Hướng dẫn thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
02/08/2024 12:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung hướng dẫn thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024

Hướng dẫn thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024

Hướng dẫn thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024 (Hình từ internet)

Hướng dẫn thực hiện tập trung đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024

Căn cứ Điều 77 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung sau:

- Phương thức tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai 2024 đối với từng người sử dụng đất, từng diện tích đất;

- Thời gian thực hiện tập trung đất nông nghiệp;

- Tỷ lệ diện tích đất mà người sử dụng đất phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng để bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp;

- Phương án hoàn trả đất cho người sử dụng đất sau khi kết thúc việc tập trung đất nông nghiệp; việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung;

- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tham gia tập trung đất nông nghiệp đối với từng phương thức tập trung;

- Các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau:

- Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp;

- Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất;

- Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được tập trung;

- Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp;

- Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.

Trường hợp thời hạn sử dụng đất của thửa đất ít hơn thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất thì người sử dụng đất đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với thời hạn sử dụng đất của phương án sử dụng đất; đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.

Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc ký cấp Giấy chứng nhận trên cơ sở phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp; chuyển 01 bộ hồ sơ kèm theo 01 bản sao Giấy chứng nhận đã cấp đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Hướng dẫn thực hiện tích tụ đất nông nghiệp theo Nghị định 102/2024

Theo Điều 78 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua các phương thức sau đây:

(i) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp;

(ii) Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp;

(iii) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tổ chức kinh tế thực hiện tích tụ đất nông nghiệp thông qua phương thức quy định tại (i) và (iii) phải lập phương án sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai 2024 gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản chấp thuận, trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau khi phương án sử dụng đất nông nghiệp được phê duyệt, tổ chức kinh tế thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Trường hợp tổ chức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giải thể, phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 814

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn