TÒA ÁN NHÂN DÂNTỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 28/2023/DS-PT NGÀY 07/04/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU DI DỜI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Ngày 07 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 91/2022/TLPT-DS ngày 02 tháng 12 năm 2022 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản trên đất.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2022/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 10/2023/QĐ-PT ngày 31 tháng 01 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 29/2023/QĐ-PT ngày 23 tháng 02 năm 2023; Thông báo chuyển ngày xét xử số 17/TB-TDS, ngày 13/3/2023 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Đinh Đức T1, sinh năm 1971, cư trú tại: Số xx, khu xx, thị trấn N, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Bị đơn: Ông Bế Viết N, sinh năm 1973, cư trú tại: Thôn K, xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Bế Viết N:
+ Ông Nguyễn Văn S, cư trú tại: Thôn D, xã D, huyện H, Thành phố Hà Nội (theo Văn bản ủy quyền ngày 03/4/2023); có mặt;
+ Bà Vũ Đặng Đan Q, cư trú tại: Tổ xx, phường H, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên (theo Văn bản ủy quyền ngày 15/3/2023); có mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, Luật sư Công ty Luật TNHH quốc tế N, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Đinh Thị K, sinh năm 1949, cư trú tại: Thôn T, xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Đinh Thị K: Ông Đinh Đức T1, sinh năm 1971, cư trú tại: Số xx, khu xx, thị trấn N, huyện V, tỉnh Lạng Sơn (theo văn bản ủy quyền ngày 05/5/2022); có mặt 2. Chị Đinh Thị D, sinh năm 1977, cư trú tại: Khu xx, thị trấn N, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
3. Bà Bế Thị H, sinh năm 1972; có mặt;
4. Chị Đinh Thùy T, sinh năm 1991; vắng mặt;
5. Anh Đinh Tuấn A, sinh năm 1997; vắng mặt;
Cùng cư trú tại: Số xx, khu xx, thị trấn N, huyện V, tỉnh Lạng Sơn.
6. Bà Hoàng Thị K, sinh năm 1944; vắng mặt;
7. Chị Lương Thị L, sinh năm 1979; có mặt;
8. Chị Bế Thị P, sinh năm 2003; vắng mặt;
9. Bà Bế Thị H1, sinh năm 1969; vắng mặt;
Cùng cư trú tại: Thôn K, xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Bế Thị P: Ông Bế Viết N, sinh năm 1973, cư trú tại: Thôn K, xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn (theo văn bản ủy quyền ngày 13/9/2022); có mặt.
10. Chị Bế Thị K, sinh năm 2001, cư trú tại: Thôn 2, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội; vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Bế Thị K: Ông Bế Viết N, sinh năm 1973, cư trú tại: Thôn K, xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn (theo văn bản ủy quyền ngày 13/9/2022); có mặt.
11. Bà Bế Thị Đ, sinh năm 1977; cư trú tại: Thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
12. Chị Bế Thị H2, sinh năm 1982; cư trú tại: Khu xx, thị trấn N, huyện V, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.
13. Ủy ban nhân dân xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Toàn Thị H - Công chức Đ xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn (theo văn bản ủy quyền ngày 29/7/2022); vắng mặt.
- Người kháng cáo: Ông Bế Viết N, là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và mảnh trích đo địa chính ký hiệu TĐ 26/2021 do Công ty Cổ phần trắc địa bản đồ và môi trường S - chi nhánh Lạng Sơn thực hiện ngày 01-6-2021 thể hiện:
Ông Đinh Đức T1 và ông Bế Viết N tranh chấp với nhau diện tích đất có địa danh N thuộc Thôn K, xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn, gồm 03 thửa thuộc tờ bản đồ địa chính số 24 xã T: Thửa đất số 28.1; thửa đất số 31.1; thửa đất số 49. Mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác tại vị trí II. các bên đương sự thống nhất giá đất là 48.000đồng/m2.
Theo kết quả định giá của Hội động định giá đã xác định trị giá tài sản trên đất thửa số 28 gồm: 01 cây trám 840.000 đồng; 01 cây mác mật 129.000 đồng;
01 cây xoài 567.000 đồng; 01 cây xoài 1.454.000 đồng; 01 cây hồng xiêm 567.000 đồng; 01 cây chanh 142.000 đồng; 01 cây nhót 33.000 đồng; 02 cây cam 284.000 đồng; 02 cây cam 102.000 đồng; 20 cây chuối 540.000 đồng; ớt chỉ thiên 190.000 đồng; 01 cây lê 203.000 đồng; 02 cây cà pháo 15.000 đồng; 01 cây dâu; 89.000 đồng; 02 khóm sả 48.000 đồng; 01 cây thanh long 175.000 đồng, tổng giá trị tài sản trên thửa số 28 là 5.378.000 đồng. Tài sản trên đất thửa số 31 gồm: 15 cây cam 2.130.000 đồng; 01 cây đào 768.000 đồng; diện tích ngô (ngô có giá trị tại thời điểm định giá là 1.688.000 đồng nằm ở thửa số 31); 35 cây chuối 945.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trên thửa số 31 là 5.531.700 đồng.
Tài sản trên đất thửa số 49 gồm: các cây ngô có giá trị là 1.259.000 đồng.
Nguyên đơn ông Đinh Đức T1 trình bày: Năm 1984 bố của ông là Tạ Lương C (nay đã chết) có mua với ông Hứa Duy H (nay đã chết) tại địa điểm khu N, thuộc Thôn K, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn một khu đất do ông Hứa Duy H tự khai phá. Trước thời điểm đó, đất này là khu chăn nuôi của Trại giam T (thuộc Bộ Công an). Sau khi Trại giam T chuyển đi thì gia đình ông Hứa Duy H quản lý, sử dụng và dựng nhà ở một thời gian thì ông Hứa Duy H có chuyển nhượng cho ông Tạ Lương C, có giấy chuyển nhượng giấy viết tay vào ngày 07/4/1984 và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã T L.
Năm 2006, gia đình ông chuyển ra thị trấn N sinh sống, nhà cửa, cây cối, vườn để lại. Đến năm 2007, ông Bế Viết N đã chặt hàng rào Dâm bụt của nhà ông và ông phát ngô của nhà ông Bế Viết N trồng thì bà Hoàng Thị K kiện ông ra xã. Hai bên xảy ra tranh chấp, thời điểm đó Ủy ban nhân dân xã đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Căn cứ gia đình ông đã có giấy mua bán đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã T năm 1984, ban hòa giải công nhận gia đình ông mua bán đất là hợp lệ nhưng bên ông Bế Viết N không chấp nhận, hai bên xảy ra tranh chấp kéo dài. Phần đất tranh chấp có diện tích theo bản đồ địa chính số 24 xã T như sau: Thửa số 28, diện tích 223,3m2; thửa số 31, diện tích 259,8m2; thửa số 49, diện tích 193,8 m2. Tổng diện tích ông yêu cầu ông Bế Viết N trả lại cho ông là 676,9m2.
Sau khi có kết quả thẩm định tại chỗ ngày 15/6/2022 thì xác định đất tranh chấp ở các thửa là: Thửa đất số 28.1 có diện tích 162,8m2; thửa đất số 31.1 có diện tích 234,3m2; thửa đất số 49 có diện tích giữ nguyên là 193,8m2. Như vậy diện tích đất tranh chấp bị giảm đi 86m2 so với yêu cầu ban đầu. Đối với phần diện tích 86m2, quá trình xem xét thẩm định thì xác định số diện tích này một phần đã được gia đình ông Bế Viết N kê khai và được cấp sổ đỏ nên ông không yêu cầu ông Bế Viết N phải trả lại phần diện tích 86m2 và tài sản sản được trồng trên diện tích đó nữa. Mà ông yêu cầu ông Bế Viết N trả lại cho gia đình ông phần diện tích đất tranh chấp nằm tại các thửa số 28.1, 31.1, 49. Trong quá trình Tòa án giải quyết, ông yêu cầu ông Bế Viết N di dời các cây được trồng trên các thửa tranh chấp. Trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đinh Đức T1 thay đổi yêu cầu, nếu ông được quyền quản lý và sử dụng các thửa đất số 28.1, 31.1, 49 thì không yêu cầu bị đơn ông Bế Viết N di dời tài sản trên đất, mà yêu cầu được quản lý sử dụng tài sản trồng trên các thửa đất đó. Ông tự nguyện trả tiền giá trị tài sản trên các thửa đất 28.1, 31.1, 49 cho bị đơn theo giá trị của Hội đồng định giá tài sản đã định giá, trừ diện tích ngô đến thời điểm hiện tại thì bị đơn đã thu hoạch và các cây nằm ở vị trí mà ông rút.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía nguyên đơn, bà Đinh Thị K trình bày: Năm 1984, chồng bà là ông Tạ Lương C có mua với ông Hứa Duy H Thôn K, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn, thửa đất được liệt kê trong giấy tờ mua bán, bao gồm: 01 căn nhà bằng gỗ 03 gian, 02 gian nhà bếp và vườn cây ăn quả. Trước đấy khu đất là khu vực Trại giam T (thuộc Bộ Công an) quản lý. Sau khi Trại giam chuyển đi thì nhà ông Hứa Duy H khai phá canh tác làm nhà rồi lại chuyển nhượng cho gia đình bà. Gia đình bà sinh sống ở đó đến năm 2005 thì chuyển đi nơi khác sinh sống cùng các con nhưng vẫn quản lý. Năm 2006 bà cho người khác ở nhờ và làm ăn một thời gian. Đến năm 2007 thì được biết gia đình anh Bế Viết N chặt phá cây ăn quả và hàng rào râm bụt ngăn cách giữa 02 nhà nên con trai bà là Đinh Đức T1 vào xem và xảy ra tranh chấp. Sự việc đã được chính quyền thôn, xã giải quyết nhưng không thành. Nay bà đã già sức khỏe yếu ủy quyền cho con trai bà là Đinh Đức T1, đề nghị Tòa án giải quyết những thửa đất trong giấy mua bán, bà không yêu cầu lấy phần để hết cho con trai bà là Đinh Đức T1.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía nguyên đơn chị Đinh Thị D trình bày: Gia đình đúng có căn nhà và vườn tại khu N, Thôn K, xã B. Bố mẹ mua nhà với ông Hứa Duy H vào năm 1984, gia đình sinh sống từ đó đến năm 2006. Sau gia đình chuyển ra ngã ba T (nhà cửa, cây cối, vườn tược để lại đó). Nay anh trai là Đinh Đức T1 tranh chấp với ông Bế Viết N. Mọi quyền quyết định là do anh trai, chị không yêu cầu lấy phần đất, để cho anh Đinh Đức T1, chị từ chối tham gia tố tụng.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về phía nguyên đơn chị Bế Thị H, chị Đinh Thị T, anh Đinh Tuấn A là vợ và các con của ông Đinh Đức T1 đều nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đinh Đức T1, đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bị đơn ông Bế Viết N trình bày: Hiện nay hộ gia đình ông đang sử dụng diện tích đất 4.549,0 m2 có nhà ở trên đất, đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm khác, bao gồm các thửa đất như sau: Thửa số 27, tờ bản đồ số 24 diện tích 576,6m2; thửa số 32, tờ bản đồ số 24 diện tích 680,6m2; thửa số 18, tờ bản đồ số 24 diện tích 2.614,9m2; thửa số 28, tờ bản đồ số 24 diện tích 223,3m2; thửa số 31, tờ bản đồ số 24 diện tích 259,8m2; thửa số 49, tờ bản đồ số 24 diện tích 193,8m2.
Nguồn gốc các thửa đất trên là của bố mẹ ông là Bế Viết N1 và bà Hoàng Thị K, gia đình sử dụng ổn định không có tranh chấp trước thời điểm 18/12/1980. Trước đây tất cả các thửa đất trên và các khu đất liền kề là của Trại giam T. Vào khoảng năm 1970, bố mẹ và các anh, chị em ông làm nhà ở trên khu đất đó, thời điểm đó chỉ có gia đình ông ở đó. Năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới, gia đình ông Hứa Duy H ở nơi khác đến sơ tán và xin gia đình ông cho làm một cái nhà ba gian bằng khung gỗ (vị trí nằm trên thửa số 28 hiện nay). Gia đình ông Hứa Duy H làm ăn sinh sống được 1-2 năm thì chuyển đi chỗ khác. Ông Tạ Lương C là bố đẻ của ông Đinh Đức T1 mua lại cái khung nhà này và chuyển đi nơi khác, không có việc mua bán đất vì đất là của gia đình ông đang quản lý. Việc sử dụng đất của gia đình ông ổn định 52 năm, không tranh chấp với ai. Hiện nay gia đình ông đang là chủ sử dụng đất, mục đích sử dụng là làm nhà ở, trồng cây lâu năm và các cây trồng hàng năm khác.
Ông đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu của ông Đinh Đức T1 về việc đòi quyền sử dụng đất các thửa số 28.1, 31.1, 49 thuộc tờ bản đồ số 24 có địa chỉ tại khu N thuộc Thôn K, xã B, huyện V (theo kết quả thẩm định trích đo). Các thửa đất này gia đình ông đang quản lý, sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980. Ông Đinh Đức T1 không phải là người sử dụng đất và không có việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Hứa Duy H mà chỉ là mua bán khung nhà gỗ 03 gian với ông Hứa Duy H. Nay ông Đinh Đức T1 khởi kiện ông tranh chấp đất và yêu cầu ông trả diện tích đất trên, ông không đồng ý.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phía bị đơn, bà Lương Thị L trình bày: Ý kiến bà cũng giống với ý kiến của ông Bế Viết N không đồng ý trả lại các thửa đất trên cho ông Đinh Đức T1.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phía bị đơn là Bà Hoàng Thị K, bà Bế Thị H1, Bế Thị Đ, Bế Thị H2, Bế Thị P, Bế Thị K trình bày: Nguồn gốc đất là của ông cha để lại, ông bà của bị đơn chỉ cho ông Hứa Duy H ở nhờ. Năm 1984 ông Hứa Duy H chỉ bán khung nhà cho ông Tạ Lương C, không bán đất. Nay ông Đinh Đức T1 khởi kiện yêu cầu gia đình trả lại các thửa đất nêu trên, đều không đồng ý.
Theo tài liệu của UBND xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn cung cấp và lời trình bày của người đại diện hợp pháp của UBND xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Vụ việc tranh chấp giữa ông Đinh Đức T1 và ông Bế Viết N đã được Ủy ban nhân dân xã T tiến hành hòa giải vào năm 2007, kết quả hòa giải không thành đến nay 02 hộ vẫn xảy ra tranh chấp. Qua kiểm tra bản đồ giải thửa 299 và sổ địa chính năm 1994 xã T cũ thì các thửa đất số 28, 31, 49 tờ bản đồ số 24 không có quy chủ hộ gia đình cá nhân nào.
Về nguồn gốc đất: Ủy ban nhân dân xã B không nắm được là đất của ai, vì trên bản đồ địa chính năm 2015 và trên bản đồ giải thửa 299 (năm 1986) không quy chủ sử dụng đất. Bản đồ địa chính năm 2015 thể hiện các thửa đất số 28, 31, 49 quy chủ là đất tranh chấp.
Quá trình quản lý sử dụng đất: Ủy ban nhân dân xã B tiến hành xác minh những người hiểu biết ở trong Thôn K cho biết: Năm 1984 ông Hứa Duy H bán nhà cho ông Tạ Lương C sinh sống đến năm 2007 và chuyển đi nơi khác sinh sống. Năm 2007 gia đình ông N canh tác trồng màu trên các thửa đất số 28, 31, 49 cho đến nay. Các thửa đất trên mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác, cả hai hộ đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp Tòa án giao đất cho dân quản lý, sử dụng thì phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của xã.
Theo công văn số 1334/UBND-TNMT ngày 19/7/2022 của Ủy ban nhân dân huyện V có nội dung: Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện V được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1335/QĐ - UBND ngày 06/7/2021 thì các thửa đất đang tranh chấp đều thuộc tờ bản đồ địa chính số 24 xã T (nay là xã B) ghi mục đích sử dụng trồng cây hàng năm khác nằm trong quy hoạch dự án cải tạo tuyến đường ĐH13 và khu dân cư biệt thự du lịch sinh thái xã B nhưng chưa thông báo, kế hoạch thu hồi đất và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các thửa đất trên có đủ điều kiện xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất như nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 100 Luật đất đai năm 2013, Điều 70 nghị định số 43/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Các cây cối, hoa màu, tài sản trên đất vẫn được phép tồn tại.
Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:
1. Về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đinh Đức T1.
- Ông Đinh Đức T1 được quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp là 162,8m2 tại N, Thôn K, xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn, thuộc một phần thửa số 28, tờ bản đồ số 24, bản đồ địa chính xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn và sở hữu tài sản trên đất gồm có: 01 cây trám đường kính gốc 16cm; 01 cây mác mật đường kính 03cm; 01 cây xoài đường kính 08cm; 01 cây xoài đường kính 16cm; 01 cây chanh có đường kính 02; 01 cây nhót đường kính 01cm;02 cây cam đường kính 02cm; 02 cây cam đường kính 01cm; 20 cây chuối tây; ớt chỉ thiên 20m2; 02 cây cà pháo; 01 cây dâu đường 05cm; 02 khóm sả; 01 cây thanh long. Diện tích 162,8m2 đất được xác định tại thửa số 28.1, các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A3 - A4 - A5 - B3 - B1 - A3. (Vị trí các cạnh và điểm mốc thể hiện trên phụ lục trích đo khu đất tranh chấp của Công ty Trắc địa bản đồ và Môi trường S - Chi nhánh Lạng Sơn kèm theo bản án).
- Ông Đinh Đức T1 được quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp là 234,3m2 tại N, Thôn K, xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn, thuộc một phần thửa số 31, tờ bản đồ số 24, bản đồ địa chính xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn và sở hữu tài sản trên đất gồm có: 15 cây cam đường kính từ 02- 05cm; 35 cây chuối tây. Diện tích 234,3m2 đất được xác định tại thửa số 31.1, các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) B2 - B3 - A5 - A6 - A7 - B5 - B4 - B2. (Vị trí các cạnh và điểm mốc thể hiện trên phụ lục trích đo khu đất tranh chấp của Công ty Trắc địa bản đồ và Môi trường S- Chi nhánh Lạng Sơn kèm theo bản án).
- Ông Đinh Đức T1 được quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp là 193,8m2 tại N, Thôn K, xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn, thuộc thửa số 49, tờ bản đồ số 24, bản đồ địa chính xã T, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Diện tích 193,8m2 đất được xác định thửa số 49, các đỉnh thửa nối các điểm B5 - A7 - A8 - A9 - A10 - B6- A11 - B5. (Vị trí các cạnh và điểm mốc thể hiện trên phụ lục trích đo khu đất tranh chấp của Công ty Trắc địa bản đồ và Môi trường S - Chi nhánh Lạng Sơn kèm theo bản án).
Buộc bị đơn ông Bế Viết N và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phía bị đơn chấm dứt việc tranh chấp và trả lại diện tích đất tranh chấp trên cho ông Đinh Đức T1. Ông Đinh Đức T1 có nghĩa vụ kê khai đăng ký quyền sử dụng đất với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của ông Đinh Đức T1 đối với phần diện tích 86m2 đất, vì ông Đinh Đức T1 đã rút yêu cầu khởi kiện.
3. Ghi nhân sự tự nguyện của ông Đinh Đức T1 trả tiền tương ứng giá trị tài trên đất cho ông Bế Viết N là 7.683.000 (bẩy triệu sáu trăm tám mươi ba nghìn) đồng.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, nghĩa vụ chậm thi hành án và tuyên về chi phí tố tụng, án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Trong thời hạn luật định, bị đơn ông Bế Viết N kháng cáo toàn bộ Bản án, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn Bộ bản án dân sự sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để xét xử lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Ông Bế Viết N giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Bế Viết N trình bày: Năm 2007 xảy ra tranh chấp và Ủy ban xã đã giải quyết nhưng không thành và đề nghị cấp trên giải quyết; ông Bế Viết N đã có quá trình canh tác sử dụng liên tục từ năm 2007 đến nay nên Bản án sơ thẩm xử cho ông Đinh Đức T1 được quyền quản lý và sử dụng đất là không đúng vì ông Đinh Đức T1 mua nhà từ năm 1984 và cũng không ở và sử dụng mà năm 2007 mới xảy ra tranh chấp, xác định ông Đinh Đức T1 không sử dụng 25 năm; văn bản mua bán không có hiệu lực pháp luật theo quy đinh của Chính phủ; qua xác minh của xã thì đất không xác định được là của ai và không quy chủ; năm 2015 bản đồ địa chính quy chủ là đất tranh chấp; công văn của Phòng Tài nguyên và Môi trường xác định đất đủ điều kiện để cấp đất. Do đó đề nghị Tòa án hủy Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để xét xử lại.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng: Về lịch sử đất là do bố mẹ ông Bế Viết N khai phá từ những năm 1970 đến năm 1979 thì ông Hứa Duy H đến ở nhờ và làm khung nhà gỗ ba gian; đến năm 1984 ông Hứa Duy H bán khung nhà gỗ cho ông Tạ Lương C sau đó ông Tạ Lương C dỡ nhà gỗ và ông Bế Viết N đến trồng Ngô; năm 2007 ông Đinh Đức T1 đến phá vườn Ngô nên Ủy ban nhân xã T đã giải quyết nhưng không thành và chuyển lên cấp trên giải quyết. Hơn nữa cạnh đất tranh chấp vẫn còn có nền nhà và giếng nước là của gia đình ông Đinh Đức T1. Căn cứ các văn bản của chính quyền các cấp đều không xác định được chủ sử dụng đất và chưa quy chủ được chủ sử dụng đất; những người sống xung quanh là những cán bộ có thẩm quyền cũng đều xác định đất tranh chấp chưa quy chủ; lời khai quan trọng của bà Hoàng Thị D1 khai chỉ bán Nhà không bán đất và giấy tờ mua bán không có chữ ký của bà D1; ông Bế Viết Đ1, ông Bế Viết Đ2, ông Chu Minh T đều xác nhận gia đình ông Bế Viết N canh tác liên tục từ những năm 1980. Việc cấp sơ thẩm sử dụng tài liệu mua bán nhà, tài sản để quyết định là trái quy định của Chính phủ; gia đình ông Bế Viết N canh tác liên tục từ trước đến nay. Do đó có căn cứ khẳng định, Bản án sơ thẩm không đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện theo các căn cứ, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để giải quyết, mâu thuẫn với chính đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Chính vì vậy, đề nghị tuyên huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm số 02/2022/DS- ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để cấp sơ thẩm xét xử lại.
Nguyên đơn ông Đinh Đức T1 giữ nguyên lời khai, ý kiến tại cấp sơ thẩm và không nhất trí kháng cáo của bị đơn và cho rằng gia đình ông Hứa Duy H1 đã đến ở từ những năm 1976 và mới chuyển giao cho ông Hứa Duy H và ông H bán lại nhà và đất cho bố mẹ ông là Tạ Lương C. Gia đình đã sử dụng ổn định từ năm 1984 đến năm 2006 chuyển ra thị trấn ở nhưng vẫn tiếp tục cho người thân quản lý, sử dụng. Mặt khác bản thân gia đình ông Nhị không quản lý, sử dụng đất; năm 2007 khi xảy ra tranh chấp, Ủy ban nhân dân xã không cho hai bên gia đình canh tác mà chờ cấp trên giải quyết.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:
1. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng:
Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự, người tham gia tố tụng khác chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
2. Về việc giải quyết kháng cáo: Kháng cáo của bị đơn ông Bế Viết N trong thời hạn luật định, căn cứ Điều 273, 274 Bộ luật tố tụng dân sự, kháng cáo là hợp lệ.
Bị đơn ông Bế Viết N kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Toàn án nhân dân huyện V, tỉnh Lạng Sơn để xét xử lại. Xét kháng cáo thấy:
Căn cứ lời khai của của các đương sự, người làm chứng, các tài liệu chứng cứ; qua phần hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa xác định được diện tích đất tranh chấp giữa nguyên đơn ông Đinh Đức T1 và bị đơn ông Bế Viết N gồm thửa tạm 28.1 có diện tích 162,8m2; thửa tạm 31.1 có diện tích 234,3m2; thửa đất số 49 có diện tích 193,8m2 cùng tờ bản đồ số 24, Bản đồ địa chính xã B, huyện V chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức nào. Sổ mục kê quy chủ sử dụng là đất đang có tranh chấp. Trên đất có các cây xoài, mắc mật, cam, chanh, đào, chuối…do bị đơn ông Bế Viết N trồng.
Về nguồn gốc tranh chấp các đương sự đều thống nhất trước đây đất do Trại giam T của Bộ Công an quản lý, sử dụng. Sau khi trại giam chuyển đi thì các hộ dân khai phá canh tác sử dụng. Theo nguyên đơn, đất tranh chấp là do bố đẻ là ông Tạ Lương C mua của ông Hứa Duy H năm 1984 có làm giấy bàn giao tài sản với giá là 11.000.000 đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã T, huyện V. Gia đình ông Tạ Lương C cùng các con sinh sống ở khu đất đấy đến năm 2006 thì chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng vẫn quản lý. Hiện nay nhà đã hỏng chỉ còn nền nhà. Đến năm 2007, gia đình ông N đã tự ý sử dụng đất, trồng các cây ăn quả trên đất của ông T1 dẫn đến tranh chấp và Uỷ ban nhân dân xã T (nay là xã B) tiến hành hòa giải nhưng không thành, xảy ra tranh chấp đến nay. Lời trình bày của nguyên đơn ông T1 phù hợp với tài liệu chứng cứ là giấy bàn giao tài sản do nguyên đơn cung cấp có xác nhận của chính quyền địa phương Ủy ban nhân dân xã T, huyện V. Các phía tiếp giáp được mô tả trong giấy bàn giao tài sản ngày 07/4/1984 phù hợp với các phía tiếp giáp của Trích đo đất tranh chấp ngày 21/9/2022 của Công ty Cổ phần trắc địa bản đồ và môi trương S Chi nhánh Lạng Sơn: Phía Tây giáp đất gia đình ông N; phù hợp với biên bản xác minh của Ủy ban nhân dân xã B, huyện V khẳng định đất tranh chấp có nguồn gốc Trại giam T quản lý sử dụng, sau khi Trại giam chuyển đi thì người dân đến khai phá, gia đình ông C sinh sống ở khu đất tranh chấp từ năm 1984 đến năm 2006 thì chuyển đi, đến năm 2007 thì xảy ra tranh chấp với ông N.
Bị đơn ông Bế Viết N cho rằng khoảng năm 1970 bố mẹ ông khai phá quản lý sử dụng. Năm 1979 gia đình ông H đến xin ở nhờ đất nhà ông và xin làm một cái nhà gỗ vị trí ở thửa đất số 28, tờ bản đồ số 24 hiện nay. Vào năm 1984 ông Hứa Duy H bán nhà cho ông C chỉ bán khung nhà gỗ không bán đất. Tuy nhiên ngoài lời trình bày bị đơn ông N không đưa ra được tài liệu chứng cứ chứng minh về nguồn gốc đất tranh chấp; căn cứ chứng minh có việc cho ông H mượn đất. Các cây trên đất đều do ông N trồng sau thời điểm xảy ra tranh chấp được Ủy ban nhân dân xã T, nay là Ủy ban nhân dân xã B, huyện V giải quyết, hòa giải năm 2007.
Nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Bản án sơ thẩm không có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, cũng như về nội dung. Kháng cáo của bị đơn ông Bế Viết N yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Toàn án nhân dân huyện V, tỉnh Lạng Sơn để xét xử lại là không có căn cứ, cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên qua xem xét nhận thấy Bản án sơ thẩm còn có một số thiếu xót như sau:
Bản án sơ thẩm đình chỉ giải quyết đối với phần diện tích 86m2 do nguyên đơn rút đơn yêu cầu nhưng không nêu rõ các thửa đất, tờ bản đồ, các đỉnh thửa là thiếu xót, không đầy đủ. Bản án sơ thẩm xác định thiếu quan hệ pháp luật có tranh chấp: Buộc chấm dứt hành vi tranh chấp bởi trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đều có yêu cầu này.
Nguyên đơn phải thanh toán tiền đối với tài sản trên đất cho bị đơn, nhưng bản án sơ thẩm không buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền thanh toán là thiếu sót. Có căn cứ xác định các đương sự đã tranh chấp và được Ủy ban nhân dân xã T L, huyện V, tỉnh Lạng Sơn hòa giải tranh chấp từ năm 2007, nhưng phần Quyết định của bản án sơ thẩm không áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 2003 để giải quyết là chưa đầy đủ.
Do sửa bản án sơ thẩm nên bị đơn ông Bế Viết N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Từ những phân tích đánh giá trên. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Bế Viết N; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21/9/2022 của TAND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Phiên tòa đã được triệu tập hợp lệ, có đương sự vắng mặt đã có ủy quyền; đã có ý kiến đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập lần thứ 2. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người này.
[2] Nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có sự chuyển nhượng tài sản vào năm 1984 và đến năm 2007 xảy ra tranh chấp do ông Đinh Đức T1 phá tài sản trên các thửa đất có địa danh, địa điểm là N, thuộc Thôn K, xã T (nay là xã B), huyện V, tỉnh Lạng Sơn do gia đình ông Bế Viết N trồng, thì gia đình ông Bế Viết N báo chính quyền địa phương và tiến hành hòa giải nhưng không thành.
[3] Tại cấp sơ thẩm ông Đinh Đức T1 xuất trình bản gốc giấy viết tay văn bản bàn giao tài sản đề ngày 07/4/1984, có chữ ký của bên giao tài sản, bên nhận tài sản và được Ủy ban nhân dân xã T (nay là xã B) xác nhận ngày 07/4/1984. Trong giấy chuyển nhượng đất ghi giá 11.000 đồng, gồm có những tài sản: 01 nhà gianh 03 gian, 01 nhà bếp 02 gian, toàn bộ khai phá khoảng 03 sào để trồng mầu, trên đất có 36 cây mận, 32 cây chè và đầy đủ vườn mía, chuối, vườn rau, ao cá, khoai…, chuyển giao cho ông Tạ Lương C. Lời trình bày của ông Đinh Đức T1 là phù hợp với lời khai của những người làm chứng bà Hoàng Thị D1 (vợ ông Hứa Duy H), bà Đỗ Thị Chỉ (vợ ông Hứa Duy H1) về việc khoảng năm 1983, 1984 ông Hứa Duy H đã bán ngôi nhà gỗ và bếp, vườn cho ông Tạ Lương C. Sau khi mua nhà, gia đình ông Tạ Lương C sinh sống không có tranh chấp với ai.
[4] Ông Bế Viết N cho rằng, năm 1984 ông Tạ Lương C chỉ mua khung nhà với ông Hứa Duy H, không phải mua cả nhà và đất. Gia đình ông Đinh Đức T1 chỉ ở nhờ trên các thửa đất có địa danh, địa điểm là Nà Tấu, thuộc Thôn Kh, xã T (nay là xã B) của gia đình ông Bế Viết N nhưng phía ông Bế Viết N không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nguồn gốc đất đang tranh chấp là đất của gia đình ông do khai phá, quản lý sử dụng ổn định lâu dài.
