10/09/2022 14:10

Nhận thừa kế có phải nộp thuế TNCN không?

Nhận thừa kế có phải nộp thuế TNCN không?

Tôi muốn hỏi một số quy định của pháp luật hiện hành về thừa kế: nếu tôi được nhận thừa kế thì tôi có cần nộp thuế TNCN hay không? Trình tự khai nhận di sản như thế nào? (Anh Việt An – Hà Nội)

Chào anh, Thư Viện Bản Án xin giải đáp thắc mắc của anh như sau:

1. Tài sản nhận thừa kế có phải chịu thuế TNCN?

Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản phải chịu thuế TNCN, trong đó tại khoản 9 có đề cập đến thu nhập từ nhận thừa kế, bao gồm:

- Tài sản thừa kế là chứng khoán: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần.

- Tài sản thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã,…; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

- Tài sản thừa kế là bất động sản: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.

- Tài sản thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các chủ thể sau sẽ được miễn thuế:

- Vợ với chồng;

- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;

- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;

- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể;

- Ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;

- Anh, chị, em ruột với nhau.

Như vậy, tài sản có được do nhận thừa kế gồm chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đều thuộc đối tượng chịu thuế.

2. Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế

2.1. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế bao gồm:

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

- Bản sao di chúc (trường hợp thừa kế theo di chúc);

- Giấy tờ về nhân thân của các thừa kế (hộ khẩu, CMNC/CCCD,…);

- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người nhận di sản và người để lại di sản (trường hợp thừa kế theo pháp luật);

- Các giấy tờ chứng minh tài sản để lại (Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận cổ phần,…);

- Các giấy tờ khác (giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy đăng ký kết hôn,…)

2.2. Khai nhận di sản thừa kế

Khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo Điều 57, 58 Luật Công chứng 2014, theo đó:

Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Nếu hồ sơ đã đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

- Việc thụ lý phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó hoặc nơi có bất động sản là di sản.

- Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế. Các đồng thừa kế có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Khi đã hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế trên, người được hưởng di sản phải thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật:

– Đối với tài sản là đất đai, nhà cửa thì người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tại nơi có đất.

– Đối với tài sản là ô tô, xe máy thì người thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký tại Cơ quan đăng ký xe.

Trân trọng!

Phương Uyên
9325

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn