Chống lừa đảo 02/12/2022 12:29 PM

Ghép ảnh nhạy cảm của người khác để đòi nợ bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
02/12/2022 12:29 PM

Cho tôi hỏi các đối tượng có hành vi ghép ảnh nhạy cảm của người khác để đòi nợ có thể bị xử lý thế nào? - Huyền Như (TP. HCM)

 

Ghép ảnh nhạy cảm của người khác để đòi nợ bị xử lý thế nào?

Ghép ảnh nhạy cảm của người khác để đòi nợ bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh 

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình như sau:

- Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

+ Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

+ Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

- Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định nêu trên thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 34, 38 Bộ luật Dân sự 2015 còn có quy định như sau:

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Ghép ảnh nhạy cảm của người khác để đòi nợ bị xử lý thế nào?

Dựa vào các quy định trên, hành vi cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. 

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người có hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.1 Xử phạt hành chính

Căn cứ điểm i khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào có hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

(Điểm a khoản 13, điểm b khoản 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Trong trường hợp có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội thì sẽ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi trên còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. 

(Điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)

2.2 Xử lý hình sự

Người có hành vi cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt như sau:

* Khung 1:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người thực hiện một trong các hành vi sau:

- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

* Khung 2:

Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người thực hiện hành vi quy định tại Khung 1 thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Đối với 02 người trở lên;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

- Đối với người đang thi hành công vụ;

- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

* Khung 3:

Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người thực hiện hành vi quy định tại Khung 1 thuộc một trong các trường hợp sau:

- Vì động cơ đê hèn;

- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm Tội vu khống còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, người có hành vi cắt ghép ảnh nhạy cảm, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tù lên đến 07 năm.

2.3 Trách nhiệm dân sự

Trường hợp hành vi cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền làm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân thì người có hành vi trên còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. 

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,599

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn