TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TRẦN VĂN THỜI, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 91/2022/HNGĐ-ST NGÀY 08/04/2022 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON
Ngày 08 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 55/2022/TLST- HNGĐ, ngày 10 tháng 02 năm 2022 về việc trAh chấp ly hôn, nuôi con, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 64/2022/QĐXXST-HNGĐ ngày 04 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Lê Thúy A, sinh năm: 1990 (xin vắng mặt). Địa chỉ: Khóm 6B, thị trấn SĐ, huyện T, tỉnh Cà Mau.
- Bị đơn: Anh Lê Phước Th, sinh năm: 1987 (vắng mặt). Địa chỉ: Ấp VT, xã Kh L, huyện T, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện về việc xin ly hôn ngày 09/02/2022 và đơn xin vắng mặt tại phiên tòa ngày 28/02/2022, chị Lê Thúy A trình bày:
- Về hôn nhân: Chị và anh Lê Phước Th xác lập quan hệ hôn nhân và chung sống vợ chồng vào năm 2008, có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân thị trấn SĐ, huyện T, tỉnh Cà Mau năm 2011. Hôn nhân được xác lập trên tinh thần tự nguyện, có tổ chức hỏi cưới theo phong tục, tập quán và được gia đình hai bên chấp thuận.
Quá trình chung sống, chị A cho rằng vợ, chồng luôn bất đồng quan điểm, thường xuyên cải nhau do anh Th có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác và hiện nay sống chung như vợ chồng, từ đó mâu thuẫn kéo dài mà không có cách khắc phục nên chị đã sống ly thân với anh Th 10 năm nay. Do đó, chị xét thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa, không thể hàn gắn, mục đích hôn nhân không đạt được nên chị yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh Th.
- Về con chung: Chị A xác định giữa chị và anh Th có 01 người con chung là Lê Khánh T, sinh ngày 26/9/2009, hiện đang sống chung với chị. Khi ly hôn, chị yêu cầu được tiếp tục nuôi cháu T; không đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
- Về tài sản chung: Chị A xác định không có.
- Về nợ chung: Chị A khai rằng giữa chị và anh Th không có nợ ai và không ai nợ lại anh, chị.
* Đối với anh Lê Phước Th vắng mặt không lý do.
NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
[1] Về tố tụng: Về loại việc tranh chấp và thẩm quyền của Tòa án: Tranh chấp giữa chị A và anh Th là tranh chấp về ly hôn và nuôi con nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đối với việc vắng mặt của anh Th: Mặc dù đã được Tòa án triệu tập nhiều lần đến phiên tòa để tham gia hòa giải và xét xử vụ án, do anh Th trực tiếp nhận văn bản và thông qua mẹ vợ sau của anh là bà Lê Thị D nhận thay các văn bản tố tụng và có cam kết giao lại nhưng anh Th vẫn không có ý kiến phản hồi đồng thời cũng không có mặt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng Dân sự tiến hành xét xử vắng mặt anh Th theo quy định. Đối với việc đề nghị vắng mặt của chị A, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự tiến hành xét xử vắng mặt chị A theo quy định.
[2] Về hôn nhân: Chị Lê Thúy A và anh Lê Phước Th xác lập quan hệ vợ chồng, có tổ chức lễ cưới theo phong tục, tập quán, có đăng ký kết hôn vào năm 2011 và đủ điều kiện kết hôn theo luật định nên hôn nhân được chấp nhận là hợp pháp và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Quá trình chung sống, do vợ chồng có nhiều điểm bất đồng trong cuộc sống, thường xuyên cải nhau, dẫn đến tình cảm sức mẻ, không quan tâm, chăm sóc, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau. Xét mâu thuẫn thực tế là có nhiều mâu thuẫn, nhận thấy về mục đích hôn nhân không đạt. Bởi lẽ, trong cuộc sống vợ chồng của anh chị, mỗi người đều có cách sống, cách nghĩ khác nhau. Từ đó, giữa vợ chồng đã nhiều lần cải vã, làm mất lòng tin đối với nhau, mỗi người có cuộc sống và mối quan hệ riêng tư, không quan tâm, giúp đở lẫn nhau. Mặt khác, sau khi xảy ra mâu thuẫn, chị A và anh Th tự sống ly thân 10 năm để anh, chị tự dung hoà nhằm hàn gắn tình cảm vợ, chồng nhưng không có hiệu quả. Thời gian này để cho anh, chị có điều kiện thử thách bản thân, suy ngẫm về cuộc sống vợ chồng đã qua nhằm tìm cách tháo gỡ, khắc phục khuyết điểm của mỗi bên để vợ, chồng đoàn tụ nhưng không ai có biện pháp gì để khắc phục tình trạng mâu thuẫn và cũng không quan tâm, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, chị A cương quyết ly hôn, nếu không được xem xét thì chị cũng không thể quay lại chung sống với anh Th, vì tình cảm không còn và tương lai, hạnh phúc cũng không có. Vì vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận cho chị A được ly hôn anh Th là có căn cứ.
[3] Về con chung: Xét thấy cháu Lê Khánh T, sinh ngày 26/9/2009, hiện do chị A đang trực tiếp nuôi dưỡng và nguyện vọng của cháu T muốn được sống chung với chị A nên tiếp tục giao cháu T cho chị A trực tiếp nuôi dưỡng là phù hợp.
[4] Về khoản tiền cấp dưỡng nuôi con: Chị A không đặt ra yêu cầu nên không xem xét.
[5] Về tài sản chung: Chị A xác định không có nên không xem xét.
[6] Về nợ chung: Chị A khai rằng giữa chị và anh Th không có nợ ai và không ai nợ lại anh, chị nên không đề cập giải quyết.
[7] Án phí dân sự sơ thẩm về hôn nhân và gia đình: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào các Điều 51, 56, 58, 81, 82, 83 của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Căn cứ khoản 4 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Về hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu của chị Lê Thúy A về việc ly hôn anh Lê Phước Th.
2. Về con chung: Tiếp tục giao cháu Lê Khánh T, sinh ngày 26/9/2009 cho chị Lê Thúy A trực tiếp nuôi dưỡng; không đặt ra nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Anh Lê Phước Th không trực tiếp nuôi con vẫn được quyền đến thăm nom, chăm sóc và giáo dục con chung, không ai được cản trở.
3. Về tài sản chung: Chị A xác định không có nên không xem xét.
4. Về nợ chung: Chị A khai rằng giữa chị và anh Th không có nợ ai và không ai nợ lại anh, chị nên không đề cập giải quyết.
5. Án phí dân sự sơ thẩm về Hôn nhân và gia đình, chị A phải chịu 300.000đ. Ngày 10 tháng 02 năm 2022, chị A đã nộp tạm ứng án phí 300.000đ theo biên lai số: 4371 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Cà Mau được đối trừ chuyển thu.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
6. Quyền kháng cáo: Chị A và anh Th được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con số 91/2022/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 91/2022/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Trần Văn Thời - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 08/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về