TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
BẢN ÁN 01/2021/LĐ-PT NGÀY 29/03/2021 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 29 tháng 3 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2020/TLPT-LĐ ngày 11 tháng 11 năm 2020 về việc “Bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do bản án Lao động số 01/2020/LĐST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 137/2020/QĐ-PT ngày 02 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần Bệnh viện A.
Địa chỉ trụ sở: số 328 đường LNQ, phường ĐQ, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng T - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền: Anh Vũ Vinh Q, sinh năm 1990;
Nơi thường trú: Xóm ĐC, xã PT, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên (văn bản ủy quyền ngày 05/8/2019, anh Q có mặt).
2. Bị đơn: Chị Cầm Thị H, sinh năm 1989;
Địa chỉ: Tổ 17, phường PĐP, thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên (có mặt tại phiên tòa).
Người đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Đức L, sinh năm 1986;
Địa chỉ: Số 11, ngõ 338, phố BĐ, phường CD, quận HK, thành phố Hà Nội (văn bản ủy quyền ngày 14/01/2020, anh L có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm, nguyên đơn Công ty Cổ phần Bệnh viện A (viết tắt là Công ty) trình bày:
Ngày 01/07/2016 Công ty có ký Hợp đồng lao động số 68/BVQTTN-HĐLĐ với chị Cầm Thị H. Theo Hợp đồng chị H làm bác sỹ tại khoa Mắt của Công ty để thực hiện công việc khám, chữa bệnh theo chuyên môn. Trong quá trình lao động, chị H có đơn xin đi học chuyên khoa mắt tại Bệnh viện mắt Trung ương từ tháng 11/2016 đến hết tháng 7/2017. Trước khi đồng ý cho chị H đi học ngày 02/11/2016 Công ty và chị H đã lập Bản cam kết thỏa thuận về việc hỗ trợ chi phí đào tạo cho chị H đi học với điều kiện chị H phải cam kết làm việc tối thiểu 05 (năm) năm cho Công ty, sau khi kết thúc khóa đào tạo. Nếu vi phạm không làm đủ 05 (năm) năm thì phải bồi thường 04 lần chi phí đào tạo (gồm tiền lương, tiền thưởng, các phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật, tiền học phí...).
Tổng số tiền chi phí đào tạo cho chị H là 58.200.793đ cụ thể những khoản sau:
1. Tiền học phí lớp định hướng CK mắt 20.000.000 đồng |
2. Sinh hoạt phí trong thời gian đi học (09 tháng) 27.000.000 đồng |
3. Tiền thưởng, các ngày lễ trong lúc đi học 3.483.333 đồng |
4. Tiền Bảo hiểm, công đoàn bệnh viện chi trả lúc đi học = 7.717.460 đồng |
Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa học chị H đã có đơn xin nghỉ việc từ ngày 23/07/2018 và chính thức nghỉ việc từ ngày 01/08/2018.
Kể từ thời điểm chị H nghỉ việc đến nay, nhiều lần Công ty đã yêu cầu chị H hoàn trả lại chi phí đào tạo, nhưng chị H không phản hồi. Công ty đã cử cán bộ đến nhà chị H để yêu cầu bồi thường và phạt gấp đôi, chị H xác nhận chi phí đào đúng như trên, nhưng chị H cũng không trả. Ngày 14/05/2019 chị H đã viết cam kết tự nguyện chi trả 2 lần chi phí đào tạo và lãi suất chậm trả, tổng là 134.308.030đ, nhưng chị H cũng không thực hiện, do đó, Công ty khởi kiện yêu cầu chị H phải bồi thường gấp 4 lần chi phí đào tạo là 232.803.172đ (Hai trăm ba mươi hai triệu, tám trăm linh ba nghìn, một trăm bẩy mươi hai đồng). Chị H nghỉ việc tại Công ty từ ngày 01/08/2018 và nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo cũng phát sinh từ ngày 01/08/2018, nên Công ty đề nghị Tòa án buộc chị H phải trả cho Công ty khoản tiền lãi chậm trả tính theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 với lãi suất 10%/năm kể từ ngày nghỉ việc 01/08/2018 đến ngày khởi kiện (01/12/2019) là 01 năm 4 tháng, tương ứng số tiền lãi chậm trả là: 29.100.396đ (Hai mươi chín triệu, một trăm nghìn, ba trăm chín mươi sáu đồng). Như vậy công ty yêu cầu chị H phải bồi thường với tổng hai khoản tiền nêu trên làm tròn tạm tính là: 260.000.000đ (Hai trăm sáu mươi triệu đồng). Tại phiên tòa đại diện nguyên đơn rút một phần khởi kiện không yêu cầu về tiền Bảo hiểm, công đoàn bệnh viện chi trả lúc đi học là 7.717.460 đ. Yêu cầu bị đơn phải trả tổng số tiền chi phí đào tạo là 50.483.333 đồng x 4 lần bằng 201.933.332đ làm tròn là 201.900.000đ, tiền lãi trậm trả của 02 năm 02 tháng đến ngày xét xử sơ thẩm là là 245.600.000đ.
Bị đơn chị Cầm Thị H và người đại diện theo ủy quyền trình bày: Chị H thừa nhận ngày 01/7/2016 có ký hợp đồng lao động với Công ty, sau một thời gian làm việc chị H có nhận được giấy gọi đi học định hướng chuyên khoa mắt tại Bệnh viện mắt Trung ương và được Công ty đồng ý và cấp chi phí đào tạo. Ngày 02/11/2016 công ty có yêu cầu chị H làm bản cam kết rồi mới hỗ trợ chi phí đào tạo, trong cam kết có nội dung phải làm việc 05 (năm) năm nếu không phải bồi thường gấp 04 (bốn) lần số tiền đào tạo; Công ty cũng giữ luôn các văn bằng, chứng chỉ gốc. Ngày 23/07/2018 chị H có gửi đơn xin nghỉ việc, khi nghỉ việc, công ty yêu cầu chị H nộp lại toàn bộ hợp đồng lao động, bản cam kết, các giấy tờ khác mới cho nghỉ. Ngày 01/8/2018 chị H chuyển sang công tác tại Bệnh viện ĐK Thái Nguyên và liên hệ với kế toán cũ là chị L và nhận được thông tin là Giám đốc công ty cho nghỉ, thực tế kể từ thời điểm xin nghỉ việc ngày 23/07/2018 đến nay chị Hkhông nhận được bất kỳ giấy tờ, tài liệu hay thông báo gì từ Công ty. Tháng 10/2018 chị H gọi điện liên hệ lại thì được chị L - Kế toán cho biết có bảng kê chi phí đào tạo, tuy nhiên không nhận được thông báo gì thêm. Đến tháng 4 năm 2019 chị H có nhận được điện thoại của người giới thiệu tên là Q, là Luật sư của công ty gọi điện bảo sang ký bảng kê thanh toán chi phí đào tạo bằng 02 (hai) lần chi phí đào tạo thực tế và bắt chị H phải nộp toàn bộ ngay lập tức nếu không sẽ báo công an và báo Bệnh viện nơi chị H đang công tác, sau đó đại diện pháp chế công ty và anh Q còn đến nhà chị H làm ầm ĩ, yêu cầu chị H thanh toán ngay toàn bộ số tiền chi phí đào tạo và tiền phạt, tiền lãi. Chị H xác định chị nghỉ việc thuộc trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động hợp pháp theo thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, do đó chị H không phải trả chi phí đào tạo. Tuy nhiên, việc chị h có nhận tiền hỗ trợ của công ty để đi học nâng cao nghiệp vụ là thật, chị h cũng có cam kết làm việc cho công ty nhưng do nhiều nguyên nhân mà việc ở lại làm việc cho công ty không thành. Do đó, chị h đồng ý việc thanh toán chi phí đào tạo thực tế công ty đã chi trả nếu bên nguyên đơn có thiện chí trong việc thỏa thuận giải quyết vụ án thì chị H nhất trí bồi thường chi phí đào tạo 58.200.793 đồng và tiền lãi phát sinh với tổng số tiền là 80.000.000 đồng, chị không nhất trí phải trả gấp 4 lần chi phí như nguyên đơn trình bày và cũng không nhất trí trả lãi. Tại phiên tòa chị H và đại diện theo ủy quyền của bị đơn nhất trí về việc nguyên đơn rút phần yêu cầu đối với số tiền 7.717.460 đồng tiền Bảo hiểm, Công đoàn bệnh viện chi trả lúc đi học, bị đơn nhất trí về việc phải có nghĩa vụ trả số tiền chi phí đào tạo do nguyên đơn đưa ra và tổng lãi phát sinh với số tiền là 80.000.000 đồng, trong trường hợp nguyên đơn không nhất trí đề nghị Tòa án xem xét theo quy định pháp luật. Đề nghị Tòa án xem xét áp dụng Luật giáo dục nghề nghiệp để xem xét giải quyết nội dung tranh chấp.
