng các biện pháp này. Tên gọi cụ thể của các biện pháp và thủ tục tiến hành do Chính phủ quy định chi tiết.

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng…có thể áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt. Ảnh: QUANG ANH

Chỉ Bộ Công an phản đối

Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy cho hay Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đã xin ý kiến 10 bộ, ngành hữu quan. Kết quả là 9/10 bộ, ngành ủng hộ việc quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong BLTTHS, chỉ riêng Bộ Công an phản đối. Theo bà Thủy, việc quy định những biện pháp này trong BLTTHS (sửa đổi) không chỉ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà còn để bảo vệ chính các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, ông Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính-tư pháp, Bộ Công an) khẳng định Bộ Công an vẫn bảo lưu quan điểm không quy định vấn đề này vào BLTTHS (sửa đổi). Theo ông Quân, các biện pháp điều tra đặc biệt đã được quy định tại Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống khủng bố, Luật An ninh quốc gia… Để đối phó với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an phải sử dụng rất nhiều biện pháp, trong đó có những biện pháp tuyệt mật, tối mật. “Nếu quy định vài ba biện pháp trong này cũng không đủ, trong điều kiện hiện nay không thể đấu tranh với tội phạm được” - ông Quân nhấn mạnh.

Cần quy định rõ và chi tiết hơn

Việc dự thảo BLTTHS (sửa đổi) quy định năm biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể được áp dụng khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án, điều tra, truy tố đã khiến nhiều người cho rằng có sự lẫn lộn giữa điều tra tố tụng và tiền tố tụng.

“Điều tra tố tụng chỉ ở giai đoạn điều tra, không thể ở giai đoạn tiền tố tụng được. Nhiều nội dung quy định ở dự thảo là tiền tố tụng nhưng không được bổ sung tại điều luật quy định về chứng cứ thì làm sao coi là chứng cứ? Nếu vậy có phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hay không?” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ thắc mắc.

Bà Nguyễn Thị Thủy lý giải: Một trong những điểm đáng chú ý của lần sửa đổi BLTTHS này là làm rõ tố tụng bắt đầu khởi động từ khi có tin báo tố giác tội phạm và có bốn tháng để quyết định có khởi tố hay không khởi tố vụ án. “Giai đoạn này là tố tụng hình sự chứ không gọi là tiền tố tụng nữa” - bà Thủy nói.

Một số ý kiến khác băn khoăn quy định về các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như dự thảo quá rộng, có thể bị lạm dụng. Rồi xử lý hậu quả ra sao, có việc bồi thường thiệt hại hay không? Hay thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá hai tháng liệu có khả thi? Những thông tin, tài liệu thu thập được gửi cho viện trưởng VKS làm gì, để báo cáo hay để đưa vào hồ sơ?

Một số nội dung đáng chú ý

- Trường hợp áp dụng: Biện pháp điều tra đặc biệt có thể được áp dụng trong các trường hợp sau: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức; người tố giác, báo tin về tội phạm, bị hại đề nghị áp dụng đối với họ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm.

- Thẩm quyền áp dụng: Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án đang được thụ lý, điều tra ở cấp huyện, cấp khu vực thì thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực đề nghị thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định áp dụng…Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi tiến hành…

- Thời hạn áp dụng: Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt không quá hai tháng kể từ ngày phê chuẩn. Trong trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại BLTTHS…

- Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt: Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt phải được gửi cho viện trưởng VKS đã phê chuẩn trong thời gian áp dụng biện pháp này và có thể được dùng làm chứng cứ trong tố tụng hình sự. Trường hợp việc sử dụng chứng cứ ảnh hưởng đến an toàn của cá nhân liên quan hoặc có thể phát sinh hậu quả nghiêm trọng khác thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp bảo vệ đặc biệt hoặc không làm lộ thân phận của người có liên quan. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, không được dùng vào mục đích khác; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ việc, vụ án phải bị tiêu hủy kịp thời.

Nhiều nước đã quy định

Theo VKSND Tối cao, luật tố tụng hình sự nhiều nước như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Úc… đều đã quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt. Đó là các biện pháp theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; chặn và ghi âm các cuộc liên lạc viễn thông; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; khám bí mật chỗ ở; sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật; kiểm tra giấy tờ; lập chốt giả để kiểm tra giao thông…

ĐỨC MINH

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,585

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]