03/08/2023 16:14

Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán bị xử lý thế nào?

Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán bị xử lý thế nào?

Xin hỏi theo pháp luật hình sự hiện hành thì mức phạt tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán được quy định như thế nào? - Hải Nhi (Hải Phòng).

Chào chị, ban biên tập giải đáp như sau: 

1. Tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán bao gồm những gì? 

Theo Khoản 24 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 3 Điều 48 Luật Chứng khoán 2019 thì tổ chức phát hành nộp hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch. Tổ chức tư vấn niêm yết, đăng ký giao dịch, tổ chức kiểm toán, người ký báo cáo kiểm toán và bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ niêm yết đăng ký giao dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi liên quan đến hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch.

Ngoài ra, theo Điều 18 Luật Chứng khoán 2019 thì quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:

* Hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;

- Bản cáo bạch;

- Điều lệ của tổ chức phát hành;

- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

- Văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019;

- Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;

- Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;

- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;

- Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

* Hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng;

- Tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều này và văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019;

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019;

- Báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được kiểm toán trong 02 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, trừ trường hợp báo cáo tài chính được kiểm toán đã có thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất.

* Hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng;

- Tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Chứng khoán 2019 và văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019;

- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng và văn bản cam kết niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

- Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

- Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019;

- Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;

- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;

- Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

* Hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng bao gồm:

- Giấy đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng;

- Tài liệu quy định tại các điểm b, c, g và h khoản 1, điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Chứng khoán và văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019;

- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

- Cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;

- Các tài liệu khác liên quan đến việc chuyển đổi thành cổ phiếu;

- Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

- Hồ sơ đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng bao gồm:

+ Giấy đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng;

+ Bản cáo bạch;

+ Dự thảo Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;

+ Hợp đồng nguyên tắc về việc giám sát giữa ngân hàng giám sát và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; hợp đồng nguyên tắc về việc phân phối; hợp đồng nguyên tắc ký với các tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan (nếu có);

+ Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).

2. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán theo quy định Bộ luật Hình sự

Căn cứ quy định tại Điều 212 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán sẽ cấu thành khi thỏa mãn các điều kiện sau:

- Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là hành vi tạo lập giả các tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính.

Khách thể của tội phạm: Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán xâm phạm các quy định của nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

- Mặt khách quan của tội phạm: Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán được thực hiện bằng hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán. Làm giả tài liệu là hành vi tạo lập, in ấn, phát hành những tài liệu một các giả tạo, không có thực, không phải là do tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hành trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm nếu thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán là người từ đủ 16 tuổi trở lên  và có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán được thực hiện với lỗi cố ý. 

3. Khung hình phạt đối với cá nhân phạm tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

Khung 1: Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp sau: 

- Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thu lợi bất chính từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng

Khung 2: Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp: 

- Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;

- Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

- Có tổ chức;

- Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, thì người phạm tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Nhựt Tân
572

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn