Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 31/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 31/2022/DS-PT NGÀY 19/05/2022 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 29 tháng 4 và ngày 19 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 79/2021/DSPT ngày 12/11/2021 về tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2021/DS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2022/QĐ-PT ngày 11 tháng 01 năm 2022 và Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa xét xử phúc thẩm số 34/TB-TA ngày 14 tháng 4 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Lê Đức M; địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Anh Lê Đình Th; địa chỉ: Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng; là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 13/11/2020); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Bích H - Luật sư Văn phòng Luật sư N - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Bà Hoàng Thị H; địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

Ngân hàng Q; địa chỉ: Tầng 1 (tấng trệt) và tầng 2 Tòa nhà S, Số X, phường B, Quận X, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Hàn Ngọc V - chức vụ Tồng giám đốc là người đại diện theo pháp luật; bà Vũ Thị Nguyệt N; địa chỉ: Số X B, phường T, quận H, thành phố Hải Phòng và ông Vũ Tiến B; địa chỉ: Thôn V, xã V, huyện T, thành phố Hà Nội, là người đại diện theo ủy quyền, văn bản ủy quyền ngày 10/5/2021; đều có mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Cụ Phan Thị Ch; địa chỉ: Thôn X, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

2. Anh Lê Đình Th; địa chỉ: Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

3. Chị Lê Thị Thanh H1; địa chỉ: Phường Đ, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

4. Ông Phạm Xuân Nh,

5. Anh Phạm Xuân H2; cùng có địa chỉ: Xóm X, thôn Đ, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; đều vắng mặt.

6. Chị Phạm Thị X; địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

7. Chị Phạm Thị Th1, địa chỉ: Thôn K, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

8. Bà Trần Thị Ch1, địa chỉ: Xóm 6, xã T, huyện T, Hải Phòng; vắng mặt.

9. Anh Lê Đức Đ, địa chỉ: Xóm 6, xã T, huyện T, Hải Phòng; vắng mặt.

10. Anh Lê Đức Ph; địa chỉ: Số X đường L, phường L, quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

11. Chị Lê Thị L; địa chỉ: Thôn 4, xã Đ, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

12. Bà Lê Thị Ng; địa chỉ: Xóm 6, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

13. Bà Lê Thị Ng1; địa chỉ: Xóm 6, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

14. Ông Lê Đình S; địa chỉ: Xóm 5, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

15. Ông Lê Đình Q; địa chỉ: Xóm 5, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

16. Bà Lê Thị Ng2; nơi cư trú: Xóm 7, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

17. Ông Lê Đình T; nơi cư trú: Xóm 6, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

18. Bà Lê Thị L1; địa chỉ: Xóm 5, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ngân hàng Q là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trình bày và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ông Lê Đình C (sinh năm 1956, chết ngày 25/4/2014) có vợ là Hoàng Thị H và có 03 con: Lê Đức M, Lê Đình Th, Lê Thị Thanh H1.

Ông Lê Đình C có cha đẻ là cụ Lê Đình V (sinh năm 1931, chết ngày 05/5/2020) và mẹ đẻ là Phan Thị Ch (sinh năm 1935). Cụ V và cụ Ch có 10 người con, gồm: Lê Thị Th2, Lê Đình Th3, Lê Đình C, Lê Thị Ng, Lê Đình S, Lê Thị Ng1, Lê Thị Ng2, Lê Đình Q, Lê Đình T, Lê Thị L1.

Bà Lê Thị Th2 (sinh năm 1953, chết năm 1993) có chồng là Phạm Xuân Nh và có 03 con: Phạm Thị X, Phạm Thị Th1, Phạm Xuân H2.

Ông Lê Đình Th3 (sinh năm 1954, chết ngày 11/12/2014) có vợ là Trần Thị Ch1 và 03 con: Lê Đức Ph, Lê Đức Đ, Lê Thị L.

Ông C và bà H có tài sản chung là quyền sử dụng diện tích đất 200m2 tại thửa số Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng đã được Uỷ ban nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất số CH 00866 ngày 19/6/2013 cho chủ sử dụng là ông Lê Đình C, bà Hoàng Thị H. Ông C chết không để lại di chúc.

Nay, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu: Chia di sản thừa kế của Ông C là diện tích đất 200m2, tại thửa Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng nêu trên.

Trình bày và yêu cầu khởi kiện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là Ngân hàng Q (sau đây viết tắt là Ngân hàng): Ngày 14/6/2013 bà Hoàng Thị H và ông Lê Đình C ký Hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng 500.000.000 đồng, thời hạn vay theo từng khế ước nhận nợ; mục đích vay bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh cây cảnh. Ngày 07/8/2013 bà Hoàng Thị H đã ký khế ước nhận nợ 500.000.000 đồng, thời hạn vay 06 tháng kể từ ngày 07/8/2013, hạn trả nợ gốc vào ngày 07/02/2014, trả lãi hàng tháng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng diện tích đất 200m2, tại thửa Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng nêu trên theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 302/2013/017 ngày 06/8/2013 giữa bên thế chấp là ông Lê Đình C và bà Hoàng Thị H, bên nhận thế chấp là Ngân hàng, hợp đồng thế chấp đã được đăng ký ngày 06/8/2015 tại Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện T.

Nay Ngân hàng yêu cầu bà Hoàng Thị H và ông Lê Đình C phải trả nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 23/9/2021: Nợ gốc: 500.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn: 35.939.019 đồng; nợ lãi quá hạn: 747.195.625 đồng; tổng cộng là:

1.283.134.644 đồng. Trường hợp bà H không thanh toán được khoản nợ nêu trên thì đề nghị Tòa án phát mại tài sản bảo đảm của khoản vay tại Hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ.

Với nội dung như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2021/DS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng đã căn cứ vào khoản 3, 5 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 184, 185, điểm e khoản 1 Điều 217; khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 121, 122, 323, 342, 343, 351, 355, 471 và Điều 474, 715 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các điều 429, 609, 611, 612, 614, 615, 623, 649, 650, 651, 658 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 50; Điều 136 Luật đất đai năm 2003; Nghị quyết 02/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; các Điều 90, 91 và 95 của Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về chia thừa kế của ông Lê Đình C. Xác định di sản thừa kế của ông Lê Đình C là 100m2/200m2 ở tại thửa Z, tờ bản đồ 03 tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng (có các mốc giới 1,2,4,5 trên sơ đồ kèm theo). Giao cho anh Lê Đức M quản lý sử dụng 100m2/200m2 ở tại thửa Z , tờ bản đồ 03 tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng (có các mốc giới 1,2,4,5 trên sơ đồ kèm theo) sau khi bà Hoàng Thị H thanh toán xong số tiền 500.000.000 đồng nợ gốc theo hợp đồng tín dụng số 302/HĐTD-VIB017/13 ngày 15/6/2013 và khế ước nhận nợ ngày 07/8/2013.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam buộc bà Hoàng Thị H phải trả cho Ngân hàng 500.000.000 đồng tiền nợ gốc theo hợp đồng tín dụng số 302/HĐTD-VIB017/13 ngày 15/6/2013 và khế ước nhận nợ ngày 07/8/2013.

Về lãi suất chậm thi hành án: Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, bà Hoàng Thị H phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

Trường hợp bà Hoàng Thị H trả hết số tiền trên cho Ngân hàng, Ngân hàng phải có trách nhiệm giao lại giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng 200m2 ở tại thửa Z, tờ bản đồ 03 tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng cho bà Hoàng Thị H và anh Lê Đức M để thực hiện quyền nghĩa vụ của mình.

Trường hợp không trả được nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản đã thế chấp Trường hợp bà Hoàng Thị H không trả được nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại tài sản đã thế chấp để để thu hồi nợ. Phạm vi bảo đảm là số tiền gốc là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 302/2013/017 ngày 06/8/2013 đã ký giữa ông Lê Đình C, bà Hoàng Thị H và Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng 200m2 ở tại thửa Z , tờ bản đồ 03 tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng đã được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất số CH 00866 ngày 19-6-2013 cho chủ sử dụng là ông Lê Đình C, bà Hoàng Thị H.

Trường hợp phát mại tài sản trên nhưng chưa đủ để thu hồi nợ thì bà Hoàng Thị H phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả hết nợ cho Ngân hàng. Trường hợp phát mại tài sản để thu hồi nợ còn thừa thì trả lại cho bên thế chấp và anh Lê Đức M.

3. Đình chỉ yêu cầu đòi tiền nợ lãi của Ngân hàng đối với bà Hoàng Thị H.

4. Về án phí sơ thẩm: Cụ Phan Thị Ch, bà Hoàng Thị H, ông Phạm Xuân Nh không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Anh Lê Đức M phải chịu án 16.298.400 đồng phí dân sự sơ thẩm. Anh Lê Đức M đã nộp 1.250.000 đồng tại biên lai thu tạm ứng án phí số 0002323 ngày 08/10/2020. Anh M còn phải nộp tiếp 15.048.400 đồng. Trả lại Ngân hàng TMCP Quốc Tế số tiền tạm ứng án phí 24.155.000 đồng tại biên lai thu số 0015698 ngày 19/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án đối với các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/9/2021 Ngân hàng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập kháng cáo. Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu độc lập của Ngân hàng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đồng ý với bản án sơ thẩm. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định về thời hiệu đối với yêu cầu giải quyết lãi của Ngân hàng là đúng.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày không đồng ý với bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến: Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo: Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS; Điều 155, 429 Bộ luật Dân sự năm 2015; căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm: chấp nhận một phần kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế. Sửa Bản án sơ thẩm số 30/2021/DS- ST ngày 23/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện T theo hướng: buộc nguyên đơn anh M và bị đơn bà H mỗi người phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả khoản nợ gốc cho Ngân hàng là 250 triệu đồng. Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên Ngân hàng không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Vê quan hệ tranh chấp, thẩm quyền : Đây là vụ án tranh chấp thừa kế tài sản, bị đơn có nơi cư trú tại huyện T, thành phố Hải Phòng theo quy định tại Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm là đúng thẩm quyền. Do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Kháng cáo của người kháng cáo trong thời hạn quy định.

[2] Về yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng: Ngày 06/5/2022 Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng nhận được Đơn yêu cầu của anh Lê Đình Th về việc thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa với lý do thẩm phán chủ tọa phiên tòa động viên nguyên đơn trả nợ Ngân hàng và rút đơn khởi kiện; xét thấy: Trước khi mở phiên tòa ngày 29/3/2022, ông Lê Đình Th và người đại diện hợp pháp của Ngân hàng đều đề nghị Tòa án hoãn phiên tòa để đương sự suy nghĩ thêm; cụ thể anh Lê Đình Th đưa ra ý kiến đề nghị bên vay sẽ trả cho Ngân hàng số tiền là 600.000.000 đồng để Ngân hàng tất toán khoản vay, giải chấp tài sản thế chấp, Ngân hàng có ý kiến sẽ xem xét ý kiến của anh Th và trả lời sau. Nội dung này đã thể hiện tại Biên bản làm việc ngày 29/3/2022 có chữ ký của anh Lê Đình Th và người đại diện hợp pháp của Ngân hàng. Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự về Hòa giải trong tố tụng dân sự: Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự về Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Trong vụ án này, cho đến khi mở phiên tòa phúc thẩm Tòa án đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng các đương sự không thỏa thuận; đương sự là nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; người kháng cáo không rút kháng cáo; Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành giải quyết vụ án theo quy định. Do đó, căn cứ Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu thay đổi Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa của đương sự.

- Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

[3] Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế: Người để lại di sản là ông Lê Đình C chết ngày 18/8/2014, ngày 05/10/2020 anh Lê Đức M nộp đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu chia di sản thừa kế của Ông C trong thời hiệu khởi kiện nên yêu cầu được xem xét giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ.

[4] Về những người tham gia tố tụng: Ông Lê Đình C có cha đẻ là cụ Lê Đình V (chết ngày 05/5/2020). Cụ V và cụ Ch có 10 người con, trong đó bà Lê Thị Th2 (chết năm 1993), ông Lê Đình Th3 (chết ngày 11/12/2014). Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống”. Như vậy, con của bà Th2 và con của ông Th3 là người thừa kế thế vị của Cụ V. Chồng bà Th2 là ông Phạm Xuân Nh, vợ ông Th3 là bà Trần Thị Ch1 không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế, không có liên quan đến vụ án. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định và đưa ông Nh (chồng bà Th2) và bà Ch1 (vợ ông Th3) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không đúng.

[5] Về di sản thừa kế, hiện trạng tài sản: Các tài liệu chứng cứ có đủ cơ sở xác định diện tích đất 200m2 tại thửa Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Ông C và bà H. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của Ông C là quyền sử dụng ½ diện tích đất nêu trên là có cơ sở. Nguyên đơn không đề nghị chia di sản thừa kế nào khác của Ông C. Sơ đồ hiện trạng kèm theo Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 01/4/2021, Kết luận định giá tài sản thể hiện: Toàn bộ diện tích đất theo hiện trạng là 200m2, gồm các mốc giới 1-2-3-4-1. Giá đất trao đổi là 5.000.000 đồng/01m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất 1.000.000.000 đồng. Các tài sản gắn liền với diện tích đất, gồm: Tường bao, cây cau, bụi chuối, cây mít, cây vú sữa, cây na; tổng trị giá tài sản gắn liền với đất 7.750.000 đồng. Tổng giá trị tài sản 1.007.750.000 đồng. Toàn bộ tài sản hiện nay do bà H là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng.

[6] Người được hưởng thừa kế: Người được hưởng thừa kế của Ông C là cha, mẹ, vợ, con của Ông C, gồm: Cụ V, cụ Ch, bà H, anh M, anh Th, chị H1. Cụ V chết sau Ông C nên vợ và các con còn sống của Cụ V và con của bà Th2, ông Th3 gồm: Chị X, chị Th1, anh H2, anh Ph, anh Đ, chị L là người thừa hưởng phần Cụ V được hưởng.

[7] Về từ chối nhận di sản: Điều 620 Bộ luật Dân sự về từ chối nhận di sản, quy định: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. Trong vụ án này theo bản án sơ thẩm nhận định các đồng thừa kế “Từ chối nhận phần di sản thừa kế của ông Lê Đình C, phần di sản được hưởng nếu có đều đồng ý tặng cho lại cho anh Lê Đức M là nguyên đơn”. Nhận định nêu trên mâu thuẫn, vì việc từ chối nhận di sản đồng nghĩa với việc không nhận phần di sản nếu được hưởng và như vậy di sản sẽ phải được phân chia theo pháp luật. Tuy nhiên, trong vụ án này, thực tế mong muốn của đương sự là nhường phần di sản nếu được hưởng cho anh M, chứ không phải việc từ chối nhận di sản. Phần tài sản bà H được hưởng từ di sản của Ông C bà H cũng tự nguyện tặng cho con trai là anh M nên Tòa án sơ thẩm chấp nhận thỏa thuận của các đương sự cũng không đúng pháp luật nếu không buộc bà H và anh M phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với Ngân hàng. Do đó, trong trường hợp này chấp nhận sự thỏa thuận của những người được hưởng di sản của Ông C về việc giao phần được hưởng cho anh M nhưng buộc anh M phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với Ngân hàng. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

[8] Về phân chia di sản theo pháp luật: Di sản của Ông C là quyền sử dụng diện tích đất 100m2/200m2 và giá trị tài sản gắn liền với đất là 3.875.000 đồng/7.750.000 đồng. Di sản của Ông C được chia thành 06 phần, tương đương mỗi phần là 16,66m2 và 645.833 đồng. Bà H có quyền sử dụng hợp pháp 100m2/200m2 và giá trị tài sản gắn liền với đất là 3.875.000 đồng/7.750.000 đồng.

Cụ V, cụ Ch, bà H, anh M, anh Th, chị H1 mỗi người được hưởng 16,66m2, tương đương số tiền 83.300.000 đồng và 645.833 đồng trị giá tài sản gắn liền với đất. Do Cụ V đã chết (chết sau Ông C) nên phần thừa kế của Cụ V được chia đều cho những người sau được thừa hưởng: cụ Ch, bà Ng, ông S, bà Ng1, bà Ng2, ông Q, ông T, bà L, Chị X, chị Th1, anh H2, anh Ph, anh Đ, chị L được thừa hưởng. Các đương sự (kể cả bà H) đều thống nhất cho anh M phần di sản được hưởng từ Ông C nên ghi nhận anh M được hưởng 100m2 đất và 3.875.000 đồng, tương đương 503.875.000 đồng.

- Về yêu cầu độc lập của Ngân hàng:

[9] Về thời hiệu khởi kiện đối với khoản tiền nợ gốc: Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với khoản tiền nợ gốc là đúng pháp luật.

[10] Về thời hiệu khởi kiện đối với khoản tiền nợ lãi: Hợp đồng tín dụng số 302/HĐTD1-VIB017/13 ngày 14/6/2013. Khế ước nhận nợ số 302.01/KUNN1 VIB017/13 ngày 07/8/2013 có thời hạn vay là 6 tháng kể từ ngày 07/8/2013, trả nợ gốc vào ngày 07/02/2014; trả nợ lãi hàng tháng, vào ngày 01 hàng tháng. Đến nay, bên vay là bà H Ông C không trả cho Ngân hàng khoản tiền nào. Tại khoản 2 Điều 4 và khoản 4 Điều 7 Hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận như sau: “Nếu bên vay không trả nợ đúng hạn và không được VIB đồng ý cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì phải thanh toán ngay toàn bộ số nợ còn lại theo lãi suất quá hạn bằng 150% mức lãi suất vay”; “hợp đồng này được lập thành 03 bản có giá trị như nhau kể từ ngày ký cho đến khi bên vay trả hết nợ gốc, lãi và các chi phí có liên quan khác cho VIB. Hợp đồng này đương nhiên được thanh lý khi bên vay trả hết nợ cho VIB”. Ngày trả nợ gốc là ngày 07/02/2014. Trường hợp sau ngày trả nợ gốc mà bên vay không trả thì phải chịu khoản lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn và hợp đồng chỉ được thanh lý khi bên vay trả hết nợ cho Ngân hàng. Ngoài ra, theo tài liệu chứng cứ đương sự cung cấp có Thỏa thuận về việc thay đổi thông tin trên Khế ước nhận nợ số 302.01/KƯNN1-VIB017/13 ngày 07/8/2013 thể hiện: “1. Sửa đổi khoản 6 KUNN, phương thức trả nợ như sau: Trả nợ gốc: trả vào ngày 03/03/2014, trả nợ lãi: Trả vào ngày 03/03/2014; Riêng số tiền lãi chậm trả là 14.317.074 VNĐ được trả vào ngày 03/03/2014. 2. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký giữa các bên cho đến khi bên vay trả hết nợ gốc, lãi và các chi phí có liên quan khác cho Bên cho vay theo KUNN này”. Ngoài ra, điểm đ khoản 5 Điều 23 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP, ngày 03 tháng 12 năm 2012 quy định: “d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. ...”. Như vậy, thỏa thuận của các bên nêu trên không làm mất quyền khởi kiện của Ngân hàng đối với khoản tiền lãi. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng ngày 07/02/2014 được coi là ngày quyền và lợi ích của Ngân hàng bị xâm phạm và đến ngày 29/12/2020 Ngân hàng mới nộp đơn yêu cầu tại Tòa án là đã hết thời hiệu khởi kiện và Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 184, điểm e khoản 1 Điều 217 đình chỉ giải quyết yêu cầu đòi tiền nợ lãi của Ngân hàng là chưa đủ căn cứ vững chắc; Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

[11] Về yêu cầu đòi nợ: Hợp đồng tín dụng số 302/HĐTD1-VIB017/13 ngày 14/6/2013 được ký kết giữa Ngân hàng là bên cho vay với bà Hoàng Thị H và người đồng trách nhiệm ông Lê Đình C là bên vay. Hợp đồng tín dụng được ký bởi các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Bà H, Ông C cùng ký tại phần “BÊN VAY”. Theo đó, số tiền vay: 500.000.000 đồng; thời hạn vay: Theo thời hạn của từng khế ước nhận nợ; lãi suất vay: Lãi suất vay được xác định tại thời điểm giải ngân, chịu sự điều chỉnh lãi suất, chịu sự điều chỉnh theo quy định về lãi suất của VIB từng thời kỳ, phù hợp với quy định cuả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp luật; mục đích vay: bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh cây cảnh. Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại các điều 116, 117, 385, 398, 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, bà H và Ông C là người vay chứ không phải chỉ một mình bà H. Quá trình thực hiện hợp đồng vay, bà H Ông C không trả tiền nợ nên Ngân hàng khởi kiện. Vì vậy bà H, Ông C phải trả nợ cho Ngân hàng là phù hợp với Điều 275, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 91, Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cũng như anh Th cho rằng Ông C không ký kế ước nhận nợ thì không có nghĩa vụ trả nợ là không có cơ sở. Tính đến ngày xét xử sơ thẩm 23/9/2021 bà H Ông C còn nợ Ngân hàng số tiền 1.283.134.644 đồng, (trong đó nợ gốc: 500.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn:

35.939.019 đồng; nợ lãi quá hạn: 747.195.625 đồng). Căn cứ các điều 116, 117, 118 và 119 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bà H Ông C có trách nhiệm trả Ngân hàng số tiền trên.

[12] Đối với yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm: Tại thời điểm ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 302/2013/017 ngày 06-8-2013 giữa bên thế chấp là ông Lê Đình C và bà Hoàng Thị H với bên nhận thế chấp là Ngân hàng các bên đã được ký kết trên cơ sở tự nguyện, tự định đoạt, thỏa thuận, mục đích và nội dung thỏa thuận phù hợp với đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của pháp luật, Ông C, bà H đã tự nguyện dùng tài sản của mình để thế chấp cho khoản vay nợ. Hợp đồng thế chấp đã được chứng thực của cơ quan công chứng và đã đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định tại các điều 323, 342, 343, 715, 716 Bộ luật Dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 4, điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Điều 5 Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Vì vậy, hợp đồng thế chấp tài sản là hợp pháp và có hiệu lực thực hiện. Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, và định giá tài sản thể hiện tài sản thế chấp không thay đổi so với thời điểm thế chấp. Do đó, khi bà H, Ông C không thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay, Ngân hàng yêu cầu được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ là có căn cứ chấp nhận.

[13] Về nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: Điều 615 Bộ luật Dân sự về Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, quy định: “1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại”. Ngày 25/4/2014 Ông C chết, không để lại di chúc. Di sản của Ông C để lại cũng như phần tài sản của bà H hiện đang thế chấp tại Ngân hàng như đã nêu trên, thuộc trường hợp “Trường hợp di sản chưa được chia” nên “nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại”. Vì vậy, trường hợp này bà H là người đang quản lý di sản, anh M là người được những người thừa kế khác thống nhất cho phần di sản của Ông C. Do đó, bà H, anh M phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do Ông C chết đi để lại theo Hợp đồng thế chấp. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

[14] Về thứ tự ưu tiên thanh toán: Căn cứ Điều 658 Bộ luật Dân sự về Thứ tự ưu tiên thanh toán, Điều 50 Nghị định 21/2021/NĐCP ngày 19/3/2021 của Chính phủ, quy định về Giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết, như sau: “Trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm chết hoặc trước thời điểm bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết”. Trong khi đó, Điều 4 Hợp đồng thế chấp quy định: “3. Toàn bộ số tiền bán tài sản thế chấp phải được chuyển cho VIB. Tiền bán tài sản thế chấp được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ của bên vay đối với VIB sau khi trừ đi chi phí bảo quản, định giá và bán tài sản, các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản thế chấp. Nếu tiền bán còn thừa thì trả lại cho bên thế chấp, nếu tiền bán còn thiếu thì Bên vay sẽ phải tiếp tục trả phần còn thiếu đó cho VIB”. Do vậy, bà H và anh M là người thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trước nên phải tuyên việc thực hiện nghĩa vụ trước khi chia thừa kế theo các quy định trên đây.

[15] Về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm: Theo thỏa thuận tại Điều 1 của Hợp đồng thế chấp: “Bên thế chấp đồng ý thế chấp những tài sản của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với VIB bao gồm: tiền vay (nợ gốc), lãi vay, lãi quá hạn, chi phí xử lý tài sản thế chấp, các khoản chi phí khác và các nghĩa vụ khác của bên vay tại VIB được ký giữa hai bên trong khoảng thời gian từ ngày 15/6/2013 đến ngày 15/6/2023”. Do vậy, Bản án sơ thẩm tuyên “Phạm vi bảo đảm là số tiền gốc là 500.000.000 đồng” là không đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng. Tòa án cấp phúc thẩm sửa nội dung này của bản án sơ thẩm.

