TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 103/2023/DS-PT NGÀY 16/01/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 16/01/2023 tại trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 549/2022/TLPT-DS ngày 30/11/2022, về việc: “Tranh chấp thừa kế tài sản”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 348/2022/DS-ST ngày 17/9/2022 của Tòa án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1324/2022/QĐPT-DS ngày 14/12/2022 và Quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm số 124/2023/QĐ-ST ngày 09/01/2023 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Lê Thị S, sinh năm 1955. (có mặt) Địa chỉ: Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1.1. Ông Nguyễn Thanh H, sinh năm 1957; (có mặt)
1.2. Ông Nguyễn Thanh H1, sinh năm 1985. (có mặt) Cùng địa chỉ: Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
1.3. Ông Phạm Văn H2, sinh năm 1971. (có mặt) Địa chỉ: Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Bị đơn: Bà Đào Thị N, sinh năm 1934. Địa chỉ: TK36/8 Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn:
2.1. Bà Phạm Trúc T, sinh năm 1964; (xin vắng mặt)
2.2. Bà Phạm Trúc T1, sinh năm 1972. (có mặt) Cùng địa chỉ: Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
2.3. Ông Nguyễn Quốc P, sinh năm 1987 (có mặt) Địa chỉ: Quận 3, Tp.HCM.
Người kháng cáo: Bà Đào Thị N
NỘI DUNG VỤ ÁN
*Theo Đơn khởi kiện đề ngày 01/7/2020, các văn bản ý kiến trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên toà, ông Nguyễn Thanh H, ông Nguyễn Thanh H1 là người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày:
Ông Đào Văn C (sinh năm 1910, chết năm 1998) và bà Võ Thị G (sinh năm 1908, chết năm 1981) là vợ chồng, có 03 người con là ông Đào Văn Đ (sinh năm 1927, chết năm 1997) còn có tên khác Trần Việt T2 (tên gọi sử dụng từ năm 1954);
bà Đào Thị N (sinh năm 1934) và ông Đào Văn B (sinh năm 1948, chết năm 1997).
Ông Đào Văn Đ (tên khác Trần Việt T2) và bà Lê Thị H3 (sinh năm 1932, chết năm 2017) là vợ chồng, có 05 con chung là: ông Đào Văn D (sinh năm 1953, chết năm 1988); bà Lê Thị S (sinh năm 1955); bà Trần Việt H4 (sinh năm 1957, chết năm 1977); ông Trần Việt T3 (sinh năm 1959, chết năm 2019); ông Lê Văn T4 (sinh năm 1962, chết năm 1989).
Về nguồn gốc căn nhà Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là nhà TK36/9) như sau:
Năm 1960, ông Đào Văn C được Ban cứu tế của chế độ Sài Gòn cấp cho hai lô nền nhà số 8 + số 9 (nay là số TK36/8 và TK36/9) Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Ông C đã dựng miếu thờ cúng trên hai lô nền này. Vào khoảng năm 1964 -1965, ông C cắt một phần đất khoảng 21m2 phía sau miếu thờ dựng lên căn nhà nhỏ lấy địa chỉ là TK36/8 để gia đình bà Đào Thị N về ở. Phần diện tích ngôi miếu còn lại lấy địa chỉ là TK36/9, từ năm 1970, do đau bệnh suốt nên ông C giao lại cho vợ chồng ông Đ (ông Trần Việt T2) – bà H3 ở và cai quản thờ phụng tại miếu. Riêng ông Đào Văn B sống chung với ông C - bà G tại căn nhà số TK34/21 Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1975, Ủy ban Nhân dân Phường 24 (nay là phường C, Quận 1) có quyết định trưng dụng nhà TK36/9 làm hợp tác xã của phường. Lúc này gia đình vợ chồng ông Đ – bà H3 và các con vẫn sống tại phần cái chái (nhà bếp) phía sau của miếu thờ có diện tích khoảng 6m2 (tại đơn khiếu nại xin lại nhà ông C tường trình rõ về việc giao phần nhà cho con trai thứ hai ở). Năm 1991 - 1993, chồng của bà S là ông Nguyễn Thanh H (lúc này công tác tại Ban chỉ huy Quân sự Quận M) chứng kiến cảnh gia đình cha mẹ anh em của vợ sinh sống tạm bợ ở phần nhà chật hẹp còn lại sau khi nhà TK36/9 đã bị trưng dụng. Còn ông C tuổi cao sức yếu, phải sống tạm bợ ngoài vỉa hè trong một thời gian khá dài (vì năm 1984 chú Đào Văn B đã ép ông C bán căn nhà TK34/21 để lấy tiền tiêu xài và mua căn nhà khác khoảng 10m2 quá chật hẹp nên ông C chỉ có thể ở ngoài vỉa hè nhiều hơn ở trong nhà). Ông H nói ông C làm đơn tường trình rõ ràng về nguồn gốc diễn biến của căn nhà TK36/9 và hoàn cảnh khó khăn nguyện vọng để trình UBND Quận 1 cứu xét xin lại nhà TK36/9 và ông H đã giúp ông C liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục xin lại nhà. Đến tháng 7/1993, sau khi xem xét đơn cứu xét của ông C, Ủy ban Nhân dân Quận M đã chấp thuận giao trả lại căn nhà TK36/9 cho ông C theo Quyết định số 114/QĐ-UB/3 ngày 16/7/1993. Thời điểm giao trả lại nhà cho ông C, theo Biên bản thực hiện quyết định giao trả nhà vào tháng 8/1994 có ông Nguyễn Thanh H là cháu rể thay mặt ông Đào Văn C để nhận bàn giao nhà TK36/9.
Từ sau khi nhận nhà TK36/9, vợ chồng ông Đ – bà H3 đã đưa ông C về sống cùng và chăm sóc. Năm 1996, ông Đào Văn C lập Giấy cam kết uỷ quyền thừa kế có xác nhận của Ủy ban Nhân dân phường C, Quận 1 với nội dung: 1) Nay tôi cam kết đồng ý giao cho con trai tôi tên Trần Việt T2… được trọn 3 quyền: sở hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản của tôi được hưởng trong căn nhà số TK36/9, 2) Việc tôi cho phần di sản của tôi được hưởng trong căn nhà TK36/9 cho con trai tôi được quyền sở hữu vĩnh viễn…Sau đó vì tuổi cao sức yếu và bệnh tật nên lần lượt ông Trần Việt T2, ông Đào Văn C, bà Lê Thị H3 và Trần Việt T3 đều chết. Còn những anh em khác của bà S là ông Đào Văn D, bà Trần Việt H4 và ông Lê Văn T4 đều sống độc thân và đã chết trước khi Uỷ ban Nhân dân Quận M trả lại căn nhà TK36/9. Bà S chuyển đến nhà TK36/9 để ở thì xảy ra tranh chấp với bà Đào Thị N. Bà N có hành vi cố ý chiếm đoạt nhà TK36/9 khi tự ý tháo dỡ biển số nhà và gắn biển TK36/8, cố tình khai báo gian dối về nguồn gốc nhà số TK36/9, nhiều lần UBND phường C can thiệp giải quyết tranh chấp nhưng không có kết quả nên bà S khởi kiện bà Đào Thị N yêu cầu Toà án giải quyết:
1. Xác định nhà đất tại số Quận 1 thuộc sở hữu của ông Đào Văn Đ (Trần Việt T2) và bà Lê Thị H3;
2. Yêu cầu được hưởng di sản thừa kế là nhà đất tại Quận M có giá trị tạm ước tính là 1.000.000.000 đồng;
3. Buộc bà N giao trả nguyên hiện trạng nhà đất Quận M, Tp. Hồ Chí Minh.
*Ông Phạm Văn H2 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thống nhất với ý kiến trình bày của ông H và ông H1 nêu trên.
*Theo Đơn phản tố đề ngày 05/10/2020, các văn bản ý kiến trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên toà, bà Phạm Trúc T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình bày:
Cha mẹ của bà Đào Thị N là ông Đào Văn C (sinh năm 1910, chết năm 1998) và bà Võ Thị G (sinh năm 1908, chết năm 1981) không để lại di chúc. Ông Đào Văn C và bà Võ Thị G có tất cả 3 người con là: ông Đào Văn Đ, bà Đào Thị N và ông Đào Văn B; ngoài ra ông Chỉ và bà G không có con nuôi, không có con riêng, không có người con nào có tên là Trần Việt T2. Ông Đào Văn C không có tên khác là Đào Văn C hay Đào Văn Chí. Ông Đào Văn Đ không có tên gọi Trần Việt T2 như nguyên đơn trình bày.
Bà Đào Thị N hoàn toàn bác bỏ tài liệu do bà Lê Thị S giao nộp cho Tòa án là Giấy xác nhận của bà Phạm Thị H6 và bà Nguyễn Thị C1 vì tài liệu này không có giá trị chứng cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự, chứng cứ phải là những gì có thật còn lời xác nhận của bà Phạm Thị H6 và bà Nguyễn Thị C1 về việc ông Trần Việt T2 là Đào Văn Đ không phải là điều có thật.
Nhà đất tại địa chỉ Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh (gọi tắt nhà TK36/9) là tài sản hợp pháp của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G. Do ông Chỉ và bà G chết không để lại di chúc nên tài sản này sẽ được phân chia cho những người thừa kế theo pháp luật của ông Chỉ và bà G. Cha mẹ của ông Chỉ và bà G đã chết trước, ông Chỉ và bà G chỉ có 03 người con nên mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau. Tuy nhiên, ông Đào Văn Đ đã chết, ông Đ có vợ là bà Lê Thị H3 và con trai là Đào Văn D đều đã chết; ông Đào Văn B đã chết năm 1996, ông B có vợ và hai con nhưng bà N không biết rõ họ tên, địa chỉ cư trú hiện nay. Vì vậy người thừa kế còn lại duy nhất hiện nay của ông Chỉ và bà G là bà Đào Thị N.
Nguyên đơn bà Lê Thị S không có quan hệ huyết thống, không có quan hệ hôn nhân và không có quan hệ nuôi dưỡng liên quan đến ông Đào Văn C, bà Võ Thị G, ông Đào Văn Đ, bà Đào Thị N, ông Đào Văn B nên bà S không có tư cách để tranh chấp thừa kế đối với nhà đất TK36/9 của ông Chỉ, bà G để lại. Nguyên đơn nộp cho Tòa án “Giấy ủy quyền nhà ở ngày 14 tháng 2 năm 98” có nội dung Đào Văn C ủy quyền căn nhà TK36/9 cho Lê Thị H3 nhưng bà N hoàn toàn bác bỏ giấy ủy quyền này vì các lý do như sau:
- Căn nhà TK36/9 thuộc quyền sở hữu của ông Đào Văn C (cha ruột bà Đào Thị N, Đào Văn Đ, Đào Văn B). Ông Đào Văn C không có tên Đào Văn C;
- “Giấy ủy quyền nhà ở ngày 14 tháng 2 năm 98” không có xác nhận chữ ký của Cơ quan có thẩm quyền; Do đó, bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đồng thời có phản tố yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G là toàn bộ nhà đất tại số Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 348/2022/DS-ST ngày 17/9/2022 của Tòa án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị S về yêu cầu xác định nhà đất Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác Trần Việt T2), bà Lê Thị H3 và yêu cầu bà Đào Thị N phải bàn giao cho bà Lê Thị S hiện trạng nhà Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị S và một phần yêu cầu phản tố của bà Đào Thị N.
Bà Lê Thị S và bà Đào Thị N mỗi người được hưởng một phần ba (1/3) giá trị của nhà đất số Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
3. Giao cho bà Lê Thị S tạm thời quản lý phần giá trị thừa kế của ông Đào Văn B (hoặc con của ông Đào Văn B) được hưởng là 1/3 giá trị của nhà đất số Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh (sau khi trừ đi số tiền án phí sơ thẩm và các chi phí hợp lý khác theo quy định pháp luật). Bà Lê Thị S phải có nghĩa vụ giao lại giá trị tài sản được giao quản lý khi ông Đào Văn B (hoặc con của ông Đào Văn B) yêu cầu theo quy định pháp luật.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bà Lê Thị S và bà Đào Thị N có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền bán nhà đất số Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh để chia.
Tài sản chia thừa kế được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
* Ngày 28/9/2022 nguyên đơn bà Lê Thị S và bị đơn bà Đào Thị N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người khởi kiện không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Nguyên đơn bà Lê Thị S ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh H, ông Phạm Văn H2 và ông Nguyễn Thanh H1 trình bày: Nguyên đơn yêu cầu sửa bản án sơ thẩm bác yêu cầu phản tố của bị đơn, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì cho rằng ông Đào Văn C đồng ý giao cho con trai là ông Trần Việt T2 tên gọi khác Đào Văn Đ là cha của nguyên đơn, thường trú tại Quận 1 được trọn 3 quyền: sở hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản trong căn nhà Quận 1 theo Giấy cam kết uỷ quyền thừa kế nên yêu cầu được công nhận. Nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh bà S là con của ông T2 hay ông Đ, giấy khai sinh tên cha không có, không có giấy đăng ký kết hôn, giấy khai tử đứng tên là bà Lê Thị H3 không có khai tử cho ông T2, mặc dù không có chứng cứ nhưng bà S là con của bà H3 và ông T2. Bà S không biết ông T2 có vợ có con khác nên không biết thông tin.
