Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 53/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 53/2021/DS-PT NGÀY 23/09/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 23 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 38/2021/TLPT-DS ngày 26 tháng 8 năm 202 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 51/2021/QĐPT-DS ngày 07 tháng 9 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Văn H, sinh năm 1949 Địa chỉ: Khu *, xã Y, huyện C, Phú Thọ (Có mặt) - Bị đơn: ông Nguyễn Đình S, sinh năm 1954 Địa chỉ: Khu *, xã Y, huyện C, tỉnh Phú Thọ (vắng mặt) - Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Ủy ban nhân dân xã Y, huyện C, tỉnh Phú Thọ Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Xuân T – Chức vụ: Chủ tịch UBND xã Y, huyện C, tỉnh Phú Thọ (vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, quá trình tố tụng tại Tòa án và tại phiên tòa nguyên đơn là ông Lê Văn H trình bày:

Năm 1999, gia đình ông Lê Văn H được cấp 01 diện tích đất 1.309 m2 tại thửa đất số 119, tờ bản đồ số 05 (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Lê Văn H). Quá trình sử dụng đất ổn định không có tranh chấp. Năm 2019, ông Nguyễn Đình S (là hộ giáp ranh có lối đi chung với gia đình ông) đã thực hiện hành vi lấn chiếm đất của gia đình ông. Cụ thể, Ông S đã sử dụng 03 cọc bê tông đóng trên đất của gia đình nhà ông để đánh dấu mốc giới cho lối đi chung là con đường vào cổng nhà Ông S. ông H đề nghị ông Nguyễn Đình S phải nhổ 03 cọc bê tông đã đóng để trả lại phần đất lấn chiếm cho ông H.

Ngoài ra, tại phần đất giáp ranh giữa nhà Ông S và gia đình nhà ông, phía đất gần giáp ranh hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Tr, trên phần đất của gia đình ông H còn có 01 cây bồ kết. Năm 2019, khi ông H bán cây bồ kết cho anh Hoàng Văn Q ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập thì Ông S có hành vi ngăn cản không cho ông H bán cây. Ông S cho rằng cây bồ kết đó thuộc quyền sở hữu của gia đình Ông S. Do Ông S có hành vi ngăn cản việc mua bán cây dẫn đến ông H không bán được cây bồ kết, gây thiệt hại về kinh tế cho ông H. Ông H yêu cầu giải quyết tranh chấp phần đất có cây bồ kết và yêu cầu Ông S phải có nghĩa vụ bồi thường cho ông các khoản tiền thiệt hại do không bán được cây bồ kết gồm: giá trị cây bồ kết là 500.000đ; tiền công thuê đào gốc cây là 750.000đ.

Tại các tài liệu bổ sung, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, ông H trình bày:

Ngoài các nội dung như đã đề nghị tại đơn khởi kiện, tại bản tự khai ngày 30/12/2020, đơn đề nghị ghi ngày 22/02/2021 ông Lê Văn H trình bày và đề nghị bổ sung 02 nội dung như sau:

- Tại phần tranh chấp cây bồ kết còn có 02 cây keo ông xác định nằm ở giữa cõi đất nhưng 02 cây keo đó sống là nhờ phần đất phía trên nhà ông. Quá trình sử dụng đất, Ông S có chặt 02 cây keo tràm đó, nay ông đề nghị Tòa án giải quyết buộc Ông S phải bồi thường cho ông giá trị của hai cây keo là 500.000đ.

- Tại phần diện tích đất được cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Đình S có 01 con đường dân sinh đi xuống đầm Meo. Trước đây dân ở khu vực xung quanh vẫn đi xuống đầm để sử dụng nước sinh hoạt. Không hiểu vì lý do gì, năm 1994 Ông S đã sử dụng con đường dân sinh và đến nay đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào phần đất của hộ gia đình Ông S. Nay ông đề nghị Tòa án xem xét giải quyết buộc Ông S phải trả lại lối đi dân sinh xuống khu vực đầm Meo cho nhân dân trong xã.

- Quá trình UBND xã Y giải quyết tranh chấp đất và đo đạc đã xác định cây bồ kết đó nằm trên đất của ông H, bản thân Ông S cũng thừa nhận nội dung này, không có tranh chấp gì về đất. Vì vậy quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông H rút yêu cầu đề nghị giải quyết phần đất tranh chấp có cây bồ kết, không đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp phần đất này.

Bị đơn: Tại bản tự khai, ông Nguyễn Đình S trình bày:

Diện tích đất của ông Nguyễn Văn H phần giáp ranh với nhà Ông S có nguồn gốc của gia đình nhà ông, do bố mẹ ông chia cho các anh chị em. Phần đất của ông H là do chị gái ông chuyển nhượng cho hàng xóm, sau đó hàng xóm đã chuyển lại cho ông H. Do khi ông H nhận chuyển nhượng đất ông không biết, không có việc bàn giao giáp ranh giữa 2 gia đình nên ông không nắm được chính xác ranh giới. Ông chỉ biết, cây bồ kết, hàng cọ và 02 cây tràm (keo) có nguồn gốc của gia đình ông trồng. Sau khi hai bên xảy ra tranh chấp, được UBND xã Y đo đạc lại và xác định phần đất có cây cọ là ranh giới giữa 02 hộ gia đình. Cây bồ kết thuộc phần đất của ông H, ông không có ý kiến gì. Riêng đối với đề nghị ông phải bồi thường giá trị cây bồ kết và tiền công đào cây thì ông không nhất trí bởi thực tế cây bồ kết vẫn sống, không bị ảnh hưởng gì và đang thuộc quyền quản lý của ông H. Đối với 02 cây tràm, Ông S xác định nằm trên phần đất của Ông S, ông đã chặt bán 02 cây này và không đồng ý trả lại cho ông H.

Đối với yêu cầu đề nghị giải quyết phần đất lấn chiếm có 03 cọc bê tông và đường đi dân sinh, Ông S có quan điểm, phần đất ông H cho rằng có đường dân sinh và ông đã đóng cọc bê tông là đất của gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại đơn đề nghị ban đầu của ông H ở UBND xã chỉ đề cập việc bồi thường cây bồ kết, vì vậy khi UBND xã Y tổ chức hòa giải chỉ hòa giải về phần đất có cây bồ kết mà không thực hiện hòa giải nội dung tranh chấp đất đai nào khác. UBND xã Y có tổ chức nhiều hội nghị giải quyết tranh chấp này nhưng không phải hội nghị hòa giải. Nay ông H khởi kiện tranh chấp đường dân sinh và lối đi, xác định ông lấn chiếm và đề nghị Tòa án giải quyết là chưa đúng trình tự khởi kiện về tranh chấp quyền sử dụng đất. Đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Tại văn bản số 27/BC-UBND ngày 15/6/2021 của UBND xã Y trình bày nội dung:

Về công tác hòa giải, tại thời điểm ông H có đơn chỉ đề nghị giải quyết cây bồ kết, do vậy UBND xã đã hòa giải về cây bồ kết nhưng không thành và chuyển hồ sơ đến tòa án. Trong thời gian Tòa án giải quyết thì ông H có đề nghị tiếp về con đường dân sinh, do vậy UBND xã đã đi thực địa nhưng chưa mở hội nghị hòa giải riêng về con đường dân sinh. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Tại bản án sơ thẩm số 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ. Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 192; khoản 2 Điều 244, Khoản 1 Điều 147; Điều 157; Điều 158; Điều 165, Điều 166; Điểm g khoản 1 Điều 217; Khoản 1 Điều 218; Khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự;

Điều 175, Khoản 1, 2 Điều 176, Điều 584, 585, khoản 1 điều 586; Điều 589;

Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 202, 203 Luật đất đai năm 2013; Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H về giải quyết tranh chấp phần diện tích đất đường dân sinh lấn chiếm tại các điểm có đóng 03 cọc bê tông đề nghị dỡ bỏ và yêu cầu ông H trả lại phần đất đường dân sinh đi xuống đầm Meo cho nhân dân trong xã Y.

Hậu quả của việc đình chỉ: Nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án này theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự (Trừ trường hợp người khởi kiện thuộc trường hợp không được quyền khởi kiện quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai).

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.

Buộc ông Nguyễn Đình S phải bồi thường cho ông Lê Văn H số tiền thiệt hại do chi phí đào cây bồ kết là 350.000đ (ba trăm năm mươi nghìn đồng chẵn) Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn H đề nghị buộc ông Nguyễn Đình S phải trả cho ông H các chi phí gồm: giá trị cây bồ kết là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng); 01 phần công đào cây là 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng); chí phí ăn uống cho người đào cây là 90.000đ (chín mươi nghìn đồng chẵn); giá trị 02 cây keo là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng chẵn).

3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Lê Văn H phải chịu 1.000.000đ (Một triệu đồng); ông Nguyễn Đình S phải chịu 400.000đ (bốn trăm nghìn đồng) chi phí tố tụng. Xác nhận ông Lê Văn H đã nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là 1.400.000đ (Một triệu bốn trăm nghìn đồng). Buộc ông Nguyễn Đình S phải hoàn trả cho ông Lê Văn H số tiền 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng chẵn) tiền tạm ứng chi phí ông H đã nộp.

Khi quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi thi hành án xong. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên đương sự nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo cho các của đương sự và các vấn đề khác theo quy định của pháp luật.

Ngày19 /7/2021 nguyên đơn ông Lê Văn H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông Lê Văn H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáotoàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C tỉnh Phú Thọ.

Đại diện viện kiểm sát nhân dân dân tỉnh Phú Thọ có quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng, đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự bác kháng cáo của ông Lê Văn H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của ông Lê Văn H trong hạn luật định được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo: Không đồng ý với bản án sơ thẩm số 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ.

[3] Về nội dung vụ án:

* Đối với các yêu cầu của ông Lê Văn H, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Đối với yêu cầu ông Nguyễn Đình S phải nhổ 03 cọc bê tông trên đất của ông H và trả lại toàn bộ đất đường dân sinh đi xuống Đầm Meo đã lấn chiếm:

Đây là quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khỏan 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Tại biên bản hòa giải của UBND xã Y, ông H có nêu ý kiến về việc Ông S đóng 03 cọc bê tông vào phần đất của ông H. Tuy nhiên quá trình hòa giải, các bên đương sự và chủ trì hội nghị là UBND xã Y đã không đưa nội dung tranh chấp này vào hòa giải. Tại bản báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến nội dung vụ án, UBND xã Y cũng xác định do tại thời điểm hòa giải, ông H chỉ để nghị giải quyết tranh chấp liên quan đến cây bồ kết, không có đề nghị giải quyết tranh chấp đất là đường dân sinh, vì vậy UBND xã đã hòa giải tranh chấp liên quan đến cây bồ kết. Trong thời gian Tòa án giải quyết vụ việc thì ông H có đề nghị tiếp về đường dân sinh, UBND xã đã đi thực địa nhưng chưa mở hội nghị hòa giải riêng về tranh chấp này. Xét yêu cầu giải quyết tranh chấp phần đất đường dân sinh đi xuống đầm Meo và phần đất lấn chiếm có cọc bê tông giáp đường đi (đường dân sinh) chưa thực hiện thủ tục hòa giải ở cơ sở. Vì vậy HĐXX đình chỉ yêu cầu khởi kiện trên của ông Lê Văn H là phù hợp.

Đối với yêu cầu của ông H đề nghị ông Nguyễn Đình S trả lại đất có phần cây bồ kết: Ông Nguyễn Đình S thừa nhận phần diện tích đất có cây bồ kết là đất của ông H, ông không có tranh chấp gì. Ông H rút yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với phần đất có cây bồ kết, không yêu cầu HĐXX phải xem xét đối với phần diện tích đất tranh chấp này, xét đình chỉ yêu cầu khởi kiện trên là phù hợp.

Đối với yêu cầu của ông H đề nghị buộc ông Nguyễn Đình S bồi thường thiệt hại các chi phí liên quan đến việc bán cây bồ kết và bồi thường 02 cây keo:

Cây bồ kết là tài sản được trồng trên đất của ông H, đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Khi ông H đang thực hiện việc bán cây bồ kết, đã có thợ đến đào cây, Ông S đã có hành vi ngăn cản việc ông H bán cây bồ kết dẫn đến ông H bị thiệt hại về tài sản. Các chi phí về việc đào cây bồ kết là thiệt hại thực tế, Ông S có lỗi do ngăn cản không có căn cứ pháp luật trong việc để xảy ra thiệt hại trên. Vì vậy Ông S phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Ông H đề nghị Ông S phải trả giá trị cây bồ kết là 500.000đ, tiền công đào cây 3,5 công = 750.000đ, chi phí tiền ăn cho người đào = 90.000đ, HĐXX xét thấy: Qua xem xét thẩm định tại chỗ, cây bồ kết hiện vẫn sống trên đất của Ông S, cây hiện vẫn đang phát triển bình thường, lá tươi tốt. Vì vậy, không chấp nhận đề nghị bồi thường giá trị cây bồ kết 500.000đ.

Tại phần gốc cây bồ kết có bị đào 1 hố xung quanh sâu 0,3m. Bản thân ông H cũng xác nhận khi những người đào cây đến đào cây bị ngăn cản nên mọi người đã dừng lại. Vì vậy, không có căn cứ để xác định chi phí đào cây bồ kết trên hết chi phí 03 công. Tại biên bản định giá của Hội đồng định giá xác định, chi phí đào 01 hố cây bồ kết như đã thẩm định theo đơn giá chi phí lao động bình quân tại địa phương là 350.000đ. Xét chỉ chấp nhận chi phí đào phần gốc cây bồ kết là 350.000đ (tương đương 1,5 công) Hội đồng định giá đã định giá là phù hợp. Đối với chi phí tiền ăn là 90.000đ: đây là sự tự nguyện của ông H đối với những người đến đào cây, bởi việc đào cây đã có sự thỏa thuận về việc trả tiền công đào. Vì vậy không chấp nhận đề nghị của ông H đòi bồi thường tiền ăn khi đào cây là 90.000đ.

Đối với yêu cầu bồi thường 02 cây keo: qua xem xét thẩm định tại chỗ xác định 01 cây keo đã chặt còn gốc có đường kính 30cm nằm ở giữa cùng dãy hàng cọ; 01 cây keo (có đường kính 15cm) đã chặt còn gốc ở phía dưới hàng cọ trên phần đất của Ông S. Ông H trình bày, ông không trồng 02 cây keo này. Ông S xác định 02 cây keo do gia đình nhà ông trồng trên đất của gia đình. Có cơ sở để xác định 02 cây keo thuộc quyền sở hữu của Ông S. Ông H cho rằng 02 cây đã bám dễ, ăn dinh dưỡng sang phần đất nhà ông tuy nhiên việc cây bám dễ, ăn dinh dưỡng sang nhà ông H không làm phát sinh quyền sỡ hữu của ông H đối với cây. Ông H cho rằng, hàng cọ là ranh giới đất của hai gia đình và thừa nhận hàng cọ là do Ông S trồng. Việc Ông S chặt 02 cây keo không gây ra thiệt hại và không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của ông H. Vì vậy không chấp nhận yêu cầu của ông H đòi bồi thường giá trị 02 cây keo là phù hợp pháp luật.

[4]: Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:

Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 1.400.000đ. Do ông H chỉ được chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện (350.000đ) nên ông H và Ông S đều phải chịu chi phí tố tụng. Buộc ông Lê Văn H phải chịu 1.000.000đ (một triệu đồng) và ông Nguyễn Đình S phải chịu 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng) là phù hợp với tỷ lệ yêu cầu được chấp nhận của đương sự. Do ông H đã nộp toàn bộ tạm ứng chi phí tố tụng nên cần buộc Ông S phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông H là phù hợp pháp luật.

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ có cơ sở kết luận:

Kháng cáo của ông Lê Văn H về yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử lại bản án số 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ không có cơ sở chấp nhận nên bác yêu cầu kháng cáo của ông Lê Văn H . Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ phù hợp nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Án phí sơ thẩm và phúc thẩm: ông Lê Văn H và ông Nguyễn Đình S là người cao tuổi được miễn án phí dân sự Bởi các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn H giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2021/DS-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Phú Thọ.

[2] Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 192; khoản 2 Điều 244, Khoản 1 Điều 147; Điều 157; Điều 158; Điều 165, Điều 166; Điểm g khoản 1 Điều 217; Khoản 1 Điều 218; Khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 175, Khoản 1, 2 Điều 176, Điều 584, 585, khoản 1 điều 586; Điều 589; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 202, 203 Luật đất đai năm 2013; Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ- HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H về giải quyết tranh chấp phần diện tích đất đường dân sinh lấn chiếm tại các điểm có đóng 03 cọc bê tông đề nghị dỡ bỏ và yêu cầu ông H trả lại phần đất đường dân sinh đi xuống đầm Meo cho nhân dân trong xã Y.

Hậu quả của việc đình chỉ: Nguyên đơn được quyền khởi kiện lại vụ án này theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự (Trừ trường hợp người khởi kiện thuộc trường hợp không được quyền khởi kiện quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai).

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.

Buộc ông Nguyễn Đình S phải bồi thường cho ông Lê Văn H số tiền thiệt hại do chi phí đào cây bồ kết là 350.000đ (ba trăm năm mươi nghìn đồng chẵn) Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn H đề nghị buộc ông Nguyễn Đình S phải trả cho ông H các chi phí gồm: giá trị cây bồ kết là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng); 01 phần công đào cây là 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng); chí phí ăn uống cho người đào cây là 90.000đ (Chín mươi nghìn đồng); giá trị 02 cây keo là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng).

3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Ông Lê Văn H phải chịu 1.000.000đ (Một triệu đồng); ông Nguyễn Đình S phải chịu 400.000đ (bốn trăm nghìn đồng) chi phí tố tụng. Xác nhận ông Lê Văn H đã nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là 1.400.000đ (Một triệu bốn trăm nghìn đồng). Buộc ông Nguyễn Đình S phải hoàn trả cho ông Lê Văn H số tiền 400.000đ (Bốn trăm nghìn đồng chẵn) tiền tạm ứng chi phí ông H đã nộp.

Khi quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi thi hành án xong. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên đương sự nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

4. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm cho ông Lê Văn H và ông Nguyễn Đình S.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./ 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

125
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 53/2021/DS-PT

Số hiệu:53/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về