[16] Từ các phân tích trên, có căn cứ chấp nhận yêu cầu độc lập của Ngân hàng, chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng, Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.

[17] Về án phí dân sự sơ thẩm: Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 7 Điều 27, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí. Anh M được hưởng di sản, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại nên phải chịu án phí theo quy định. Bà Hoàng Thị H là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

[18] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sưa nên Ngân hàng kháng cáo không phai chi u an phi dân sư phuc thâm ; trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho Ngân hàng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 3,5 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 184, 185; Điều 227, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ điều 323, 342, 343, 715, 716 Bộ luật Dân sự năm 2005 và các Điều 116, 117, 118, 119, 275, 398, 463, 609, 611, 612, 614, 615, 623, 649, 650, 651, 658, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ các Điều 91 và 95 của Luật các Tổ chức tín dụng;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, xử:

Chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Q, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2021/DS-ST ngày 23 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, thành phố Hải Phòng,

- Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn anh Lê Đức M; chấp nhận yêu cầu độc lập của Ngân hàng Q: Buộc bà Hoàng Thị H và anh Lê Đức M phải trả cho Ngân hàng Q số tiền 1.283.134.644 đồng, (trong đó nợ gốc: 500.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn: 35.939.019 đồng; nợ lãi quá hạn: 747.195.625 đồng) tính đến ngày xét xử sơ thẩm 23/9/2021. Chia kỷ phần anh Lê Đức M phải trả cho Ngân hàng Q số tiền 503.875.000 đồng; bà Hoàng Thị H phải trả cho Ngân hàng số tiền 779.259.644 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm 23/9/2021, bà Hoàng Thị H phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

- Trường hợp bà Hoàng Thị H anh Lê Đức M không trả được nợ thì Ngân hàng Q có quyền đề nghị Cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại quyền sử dụng diện tích đất 200m2, thửa Z, tờ bản đồ 03, Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng và tài sản gắn liền với đất để thu hồi nợ cho Ngân hàng Q. Trường hợp phát mại tài sản trên nhưng chưa đủ để thu hồi nợ thì bà Hoàng Thị H phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả hết nợ cho Ngân hàng. Trường hợp sau khi phát mại tài sản để thu hồi nợ còn thừa tiền thì trả lại cho bà Hoàng Thị H và anh Lê Đức M mỗi người một nửa số tiền còn thừa.

- Trường hợp bà Hoàng Thị H và anh Lê Đức M đã trả xong khoản tiền nêu trên cho Ngân hàng Q hoặc trường hợp Ngân hàng Q không yêu cầu phát mại tài sản thì Ngân hàng phải thực hiện giải chấp cho bà Hoàng Thị H và anh Lê Đức M tài sản đã thế chấp và phân chia tài sản như sau: Anh Lê Đức M có quyền sử dụng diện tích đất 100 m2 trong tổng số 200 m2 tại thửa Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng và sở hữu các tài sản gắn liền với đất tương ứng, theo các mốc giới 1-2-5-4-1, có sơ đồ kèm theo; bà Hoàng Thị H có quyền sử dụng diện tích đất 100m2 trong tổng số 200 m2 tại thửa Z, tờ bản đồ 03, tại Thôn Y, xã T1, huyện T, thành phố Hải Phòng và sở hữu các tài sản gắn liền với đất tương ứng, theo các mốc giới 2-3-6-5-2 có sơ đồ kèm theo.

- Về án phí dân sự:

+ Án dân sự sơ thẩm: Anh Lê Đức M phải chịu 24.155.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 1.250.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0002323 ngày 08/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng; anh Lê Đức M còn phải nộp tiếp số tiền 22.905.000 đồng. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Hoàng Thị H.

Trả lại cho Ngân hàng Q số tiền tạm ứng án phí đã nộp 24.155.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015698 ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

+ Án phí dân sự phúc thẩm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho Ngân hàng Q số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí số 0007550 ngày 13 tháng 10 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

764
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 31/2022/DS-PT

Số hiệu:31/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về