- Bị đơn bà Đào Thị N ủy quyền cho ông Nguyễn Quốc P trình bày: Bị đơn là người sinh sống với cha mẹ từ nhỏ trong nhà đất này. Ông Đ và ông T2 không phải là một người và bà S là con riêng của bà Lê Thị H3, còn cha là vô danh nên bà S không phải là con của ông Đ hay ông T2. Do đó, bà S không được hưởng thừa kế thế vị của ông Đ hay ông T2. Ngoài ra tại giấy chứng tử của ông Trần Việt T2 thể hiện vợ của ông T2 là bà Đặng Thị T5 không phải là bà Lê Thị H3. Nếu ông T2 và ông Đ là cùng một người thì bà H3 cũng không phải là vợ của ông T2, bà H3 cũng không có giấy kết hôn với ông T2, bà S không cung cấp được giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác có liên quan đến nhân thân xác định ông T2 hay ông Đ là cha của bà S. Ông Đ hoặc ông T2 có vợ con hay không bà N không biết chính xác nên yêu cầu giao nhà đất trên cho bà N hiện nay là người thừa kế hợp pháp quản lý sử dụng kê khai di sản thừa kế theo quy định, nếu có phát sinh người thừa kế của ông B thì bà N sẽ phân chia cho thừa kế của ông B theo quy định pháp luật.
- Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
+ Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án cho đến thời điểm Hội đồng xét xử tuyên bố nghị án, Thẩm phán chủ tọa, Thư ký, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Những người tham gia tố tụng đã được thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
+ Về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Về thời hạn kháng cáo:
Ngày 09 và 17/9/2022 Tòa án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, ngày 27/9/2022 nguyên đơn bà Lê Thị S và ngày 28/9/2022 bị đơn bà Đào Thị N có đơn kháng cáo. Căn cứ khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự xác định đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn luật định, là hợp lệ được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
- Về thủ tục tố tụng:
[2] Nguyên đơn bà Lê Thị S có mặt; Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Lê Thị S là ông Nguyễn Thanh H, ông Nguyễn Thanh H1, ông Phạm Văn H2 có mặt; Bị đơn bà Đào Thị N có mặt; Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Đào Thị N có bà Phạm Thanh Trúc và ông Nguyễn Quốc P có mặt. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
- Về nội dung vụ án:
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu được hưởng toàn bộ di sản của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G chết để lại do bà N và ông B đã được ông C cho tài sản khác và xét đơn kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị N cho rằng nguyên đơn bà Lê Thị S không phải là con của ông Trần Việt T2 cũng không phải là ông Đào Văn Đ nên bà S không thuộc diện được hưởng di sản thừa kế nhưng Tòa án sơ thẩm giao tài sản cho bà S quản lý là không phù hợp với quy định pháp luật, hội đồng xét xử nhận định:
Nguyên nguồn gốc nhà đất Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do ông Đào Văn C chết năm 1998, bà Võ Thị G chết năm 1981 tạo lập chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 14/8/1992, Uỷ ban Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 552/QĐ-UB/8 về việc kiểm kê thu hồi nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 16/7/1993, UBND Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 114/QĐ-UB/3 về việc giao trả căn nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho ông Đào Văn C, Thu hồi lại Quyết định số 552/QĐ-UB/8 nên nhà đất đang tranh chấp thừa kế được xem là nhà đất có giấy tờ hợp lệ theo quy định tại Điều 95, Điều 97, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Xác định căn nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản của ông Đào Văn C và Võ Thị G chết để lại không có di chúc. Ông C, bà G có 03 người con chung là ông Đào Văn Đ (sinh năm 1927, chết năm 1997), bà Đào Thị N (sinh năm 1934) và ông Đào Văn B (sinh năm 1948).
