Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động là hồ sơ quản lý các yếu tố có hại trong điều kiện và môi trường lao động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, đồng thời thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp và giúp nâng cao khả năng lao động cho người lao động.
Các yếu tố có hại này có thể bao gồm:
- Nguyên liệu, chất liệu, sản phẩm và công nghệ sử dụng trong quá trình sản xuất, gia công hoặc làm việc.
- Các yếu tố vật lý như ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất và phản ứng hóa học.
- Các yếu tố sinh học như vi khuẩn, nấm, vi rút và các tác nhân gây bệnh khác.
- Các yếu tố cơ khí như máy móc, thiết bị, công cụ và vật dụng lao động.
- Các yếu tố tâm lý và tình trạng công việc như căng thẳng, áp lực, làm việc vượt giờ, chế độ làm việc, và khả năng giao tiếp.
Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
Mẫu hồ sơ vệ sinh môi trường lao động mới nhất năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/hs-ve-sinh-moi-truong.doc
Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động được cập nhật và bổ sung trong các trường hợp sau: (Khoản 4 Điều 35 Nghị định 44/2016/NĐ-CP)
- Có thay đổi về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất hoặc khi thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở lao động mà có nguy cơ phát sinh yếu tố nguy hại mới đối với sức khỏe người lao động;
- Tổ chức quan trắc môi trường lao động đề xuất bổ sung khi thực hiện quan trắc môi trường lao động;
- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Khi cần lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động thì các công việc để tiến hành lập hồ sơ như sau:
- Khảo sát tình hình hoạt động, quy mô sản xuất và tình trạng môi trường tại cơ sở.
- Thống kê máy móc, trang thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.
- Thống kê lượng lao động tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.
- Xác định, đưa ra biện pháp xử lý các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động của dự án.
- Phân tích mẫu khí xung quanh trong và ngoài khu vực sản xuất, mẫu khí thải tại nguồn.
- Trình nộp hồ sơ vệ sinh lao động lên cơ quan chức năng phê duyệt.
Và hồ sơ vệ sinh môi trường lao động sẽ bao gồm:
- Lập và cập nhật hồ sơ vệ sinh môi trường lao động theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
- Thực hiện quan trắc môi trường lao động (đo kiểm môi trường lao động) theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
- Báo cáo về y tế lao động theo Thông tư 19/2016/TT–BYT.
Ngoài ra, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, nhà xưởng và các tổ chức có sử dụng lao động phải thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động. Và việc lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động cần được thực hiện định kỳ 1 lần/năm để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao đồng.
Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động như sau:
Vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy mức phạt người sử dụng có hành vi không lập hồ sơ vệ sinh môi trường đối với các yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp thì:
Đối với người sử dụng lao động là cá nhân thì mức phạt tiền từ 500.000 đồng tới 1.000.000 đồng.
Đối với người lao động là tổ chức thù mức phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Trân trọng!