22/07/2023 14:51

Chuyển, nhập và tách vụ án hành chính trong trường hợp nào?

Chuyển, nhập và tách vụ án hành chính trong trường hợp nào?

Tôi muốn hỏi chuyển hồ sơ vụ án hành chính cho tòa án khác trong trường hợp nào? Nhập hoặc tách vụ án hành chính cần điều kiện gì? Minh Luân_Lâm Đồng

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chuyển vụ án hành chính cho Tòa án khác trong trường hợp nào?

Theo Điều 34 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về chuyển vụ án hành chính cho Tòa án khác, giải quyết theo thẩm quyền trong các trường hợp sau:

- Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án xác định vụ án đó không phải là vụ án hành chính mà là vụ án dân sự và việc giải quyết vụ án này thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án giải quyết vụ án đó theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng dân sự quy định, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý, đồng thời thông báo cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Tòa án phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.

- Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính mà xác định vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Luật tố tụng hành chính 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

- Khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính mà xác định vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 Luật tố tụng hành chính 2015 thì Tòa án xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

- Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị quyết định quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 34 Luật tố tụng hành chính 2015 trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ án hành chính phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và được gửi ngay cho đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị.

Như vậy, chuyển vụ án hành chính cho Tòa án khác khi có căn cứ xác định trong quá trình giải quyết vụ án không thuộc vụ án hành chính; Đồng thời, trước và sau khi đưa vụ án ra xét xử nếu có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Tòa án có thể đưa ra quyết định đình chỉ vụ án, hủy bản án, hoặc chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.

2. Trường hợp nhập hoặc tách vụ án hành chính

Trường hợp nhập hoặc tách vụ án hành chính được quy định tại Điều 35 Luật tố tụng hành chính 2015 cụ thể:

Nhập vụ án hành chính

Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính;

+ Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án hành chính phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.

Tách vụ án hành chính

+ Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án hành chính khác nhau để giải quyết trong trường hợp quyết định hành chính bị khởi kiện liên quan đến nhiều người khởi kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau.

Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Luật tố tụng hành chính 2015, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

Như vậy, nhập vụ án hành chính khi người khởi kiện khởi kiện cùng một nơi và cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do cùng một cơ quan ban hành. Đối với trường hợp tách vụ án hành chính thì các vụ án có yêu cầu khác nhau, quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện không liên quan với nhau.

Hứa Lê Huy
2580

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]