Dưới đây, là tổng hợp 06 bản án có nội dung về tranh chấp giữa các thành viên trong công ty, mời các bạn tham khảo:
1. Bản án 08/2021/KDTM-PT ngày 10/03/2021 về tranh chấp phần vốn góp giữa thành viên công ty và công ty
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “Ông T là thành viên của Công ty TNHH sản xuất gạch ngói TT (Công ty TT). Ngày 29/01/2018, ông T góp vốn vào Công ty với số tiền là 400.000.000 đồng tương đương 5% tổng vốn điều lệ, việc phân chia lợi nhuận được chia theo tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, từ ngày ông góp vốn vào Công ty cho đến nay, Công ty chưa lần nào họp thành viên góp vốn để bàn bạc, thông báo kết quả kinh doanh, ông có hỏi Giám đốc Công ty là ông Nguyễn XH sao không thấy chia lợi nhuận thì ông Hải hứa vào tháng 4 năm 2019 sẽ chia, nhưng quá thời gian này ông vẫn không thấy được chia. Ông thấy Công ty làm ăn không rõ ràng nên yêu cầu được rút vốn. Ngày 03/5/2019, giữa ông và Công ty lập biên bản thỏa thuận với nội dung Công ty TT hoàn trả lại cho ông 400.000.000 đồng vốn góp, mỗi tháng trả 40.000.000 đồng, thời gian 10 tháng tính từ ngày 15/5/2019 đến ngày 15/02/2020 là hết. Ngày 15/5/2019 Công ty đã trả cho ông 40.000.000 đồng và cũng từ đó cho đến nay Công ty không thực hiện hoàn trả tiền theo đúng như cam kết.”
2. Bản án 48/2018/KDTM-PT ngày 19/10/2018 về tranh chấp giữa thành viên công ty với người quản lý công ty
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung: “Ban kiểm soát của công ty đã ban hành quyết định về việc tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh của toàn công ty, bao gồm công ty S và các công ty trực thuộc là công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ L1 (công ty L1) và công ty TNHHMTV thương mại du lịch Sài Gòn (công ty TDS), thời gian kiểm tra 05 ngày làm việc từ ngày 14/12/2015 đến ngày 19/12/2015. Tuy nhiên khi Ban kiểm soát kiểm tra thì ông K không hợp tác, không có Ban kiểm soát và công ty tư vấn được thực hiện công việc theo quy định pháp luật. Ông K yêu cầu Ban kiểm soát chỉ được kiểm tra công ty L1 và công ty TDS, không được kiểm tra công ty S và không cho phép công ty TNHH kiểm toán V (công ty V) cùng thực hiện kiểm tra với Ban kiểm soát. Tính đến ngày khởi kiện đã hơn 20 ngày kể từ khi ra quyết định nhưng Ban kiểm soát vẫn không thực hiện được việc kiểm tra theo đúng kế hoạch. Ông Nguyễn Văn H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông K chấm dứt hành vi vi phạm, không được cản trở Ban kiểm soát thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của công ty S theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.”
3. Bản án 04/2021/KDTM-PT ngày 31/03/2021 về tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty góp vốn và hoạt động trong công ty
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Trích dẫn nội dung: “Công ty TNHH vận tải Phương H Y, có hai thành viên với số vốn đăng ký điều lệ là 08 tỷ đồng, gồm bà Trần Thị H là giám đốc Công ty góp 06 tỷ đồng chiến 75% vốn điều lệ của Công ty, còn ông góp 02 tỷ đồng chiến 25% vốn điều lệ của Công ty và thực tế ông đã góp vào Công ty được tổng số tiền là 850 triệu đồng, ngoài ra ông còn có 04 chiếc xe vận tải tham gia cùng Công ty để kinh doanh tuyến Y - Vĩnh Yên gồm có các xe: 89B - 01096; 89B -01014; 89B -01145; 89B - 01230. Kể từ khi thành lập đến trước ngày 02/6/2019 các thành viên của Công ty không có vấn đề gì, nhưng không hiểu vì lý do gì mà ngày 02/6/2019 bà Trần Thị Hòa là Giám đốc Công ty đã ra thông báo số 16/GDN - PHHY gửi Sở giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc, bến xe Y, bến xe Vĩnh Yên tạm ngừng hoạt động 04 chiếc xe ô tô trên, lý do xe vào xưởng sửa chữa, nhưng thực tế 04 chiếc xe ô tô trên của ông không bị hỏng hóc gì, ông đã có đơn đề nghị Sở giao thông vận tải tỉnh Y giải quyết và đã hòa giải giữa hai bên nhưng không thành. Ngay sau khi hòa giải bà Trần Thị H đã ban hành Giấy đề nghị ngừng hoạt động của phương tiện số 19/GDN-PHHY ngày 04/6/2019 ngừng hoạt động hẳn 04 chiếc xe trên của ông."
4. Bản án 18/2020/KDTM-PT ngày 23/06/2020 về tranh chấp giữa thành viên công ty và công ty
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “ông ty cho rằng bà H chưa góp đủ số vốn góp 10%, mới chỉ góp khoảng 2%; bà H cho rằng đã góp vốn với tỷ lệ 7%. Như vậy, giữa Công ty và bà H chưa thỏa thuận thống nhất về số vốn góp của bà H vào Công ty. Tuy nhiên, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H và yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty H không có nội dung yêu cầu giải quyết tranh chấp về xác định giá trị phần vốn góp vào Công ty. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết yêu cầu của bà H buộc Công ty thực hiện thỏa thuận tại biên bản số 46/2012/BBH-Cty ngày 16/4/2012 và thụ lý yêu cầu phản tố của Công ty H buộc bà H thanh toán cho Công ty số tiền nợ vay 2.436.727.500đồng là tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty liên quan đến hoạt động của Công ty theo qui định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật tố tụng Dân sự."
5. Bản án 05/2018/KDTM-PT ngày 12/03/2018 về tranh chấp giữa thành viên của công ty với công ty
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “Ngày 22/3/2017 Công ty cổ phần O (viết tắt là CTCP O) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (viết tắt là ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Công ty cổ phần đầu tư V (viết tắt là Công ty V) là cổ đông sở hữu 144.890 cổ phần (tương đương 30,45% vốn Điều lệ) của Công ty cổ phần O, nhận thấy việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ có một số sai phạm …Tại Đại hội, đại diện theo ủy quyền của Công ty V (ông Ngô Đức V) đã cảnh báo về việc các cổ đông nếu không ký tên vào các phiếu biểu quyết thì sẽ có tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong việc tráo đổi phiếu biểu quyết “không ký tên thì làm sao biết được ai đã ký thật” và đi ngược với quy chế biếu quyết tại Đại hội. Tuy nhiên ông Lê Thanh V vẫn khẳng định không ký tên cũng không sao.”
6. Bản án 124/2018/KDTM-PT ngày 22/08/2018 về tranh chấp giữa các thành viên của công ty phần vốn góp và yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vô hiệu
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “Quá trình sản xuất đến hết tháng 6/2016, do Nhà máy dăm gỗ kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên các thành viên góp vốn đã họp yêu cầu ông D thôi làm Giám đốc để cho ông H làm Giám đốc, ông D không đồng ý nên các thành viên đã thống nhất dừng sản xuất để tìm cách giải quyết. Sau khi dừng sản xuất được một thời gian, không được sự đồng ý của các thành viên Công ty nhưng ông D vẫn tự ý tháo dỡ máy móc, phá tường rào, giữ dấu Công ty tự ký và đóng dấu vào các văn bản.”