22/06/2022 14:14

Xử phạt hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng BĐS

Xử phạt hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng BĐS

Thời gian gần đây cùng với tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều nơi thì việc khai giá chuyển nhượng BĐS thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế nhiều lần để trốn thuế lại càng phổ biến. Vậy hành vi trốn thuế này có thể phải chịu mức hình phạt như thế nào?

Theo đó, tuỳ mức độ hành vi vi phạm mà người khai giá thấp để trốn thuế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự, cụ thể:

Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự như sau:

"Điều 200. Tội trốn thuế

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Khi người vi phạm không thuộc trường hợp bị xử lý hình sự như quy định trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

...”

Như vậy, hành vi khai gian dối bằng cách ghi giá chuyển nhượng đất trên giấy tờ thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế thì người khai báo gian dối có thể phải chịu mức án lên đến 7 năm tù. Thiết nghĩ, mỗi người khi chuyển nhượng đất hãy ghi giá trên hợp đồng một cách trung thực vừa để bảo vệ bản thân khi có tranh chấp với bên kia cũng vừa không phải phải những hình phạt của pháp luật.

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm tại Bản án về tội trốn thuế số 56/2021/HS-ST

Trích dẫn nội dung: “Do có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư nên B, A và T cùng góp tiền để nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng ông V và bà T. Các bị cáo đã thống nhất ghi giảm trị giá thực của phần đất có diện tích 68.933 m2, thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 06, tọa lạc tại xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương từ số tiền 15.165.000.000 đồng (tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 303.300.000 đồng) xuống còn 700.000.000 đồng nhưng Chi cục thuế Bến Cát xác định giá trị của thửa đất số 17 là 4.365.640.000 đồng để làm căn cứ xác định tiền thuế thu nhập cá nhân (tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 87.312.800 đồng) để được hưởng số tiền thuế chênh lệch là 215.987.200 đồng.”

Nguyễn Sáng
11401

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]