04/04/2019 11:43

Bình luận Án lệ hình sự số 17/2018/AL về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội “giết người” có đồng phạm

Bình luận Án lệ hình sự số 17/2018/AL về tình tiết “có tính chất côn đồ” trong tội “giết người” có đồng phạm

1. Quy định của pháp luật có liên quan

– Điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015).

– Khoản 2 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng khoản 2 Điều 123 BLHS 2015).

– Điều 20 BLHS 1999 (tương ứng Điều 17 BLHS 2015).

2. Sự cần thiết phải công bố án lệ

Hiện nay, nhận thức về các quy định của Pháp luật có liên quan nêu trên còn khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử thiếu thống nhất. Đặc biệt, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong các vụ án có đồng phạm. Có quan điểm cho rằng, trong vụ án có đồng phạm thì người thực hành phạm tội gì, theo khung hình phạt nào thì các đồng phạm khác cũng phải bị truy tố, xét xử theo tội danh và khung hình phạt đó.

Quan điểm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật về đồng phạm (đồng phạm giản đơn và đồng phạm có tổ chức). Bởi lẽ, mỗi người đồng phạm gắn với những tình tiết định khung riêng, nên không thể buộc đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung hình phạt riêng cho người thực hiện tội phạm, trừ trường hợp những người đồng phạm có chung tình tiết định khung.

Án lệ hình sự số 17 ra đời là sự giải thích thống nhất để áp dụng về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án có đồng phạm. Do vậy án lệ này ra đời là cần thiết.

3. Nội dung vụ án hình sự và tình huống án lệ

* Nội dung vụ án

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì: Sau khi chứng kiến việc bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Dương Quang Q đánh, Nguyễn Văn H là người trực tiếp gọi điện báo cho Trần Quang V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc ăn nhậu cùng V và Phạm Nhật T vào tối ngày 19-01-2015, biết V và T có ý định đi đánh ông Q để trả thù , H nói “Ba bị đánh thương lắm, chừ còn đau”, làm củng cố ý thức, quyết tâm của V trong việc đi đánh ông Q. H cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và T biết để V và T có thể thực hiện hành vi đánh ông Q. Khi nghe V và T bàn bạc kế hoạch đi đánh ông Q, H không can ngăn mà còn nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông Q. Sau đó, H bỏ về trước. Thực tế, Trần Quang V đã dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay ông Q làm ông Q gục ngay tại chỗ. Do mọi người can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Q không chết là ngoài ý muốn chủ quan của V. Sau khi chém ông Q, V đã gọi liên tiếp ba cuộc điện thoại cho H để hỏi về thương tích của ông Q. Mặc dù, H không biết trước việc V dùng mã tấu chém liên tiếp vào những vùng trọng yếu trên cơ thể ông Q, có thể tước đoạt tính mạng của ông Q nhưng H đã thống nhất ý chí với V và T trong việc đánh ông Q, chấp nhận hậu quả xảy ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H đồng phạm với Trần Quang V và Phạm Nhật T về tội “Giết người” là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì: Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999.

Tình huống án lệ

“…Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì: Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999”.

4. Tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự áp dụng án lệ

Vụ án hình sự cụ thể được nêu trong án lệ số 17/2018/AL, V và T là người thực hiện hành vi phạm tội với tình tiết “có tính chất côn đồ”, nên chỉ có V và T xét xử theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS là đúng. Còn đối với H là người đồng phạm giúp sức, hành vi giúp sức của H không có tình tiết có tính chất côn đồ, cũng không có tình tiết định khung nào khác tại khoản 1 Điều 93 BLHS. Do đó, đối với H phải áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS để xét xử mới đúng pháp luật.

Kể từ ngày án lệ có hiệu lực (03/12/2018), các vụ án hình sự về tội giết người mà có đồng phạm với tình tiết tương tự như vậy thì phải áp dụng ALHS số 17/2018 để xét xử.

ALHS số 17/2018 góp phần thống nhất nhận thức về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của các đồng phạm trong vụ án hình sự. Đồng phạm phải chịu TNHS về một tội phạm mà họ thống nhất thực hiện, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp họ đều phải chịu TNHS theo tình tiết định khung riêng của người thực hàn.

Loan Đỗ
5382

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn