26/11/2022 14:53

Tội lừa dối khách hàng theo quy định pháp luật và các bản án liên quan

Tội lừa dối khách hàng theo quy định pháp luật và các bản án liên quan

"Tôi muốn hỏi về mức phạt đối với tội lừa dối khách hàng? Xin cảm ơn!" _ Thanh Hoa (Huế)

 

Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:

1. Tội lừa dối khách hàng là gì?

Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể hiểu lừa dối khách hàng là việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán để thu lợi bất chính.

>>Xem thêm: 

Hành vi lừa dối khách hàng trong kinh doanh sẽ bị xử phạt thế nào?

Phân biệt Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lừa dối khách hàng

2. Mức phạt đối với tội lừa dối khách hàng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người có hành vi lừa dối khách hàng nếu đủ các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định trên thì người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phải chịu mức án đến 5 năm tù tuỳ tính chất và mức độ hành vi phạm tội, cụ thể:

Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trường hợp hành vi lừa dối khách hàng chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể:  

“Điều 61. Hành vi vi phạm khác trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:

a) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;

b) Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;

c) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;

d) Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;

đ) Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;

e) Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;

g) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không giải trình hoặc giải trình không đúng thời hạn hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;

b) Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 trong các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”

3. Các bản án về tội lừa dối khách hàng

3.1 Bản án về tội lừa dối khách hàng số 77/2022/HS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

- Trích dẫn nội dung: “Đầu năm 2021, Phạm Công H về Nghệ An chơi thì gặp N (không rõ nhân thân, lai lịch). Sau đó cả hai bàn bạc và thỏa thuận với nhau về việc N sẽ lập trang Facebook chuyên mua bán sắt thép để tìm khách hàng. Khi khách hàng đặt mua thì N sẽ điện thoại báo số lượng sắt thép để H bán cho khách. Đồng thời cả hai thỏa thuận khi có khách hàng mua sắt thép thì sẽ xuất thiếu số lượng sắt thép mà khách đã đặt, khi giao sắt thép cho khách sẽ dùng thủ đoạn gian dối trong việc đếm số lượng sắt (một cây sắt tính thành hai cây) nhằm thu lợi. H đã kể lại kế hoạch trên cho Trần Văn H1 và rủ H1 cùng tham gia thì H1 đồng ý. H phân công cho H1 trực tiếp khảo sát địa điểm và đếm số lượng sắt thép bàn giao cho khách hàng.”

3.2 Bản án 173/2020/HS-ST ngày 01/09/2020 về tội lừa dối khách hàng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

- Trích dẫn nội dung: “Từ ngày 10/11/2017 đến ngày 16/11/2017, Nguyễn Đình N, Nguyễn Lập P và Lê Bá L đã cùng thực hiện hành vi gian dối trong việc cân bán sắt phế liệu, P lén lút gắn chíp điện tử vào hệ thống cân tại xưởng chế biến nguyên liệu Công ty AHT và sử dụng công tắc điều khiển làm tăng trọng lượng sắt khi cân bán cho Công ty AHT nặng hơn thực tế là 113.970 kg, với tổng giá trị là 780.694.500 đồng, đã thu lợi bất chính số tiền 667.875.000 đồng. Bị cáo Nguyễn Lập P cùng với Nguyễn Đình N và Lê Bá L cùng thực hiện hành vi phạm tội, trong đó N là người đóng vai trò khởi xướng, rủ rê. P và L là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, N và P thực hiện việc phạm tội với vai trò tích cực hơn L.”

Nguyễn Sáng
26101

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn