TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 03/2022/LĐ-PT NGÀY 26/01/2022 VỀ TRANH CHẤP KỶ LUẬT LAO ĐỘNG BẰNG HÌNH THỨC SA THẢI VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Ngày 26 tháng 01 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm Công khai vụ án thụ lý số 07/TLPT-LĐ ngày 15 tháng 01 năm 2021 về “Tranh chấp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2021/QĐXXST-LĐ ngày 02 tháng 11 năm 2021; Thông báo mở lại phiên tòa số 33/TB-TA ngày 17/12/2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 02/2022/QĐST-LĐ ngày 10/01/2022 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông T1, sinh năm 1977 Địa chỉ: X1, thành phố Y1, tỉnh Đồng Nai
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T1 – Luật sư T2 – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai.
2. Bị đơn: Công ty TNHH M Địa chỉ trụ sở chính: X2, thành phố Y1, tỉnh Đồng Nai. Người đại diện theo pháp luật: Ông C – Tổng giám đốc Đại diện theo ủy quyền chị T3, sinh năm 1991 Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn – Luật sư H1 – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai.
3. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
- Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng N Người đại diện theo pháp luật: Ông T4 Người đại diện theo ủy quyền: Bà H2, sinh năm 1976 Địa chỉ: X3, Tp.Y1, tỉnh Đồng Nai. (Theo giấy ủy quyền số 33/GUQ-BHXH ngày 17/4/2018).
- Ông T5, sinh năm 1981 Địa chỉ: X4, TP. Y1, tỉnh Đồng Nai.
(Ông T1, chị T3, ông T5, luật sư T2 có mặt; Luật sư H1; bà H2 xin vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên Tòa nguyên đơn ông T1 trình bày: Ngày 10/5/2007, ông được Công ty TNHH M (Công ty M) nhận vào làm thử việc trong thời hạn 02 tháng (kể từ 10/5/2007 đến 09/7/2007). Ngày 06/7/2007, giữa ông và Công ty giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Công việc làm là kỹ sư thiết kế máy, chức vụ là Trưởng bộ phận bảo trì, mức lương cơ bản trước khi bị nghỉ việc là 26.506.300đ, ngoài ra hàng tháng còn phụ cấp độc hại 600.000 đồng. Tổng cộng lương và phụ cấp là 27.106.300 đồng.
Trong quá trình làm việc ông luôn hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngày 23/12/2016, Công ty tiến hành họp xét kỷ luật ông với nội dung cho rằng ông có hành vi thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của Công ty. Ông có tham dự cuộc họp nhưng không đồng ý với cáo buộc của Công ty. Đến ngày 30/12/2016, Công ty ra Quyết định số 147/16/MAP-HR về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 03/01/2017.
Xét thấy Công ty xử lý kỷ luật ông là không đúng quy định của pháp luật nên ông yêu cầu Tòa án giải quyết cho ông các vấn đề sau:
1. Hủy quyết định số 147/16/MAP-HR ngày 30/12/2016 củaM 2. Buộc Công ty nhận ông trở lại làm việc.
3. Buộc bồi thường khoản tiền tương ứng với khoản tiền lương trong những ngày ông không được làm việc.
4. Bồi thường 02 tháng tiền lương theo quy định.
5. Đóng tiền Bảo hiểm xã hội cho ông theo quy định.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty M thì ông không đồng ý vì khi làm việc ông chỉ thực hiện lệnh của cấp trên, khi máy móc mua về vận hành trong thời gian nhất định ông mới ký nháy nghiệm thu. Việc quyết định có mua máy móc hay không là thuộc của cấp trên không phải lỗi của ông.
Theo bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của bị đơn chị T3 là đại diện theo ủy quyền trình bày:
Về quan hệ lao động như ông T1 trình bày là đúng. Trong quá trình lao động ông T1 có hành vi thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Công ty cụ thể như sau:
Theo chủ trương của Ban giám đốc Công tyvề việc nâng cấp máy Tom, ông T1 làm đơn đề nghị mua các máy móc, thiết bị gồm: Bàn xoay nắp chai; máy đóng nắp Ropp tự động có 1 đầu đóng nắm, máy dãn nhãn decal; máy in ruy băng của dự án nâng cấp máy đóng chai Tom. Ông T1 được ban lãnh đạo Công ty phân Công làm việc với nhà cung cấp và các đơn vị, bộ phận liên quan đến máy móc, thiết bị mua về phù hợp, vận hành ổn định, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Nếu thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm được giao thì ông T1 phải khảo sát tìm nhà cung cấp tin cậy để đề xuất cho Lãnh đạo Công ty, sau khi lãnh đạo Công ty phê duyệt nhà cung cấp thì ông T1 phải làm việc kỹ với nhà cung cấp để đảm bảo máy móc, thiết bị cung cấp cho Công ty phải có chất lượng tốt, tương thích, phù hợp với hệ thống máy móc, thiết bị của Công ty đang vận hành. Tuy nhiên, ông T1 đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, cụ thể: Ông T1 đã yêu cầu mua máy móc của Công ty cổ phần thiết bị H3, là một nhà cung cấp không có uy tín, thương hiệu trên thị trường trong lĩnh vực này, thực chất Công ty H3 chỉ nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc về bán lại, ông T1 đã không làm việc kỹ với Công ty H3 để đảm bảo máy móc thiết bị mà Công ty H3 cung cấp tương thích với hệ thống máy móc, thiết bị hiện tại đang vận hành của Công ty, khi Công ty H3 bàn giao máy móc, ông T1 đã không kiểm tra kỹ các thông số kỹ thuật của máy xem có phù hợp với yêu cầu của Công ty hay không nhưng vẫn ký xác nhận bàn giao (ký nháy), sau đó đưa lãnh đạo ký xác nhận, quá trình vận hành chạy thử máy ông T1 cũng không kiểm tra kỹ máy có đạt yêu cầu hay không nhưng vẫn ký xác nhận nghiệm thu (ký nháy) rồi đưa lãnh đạo ký xác nhận với nhà cung cấp.
Hành vi thiếu trách nhiệm của ông T1 dẫn đến Công ty tiếp nhận máy móc thiết bị từ nhà cung cấp là Công ty H3, thực hiện thanh toán toàn bộ tiền mua máy móc, thiết bị cho nhà cung cấp H3 trong khi máy móc liên tục hư hỏng và không tương thích với hệ thống máy móc, thiết bị (máy Tom) của Công ty nên không thể sử dụng được. Đến nay toàn bộ số máy móc, thiết bị này với tổng trị giá là 760.960.200đ không thể vận hành, sử dụng. Đây chính là giá trị tài sản mà ông T1 do thiếu trách nhiệm đã gây thiệt hại cho Công ty.
Ông T1 đã thiếu trách nhi ệm không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho Công ty, căn cứ quy định tại khoản 4 điều 24 Nội quy lao động, Công ty tiến hành xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải với ông T1 kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2017.
Khi xử lý kỷ luật ông T1, Công ty đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật lao động, cụ thể: Đã tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật với sự tham gia của ông T1 và đại diện BCH Công đoàn cơ sở vào ngày 23 tháng 12 năm 2016; trong cuộc họp Công ty đã chứng minh, làm rõ lỗi của ông T1; sau đó ngày 30 tháng 12 năm 2016 đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật đúng thời hạn luật định; khi xử lý kỷ luật lao động ông T1 không trong thời gian nghỉ ốm, nghỉ phép, hành vi vi phạm của ông T1 được quy định trong Nội quy lao động, không thuộc trường hợp bị cấm xử lý kỷ luật. Nội dung, trình tự xử lý kỷ luật lao động đối với ông T1 Công ty đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Chương VIII Bộ luật lao động và quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tại Chương V Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
Do vậy, việc ông T1 khởi kiện yêu cầu Công ty nhận trở lại làm việc và thanh toán các khoản tiền như nêu trong đơn khởi kiện là hoàn toàn không có cơ sở, Công ty không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Hành vi thiếu trách nhiệm của ông T1 dẫn đến Công ty tiếp nhận máy móc thiết bị từ nhà cung cấp là Công ty H3, thực hiện thanh toán toàn bộ tiền mua máy móc thiết bị từ nhà cung cấp với tổng giá trị là 760.960.200đ nhưng không sử dụng được. Đây là thiệt hại ông T1 gây ra nên ông T1 phải có trách nhiệm bồi thường.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty: Công ty vẫn giữ nguyên yêu cầu, đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông T1 phải bồi thường cho Công ty số tiền 456.567.120đ do hành vi thiếu trách nhiệm của ông T1 dẫn đến việc Công ty tiếp nhận máy móc của Công ty H3 với tổng thiệt hại 760.960.200đ, theo đó ông T1 phải chịu trách nhiệm 60% mức thiệt hại này với tổng số tiền là 456.567.120đ vì khi tuyển dụng ông T1 được Công ty tuyển dụng với chuyên môn là kỹ sư thiết kế máy móc nên ông T1 phải có trách nhiệm về việc này. Ngoài ra Công ty không có ý kiến gì khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai có đại diện theo ủy quyền là bà H2 trình bày:
Ông T1, sinh năm 1977, mã số BHXH 0203279231, có quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 5/2007 đến tháng 12/2016 được 09 năm 06 tháng và đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ tháng 01/2009 đến tháng 10/2016 là 07 năm 10 tháng tại Công ty M Việt Nam (nay là Công ty M) (kèm bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN).
Ông T1 yêu cầu Công ty M phải chi trả tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho ông T1 trong thời gian ông T1 không làm việc cho đến khi Công ty nhận trở lại làm việc, bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai có ý kiến như sau:
Trong trường hợp nếu có quyết định của Tòa án buộc Công ty M phải hủy Quyết định xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với ông T1, phải trả tiền lương cho ông T1 trong những tháng mà ông T1 không làm việc do lỗi của Công ty, thì đồng nghĩa với việc Hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà Công ty đã ký kết với ông T1 vẫn tiếp tục còn hiệu lực. Trong trường hợp này, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ truy thu tiền đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Công ty Mvà của ông T1 dựa trên căn cứ là Hợp đồng lao động, quyết định của Tòa án, thời điểm Công ty M lập hồ sơ truy thu để thu BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 01/2017 đối với trường hợp của ông T1.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông T5 trình bày:
Tháng 8/2014 tôi được thăng chức làm Giám đốc sản xuất quản lý các bộ phận bao gồm sản xuất, bảo trì, QA, QC và bộ phận an toàn. Sau khi tiếp nhận vị trí tôi đã tiến hành tìm hiểu các hoạt động của phòng và tình hình hoạt động của máy đóng chai, đóng gói. Tôi đã thảo luận với ông T1 lúc đó là trưởng bộ phận bảo trì của Công ty để nâng cấp máy TOM sao cho máy có thể đóng chai được các sản phẩm sử dụng nắp nhôm. Do không có chuyên môn về máy móc nên tôi đã giao cho ông T1 làm việc với các nhà cung cấp để khảo sát và báo giá việc nâng cấp máy TOM. Ông T1 có đề xuất chúng tôi nên mua máy của Đài Loan vì máy Đài Loan có chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Sau khi ông T1 làm việc với nhà cung cấp và báo giá khoảng 57.000USD, tôi đã báo với Tổng Giám đốc Công ty là ông C Chek Chew, ông C nói rằng giá cao và yêu cầu chúng tôi mua hàng Trung Quốc vì hiện nay chất lượng hàng Trung Quốc cũng khá tốt.
Như yêu cầu từ ông C, tôi đã yêu cầu ông T1 làm việc lại với nhà cung cấp và báo giá hơn 30.000 USD sau đó ông C cũng đã yêu cầu bộ phần cung ứng tiến hành đánh giá tìm thêm nhà cung cấp khác, sau khi bộ phận cung ứng trao đổi với ông C thì ông C đã đồng ý mua máy móc từ Công ty H3. Dựa vào thông tin này, tôi đã yêu cầu ông T1 làm yêu cầu mua hàng Công ty H3 và bộ phận cung ứng đã tiến hành các thủ tục để tiến hành mua máy này. Sau khi ký hợp đồng mua máy, H3 và ông T1 có trao đổi qua lại bằng Email liên quan đến việc kiểm tra máy trong quá trình sản xuất để đảm bảo máy phù hợp với yêu cầu của Công ty và sẽ giao máy vào khoảng đầu tháng 5/2016. Ông T1 đã tiến hành làm việc với H3 để nhận máy và sắp xếp nhân sự với phòng sản xuất để Công ty H3 tiến hành đào tạo, sử dụng máy. Trong thời gian này do bận nhiều việc nên tôi cũng không theo dõi sát sao tình hình đào tạo và vận hành máy. Sau đó ông T1 có đưa bản nghiệm thu có chữ ký nháy của ông T1 đến phòng tôi và nói máy vận hành tốt, ông T1 cũng nói thêm rằng trong lúc vận hành thực tế nếu có trục trặc gì thì H3 sẽ hỗ trợ thêm. Do H3 cũng là đối tác tin cậy vớiM trong nhiều năm vì vậy tôi không kiểm tra lại, sau đó tôi có yêu cầu quản đốc sử dụng máy này để đóng chai, tuy nhiên lúc đó do tình hình sản xuất nhiều nên quản đốc phân xưởng có trả lời rằng chưa sắp xếp được thời gian để vận hành máy mới.
Một thời gian sau Công ty điều tra và nhận thấy máy mới này chưa được đưa vào sử dụng nên đã yêu cầu vận hành máy để kiểm tra. Khi vận hành máy thì máy cấp chai và máy dán nhãn không đạt yêu cầu. Máy đóng nắp nhôm thì vận hành tốt. Công ty sau đó đã yêu cầu nhà cung cấp H3 xuống bảo hành và sửa chữa máy (máy vẫn còn trong thời hạn bảo hành 12 tháng) Tuy nhiên do tôi không được thông tin về các việc sau này Công ty và H3 làm việc như thế nào nên tôi không nắm rõ thông tin. Hiện nay máy cấp chai đã được bộ phận bảo trì sửa chữa nên đi vào sử dụng cùng với máy đóng nắp. Riêng máy dán nhãn thì không sửa được nên vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Ông T1 cho rằng trách nhiệm trách nhiệm đối với việc mua lô hàng này thuộc về tôi do tôi là người yêu cầu mua. Tôi đồng ý mình có một phần trách nhiệm do quản lý không tốt, không giám sát sát sao quá trình vận hành thử máy dẫn đến không biết máy vận hành không tốt nhưng vẫn ký nghiệm thu.
Việc ông T1 nói rằng ông T1 ký nháy là để hợp thức hóa thủ tục giấy tờ theo quy định của Công ty thì vấn đề này tôi không đồng ý vì ông T1 có chuyên môn kỹ thuật về máy móc thiết bị, lúc đó tôi là người quản lý trực tiếp của ông T1 nhưng tôi không có chuyên môn về máy móc nên phải ủy quyền cho ông T1 trực tiếp làm việc với nhà cung cấp từ khâu khảo sát máy móc đưa ra các thông số kỹ thuật để mua máy, tham gia đào tạo vận hành máy cho đến khi nghiệm thu. Việc ông T1 ký nháy là để xác nhận máy vận hành tốt, đạt yêu cầu theo thông số trong hợp đồng. Qua chữ ký nháy của ông T1 tôi yên tâm ký để nghiệm thu thiết bị đạt yêu cầu.
Liên quan đến chất lượng lô hàng theo nguyên tắc ông T1 là người làm việc trực tiếp với nhà cung cấp từ khâu khảo sát cho tới khi vận hành nghiệm thu. Tuy nhiên tôi là người quản lý trực tiếp nên tôi cũng sẽ có trách nhiệm trong việc này. Ngoài ra ông T5 không có ý kiến gì khác.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 14/2020/LĐ-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Y1 đã quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T1 đối với bị đơn Công ty TNHH M về việc yêu cầu: Hủy quyết định số 147/16/MAP-HR ngày 30/12/2016 của M ; Buộc Công ty nhận ông trở lại làm việc; Buộc bồi thường khoản tiền tương ứng với khoản tiền lương trong những ngày ông không được làm việc; Bồi thường 02 tháng tiền lương theo quy định và đóng tiền Bảo hiểm xã hội.
Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Buộc anh T1 phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty TNHH M số tiền 228.228.060 đồng (hai trăm hai mươi tám triệu, hai trăm hai mươi tám nghìn, không trăm sáu mươi đồng).
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 12/10/2020 nguyên đơn có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 12/10/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Y1 kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T1 tại phiên tòa phúc thẩm:
Công ty căn cứ vào khoản 4 Điều 24 nội quy lao động để sa thải ông T1 theo quyết định số 147/16/MAP-HR ngày 30/12/2016 là không đúng vì việc nâng cấp máy của Công ty là do cấp trên của Công ty quyết định ông T1 chỉ là người tham mưu, đề xuất và việc quyết định mua loại máy Trung Quốc hay Đài Loan là do Tổng giám đốc Công ty quyết định. Mặt khác, khi mua máy về thì máy hoạt động bình thường, đến tháng 7/2016 Công ty chuyển ông T1 lên tầng trên làm việc, có thể công ty thay đổi linh kiện ông T1 không biết được. Khi Công ty H3 đến cũng xác định rằng máy đã bị thay đổi thiết bị. Về quyết định sa thải ông T1 do bà O ký trên cơ sở giấy ủy quyền của Tổng giám đốc là không đúng thẩm quyền. Theo biên bản họp xét kỷ luật thì chỉ có ông T5 tham gia họp xét kỷ luật, không có ban giám đốc và không có ban chấp hành Công đoàn, như vậy là không đúng trình tự thủ tục. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận đơn kháng cáo của ông T1 và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T1.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm:
Chủ trương của Công ty là nâng cấp máy chứ không phải là mua thay máy móc mới. Anh T1 là người được Công ty giao cho nhiệm vụ nghiên cứu để nâng cấp máy, Anh T1 có thời gian nghiên cứu và được trao đổi trực tiếp với bên bán máy nhưng khi nhập máy về máy không đáp ứng được năng suất và chất lượng. Lỗi thứ hai là không kiểm tra thông số xem có phù hợp với máy của công ty không, lỗi thứ ba là không vận hành liên tục để xem máy có tương thích với máy của công ty không. Do đó trách nhiệm chính là Anh T1 với chuyên môn là kỹ sư, do vậy khi gây thiệt hại thì Công ty căn cứ vào khoản 4 Điều 24 nội quy lao động của Công ty để sa thải Anh T1.
Về trình tự thủ tục sa thải Anh T1. Công ty đã thực hiện đúng với trình tự thủ tục do pháp luật quy định là có biên bản vi phạm và biên bản họp có ban chấp hành Công đoàn, bà O ký quyết định sa thải là có văn bản ủy quyền của Tổng giám đốc là đúng quy định pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có ý kiến:
- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký: Về việc thụ lý vụ án, xác định quan hệ pháp luật, tư cách tố tụng, về việc xác minh, thu thập các tài liệu chứng cứ vụ án và thời hạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử đều được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Về nội dung vụ án: Căn cứ vào giấy ủy quyền số 118/16M-HR ngày 08/11/2016 thể hiện bà O - Chức danh Giám đốc hành chánh nhân sự - Được người đại diện theo pháp luật của bị đơn ủy quyền ký Quyết định sa thải đối với ông T1. Tại văn bản ý kiến ngày 20/4/2020 của ông Ccho rằng do không thể sang Việt Nam vào thời điểm đó nên ông ủy quyền cho bà Oký quyết định sa thải là đúng ý chí của ông. Do đó, việc bà O ký quyết định kỷ luật là đúng thẩm quyền. Tại cấp phúc thẩm phát sinh tình tiết mới: bị đơn rút yêu cầu phản tố được nguyên đơn chấp nhận, bị đơn cung cấp giấy ủy quyền của đại diện theo pháp luật của Công ty M cho ông T1 sua ngày 31/5/2020. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai rút Quyết định kháng nghị số 1722/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 12/10/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Y1. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông T1, hủy một phần bản án sơ thẩm về giải quyết yêu cầu phản tố, đình chỉ giải quyết một phần vụ án về yêu cầu phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Y1 được thực hiện đúng qui định của pháp luật nên chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Quan hệ pháp luật, tư cách đương sự và thẩm quyền giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng và đầy đủ.
[3] Nội dung hợp đồng lao động ngày 06/7/2007 ký giữa Công ty M với ông T1 là chứng cứ được các đương sự thừa nhận nên không cần phải chứng minh.
[4] Theo nội dung công việc đã ký kết trong hợp đồng lao động và đối chất tại phiên tòa đã làm rõ: Công việc của ông T1 là kỹ sư thiết kế máy, chức vụ là trưởng bộ phận bảo trì, ông T1 được giao nhiệm vụ làm việc với nhà cung cấp và các đơn vị, bộ phận liên quan đến máy móc, kiểm tra chất lượng máy và đảm bảo sự vận hành của hệ thống máy. Quá trình kiểm tra máy ông T1 chịu trách nhiệm sau đó “ký nháy” trước thể hiện việc Anh T1 phải chịu trách nhiệm với nội dung trước khi trình ký Trưởng bộ phận.
Trên cơ sở báo cáo kiểm tra của ông T1, Trưởng bộ phận đã ký xác nhận, tuy nhiên, hệ thống máy mua của Công ty H3 về liên tục bị hư hỏng, không tương thích với hệ thống máy. Hiện nay, máy cấp chai đã được bộ phận bảo trì sửa chữa nên đi vào sử dụng cùng với máy đóng nắp, riêng máy dán nhãn thì không sửa được nên vẫn chưa đưa vào sử dụng được. Căn cứ khoản 4 Điều 24 nội quy lao động của Công ty có quy định về hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Công ty. Tòa án sơ thẩm kết luận hành vi vi phạm của ông T1 là có căn cứ.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T1 cho rằng máy không tương thích nhưng vẫn hoạt động được. Ông không chịu trách nhiệm về công suất là không đúng chức trách, nhiệm vụ của ông theo bản mô tả công việc. Ông cũng trình bày rằng vấn đề này ông đã báo cáo đầy đủ trong biên bản nghiệm thu nhưng không có chứng cứ nào chứng minh.
[6] Thủ tục sa thải ông T1 đã được Công ty thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định tại các Điều 36; 38 125; 136 của Bộ luật lao động.
Về thẩm quyền ký quyết định xử lý kỷ luật sa thải: Hợp đồng lao động công ty ký với ông T1 ghi đại diện cho người sử dụng lao động là ông T6, Phó tổng giám đốc Công ty theo sự ủy quyền của Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty. Khi xử lý kỷ luật lao động đối với ông T1, Đại diện theo pháp luật của công ty đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam và quyền cho bà O – Giám đốc hành chính – Nhân sự thực hiện và ký quyết định sa thải, giấy ủy quyền số 118/16MAP-HR ngày 08/11/2016 thể hiện bà O được ủy quyền ký quyết định sa thải và bà O không phải là người được ủy quyền tuyển dụng lao động đối với ông T1.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật doanh nghiệp năm 2014“Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền”. Nên khi đại diện theo pháp luật đã xuất cảnh, có thể ủy quyền cho người khác thực hiện bất cứ công việc gì thuộc thẩm quyền của Người đại diện theo pháp luật, trong đó có cả việc tuyển dụng hay xử lý kỷ luật lao động bằng bất cứ hình thức nào.
Do đó, việc bà O ký quyết định sa thải số 147/16/MAP-HR ngày 30/12/2016 đối với ông T1 là đúng quy định của pháp luật. Quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 47 cho phép người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động chủ trì cuộc họp xử lý kỷ luật lao động mà không cần làm thủ tục ủy quyền lại của người đại diện theo pháp luật, nhưng không được phép tự ý ký quyết định sa thải, quy định này không có nghĩa rằng đại diện theo pháp luật không được ủy quyền cho người khác thực chủ trì cuộc họp và ký quyết định sa thải.
Từ những phân tích như trên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[7] Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu phản tố, được nguyên đơn chấp nhận nên đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty.
[8] Ý kiến luật sư bảo vệ cho nguyên đơn không phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên không chấp nhận.
[9] Ý kiến luật sư bảo vệ cho bị đơn phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên chấp nhận [10] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
[11] Về án phí: Miễn án phí sơ thẩm và phúc thẩm cho ông T1. Bị đơn phải chịu án phí sơ thẩm 11.416.953 đồng. Trừ vào tạm ứng đã nộp 9.610.000đ theo biên lai thu số 002347 ngày 18/8/2017. Công ty M còn phải nộp 1.806.953 đồng.
Công ty M không phải chịu lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ.Công ty TNHH M đã nộp 1.000.000đ (Một triệu đồng) lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ. Do đó buộc ông T1 phải trả lại cho Công ty M 1.000.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 32, 35, 37, 40, 68, 266, 308, 312, 313 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Áp dụng các Điều 6, 36, 38, 123, 124, 125, 126, 130, 131 Bộ luật Lao Động 2012; Điều 13 của Luật doanh nghiệp năm 2014; Nghị định 05/2015 của Chính phủ. Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Áp dụng các Điều 585, 589, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Y1.
Không chấp nhận kháng cáo của ông T1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện của ông T1 với Công ty M.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông T1 đối với bị đơn Công ty TNHH M về việc yêu cầu: Hủy quyết định số 147/16/MAP-HR ngày 30/12/2016 của M; Buộc Công ty nhận ông trở lại làm việc; Buộc bồi thường khoản tiền tương ứng với khoản tiền lương trong những ngày ông không được làm việc; Bồi thường 02 tháng tiền lương theo quy định và đóng tiền Bảo hiểm xã hội.
2. Hủy một phần bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn là Công ty M.
3. Về án phí Lao động sơ thẩm: Công ty TNHH M không phải chịu án phí. Ông T1 thuộc trường hợp được miễn án phí lao động sơ thẩm, miễn án phí cho ông T1.
Công ty TNHH M phải chịu 11.416.953đ (Mười một triệu bốn trăm mười sáu nghìn chín trăm năm mươi ba đồng) được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 9.610.000đ (Chín triệu sáu trăm mười nghìn đồng) Công ty đã nộp theo biên lai thu số 002347 ngày 18/8/2017. Công ty TNHH Mcòn phải nộp 1.806.953đ (Một triệu tám trăm lẻ sáu nghìn chín trăm năm mươi ba đồng).
4. Về lệ phí: Công ty TNHH M không phải chịu lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ.Công ty M đã nộp 1.000.000đ (Một triệu đồng) lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ. Do đó buộc anh T1 phải trả lại choCông ty TNHH M1.000.000đ (Một triệu đồng).
5. Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 luật Thi hành án dân sự. Thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 03/2022/LĐ-PT
Số hiệu: | 03/2022/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 26/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về