[5] Theo ông Đinh Đức T1, năm 2006 ông chuyển ra thị trấn N sinh sống, nhà cửa, cây cối, vườn để lại cho người quen trông coi, đến năm 2007 thì xảy ra tranh chấp với bị đơn. Lời trình bày này là có căn cứ và phù hợp với lời khai của người làm chứng là bà Đinh Thị M là vợ ông Liễu Văn B (đã chết). Khoảng năm 2004 - 2005 vợ chồng chị gái là Đinh Thị K chuyển đi chỗ khác ở cùng con trai, có cho chồng bà vào ở để chăn nuôi, trông nom nhà cửa, thời điểm đó không xảy ra tranh chấp với ai. Đến năm 2007, chồng bà sức khỏe yếu nên không ở nữa. Khoảng năm 2007, thì xảy ra tranh chấp (hàng rào Dâm bụt ngăn cách không còn nữa).
[6] Do đó, có đủ căn cứ xác định: Gia đình ông Tạ Lương C có giấy tờ mua bán tài sản với ông Hứa Duy H và cùng các con đã quản lý, sử dụng ổn định đất tranh chấp từ năm 1984 đến khoảng năm 2005-2006 thì chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng vẫn quản lý, cho người quen là ông Liễu Văn B trông hộ. Đến năm 2007, gia đình ông Bế Viết N đã sử dụng đất, trồng các cây ăn quả trên đất dẫn đến tranh chấp cho đến nay. Mặt khác bản thân bà Hoàng Thị K, và ông Bế Viết N đều thừa nhận đất tranh chấp trước đây là thuộc Trại giam T quản lý sử dụng, sau đó ông Bế Duy H1 đến xin ở nhờ chỉ xin bằng miệng không có giấy tờ gì, sau khi ông H1 không sử dụng đã cho em trai là ông Hứa Duy H quản lý, sử dụng sau đó ông H bán khung nhà cho ông Tạ Lương C và đến năm 2007 mới xảy ra tranh chấp (các BL: 07, 40, 50, 122, 155..). Còn từ những năm 1970 thời điểm Trại giam T quản lý, sử dụng và đến trước năm 2007 gia đình ông Bế Viết N không quản lý sử dụng và cũng không có quá trình canh tác, chỉ đến năm 2007 trở lại đây sau khi xảy ra tranh chấp và Ủy ban xã T kết luận trong lúc chờ giải quyết thì không được bên nào canh tác, nhưng gia đình ông Bế Viết N không chấp hành, việc ông Bế Viết N canh tác là không được chính quyền thừa nhận. Do đó có căn cứ khẳng định đất tranh chấp đã được Trại giam T quản lý sử dụng sau đó là đến nhà ông Hứa Duy H1, ông Hứa Duy H và ông Tạ Lương C quản lý sử dụng đến năm 2007 mới xảy ra tranh chấp là trên 30 năm. Tại phiên tòa hôm nay ông Bế Viết N thừa nhận các thửa đất đang tranh chấp trước đây ông Hứa Duy H1 đến sinh sống và đã trồng một hàng rào cây Dâm bụt ngăn cách giữa hai gia đình, đến năm 2007 gia đình ông mới phá hàng rào Dâm bụt này. Như vậy tính từ khi Trại giam T quản lý sử dụng đến khi ông Hứa Duy H1 quản lý và cho em trai là ông Hứa Duy H sử dụng, sau đó chuyển giao cho ông Tạ Lương C vào năm 1984 và đến năm 1993 khi Luật Đất đai có hiệu lực pháp luật thì diện tích đất tranh chấp đã do người khác sử dụng ổn định không có tranh chấp mà không phải gia đình ông Bế Viết N sử dụng ổn định trước năm 1993 trở về trước. Do đó theo quy định tại Điều 1 Luật đất đai năm 1993 thì “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.
Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước còn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất”.
Tại Điều 2 quy định: “2- Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
[7] Từ những phân tích và đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử thấy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Đức T1 về việc được quản lý, sử dụng đất tranh chấp là có căn cứ, nên kháng cáo của ông Bế Viết N không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.
[8] Về tài sản trên đất nằm trên các thửa số 28.1 và thửa số 31.1 gồm có: Các cây ăn quả, cây trồng ngắn ngày; tài sản trên thửa đất số 49 gồm cây ngô trên diện tích 193,8m2 là do gia đình ông Bế Viết N trồng vào sau năm 2007, sau thời điểm xảy ra tranh chấp giữa hai bên nên ông Bế Viết N phải có trách nhiệm di dời. Tuy nhiên, tại cấp sơ thẩm ông Đinh Đức T1 không yêu cầu bị đơn ông Bế Viết N di dời tài sản trên đất, mà yêu cầu được quản lý sử dụng tài sản trồng trên các thửa đất đó; ông Đinh Đức T1 tự nguyện trả tiền giá trị tài sản trên các thửa đất 28.1, 31.1, 49 cho bị đơn theo giá trị của Hội đồng định giá tài sản đã định giá, trừ diện tích ngô đến thời điểm hiện tại thì bị đơn đã thu hoạch và các cây nằm ở vị trí mà ông rút. Xét thấy, tài sản trên đất là các cây trồng ăn quả, cây hoa màu ngắn ngày, nên việc chấp nhận đề nghị của ông Đinh Đức T1 là phù hợp, không trái quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi của các bên, hợp tình, hợp lý.
[9] Theo kết quả xem xét thẩm định ngày 15/6/2022 thì xác định diện tích đất tranh chấp bị giảm so với yêu cầu ban đầu của nguyên đơn tại thửa 28.1 còn diện tích 162,8m2 và thửa 31.1 còn diện tích 234,3m2. Phần diện tích 86m2 (một phần nằm trong thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bế Viết N và phần nằm rải rác trong các thửa đất khác, nên ông Đinh Đức T1 không yêu cầu nữa; cấp sơ thẩm đã đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này là phù hợp quy định pháp luật.
[10] Sau khi xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về phía bị đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của ông Bế Viết N là có căn cứ và hợp pháp. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo củabị đơn ông Bế Viết N, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn về phần nội dung giải quyết tranh chấp các thửa đất 28.1; 31.1; 49, tờ bản đồ số 24, bản đồ địa chính xã T (nay là Bắc Việt), huyện V, tỉnh Lạng Sơn.
[11] Tuy nhiên, trong Bản án sơ thẩm còn một số thiếu sót, cụ thể: Bản án sơ thẩm nhận định diện tích 86,0 m2 đất trong 08 mảnh đất ông Đinh Đức T1 rút yêu cầu và đã đình chỉ, nhưng phần bản án không nêu cụ thể các đỉnh điểm của từng thửa đất là chưa đầy đủ gây khó khăn cho công tác thi hành án; Bản án ghi nhận ông Đinh Đức T1 tự nguyện bồi thường tương ứng giá trị tài sản trên đất tranh chấp là 7.683.000 đồng nhưng không buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là không đúng quy định của Pháp lệnh về án phí; Bản án nhận định ông Bế Viết N phải trả lại diện tích đất cho ông Đinh Đức T1 quản lý, sử dụng và ông Đinh Đức T1 có quyền quản lý tài sản trên đất nhưng phần quyết định chỉ buộc ông Bế Viết N phải trả lại đất mà không tuyên giao lại tài sản trên đất là chưa đầy đủ; mặt khác cấp sơ thẩm không tuyên đương sự có quyền khởi kiện lại phần đã đình chỉ là không đảm bảo quy định. Do đó phấp phúc thẩm cần khắc phục những thiếu sót này.
[12] Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[13] Về án phí phúc thẩm: Do ông Bế Viết N kháng cáo không được chấp nhận về phần nội dung giải quyết tranh chấp đất, theo quy định thì ông Bế Viết N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm quy định tại khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuy nhiên do sửa Bản án sơ thẩm về phần án phí và phần tuyên bổ sung các đỉnh điểm của thửa đất nên ông Bế Viết N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, trả lại tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp cho ông Bế Viết N.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
I. Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309, Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21-9- 2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của ông Đinh Đức T1 đối với phần diện tích đất 86,0 m2, cùng tờ bản đồ số 24 bản đồ địa chính xã T nay là xã B, huyện V, tỉnh Lạng Sơn, gồm các thửa: thửa số 28.2 là 4,2 m2, có các đỉnh điểm: A2, A3, B1; diện tích trong thửa 27.1 là 6,1m2, có các đỉnh điểm: B1, B2, B3;
diện tích trong thửa 27.2 là 31,3m2, có các đỉnh điểm, A1, A2, B1, B2, A14; diện tích trong thửa 27.3 là 4,7m2 có các đỉnh điểm: B4, A13, A14; diện tích trong thửa 31.2 là 8,5m2, có các đỉnh điểm: A14, B2, B4; diện tích trong thửa 87.1 là 10,9m2, có các đỉnh điểm: B4, A12, A13;diện tích trong thửa 87.2 là 14,0m2 có các đỉnh điểm: B4, B5, A11, A12; phần diện tích trong thửa 82.1 là 6,3m2, có các đỉnh điểm: A10, A11, B6 (có sơ đồ kèm theo). Ông Đinh Đức T1 có quyền khởi kiện lại vụ án dân sự đối với phần đã đình chỉ nếu yêu cầu khởi kiện lại có quan hệ khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Đinh Đức T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 384.150 đồng (ba trăm tám mươi tư nghìn một trăm năm mươi đồng) nộp ngân sách Nhà nước.
3. Buộc ông Bế Viết N và các thành viên trong gia đình phải trả lại (giao lại) diện tích đất trong các thửa đất 28.1; 31.1, 49 và tài sản trên đất nêu tại mục 8 của Bản án dân dân số 02/2022/DS-ST, ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn (có sơ đồ kèm theo) cho hộ ông Đinh Đức T1 quản lý, sử dụng.
II. Căn cứ khoản 1 Điều 308; khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
1. Không chấp nhận kháng cáo của ông Bế Viết N; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2022/DS-ST ngày 21/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn về phần nội dung giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất đối các thửa đất 28.1; 31.1; 49.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Bế Viết N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Bế Viết N là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩmtheo Biên lai số AA/2021/0001930 ngày 12/10/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện V, tỉnh Lạng Sơn.
3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu di dời tài sản trên đất số 28/2023/DS-PT
Số hiệu: | 28/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về