Biểu mẫu 23/08/2022 11:25 AM

Mẫu đơn khiếu nại đất đai và thủ tục khiếu nại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
23/08/2022 11:25 AM

Cho hỏi là tôi đang có vấn đề muốn khiếu nại về đất đai thì mẫu đơn khiếu nại đất đai thực hiện như thế nào? - Cẩm Xuyên (Bình Thuận)

Mẫu đơn khiếu nại đất đai và thủ tục cần biết

Mẫu đơn khiếu nại đất đai và thủ tục khiếu nại

1. Khiếu nại đất đai là gì?

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại 2011 quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại đất đai là việc đối tượng khiếu nại thực hiện việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính về lĩnh vực đất đai xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người khiếu nại đất đai:

Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Theo đó, người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, bao gồm:

- Tổ chức trong nước;

- Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);

- Cộng đồng dân cư;

- Cơ sở tôn giáo;

- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011; khoản 1 Điều 204, Điều 5 Luật Đất đai 2013)

2. Thời hạn, thời hiệu khiếu nại

2.1. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.

Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

Đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

(Điều 48 Luật Khiếu nại 2011)

2.2. Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại

Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

(Điều 50 Luật Khiếu nại 2011)

3. Hình thức khiếu nại

- Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.

- Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ:

+ Ngày, tháng, năm khiếu nại;

+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại; 

+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;

+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. 

Lưu ý: Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

- Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung vừa nêu trên.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Khiếu nại 2011)

4. Thủ tục khiếu nại đất đai lần đầu

Bước 1: Gửi yêu cầu khiếu nại

Người dân thuộc đối tượng khiếu nại điền đơn khiếu nại gửi cơ quan có thẩm quyền hoặc đến trực tiếp cơ quan thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại để thực hiện việc khiếu nại.

>> Tải Mẫu đơn khiếu nại đất đai

Mẫu đơn khiếu nại đất đai

>> Tải Mẫu đơn ủy quyền khiếu nại đất đai

Mẫu đơn ủy quyền khiếu nại đất đai

Bước 2: Tiếp nhận khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết;

Thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

(Điều 28 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại

- Trong thời hạn quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại 2011, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:

+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

+ Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

- Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức sau đây:

+ Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;

+ Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp;

+ Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Báo cáo kết quả xác minh gồm các nội dung sau đây:

+ Đối tượng xác minh;

+ Thời gian tiến hành xác minh;

+ Người tiến hành xác minh;

+ Nội dung xác minh;

+ Kết quả xác minh;

+ Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại.

(Điều 29 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 4: Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

(Khoản 1 Điều 30 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

- Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;

+ Nội dung khiếu nại;

+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Kết quả đối thoại (nếu có);

+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

+ Kết luận nội dung khiếu nại;

+ Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;

+ Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);

+ Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Lưu ý: Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.

(Điều 31 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 6: Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

(Điều 32 Luật Khiếu nại 2011)

5. Thủ tục khiếu nại đất đai lần 2

Bước 1: Nộp đơn khiếu nại

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

- Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.

(Điều 36 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại lần hai

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 Luật Khiếu nại 2011

(Điều 38 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 3: Tổ chức đối thoại lần hai

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại 2011.

(Điều 39 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

- Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

- Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;

+ Nội dung khiếu nại;

+ Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu;

+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Kết quả đối thoại;

+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

+ Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.

Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại.

Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;

+ Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có);

+ Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

(Điều 40 Luật Khiếu nại 2011)

Bước 5: Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.

(Điều 41 Luật Khiếu nại 2011)

>>> Xem thêm: Khiếu nại đất đai là gì? Điều kiện thực hiện quyền khiếu nại đất đai? Thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai được thực hiện thế nào?

Khi bị thu hồi đất mà không được đền bù có quyền khiếu nại không? Trình tự thủ tục tiến hành khiếu nại khi bị thu hồi đất mà không được đền bù?

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai là bao nhiêu lâu? Khiếu nại việc Tòa án chậm giải quyết vụ án như thế nào?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,449

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn