25/11/2023 15:35

Có bắt buộc tham gia bảo hiểm thân thể theo quy định pháp luật?

Có bắt buộc tham gia bảo hiểm thân thể theo quy định pháp luật?

Chào ban tư vấn, tôi nghe nói các nhân viên bảo hiểm tư vấn về bảo hiểm thân thể nói rằng phải tham gia loại bảo hiểm này, vậy theo quy định pháp luật tôi có bắt buộc tham gia bảo hiểm thân thể không? Văn Hài - Đồng Nai

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau: 

1.Thế nào là bảo hiểm thân thể? 

Bảo hiểm thân thể là loại hình bảo hiểm giúp bảo vệ người tham gia trước những tai nạn hay bệnh tật bất ngờ xảy ra mà không lường trước được, Bảo hiểm thân thể thường được áp dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng, từ người lao động, đến học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức ..vv .

Xét về bản chất thì bảo hiểm thân thể là một loại bảo hiểm nhân thọ. Theo khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 định nghĩa bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

Cũng theo đó tại khoản 27 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có định nghĩa sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm ... phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm "

Như vậy, bảo hiểm thân thể là một loại hình bảo hiểm do các tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp cho khách hàng và sẽ chi trả tiền cho khách hàng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. 

2. Có bắt buộc tham gia bảo hiểm thân thể theo quy định pháp luật không?

Bảo hiểm thân thể là một trong các loại bảo hiểm mà nhiều người quan tâm, vậy loại bảo hiểm này có bắt buộc người lao động phải tham gia theo quy định pháp luật không?

Dưới đây là một số loại bảo hiểm mà người lao động bắt buộc tham gia.

Thứ nhất, bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì " Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia" , điều đó có nghĩa, bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm bắt buộc người lao động phải tham gia. Theo đó Người lao động phải đóng hằng tháng thường là 8% tiền lương của mình vào quỹ hữu trí và tử tuất, người sử dụng lao động thì đóng trên cơ sở quỹ tiền lương của người lao động.

Thứ hai, bảo hiểm y tế

tại Khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định:

1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện 

Bên cạnh đó Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì một trong các đối tượng của Luật Bảo hiểm y tế là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động). Như vậy, bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm thứ hai mà người lao động bắt buộc phải tham gia theo quy định pháp luật.

Thứ ba, bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 định nghĩa bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó các đối tượng buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp đó là người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm. Điều đó có nghĩa, bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm thứ ba mà người lao động phải tham gia.

Thứ tư, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại Điều 2 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì các đối tượng sau đây phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người thử việc, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, gười sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện nay chỉ có 04 loại bảo hiểm mà pháp luật bắt buộc người lao động phải tham gia, bao gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với bảo hiểm thân thể là một loại hình bảo hiểm nhân thọ, do tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp, và việc tham gia là trên cơ sở tự nguyện của người lao động.

Nguyễn Ngọc Diện
3807

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn