18/01/2023 14:20

Tội không chấp hành án theo quy định của Bộ luật Hình sự

Tội không chấp hành án theo quy định của Bộ luật Hình sự

“Tôi muốn hỏi về tội không chấp hành án và yếu tố cấu thành tội này được quy định như thế nào?_Quốc Bảo(Bình Dương)”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chấp hành án? Tội không chấp hành án là gì?

Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Luật thi hành án hình sự 2019 về người chấp hành án như sau:

“Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.

Như vậy có thể hiểu chấp hành án là việc người bị kết án phải chấp hành theo quyết định của bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội không chấp hành án như sau:

“Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

2. Các yếu tố cấu thành tội không chấp hành án

2.1. Về Khách thể của tội phạm

- Là hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của người được thi hành án.

- Đối tượng tác động của tội phạm này là các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, gồm các bản án: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính và các quyết định khác của Tòa án.

2.2. Về chủ thể của tội phạm

- Là những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, như: bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, các vụ án kinh tế, hành chính, lao động.

2.3. Về mặt khách quan của tội phạm

- Là hành vi tuy có điều kiện nhưng không chấp hành án (không hành động), có thể hiểu là không làm một việc nhưng có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Như vậy, quá trình tiến hành tố tụng phải thu thập chứng cứ chứng minh việc người đó phải thi hành án.

- Đối với tội Không chấp hành án, pháp luật quy định một dấu hiệu bắt buộc đó là “đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết” như: quyết định kê biên tài sản, niêm phong tài sản… hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành án.

- Lưu ý, nếu hành vi không chấp hành án còn chống người thi hành công vụ hoặc gây thương tích, làm chết người hoặc gây mất trật tự trị an, xã hội… thì ngoài xử lý về tội Không chấp hành án có thể bị xử lý về các tội phạm khác.

2.4. Về mặt chủ quan của tội phạm

- Do cố ý, điều này thể hiện ngay trong điều luật đó là đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật mà vẫn không chấp hành. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

3. Khung hình phạt tội không chấp hành án

Theo khoản 1, 2 và 3 điều 380, Bộ luật hình sự 2015 quy định tội không chấp hành án như sau:

“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Theo đó mức hình phạt đối với tội này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

- Khung một: phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi có đầy đủ các dấu hiệu của mặt khách quan.

- Khung hai: phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+  Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

+  Tầu tán tài sản.

- Hình phạt bổ sung: ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, đối với tội không chấp hành án thì mức án cao nhất lên đến 05 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. 

4. Một số bản án về tội không chấp hành án

Bản án về tội không chấp hành án số 39/2019/HS-PT

Bản án 04/2021/HS-PT ngày 09/03/2021 về tội không chấp hành án

Bản án 288/2019/HSPT ngày 24/09/2019 về tội không chấp hành án.

Trân trọng!

Lê Huy
17232

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]