23/10/2023 18:34

Quy chuẩn về công trình quản lý chất thải rắn và Nhà vệ sinh công cộng

Quy chuẩn về công trình quản lý chất thải rắn và Nhà vệ sinh công cộng

Tôi muốn tìm quy chuẩn kĩ thuật Việt Nam quy định về các công trình quản lý chất thải rắn và Nhà vệ sinh công cộng. Ánh Nguyệt – An Giang.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Yêu cầu chung

Tại QCVN 07-9:2016/BXD yêu cầu chung về công trình quản lý chất thải rắn và Nhà vệ sinh công cộng cụ thể:

- Công trình quản lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nhà vệ sinh công cộng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các công trình quản lý chất thải rắn, nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo các yêu cầu bền vững, ổn định và các yêu cầu về vệ sinh môi trường trong suốt thời hạn sử dụng (tuổi thọ) theo quy định pháp luật hiện hành.

- Khoảng cách an toàn về môi trường của trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn và bùn thải tuân thủ theo QCXDVN 01:2008/BXD.

Yêu cầu về bảo trì, sửa chữa

Công trình và hạng mục công trình quản lý chất thải rắn, nhà vệ sinh công cộng phải được bảo trì, sửa chữa định kỳ trong suốt thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo chức năng sử dụng theo thiết kế.

2. Quy chuẩn về công trình quản lý chất thải rắn

Tại QCVN 07-9:2016/BXD quy định về công trình quản lý chất thải rắn như sau:

Công trình quản lý chất thải rắn bao gồm: các trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn và bùn thải (tái chế, đốt, chôn lấp hoặc các loại hình công nghệ xử lý khác).

Quy định kỹ thuật đối với trạm trung chuyển chất thải rắn

- Trạm trung chuyển chất thải rắn bao gồm:

+ Mái, tường chắn;

+ Hạ tầng kỹ thuật: sân bãi, đường nội bộ, chỗ rửa xe, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải;

+ Khu vực phân loại, lưu giữ vật liệu tái chế;

+ Khu nhà điều hành, phòng hành chính và các công trình phụ trợ khác.

- Trạm trung chuyển chất thải rắn phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống cháy, nổ; thu gom và xử lý nước thải; khử mùi.

Cơ sở xử lý chất thải rắn theo công nghệ sinh học

- Công nghệ sinh học được áp dụng đối với chất thải rắn hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học.

- Quy mô của cơ sở xử lý chất thải rắn theo công nghệ sinh học được xác định bởi khối lượng và tỷ lệ thành phần hữu cơ trong chất thải. Các loại công nghệ sinh học được áp dụng trong xử lý chất thải rắn bao gồm:

+ Ủ sinh học với cấp khí tự nhiên hoặc cưỡng bức, chế biến chất thải rắn thành phân vi sinh;

+ Ủ sinh học yếm khí hoặc kỵ khí chế biến chất thải rắn thành phân vi sinh hoặc chuyển hóa thành khí sinh học;

+ Ủ sinh học, chế biến chất thải rắn thành nhiên liệu đốt.

- Các khu chức năng chủ yếu:

+ Khu điều hành: văn phòng, kho, phòng hóa nghiệm, phòng khách, khu vệ sinh;

+ Khu xử lý: xưởng cơ điện, nhà tập kết rác thô, thiết bị cắt, nghiền, phân loại, đảo trộn, lên men, ủ chín, tinh chế mùn, đóng bao, kho chứa các sản phẩm thu hồi hoặc tái chế từ chất thải rắn;

+ Hạ tầng kỹ thuật: cổng, hàng rào, đường, sân, bãi đỗ xe, cầu rửa xe, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải và nước rỉ rác, chiếu sáng, cây xanh, mặt nước, tiểu cảnh;

+ Tỷ lệ sử dụng đất trong cơ sở xử lý chất thải rắn theo công nghệ sinh học được xác định theo Bảng 1.

TT

Loại hình - hạng mục

Tỷ lệ diện tích đất
(%)

I

Cơ sở tái chế chất thải rắn

100

I.1

Khu chứa + phân loại chất thải rắn trước khi tái chế.

Tối đa 40

I.2

Khu tái chế chất thải rắn

Tối đa 20

I.3

Khu điều hành

Tối đa 15

I.4

Đất giao thông

Tối thiểu 10

I.5

Đất cây xanh, mặt nước

Tối thiểu 15

 Bảng 1. Tỷ lệ sử dụng đất trong cơ sở xử lý chất thải rắn

3. Quy chuẩn về Nhà vệ sinh công cộng

Tại QCVN 07-9:2016/BXD quy định quy chuẩn kĩ thuật Nhà vệ sinh công cộng như sau:

- Yêu cầu đối với nhà vệ sinh công cộng

+ Nhà vệ sinh công cộng phải phù hợp với cảnh quan chung của khu vực;

+ Chiều cao thông thủy của nhà vệ sinh công cộng tối thiểu 2,4 m. Tỷ lệ diện tích của các cửa sổ so với diện tích sàn xây dựng của nhà vệ sinh công cộng trên mặt đất không được nhỏ hơn 1:8 để đảm bảo thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên;

+ Vật liệu và kết cấu nhà phải đảm bảo yêu cầu về độ bền, ổn định trong quá trình vận hành, sử dụng. Sàn, tường nhà phải được thiết kế bằng loại vật liệu chống thấm nước, sàn chống trơn trượt, thuận tiện cho công tác vệ sinh;

+ Nhà vệ sinh công cộng phải có trang thiết bị chiếu sáng, thông gió, vệ sinh (xí, tiểu, bồn rửa), hệ thống cấp nước, thu gom nước thải và bể tự hoại trước khi được nối ra hệ thống thoát nước bên ngoài công trình;

+ Nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo yêu cầu của QCVN 10:2014/BXD.

- Yêu cầu đối với nhà vệ sinh công cộng di động

+ Vật liệu và kết cấu nhà phải đảm bảo độ bền, ổn định, an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng và thuận tiện cho việc vận chuyển trên đường;

+ Buồng vệ sinh: chiều cao thông thuỷ không nhỏ hơn 2,1 m, kích thước thông thuỷ trên mặt bằng không nhỏ hơn 1,0 m;

+ Phải có đầy đủ trang thiết bị vệ sinh, thông gió, chiếu sáng đảm bảo yêu cầu sử dụng, vệ sinh môi trường.

+ Đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo yêu cầu của QCVN 10:2014/BXD.

- Quản lý bùn cặn từ nhà vệ sinh công cộng

Chu kỳ thông hút, thu gom phân bùn từ các bể tự hoại nhà vệ sinh công cộng không quá 01 năm. Bùn cặn từ nhà vệ sinh công cộng phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
970

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn