Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 175/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 175/2021/DS-PT NGÀY 27/09/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 27 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 96/2021/TLPT-DS ngày 18/6/2021 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2021/DS-ST ngày 02/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 138/2021/QĐ-PT ngày 18/8/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lê Văn T, sinh năm 1949 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Nguyễn Thanh T1, sinh năm 1993 Địa chỉ: Số nhà 358, ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

2. Bị đơn: Ông Ngô Văn S, sinh năm 1950 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Tấn D - Văn phòng Luật sư Lê Tấn D, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1949 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị N: Ông Ngô Văn S, sinh năm 1950 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.2. Bà Lê Thị U, sinh năm 1950 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.3. Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1967 Địa chỉ: Ấp Mỹ Hòa, xã M, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.4. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1972 Địa chỉ: Ấp An Thạnh, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.5. Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1975 Địa chỉ: Ấp An Thạnh, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.6. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1976 Địa chỉ: Ấp An Thạnh, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.7. Ông Phan Văn C1, sinh năm 1958 Địa chỉ: Ấp 3, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.8. Bà Phan Thị C2, sinh năm 1950 Địa chỉ: Ấp An Hòa, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.9. Bà Phan Thị B, sinh năm 1953 Địa chỉ: Ấp Nhơn Thuận, xã M, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.10. Bà Lê Thị V, sinh năm 1953 Địa chỉ: Ấp An Thạnh, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.11. Bà Lê Thị L1, sinh năm 1953 Địa chỉ: Ấp Nhơn Quới, xã M, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.12. Bà Phan Thị C3, sinh năm 1942 Địa chỉ: Ấp An Phú, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.13. Bà Ngô Thị T3, sinh năm 1945 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.14. Bà Ngô Thị B1, sinh năm 1947 Địa chỉ: Ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

3.15. Bà Lê Thị L2, sinh năm 1963 Địa chỉ: Khu phố Ninh Thuận, thị trấn L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

3.16. Bà Lê Thị Y, sinh năm 1962 Địa chỉ: Khu phố Ninh Phú, thị trấn L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

3.17. Bà Lê Thị P, sinh năm 1955 Địa chỉ: Khu phố Ninh Phú, thị trấn L, huyện L, tỉnh Bình Phước.

Các ông bà Lê Thị U, Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Thị L, Phan Văn C1, Phan Thị C2, Phan Thị B, Lê Thị V, Lê Thị L1, Phan Thị C3, Ngô Thị T3, Ngô Thị B1, Lê Thị L2, Lê Thị Y, Lê Thị P có yêu cầu giải quyết vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Ngô Văn S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn T và trong quá trình tố tụng, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Phần đất tranh chấp giữa ông T với ông Ngô Văn S có diện tích qua đo đạc thực tế 1.067,9m2 phần (1) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ số 13, tọa lạc tại ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre. Thửa đất này ông S được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/7/2006 nhưng đến ngày 25/02/2014 UBND huyện B ra Quyết định số 253/QĐ-UBND hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H03079 cấp ngày 21/7/2006 cho ông S và vợ là bà Nguyễn Thị N, quyết định này đã có hiệu lực pháp luật.

Thửa đất 374, tờ bản đồ 13 có nguồn gốc của ông cố để lại cho ông bà nội ông T là cố S1 và cố N1. Cố S chết khoảng năm 1940, sau khi cố S chết, cố N1 tiếp tục quản lý sử dụng đất. Trước năm 1954, cố N1 cho cha ông T là cụ Lê Văn K phần đất giồng để cất nhà ở (hiện nay là thửa 374), phần đất này trước đây giáp phía sau là đất rọc, lúc cho không nói diện tích mà nói cho hết phần đất giồng. Việc cố N1 cho cụ K đất chỉ bằng lời nói, không có giấy tờ nhưng trong thân tộc đều biết. Khi cố N1 cho đất thì đất trống, trên đất có vét ao để lấy nước tưới trầu, cau được trồng ở phần đất phía trên (hiện nay là phần đất ông T đang cất nhà ở, đối diện với phần đất tranh chấp). Lúc này chưa có nhà cụ Lê Thị S1 (mẹ ông S) trên đất. Sau khi được cho đất cụ K đổ đất bồi lấp ao để lên nền nhà nhưng chưa cất nhà ở, vị trí bồi lấp là ở phía giáp đường đi. Đến năm 1954, nhà cụ S1 ở nơi khác bị cháy nên cố N1 và cụ K cho cụ S1 về cất nhà trên phần đất cố N1 đã cho cụ K để ở, lúc đó chỉ nói cho cất nhà ở một góc đất, chỉ vị trí cho cất nhà, không nói cho diện tích bao nhiêu, cụ S1 cất nhà lá, cột cây diện tích sử dụng khoảng 300m2. Việc cố N1 và cụ K cho cụ S1 cất nhà ở chỉ bằng lời nói, không có giấy tờ. Khi cho đất cất nhà thì cụ S1 có xuống giếng nước (giếng xi măng) lấy giếng nước làm ranh nhưng sau này ông S đã lấp giếng nước hiện nay không còn. Sau khi cất nhà, cụ S1 chỉ sử dụng trong phạm vi khuôn viên nhà và sân trước diện tích chỉ khoảng 300m2, còn lại là do cụ K quản lý.

Năm 1961, cụ K đi lập nghiệp ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nên ông T và chị em ông T tiếp tục quản lý đất. Năm 1968, bà Ngô Thị T3 (con cụ S1) hỏi ông T cất nhà ở nhờ trên đất và ông T đồng ý cho cất ở tạm phía sau nhà cụ S1, đến năm 1984 bà Thương dỡ nhà về đất kinh tế phụ cất nhà ở trả đất lại cho ông T. Năm 1981, cố N1 chết, năm 1982 cụ K chết, vợ cụ K là cụ Trần Thị D chết năm 1954. Sau này do hoàn cảnh nghèo khó nên ông T đi tỉnh Bình Phước làm ăn nhưng vẫn thường xuyên về quê trông coi đất, ông T sử dụng đất đến năm 2006 thì phát sinh tranh chấp. Năm 2003, cụ S1 chết, sau khi cụ S1 chết ông S mới về ở trên nhà của cụ S1, trước đó ông S ở nơi khác. Tháng 3 năm 2006, ông T cho con ông T về phần đất trống cất nhà và chở lúa về phơi nhưng ông S ngăn cản không cho, ông S cho rằng đất này của ông nên vào tháng 6 năm 2006 ông T có đơn tranh chấp với ông S gửi Tổ Hòa giải ấp An Lợi, ngày 25/6/2006 Tổ Hòa giải ấp An Lợi tiến hành hòa giải nhưng không thành. Ngày 11/8/2006, UBND xã A tiếp tục tiến hành hòa, trong thời gian ông T đang tranh chấp với ông S thì vào ngày 21/7/2006 ông S đã được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13, diện tích 1.520m2. Đến khi UBND xã A hòa giải mới biết thửa đất đang tranh chấp ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi. Sau đó ông T khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S đến UBND xã A, UBND huyện B. Đến ngày 25/02/2014 UBND huyện B ra Quyết định số 253/QĐ- UBND hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H03079 cấp ngày 21/7/2006 cho ông S và vợ là bà N. Ông S khiếu nại Quyết định số 253 của UBND huyện B, sau đó Chủ tịch UBND huyện B đã ra Quyết định số 617 ngày 21/4/2014 bác khiếu nại của ông S, ông S không tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Bến Tre cũng không khởi kiện vụ án hành chính nên Quyết định số 253 của UBND huyện B đã có hiệu lực pháp luật. Từ năm 2006 đến nay ông S sử dụng phần đất đã cất nhà, phần đất còn lại thì vẫn bỏ trống. Đến năm 2019, ông S xây hàng rào dọc theo đường đi xuống ruộng, ông T ngăn cản và UBND xã A có đến hiện trường lập biên bản đình chỉ xây dựng ngày 14/3/2019.

Cố S và cố N1 có 6 người con gồm: cụ Lê Thị X, cụ Lê Thị S1, cụ Lê Văn N2, cụ Lê Văn K, cụ Lê Văn S3 và cụ Lê Văn B2, tất cả đều đã chết. Trong đó: Cụ X có 04 người con gồm: Phan Thị C3, Phan Thị C2, Phan Thị B, Phan Văn C1; cụ S1 có 03 người con gồm: Ngô Thị T3, Ngô Thị B1, Ngô Văn S; cụ N2 có 01 người con gồm: Lê Văn Chu (đã chết), ông Chu có con nhưng không biết mấy người, không biết đầy đủ họ tên, địa chỉ do không có liên lạc; cụ K và cụ D có 3 người con gồm: Lê Thị K1 (đã chết), Lê Văn T, Lê Thị U. Sau khi cụ D chết, cụ K chung sống với cụ T4 (đã chết) có 3 người con gồm: Lê Thị P, Lê Thị L2, Lê Thị Y. Bà K1 có 4 người con gồm: Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Thị L; cụ S3 có 02 người con gồm: Lê Văn T5 (đã chết) và Lê Thị H (ở đâu không biết do mấy chục năm không có liên lạc); cụ B2 có 02 người con gồm: Lê Thị V, Lê Thị L1.

Hiện trạng đất tranh chấp: Khi cố N1 cho đất cụ K là đất giồng trên đất có vét một cái ao chiều dài khoảng 5m-6m, chiều ngang khoảng 4m, chiều sâu khoảng 3m-4m, vị trí ao là ở giữa phần đất trống, còn lại đất giồng xung quanh là bằng phẳng như hiện nay, phần ao cụ K thuê xe bò đổ đất bồi lấp khoảng 70 xe đất, mỗi xe là một khối đất. Trong quá trình sử dụng gia đình ông S chỉ sử dụng trong phạm vi khuôn viên nhà, không có sử dụng phần đất trống nên không có tu bổ bồi lấp đất.

Tài sản trên phần đất tranh chấp phần (1) gồm: Hàng rào xây gạch lắp lưới B40, 01 cây xoài lớn, 02 cây xoài nhỏ, 02 bụi chuối + 02 cây chuối, 02 cây rơm nhỏ, 03 cây tra lớn, 01 cây tra nhỏ, 02 cây dừa lớn, 04 bụi tre, hàng rào bằng cây duối dài khoảng 15m, 01 giếng nước (giếng khoan ống). Trong đó, 02 dừa là do bà Thương trồng, tài sản còn lại là của ông S, tre ông S trồng khoảng năm 2006.

Quá trình quản lý sử dụng: Khi cụ S1 còn sống thì cụ S1 chỉ quản lý sử dụng trong phạm vi khuôn viên nhà có sân trước, sân sau khoảng 2m trở lại (vì ông T cho bà Thương cất nhà ở phía sau), diện tích khoảng 300m2, phần đất còn lại cụ S1 không có sử dụng mà do gia đình ông T tới lui trông coi. Sau này ông S về ở thì có mở rộng xây thêm nhà vệ sinh nên diện tích hiện nay qua đo đạc là 500,7m2 phần (2).

Nay ông T yêu cầu bị đơn ông S cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà N di dời tài sản có trên đất tranh chấp đi nơi khác, trả lại diện tích đất qua đo đạc thực tế 1.067,9m2 phần (1) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại An Lợi, xã A, huyện B cho ông T. Ông T không đồng ý hỗ trợ di dời, không đồng ý hoàn trả giá trị tài sản có trên đất và không đồng ý bồi hoàn công tu bổ bồi lấp đất.

Đối với phần ông S đang cất nhà ở có diện tích qua đo đạc thực tế 500,7m2 phần (2) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại An Lợi, xã A, huyện B ông T đồng ý để cho ông S tiếp tục quản lý sử dụng và cho ông S kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất này, không yêu cầu trả giá trị đất bằng tiền.

Trong quá trình tố tụng, bị đơn ông Ngô Văn S - đồng thời cũng là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị N trình bày:

Phần đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất 374, tờ bản đồ số 13, tọa lạc tại An Lợi, xã A, huyện B có diện tích qua đo đạc thực tế 1.067,9m2 phần (1). Thửa đất 374, tờ bản đồ 13 có diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.520m2, loại đất ONT + CLN được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/7/2006 do ông và vợ là bà Nguyễn Thị N cùng đứng tên. Đến ngày 25/02/2014, UBND huyện B ra Quyết định số 253/QĐ-UBND hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H03079 cấp ngày 21/7/2006 cho ông và bà N.

Sau đó, ông khiếu nại Quyết định số 253 đến UBND huyện B nhưng Chủ tịch UBND huyện B bác khiếu nại của ông, sau đó ông khiếu nại đến Phòng Tài nguyên và Môi trường, sau khi được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường mời làm việc, giải thích thì ông không khiếu nại đến UBND tỉnh Bến Tre cũng không khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Thửa đất 374, tờ bản đồ 13 có nguồn gốc của ông cố là sơ Lê Quang Điều, sơ Điều để đất lại cho ông bà ngoại là cố S1 và cố N1. Cố S chết năm 1946. Các cụ Lê Văn N2, Lê Văn S3, Lê Văn B2 đi tham gia cách mạng nên không có ai sống cùng để chăm sóc cố N1, vì vậy cố N1 cùng 03 cậu kêu mẹ ông là cụ Lê Thị S1 về sống gần cố N1 để tiện bề chăm sóc. Cố N1 cùng 03 cậu thống nhất cho mẹ ông phần đất giồng từ mí lộ giữa ra tới rọc vào năm 1948 để mẹ ông cất nhà ở, khi cho không có nói diện tích cụ thể, sau này đo đạc mới biết diện tích là 1.520m2. Còn phần đất cố N1 ở là từ mí lộ giữa ra tới lộ lớn, thời điểm này cụ Lê Văn K được cố N1 cho phần đất cất nhà gần với nhà cố N1. Việc cố N1 cho đất mẹ ông chỉ bằng lời nói, không có giấy tờ. Từ năm 1948, mẹ ông cất nhà ở và trồng cây ăn trái, rau màu trên đất và chừa sân phơi lúa. Ông là con út sống chung với mẹ từ nhỏ. Khoảng năm 1967, cha mẹ ông cho chị ông là bà Ngô Thị T3 về cất nhà ở phía sau nhà cha mẹ ông, đến năm 1983 bà Thương được cấp đất kinh tế phụ nên dỡ nhà ra đất kinh tế phụ cất nhà ở. Đến khoảng năm 1978 - 1979, khi đoàn đo đạc đến đo thì mẹ ông kê khai đăng ký phần đất này, đến năm 1997 mẹ ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13, diện tích 1.520m2 nhưng không có ai ngăn cản tranh chấp gì. Đến cuối năm 2005 mẹ ông chết, các chị ông thống nhất để ông hưởng thừa kế toàn bộ thửa đất trên, đến năm 2006 ông làm hồ sơ thừa kế từ mẹ ông qua vợ chồng ông, đến ngày 21/7/2006 vợ chồng ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13, diện tích 1.520m2.

Khi còn nhỏ thì ông biết cụ K đi lập nghiệp ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, sau này ông T cũng đi lập nghiệp ở Lộc Ninh, thỉnh thoảng 01 - 02 năm ông T có về địa phương. Đến năm 1981 cố N1 chết, sau khi cố N1 chết ông T về địa phương ở luôn, ông T ở trên nhà và đất cố N1 để lại từ mí lộ giữa tới lộ lớn. Khi mẹ ông còn sống không có ai tranh chấp gì với gia đình ông. Đến giữa năm 2006, ông T cho rằng ông bà người lớn đã chết hết rồi, ông T là cháu nội nên được hưởng đất, ông không đồng ý. Sau đó ông T gửi đơn tranh chấp đến ấp An Lợi, được tổ hòa giải ấp hòa giải nhưng không thành nên chuyển đến UBND A hòa giải, xã hòa giải không thành, sau đó ông T cho xe chở lúa về phơi trên đất ông không đồng ý nên xảy ra tranh chấp.

Năm 2007, ông khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện B yêu cầu ông T chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 140/2007/DS- ST ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân huyện B đã buộc ông T chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất của ông, ông T không có kháng cáo, bản án có hiệu lực pháp luật. Đến khoảng 2010, ông T khiếu nại việc UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13 cho ông, đến năm 2014 ông T tiếp tục khiếu nại, sau đó UBND huyện B ra Quyết định số 253 ngày 25/02/2014 hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13 đã cấp cho ông. Ông không đồng ý nên khiếu nại đến UBND huyện B, Chủ tịch UBND huyện B bác khiếu nại của ông, ông tiếp tục khiếu nại đến UBND huyện B và UBND huyện B chuyển đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B mời ông làm việc và nói trong hồ sơ địa chính đất vẫn do ông đứng tên nên sau đó ông không khiếu nại nữa cũng không có khởi kiện đến Tòa án. Năm 2019, ông xây hàng rào dọc theo đường đi ông T ngăn cản nên UBND xã A có đến lập biên bản đình chỉ xây dựng.

Đất tranh chấp gia đình ông sử dụng từ năm 1948 đến nay. Cụ K không có sử dụng đất, ông có cho ông T sử dụng đất để phơi lúa vào năm 1983 và 1984, sau đó ông T không sử dụng đất nữa.

Về hiện trạng đất tranh chấp: Thửa 374, tờ bản đồ 13 là đất giồng nhưng bị thấp, sau đó cha mẹ ông vét một cái ao chiều ngang 5m, chiều dài 15m để lấy đất bồi lấp nền nhà cất nhà ở. Từ năm 1950, cha ông đã lấy xe bò của nhà chở đất bồi lấp dần dần bằng phẳng thành sân lúa, đến khi ông sử dụng ông vẫn tiếp tục bồi lấp từ sân lúa ra sau nhà, bồi lấp ao, mỗi năm bồi khoảng 10 xe, hàng năm đều có thuê xe bồi lấp nên không nhớ cụ thể là bao nhiêu xe đất. Cụ K, ông T không có bồi lấp đất.

Tài sản trên phần đất tranh chấp: Trên đất phần (1) có tài sản gồm: hàng rào xây gạch lắp lưới B40, 01 cây xoài lớn, 02 cây xoài nhỏ, 02 bụi chuối + 02 cây chuối, 02 cây rơm nhỏ, 03 cây tra lớn, 01 cây tra nhỏ, 02 cây dừa lớn, 04 bụi tre, hàng rào bằng cây duối dài khoảng 15m, 01 giếng nước (giếng khoan ống), tất cả tài sản là của gia đình ông; trong đó 02 cây dừa và tre là do cha ông trồng. Trên đất phần (2) có tài sản gồm: nhà ở chính, nhà vệ sinh, chuồng bò, 02 cây xoài, hàng rào bằng cây duối ở phía trước, 01 bàn vọng thiên là tài sản của gia đình ông. Vị trí nhà của gia đình ông từ năm 1948 đến nay không thay đổi.

Cố S và cố N1 có 08 người con, trong đó người con thứ hai và thứ ba đã chết lúc nhỏ, còn lại 06 người con gồm: Cụ Lê Thị X, cụ Lê Thị S1, cụ Lê Văn N2, cụ Lê Văn K, cụ Lê Văn S3, cụ Lê Văn B2, hiện nay các cụ đều đã chết. Trong đó: Cụ X có 4 người con gồm: Phan Thị C3, Phan Thị C2, Phan Thị B, Phan Văn C1; cụ S1 có 3 người con gồm: Ngô Thị T3, Ngô Thị B1, Ngô Văn S; cụ N2 có 1 người con gồm: Lê Văn Chu (đã chết), ông Chu có con nhưng không biết mấy người, không biết đầy đủ họ tên, địa chỉ do không có liên lạc; cụ K và cụ D có 3 người con gồm: Lê Thị K1 (đã chết), Lê Văn T, Lê Thị U. Sau khi cụ D chết, cụ K có vợ kế nhưng có mấy người con thì ông không biết. Bà K1 có 4 người con gồm: Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Thị L; cụ S3 có 2 người con gồm: Lê Văn Thành (đã chết) và Lê Thị Hồng, chỉ bà Hồng biết sống tại tỉnh Tiền Giang nhưng địa chỉ cụ thể không biết do lâu rồi không có liên lạc; cụ B2 có 2 người con gồm: Lê Thị V, Lê Thị L1.

Ông T yêu cầu ông di dời tài sản trên đất đi nơi khác, trả diện tích đất qua đo đạc thực tế 1.067,9m2 phần (1) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại ấp An Lợi, xã A, huyện B cho ông T là ông không đồng ý. Vì đất này của bà Ngoại và 3 cậu cho mẹ ông, gia đình ông đã sử dụng ổn định từ năm 1948 đến nay. Trường hợp yêu cầu khởi kiện của ông T được chấp nhận, ông đồng ý di dời tài sản đi nơi khác, không yêu cầu ông T hỗ trợ di dời cũng không yêu cầu hoàn trả tiền công tu bổ bồi lấp đất.

Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện B đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2021/DS-ST ngày 02/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; các Điều 197, 199, 221 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn T. Buộc bị đơn ông Ngô Văn S và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị N di dời hàng rào bê tông lưới B40, 01 giếng nước khoan ống nhựa, 02 cây rơm đi nơi khác, trả lại diện tích đất 1.067,9m2 phần (1) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre cho ông Lê Văn T (có họa đồ hiện trạng thửa đất tranh chấp ngày 27/3/2020 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện B kèm theo).

Ông Lê Văn T có quyền quản lý sử dụng 01 cây xoài lớn, 02 cây xoài nhỏ, 02 bụi chuối, 02 cây chuối, 03 cây tra lớn, 01 cây tra nhỏ, 02 cây dừa lớn, 04 bụi tre, hàng rào bằng cây duối dài khoảng 15m có trên đất và có nghĩa vụ trả giá trị tài sản bằng tiền theo giá Hội đồng định giá đã định cho ông Ngô Văn S, bà Nguyễn Thị N tổng cộng là 5.725.000 đồng (Năm triệu bảy trăm hai mươi lăm ngàn đồng).

Ghi nhận ông Ngô Văn S tự nguyện không yêu cầu ông Lê Văn T hoàn trả tiền công tu bổ bồi lấp đất.

Ông T có quyền kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 1.067,9m2 phần (1) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre theo quy định pháp luật.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Văn T đồng ý để ông Ngô Văn S tiếp tục quản lý sử dụng diện tích đất 500,7m2 phần (2) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13, tọa lạc tại ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre. Ông S có quyền kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 500,7m2 phần (2) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13 theo quy định pháp luật (có họa đồ hiện trạng thửa đất tranh chấp ngày 27/3/2020 của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện B kèm theo).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 05/02/2021, bị đơn ông Ngô Văn S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Về nội dung kháng cáo, ông S trình bày: (1) Nguồn gốc đất là của cố N1 đã thống nhất ý kiến với các con là cụ N2, cụ S3, cụ B2 cho cố S1 về cất nhà ở nhằm phụng dưỡng cố N1, gia đình ông đã cất nhà ở trên đất từ năm 1948. Việc ông T cho rằng đất có nguồn gốc của gia đình ông và có công sức đóng góp cho thửa đất tranh chấp là không đúng. (2) Ông đã thực hiện đúng các quy định pháp luật để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông là đúng quy định. (3) Các tài liệu do ông T cung cấp liên quan đến nguồn gốc đất tranh chấp là không có giá trị, không đúng sự thật, đề nghị xác minh lời khai của những bậc ông bà, người lớn tuổi trong dòng tộc bà bà con ở lâu đời xung quanh thửa đất tranh chấp để làm rõ nguồn gốc của phần đất tranh chấp. (4) Bản án dân sự sơ thẩm số: 140/2007/DS-ST ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân huyện B đã có hiệu lực pháp luật cũng xác nhận nguồn gốc đất là của mẹ ông và ông thừa kế. Từ đó, ông đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Ngô Văn S giữ nguyên nội dung kháng cáo. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S trình bày: Phần đất tranh chấp được cụ S1 sử dụng từ năm 1948, vấn đề này đã được thể hiện tại Bản án sơ thẩm số: 140/2007/DS-ST ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân huyện B giải quyết tranh chấp về việc chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất. Theo đó, Tòa án buộc ông T phải chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất của ông S. Sau khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông S, bà N bị hủy, khi làm việc với ông S thì Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết ông S vẫn là người đứng tên trong sổ mục kê, đồng thời việc hủy giấy chứng nhận là do không đúng về thủ tục niêm yết công khai 15 ngày, không nêu phần đất bị hủy giấy chứng nhận là của ai nên ông S không tiếp tục khiếu nại. Về quá trình quản lý, sử dụng đất, cụ K và con là ông T đã đi lập nghiệp ở nơi khác từ lâu, không có sử dụng đất, không có trồng cây, không có công trình kiến trúc trên đất. Trong khi đó, gia đình ông S đã ở trên đất từ năm 1948, trên đất có nhiều cây trồng do gia đình ông S trồng trên 50 năm tuổi. Đối với các chứng cứ do ông T cung cấp là các giấy xác nhận thì không khách quan, không có giá trị pháp lý. Ngoài thửa đất tranh chấp gia đình ông S không còn thửa đất nào khác. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông S.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không đồng ý với nội dung kháng cáo, anh T trình bày: Phần đất tranh chấp cụ K được cha mẹ cho từ năm 1954, ông T được cụ K cho đất từ năm 1963. Ông S căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chiếm đất nhưng sau đó giấy chứng nhận đã bị hủy và ông S không tiếp tục khiếu nại nên quyết định hủy giấy đã có hiệu lực. Đồng thời, theo các biên bản họp chi tộc, biên bản hòa giải ấp An Lợi, báo cáo của UBND xã A đều thể hiện đất tranh chấp là của cụ K cho ông T. Tại Biên bản hòa giải ngày 11/8/2006 cũng thể hiện ông S thừa nhận cụ K có cải tạo đất. Trong quá trình sử dụng đất gia đình ông T có kê khai nhưng do đất có tranh chấp nên không kê khai được. Việc Tòa án nhân dân huyện B giải quyết tranh chấp về việc chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất thì chỉ căn cứ vào các chứng cứ tại thời điểm đó và cũng không phải giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất là của ai. Đối với cây trồng, nguyên đơn không thừa nhận có những cây trồng trên 50 năm. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Về nội dung: Căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều là người trong thân tộc, có căn cứ xác định phần đất tranh chấp cụ K được cho nhưng không có sử dụng, đến khi ông T được cho cũng chỉ sử dụng để chất rơm N bò và cũng sử dụng vài năm rồi không sử dụng nữa nên để đất trống. Về phía cụ S1: Khi cụ S1 còn sống thì ngoài thửa đất tranh chấp thuộc thửa 374, tờ bản đồ số 3 thì cụ còn đăng ký kê khai thêm 02 thửa đất khác là thửa 263, tờ bản đồ số 5 và 232, tờ bản đồ số 9. Tuy nhiên, đến năm 1997 cụ S1 chỉ được cấp giấy đối với hai thửa 263 và 232. Riêng thửa 374 thì cụ S1 chưa được cấp giấy nên có căn cứ xác định cả cụ K và cụ S1 đều được cho đất để sử dụng. Từ đó, cấp sơ thẩm chấp nhận cho ông T được quyền sử dụng phần đất trống ký hiệu phần (1) có diện tích 1.067,9m2 và ông S được quyền sử dụng phần đất có ký hiệu phần (2) diện tích 500,7m2 là có cơ sở. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không tuyên ai được sử dụng 300m2 đất thổ cư. Thấy rằng gia đình bị đơn có công gìn giữ đất nên cần thiết tuyên cho bị đơn được quyền sử dụng phần diện tích đất thổ cư này. Đối với phần tài sản trên đất ký hiệu phần (1) có hàng rào, kết cấu trụ bê tông xây tường lửng, lưới B40 được định giá là 30.805.000 đồng nếu tuyên buộc ông S di dời sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản, cần tuyên giao cho ông T được quyền sử dụng và hoàn trả cho ông S giá trị theo giá đã định. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của ông Ngô Văn S, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 02/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, có điều chỉnh phần diện tích đất thổ cư và buộc ông T trả lại giá trị hàng rào cho ông S.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của bị đơn ông Ngô Văn S; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Phần đất tranh chấp qua đo đạc thực tế có diện tích 1.067,9m2 (kí hiệu phần 1) thuộc thửa 342, tờ bản đồ số 19, tọa lạc xã A, huyện B. Về nguồn gốc đất các bên trình bày thống nhất từ thửa 374, tờ bản đồ 13 cũ của cố S1 và cố N1.

Nguyên đơn ông T cho rằng trước năm 1954 cố N1 đã cho thửa đất trên cho cha ông là cụ Lê Văn K. Trong khi đó, bị đơn ông S cho rằng năm 1948 cố N1 cùng với ba người cậu là cụ N2, cụ S3, cụ B2 đã cho thửa đất trên mẹ ông là cụ Lê Thị S1 nhưng cả hai bên đều không đưa ra được giấy cho đất cũng như chứng cứ chứng minh.

[2] Tại các biên bản lấy lời khai những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị L1, bà Lê Thị V (con cụ Lê Văn B2); bà Phan Thị B, ông Phan Văn C1, bà Phan Thị C3, bà Phan Thị C2 (con cụ Lê Thị X) đều cho rằng phần đất tranh chấp trước đây là đất giồng, trên đất có ao, khi các ông bà lớn lên thì nghe người lớn trong gia đình nói lại khi cố N1 còn sống có cho cụ S1 về cất nhà ở trên đất là vị trí nhà ông S hiện nay, việc cố N1 cho cụ S1 cất nhà ở không có nói cho diện tích bao nhiêu, phần đất còn lại là cho cụ Lê Văn K, lúc cụ K còn sống có bồi lấp đất ao lên nền nhà. Sau này cụ K đi lập nghiệp ở tỉnh Bình Phước thì cụ S1, ông S ở nhà có sử dụng phần đất trống của cụ K để chất rơm, phơi lúa.

Theo biên bản xác minh của Tòa án nhân dân huyện B đối với chính quyền địa phương ngày 12/11/2020 được ông Phan Văn Em - nguyên Bí thư Chi bộ ấp giai đoạn 1984 - 2019 và đại diện chính quyền địa phương cho biết: Phần đất tranh chấp có nguồn gốc của cố N1, phía trên là đất giồng, phía sau có ao giáp đất ruộng rọc, khi cố N1 còn sống có cho cụ S1 là mẹ ông S cất nhà ở trên một phần đất giồng, phần còn lại và ao cho cụ Lê Văn K là cha ông T, sau đó cụ K có thuê xe đổ đất bồi lấp ao lên nền nhà. Sau này gia đình cụ K đi miền Đông lập nghiệp nên cụ S1, ông S sử dụng phần đất của cụ K để chất rơm và làm sân phơi lúa, trồng rau màu. Đến trước năm 2006, ông T về sử dụng đất nhưng ông S không cho nên ông T tranh chấp với ông S vào năm 2006. Tại biên bản làm việc của UBND xã A ngày 11/8/2006, ông S cũng thừa nhận cha ông T có bồi đắp lên nền một phần của thửa đất.

Như vậy, mặc dù không có chứng cứ trực tiếp nhưng qua lời trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là con cháu trong thân tộc và kết quả xác minh từ chính quyền địa phương, có căn cứ xác định khi còn sống cố N1 có cho đất cụ S1 và cụ K.

[3] Về quá trình quản lý, sử dụng đất: Ông S cho rằng gia đình ông sử dụng đất từ năm 1948 đến nay, một phần cất nhà ở, phần đất trống thì chất rơm và làm sân phơi lúa, gia đình ông có cho ông T sử dụng nhờ làm sân phơi lúa 02 năm vào năm 1982 - 1983, sau đó ông T không còn sử dụng đất nữa. Trong thời gian gia đình ông T không sử dụng đất thì gia đình ông S gần bên sử dụng đất để chất rơm, làm sân phơi lúa. Năm 1997, cụ S1 kê khai đăng ký thửa đất tranh chấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có tên trong sổ mục kê).

Đến tháng 4/2006, ông S làm thủ tục thừa kế thửa đất từ cụ S1 qua vợ chồng ông, ngày 25/6/2006 ông T tranh chấp thửa đất trên với ông S, đến ngày 21/7/2006 ông S, bà N được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13. Sau đó, ông T tiếp tục khiếu nại việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S đến UBND xã A, UBND huyện B. Ngày 25/02/2014, UBND huyện B ra Quyết định số 253 hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374, tờ bản đồ 13 đã cấp cho ông S bà N, lý do hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 374 tờ bản đồ 13 không được niêm yết công khai trong thời hạn 15 ngày theo quy định và diện tích đất này đang bị tranh chấp. Mặc dù đã được giải thích nhưng ông S không khiếu nại Quyết định trên đến UBND tỉnh Bến Tre cũng không khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Như vậy, quá trình sử dụng đất tranh chấp của gia đình ông S là không liên tục, từ sau năm 1954 đến năm 1981, từ năm 1984 đến năm 2006, từ 2006 tranh chấp đến nay. Và trong quá trình sử dụng chỉ chất rơm, phơi lúa chứ không trồng cây lâu năm hay xây dựng công trình kiến trúc trên đất. Đến năm 2019, ông S xây hàng rào gạch lắp lưới B40 ông T có ngăn cản và UBND xã A lập biên bản đình chỉ xây dựng.

[4] Từ những phân tích trên, có căn cứ xác định phần đất tranh chấp vẫn còn thuộc quyền sử dụng của cụ K. Cụ K đã chết, các hàng thừa kế của cụ K thống nhất để đất cho ông T thừa hưởng nên ông T khởi kiện yêu cầu ông S, bà N trả lại đất là có căn cứ theo các điều 197, 199, 221 Bộ luật dân sự.

Cấp sơ thẩm căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất để xác định phần đất cố N1 đã cho cụ K là phần (1) có diện tích 1.067,9m2 và phần đất cố N1 cho cụ S1 có diện tích 500,7m2 phần (2) là phù hợp. Tuy nhiên, theo hồ sơ địa chính thì thửa đất 374, tờ bản đồ số 13 (thửa mới 342, tờ bản đồ số 19) có 300m2 đất ONT và 1.220m2 đất CLN nhưng cấp sơ thẩm không tuyên rõ loại đất cụ thể đối với từng phần mà nguyên đơn, bị đơn có quyền sử dụng là chưa giải quyết triệt để tranh chấp. Xét thấy, hiện tại bị đơn có nhà ở trên đất, hơn nữa bị đơn đã có quá trình quản lý, sử dụng diện tích 500,7m2 đất thuộc phần (2) ổn định, lâu dài nên giao 300m2 đất ONT cho bị đơn là phù hợp.

[5] Tại phiên tòa sơ thẩm, ông S không yêu cầu nguyên đơn hoàn trả tiền công tu bổ, bồi lấp đất và hỗ trợ di dời nếu yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên được ghi nhận. Đồng thời, việc xây dựng hàng rào của bị đơn là sau khi phát sinh tranh chấp, có biên bản tạm đình chỉ xây dựng ngày 14/3/2019 của UBND xã A nên đề nghị của Kiểm sát viên về việc điều chỉnh phần quyết định của bản án sơ thẩm, tuyên ông T được quyền sử dụng hàng rào và trả giá trị cho ông S theo giá đã định là không phù hợp.

[6] Đối với Bản án dân sự số: 140/2007/DS-ST ngày 24/7/2007 của Tòa án nhân dân huyện B giải quyết quan hệ tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất, thời điểm này đất còn do ông S, bà N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông T, bà Đành (vợ ông T) chở lúa về phơi trên đất ông S không đồng ý nên khởi kiện yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất. Các bên không tranh chấp quyền sử dụng đất nên Tòa án nhân dân huyện B căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để buộc ông T, bà Đành chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất là không mâu thuẫn với quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất của các đương sự trong vụ án này.

Từ những nhận định trên, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ nên không được chấp nhận. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không tuyên rõ ai được quyền sử dụng 300m2 đất ONT là chưa giải quyết toàn diện vụ án nên bổ sung bản án sơ thẩm đối với nội dung này.

[7] Đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre về giải quyết quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[8] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Ngô Văn S phải chịu án phí theo quy định. Tuy nhiên, ông S là người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của ông Ngô Văn S;

Sửa Bản án sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 02/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bến Tre.

Áp dụng khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165, Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; các Điều 197, 199, 221 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn T. Buộc bị đơn ông Ngô Văn S và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị N tháo dỡ, di dời hàng rào bê tông lưới B40, 01 giếng nước khoan ống nhựa, 02 cây rơm, trả lại diện tích đất 1.067,9m2 phần (1), loại đất CLN thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13 (thửa mới 342, tờ bản đồ số 19), tọa lạc ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre cho ông Lê Văn T (có họa đồ hiện trạng thửa đất tranh chấp ngày 27/3/2020 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện B kèm theo).

Ông Lê Văn T có quyền quản lý, sử dụng 01 cây xoài lớn, 02 cây xoài nhỏ, 02 bụi chuối, 02 cây chuối, 03 cây tra lớn, 01 cây tra nhỏ, 02 cây dừa lớn, 04 bụi tre, hàng rào bằng cây duối dài khoảng 15m có trên đất và có nghĩa vụ trả giá trị tài sản bằng tiền theo giá do Hội đồng định giá đã định cho ông Ngô Văn S, bà Nguyễn Thị N tổng cộng là 5.725.000 (Năm triệu bảy trăm hai mươi lăm nghìn) đồng.

Ghi nhận ông Ngô Văn S tự nguyện không yêu cầu ông Lê Văn T hoàn trả tiền công tu bổ, bồi lấp đất.

Ông T có quyền liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 1.067,9m2 phần (1), loại đất CLN thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13 (thửa mới 342, tờ bản đồ số 19), tọa lạc ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre theo quy định.

[2] Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Văn T đồng ý để ông Ngô Văn S tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất 500,7m2 phần (2), trong đó có 300m2 đất ONT và 200,7m2 đất CLN thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13 (thửa mới 342, tờ bản đồ số 19), tọa lạc ấp An Lợi, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Ông Ngô Văn S có quyền liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 500,7m2 phần (2) thuộc một phần thửa 374, tờ bản đồ 13 (thửa mới 342, tờ bản đồ số 19) nêu trên theo quy định (có họa đồ hiện trạng thửa đất tranh chấp ngày 27/3/2020 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện B kèm theo).

[3] Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) ch o đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

[4] Về chi phí tố tụng: Bị đơn ông Ngô Văn S phải chụi 4.132.000 (Bốn triệu một trăm ba mươi hai nghìn) đồng. Do ông Lê Văn T đã nộp tạm ứng số tiền trên nên buộc ông Ngô Văn S phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền nêu trên cho ông Lê Văn T.

[5] Về án phí: Ông Lê Văn T, ông Ngô Văn S được miễn.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

257
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất số 175/2021/DS-PT

Số hiệu:175/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về