Căn cứ tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội lừa dối khách hàng và Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:
(1) Tội lừa dối khách hàng
Căn cứ tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 quy định lừa dối khách hàng là việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính.
Theo đó, tội lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong họat động mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng các thủ đoạn như cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác nhằm thu lợi bất chính nhưng không hẳn chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
(2) Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi sử dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối có chủ đích sử dụng các hình thức và thủ đoạn gian dối làm người có tài sản tin tưởng và tự nguyện giao tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Như vây, điểm khác biệt lớn nhất giữa tội lừa dối khách hàng và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nếu hành vi gian dối chỉ nhằm thu lợi bất chính trong giao dịch mua bán hoặc cung cấp dịch vụ thì cấu thành tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, nếu hành vi gian dối đó khiến người bị hại tin tưởng và tự nguyện giao tài sản thì hành vi đó chuyển sang thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì có yếu tố chiếm đoạt rõ ràng.
Gian dối khi thực hiện hợp đồng dịch vụ: Lừa đảo hay lừa dối khách hàng? (Hình từ Internet)
Tham khảo Bản án 13/2024/HS-ST ngày 29/3/2024 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử với nội dung như sau:
Tóm tắt nội dung vụ án:
Trần Ngọc H, sinh năm 1971, tại tỉnh Tuyên Quang, là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản S (viết tắt là Công ty S), hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, mua bán bất động sản và cung cấp dịch vụ thay khách hàng thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh T.
Trong quá trình điều hành hoạt động Công ty S, từ năm 2021 đến năm 2023, H đã ký 189 Hợp đồng dịch vụ nhận thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất… tại các cơ quan, ngoài phần chi phí dịch vụ mà khách hàng phải trả cho Công ty S theo thoả thuận đã ký kết trong Hợp đồng (trong đó H cố tình liệt kê một số thủ tục hành chính không phải thực hiện nhằm làm tăng chi phí dịch vụ mà khách hàng phải trả cho Công ty S); đồng thời khi khách hàng ủy quyền cho Công ty S nộp các khoản thuế, phí theo quy định, thì H tự tính toán và nêu chung chung tổng số tiền thuế, phí mà khách hàng phải nộp (không nêu cụ thể từng mục phải nộp theo quy định của Nhà nước) nhằm thu của khách hàng số tiền nhiều hơn thực tế và chiếm đoạt.
Trong số 189 hợp đồng dịch vụ mà Công ty S đã ký kết với khách hàng, có 29 khách hàng do không nắm rõ các thủ tục hành chính về đất đai cũng như các khoản thuế, phí phải nộp khi thực hiện các thủ tục này. Tổng số tiền H chỉ đạo thu của 29 khách hàng (29 hợp đồng) là 516.500.000 đồng, trong đó tiền phí dịch vụ Công ty S được hưởng theo thoả thuận và hạch toán vào chứng từ kế toán là 141.500.000 đồng; còn 375.000.000 đồng là số tiền mà H tự tính toán, yêu cầu khách hàng phải chuyển cho H để uỷ quyền cho Công ty S nộp các khoản thuế, phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và H chỉ sử dụng 106.383.173 đồng để nộp các khoản thuế, phí theo quy định, còn lại 268.616.827 đồng nhưng H không thông báo, không trả lại cho khách hàng mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết.
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định:
Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Bị cáo Trần Ngọc H đã nhiều lần có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng thủ đoạn gian dối; tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại trên 50.000.000 đồng; hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp của người khách hàng. Do vậy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T truy tố bị cáo Trần Ngọc H về tội “Lừa dối khách hàng” theo điểm d khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 là có căn cứ, cần chấp nhận.
Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Trần Ngọc H thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nhiều lần và của nhiều người nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Trần Ngọc H đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại; một số bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Tuyên bố bị cáo Trần Ngọc H phạm tội “Lừa dối khách hàng” Xử phạt bị cáo Trần Ngọc H hình phạt tiền mức phạt 150.000.000đ.
Thời hạn chấp hành án phạt tiền tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Bình luận bản án:
Trong bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Ngọc H bị truy tố và tuyên phạt về tội “Lừa dối khách hàng” theo điểm d khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt là 150.000.000 đồng tiền phạt. Cụ thể:
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
...
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
...
Trong vụ án, hành vi của bị cáo Trần Ngọc H không chỉ tính phí dịch vụ cao hơn thực tế mà còn cố ý gian dối khi tự ý tính toán, không minh bạch số tiền thuế, phí mà khách hàng phải nộp, từ đó, chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Hành vi này là gian dối trong cung ứng dịch vụ, gây thiệt hại thực tế về tài sản cho khách hàng do đó cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
Việc lập hợp đồng dịch vụ hợp pháp nhưng lợi dụng sự tin tưởng và sự thiếu hiểu biết của khách hàng để thực hiện hành vi gian dối cho thấy bản chất hành vi này là lừa đảo có tính toán. Tuy nhiên, bị cáo Trần Ngọc H không có sử dụng hình thức hoặc thủ đoạn gian dối như việc làm giả con dấu tài liệu hoặc giấy tờ; mà có sự tính toán, gian dối trong quá trình thực hiện hợp đồng, điều này là phù hợp để định tội “Lừa dối khách hàng” thay vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Bản án sơ thẩm đã nhận định rõ bản chất hành vi phạm tội, xác định đúng tội danh, đồng thời áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một cách hợp lý.