08/04/2022 13:53

Tòa án có xác định thiếu di sản thừa kế hay không?

Tòa án có xác định thiếu di sản thừa kế hay không?

Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự như sau: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Nội dung vụ án:

Cụ Huỳnh Văn K (chết năm 2004) và cụ Phạm Thị M (chết năm 1980) tạo lập được phần đất có diện tích 1.315,5mnhưng hai cụ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai cụ có 4 người con chung là: A, B, C và D; hai cụ chết không để lại di chúc. Năm 2003 ông A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu trên.

Tại đơn khởi kiện đề ngày 21/1/2017, ông B yêu cầu ông A chia thừa kế cho ông B diện tích đất 285m2 trong tổng số diện tích đất 1.315,5m2 và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông A. Tại Biên bản hòa giải ngày 09/1/2018 và ngày 09/1/2019, nguyên đơn vẫn giữ nội dung các yêu cầu khởi kiện nêu trên.

Bên cạnh đó, các đương sự thống nhất, ngoài phần đất tranh chấp cụ K còn để lại một phần đất ruộng diện tích 11.367m2. Khi còn sống cụ K hứa (bằng lời nói) cho ông C, ông B và ông A, mỗi người được 2,5 công đất ruộng trong tổng số 11.367m2 nhưng trong thực tế, phần đất 11.367m2 vẫn do cụ K đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện do ông A quản lý, sử dụng. Ông A đã cầm cố phần đất này cho ông C với giá 04 lượng vàng 24K. Năm 2015, 04 anh em trong gia đình họp lại thỏa thuận ông C nhận 2,5 công đất trong tổng số 11.367m2, phần còn lại là 8.867m2 thỏa thuận giao cho ông C nhưng ông C phải hoàn trả lại cho ông A 15 lượng vàng 24K (gồm cả 4 lượng vàng cố đất); những người khác không nhận đất. Tại Biên bản hòa giải ngày 09/1/2018, nguyên đơn và bị đơn có nêu nội dung về phần đất diện tích 11.367m2 do cụ K đứng tên, các anh em đã họp thỏa thuận để ông C đứng tên.

Về quan điểm đối với vụ án:

Quan điểm thứ nhất:

Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù các đương sự có nêu về phần đất diện tích 11.367m2 do ông C đang quản lý, sử dụng nhưng không ai có yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết phần diện tích đất này. Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Do đó, nếu đương sự chỉ nêu thêm tài sản là di sản thừa kế mà không có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật thì đó chỉ là ý kiến của đương sự, có thể là căn cứ để giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, không đương sự nào có yêu cầu đối với diện tích đất 11.367m2 nên không có cơ sở để xem xét diện tích này là di sản thừa kế để giải quyết trong vụ án. Tòa án chỉ chia thừa kế đối với phần diện tích đất  1.315,5m2 là có căn cứ.

Quan điểm thứ hai

Di sản thừa kế của cụ Huỳnh Văn K và cụ Phạm Thị M gồm: (1) Diện tích đất 1.315,5m2 do ông A đang quản lý, sử dụng; (2) phần đất ruộng diện tích 11.367m2 do ông C đang quản lý, sử dụng. Ngày 11/12/2015, các đồng thừa kế của cụ K và cụ M đã ký biên bản thống nhất để ông C được sử dụng diện tích 11.367m2 đất ruộng và ông C phải hoàn trả cho ông A 15 lượng vàng, ông A phải chia cho ông B 200m2 đất trong diện tích đất 1.315,5m2, còn lại ông A được quyền quản lý, sử dụng. Như vậy, việc phân chia diện tích đất 1.315,5m2 là có điều kiện và liên quan đến diện tích đất 11.367m2. Tòa án cho rằng di sản thừa kế của cụ K và cụ M trong vụ án này chỉ là phần đất diện tích 1.315,5m2 và tài sản khác gắn liền với đất là xác định thiếu di sản thừa kế.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

Luật gia Chu Minh Đức

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

997

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]