[4] Xét về nhân thân của ông Đào Văn Đ, căn cứ Giấy cam kết uỷ quyền thừa kế nhà do ông Đào Văn C, chứng minh Nhân dân số 020244803 lập thể hiện ông C đồng ý giao cho con trai ông tên Trần Việt T2 được trọn 3 quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản của ông C được hưởng trong căn nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban Nhân dân phường C chứng thực thể hiện ông C công nhận ông C có con trai tên Trần Việt T2. Bà N xác định ông C có 02 người con trai là ông Đào Văn B và ông Đào Văn Đ và xác định ông B, bà N không có tên gọi khác, còn ông Đ thì bà N không biết có tên gọi khác hay không. Như vậy, việc ông C xác định giao cho ông Trần Việt T2 là con trai ông C được quyền quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản của ông C được hưởng trong căn nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh chính là giao cho người con trai có tên gọi khác là Đào Văn Đ là phù hợp với thông tin tại Giấy chứng tử của ông Trần Việt T2 số 02/97, quyển số I do UBND phường Bến Thành cấp ngày 08/01/1997 có thông tin về năm sinh, nơi thường trú trùng với với thông tin nêu tại Giấy cam kết uỷ quyền thừa kế được ông C nên có cơ sở xác định ông Đào Văn Đ có tên gọi khác là ông Trần Việt T2 là cùng một người.
[5] Căn cứ giấy chứng tử của ông Trần Việt T2 và giấy khai sinh, giấy chứng tử của: ông Đào Văn D (1953 – 1988): Giấy khai sinh tên cha Đào Văn Đ, mẹ Lê Thị H3 ; bà Lê Thị S (1955): Giấy khai sinh tên cha không có, mẹ Lê Thị H3; bà Trần Việt H4 (1957 – 1977): Giấy khai sinh tên cha Trần Việt T2, mẹ Lê Thị H3; ông Trần Việt T3 (1959 – 2019): Giấy khai sinh tên cha Trần Việt T2, mẹ Lê Thị H3; ông Lê Văn T4 (1962 – 1989): Giấy khai tên cha không có, mẹ Lê Thị H3; Giấy khai tử của ông Trần Việt T2 ngày 08/01/1997 ghi: Người báo tử là vợ tên Đặng Thị T5 (BL 97). Như vậy trong 05 giấy khai sinh thì ông D có cha là ông Đào Văn Đ, bà H4 và ông T3 có cha là Trần Việt T2, còn bà S và ông T4 không có tên cha. Do đó không có cơ sở xác định ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) là cha của bà Lê Thị S. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn bà Lê Thị S cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh bà Lê Thị S là con của ông Đào Văn Đ hay ông Trần Việt T2, không cung cấp được giấy chứng nhận kết hôn giữa bà Lê Thị H3 và ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) và căn cứ vào giấy khai sinh của bà Lê Thị S thể hiện bà S có mẹ là bà Lê Thị H3 còn cha là vô danh, không có nội dung nào thể hiện nào bà S có cha là ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) và tại giấy chứng tử của ông Trần Việt T2 ngày 08/01/1997 thể hiện vợ ông T2 là bà Đặng Thị T5, không phải vợ là bà Lê Thị H3 nên ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) đều không phải là chồng của bà Lê Thị H3 nên ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) không phải là cha của bà S nên việc bà S khởi kiện yêu cầu được hưởng thừa kế thế vị của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) là không có căn cứ chấp nhận, Toà án cấp sơ thẩm xác định bà Lê Thị S là con của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) và bà Lê Thị H3 là không đúng, nên cần sửa phần này của bản án sơ thẩm; Xác định bà Lê Thị S không phải là con của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) nên không được hưởng thừa kế thế vị của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) theo quy định pháp luật.
[6] Xét giấy cam kết uỷ quyền thừa kế nhà số 1996 do ông Đào Văn C lập năm 1996 có nội dung cho con trai Trần Việt T2 được trọn 3 quyền: sở hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản trong căn nhà Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Như đã nhận định trên, xác định ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) không phải là chồng của bà Lê Thị H3 và không phải là cha của bà Lê Thị S nên năm 1997 ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) chết, xác định không có người thừa kế thế vị vì ông Đào Văn D; bà Trần Việt H4 ông Trần Việt T3 đều chết khi còn độc thân và bà Lê Thị H3 mẹ của ông D, bà H4, ông T3 cũng đã chết nên xác định chỉ có bà N và ông Đào Văn B sẽ được hưởng di sản của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2) theo quy định pháp luật.
Như vậy, di sản của ông C và bà G đối với nhà đất tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được chia cho 2 phần bằng nhau cho 02 người được hưởng gồm bà Đào Thị N và ông Đào Văn B nhưng do ông B chết năm 1997, không có khai tử, không có giấy chứng tử. Ông B có vợ con nhưng không biết họ tên và nơi cư trú hiện nay của vợ con ông B. Tại các Văn bản số 1135/CAQ1 (QLHC) ngày 13/5/2022 của Công an Quận 1, số 182/UBND ngày 13/5/2022 của UBND phường C, số 197/TP ngày 13/6/2022 của Phòng Tư pháp Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho Toà án thể hiện: Giấy chứng nhận hộ khẩu số 123740 ngày 18/01/1990 tại địa chỉ nhà số TK34/21 Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có chủ hộ là Đào Văn C, con Đào Văn B sinh năm 1948, con dâu Nguyễn Thị Kim Ng, cháu Đào Văn H7 (nam, sinh năm 1977), cháu Đào Thị Kim Hương (nữ, sinh năm 1990) là phù hợp với lời khai nhận của hai bên đương sự về ông Đào Văn B nên có cơ sở xác định ông Đào Văn B là con được hưởng di sản thừa kế của ông Đào Văn C. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tại Toà án cấp sơ thẩm và tại phiên toà phúc thẩm không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ liên quan đến khai tử của ông B, không có đương sự nào cung cấp được thông tin về các đồng thừa kế của ông Đào Văn B còn sống hay đã chết, bà N cũng chưa làm thủ tục tuyên bố mất tích hay tuyên bố chết đối với ông Đào Văn B và các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nên không xác định được Đào Văn B còn sống hay chết và ông B có người thừa kế hay không nên tạm giao nhà đất tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho bà Đào Thị N cho bà N được quản lý phần tài sản mà ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) được hưởng thừa kế của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G để bà N được quyền đại diện các đồng thừa kế của ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) kê khai di sản thừa kế theo quy định pháp luậttheo hướng dẫn số 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Tòa án Nhân dân Tối cao.
[7] Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm; Không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Lê Thị S; Xác định bà Lê Thị S không phải là người thừa kế của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2); Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị N; Xác định nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G được chia đều cho 02 đồng thừa kế được hưởng là bà Đào Thị N và ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có); Tạm giao nhà đất tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho bà Đào Thị N được quản lý và tạm giao bà N được quản lý phần tài sản mà ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) được hưởng thừa kế của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G để bà N được quyền đại diện các đồng thừa kế của ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) kê khai di sản thừa kế theo quy định pháp luật.
[8] Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là không có cơ sở, không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[9] Án phí dân sự sơ thẩm:
- Ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 78.012.010 đồng, tính án phí theo kỷ phần thừa kế được hưởng là 4.601.201.000: 2 = 2.300.600.500 đồng (theo biên bản định giá tài sản ngày 02/3/2022 của Toà án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
- Bà Đào Thị N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 78.012.010 đồng, tính án phí theo kỷ phần thừa kế được hưởng là 4.601.201.000 : 2 = 2.300.600.500 đồng (theo biên bản định giá tài sản ngày 02/3/2022 của Toà án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng bà Đào Thị N, sinh năm 1934 nên thuộc trường hợp được miễn án phí dân sự theo quy định tại Điều 2 của Luật người cao tuổi và điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15 và Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Bà Đào Thị N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Do bà Đào Thị N được tạm giao quản lý phần di sản này nên bà Đào Thị N có trách nhiệm nộp thay số tiền án phí này cho ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) và số tiền này sẽ được bà Đào Thị N trừ vào chi phí quản lý di sản theo quy định pháp luật.
[10] Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án dân sự sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Lê Thị S; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị N; Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 348/2022/DS- ST ngày 17/9/2022 của Tòa án Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:
- Không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị S; Xác định bà Lê Thị S không phải là người thừa kế của ông Đào Văn Đ (tên gọi khác là Trần Việt T2);
- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Đào Thị N; Xác định nhà số Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là di sản của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G được chia đều cho 02 đồng thừa kế được hưởng là bà Đào Thị N và ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có);
- Tạm giao nhà đất tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho bà Đào Thị N được quản lý và tạm giao bà N được quản lý phần tài sản mà ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) được hưởng thừa kế của ông Đào Văn C và bà Võ Thị G để bà N được quyền đại diện các đồng thừa kế của ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) kê khai di sản thừa kế theo quy định pháp luật.
2 .Án phí dân sự sơ thẩm:
- Ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 78.012.010 đồng. Bà Đào Thị N có trách nhiệm nộp thay số tiền án phí dân sự sơ thẩm cho ông Đào Văn B (hoặc các đồng thừa kế của ông Đào Văn B nếu có), được trừ vào chi phí quản lý di sản theo quy định pháp luật.
- Bà Đào Thị N được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 103/2023/DS-PT
Số hiệu: | 103/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 16/01/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về