Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Về bản chất, công ty đại chúng chính là công ty cổ phần. Tuy nhiên, ngoài các yêu cầu cơ bản về công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp, thì công ty đại chúng cần đáp ứng thêm một số điều kiện đặc biệt đã quy định tại Luật Chứng khoán.
Dưới đây, là một số tiêu chí giúp phân biệt công ty cổ phần và công ty đại chúng:
Tiêu chí | Công ty cổ phần | Công ty đại chúng |
Khái niệm | Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: - Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; - Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; - Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; - Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020 (Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020) | Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây: - Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; - Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Doanh nghiệp 2020. (Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019) |
Chi phí duy trì công ty | Thông thường chi phí quản lý công ty cổ phần thường ít hơn so với công ty đại chúng | Chi phí quản lý công ty đại chúng nhiều hơn công ty cổ phần vì có cơ cấu tổ chức, quản lý phức tạp hơn và thường có nhiều cổ đông hơn. Ngoài ra, công ty đại chúng còn phải chịu chi phí để đáp ứng yêu cầu về lập báo cáo tài chính và công bố thông tin. |
Số lượng cổ đông | Số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa (điểm b, khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020) | Thông thường có trên 100 cổ đông. Không hạn chế số lượng tối đa. |
Nghĩa vụ công bố thông tin | Chủ yếu có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ về hoạt động cho cơ quan cấp phép là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thuế, Cơ quan lao động và Cơ quan thống kê. | Có nghĩa vụ công bố thông tin cho Sở kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thuế, Cơ quan lao động, Cơ quan thống kê và công khai cho cả công chúng, Sở giao dịch chứng khoán nơi công ty đại chúng niêm yết. |
Cơ quan quản lý doanh nghiệp | Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tiếp nhận quản lý, thực hiện các thủ tục đăng ký, sáp nhập, chia tách, giải thể… của các công ty cổ phần thông thường. | Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban chứng khoán nhà nước là các cơ quan thực hiện việc quản lý hoạt động và thực hiện thực hiện các thủ tục đăng ký, sáp nhập, chia tách, giải thể… của các công ty cổ phần thông thường phù hợp với chứng năng và nhiệm vụ của từng cơ quan. |
Tư cách pháp nhân | Công ty cổ phần và công ty đại chúng đều có tư cách pháp nhân | |
Trách nhiệm của chủ sở hữu công ty | Chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với phần vốn góp và cổ phần đã góp đủ. | |
Khả năng huy động vốn | - Đều được phép vay vốn ngân hàng - Đều được phép phát hành bất kỳ loại trái phiếu nào (bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi) - Đều được phép phát hành cổ phiếu - Đều được phép phát hành các loại chứng khoán khác. |
Trân trọng!