Với nội dung nêu trên, tại bản án số 01/2020/LĐST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên đã xét xử và quyết định:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, 271, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 357, 418 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 43 và Điều 62 của Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần Bệnh viện A.
1. Buộc chị Cầm Thị H phải trả cho Công ty Cổ phần Bệnh viện A tổng số tiền 111.904.721đ (một trăm mười một triệu, chín trăm linh tư nghìn, bẩy trăm hai mươi mốt đồng). Trong đó: 100.966.666đ (một trăm triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng) là số tiền phạt 02 lần chi phí đào tạo và 10.938.055đ (mười triệu, chín trăm ba mươi tám nghìn, không trăm năm mươi lăm đồng) là tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Bệnh viện A đòi bồi thường 04 lần chi phí đào tạo và tiền lãi trên 04 lần vi phạm là 245.600.000đ - 111.904.721đ= 133.695.279đ (một trăm ba mươi ba triệu, sáu trăm chín mươi lăm nghìn, hai trăm bẩy mươi chín đồng).
3.Về án phí:
3.1 Chị Cầm Thị H phải chịu 5.595.236đ (năm triệu, năm trăm chín mươi năm nghìn, hai trăm ba mươi sáu đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
3.2 Công ty Cổ phần Bệnh viện A phải chịu 6.684.736đ (sáu triệu, sáu trăm tám mươi tư nghìn, bẩy trăm ba mươi sáu đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.900.000đ (ba triệu, chín trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0002553 ngày 25/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên. Công ty Cổ phần Bệnh viện Acòn phải nộp 2.784.763đ (hai triệu, bẩy trăm tám mươi tư nghìn, bẩy trăm sáu mươi ba đồng). Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 12/10/2020 Công ty có đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định sai về bản chất sự việc, quyết định sai về đường lối xét xử, do đó đã xâm phạm đến quyền lợi của Công ty. Đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án hoặc chấp nhận yêu cầu của Công ty buộc bị đơn phải trả cho Công ty 04 lần số tiền chi phí đào tạo và lãi chậm trả do bị đơn vi phạm thời gian làm việc theo cam kết giữa hai bên.
Ngày 13/10/2020 người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo 50.483.333đ, không chấp nhận bồi thường hai lần chi phí đào tạo và tiền lãi theo nội dung bản án.
Ngày 14/10/2020 Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN có quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ. Tại quyết định có nêu “Tòa án cấp sơ thẩm có sự vi phạm về tố tụng khi đương sự rút một phần yêu cầu nhưng quyết định của bản án không tuyên đình chỉ yêu cầu này của nguyên đơn. Thứ hai Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào tài liệu bị đơn có cam kết với Công ty đồng ý trả số tiền bồi thường gấp hai lần chi phí đào tạo là không có căn cứ pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của đương sự. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên sửa bản án sơ thẩm theo hướng Đình chỉ xét xử do nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện. Buộc bị đơn bồi thường cho Nguyên đơn theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và bị đơn cũng như đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên nội dung đã kháng cáo và kháng nghị.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và nghe lời trình bày của các đương sự; Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội đồng xét xử nhận xét:
[1] Ngày 01/07/2016 Công ty Cổ phần Bệnh viện A (viết tắt là Công ty) có ký Hợp đồng lao động số 68 với chị Cầm Thị H, chức danh Bác sỹ đa khoa, loại Hợp đồng không xác định thời hạn, chị H làm việc tại Bệnh viện A để thực hiện công việc khám, chữa bệnh theo chuyên môn. Trong quá trình lao động, chị H có đơn xin đi học chuyên khoa mắt tại Bệnh viện mắt Trung ương từ tháng 11/2016 đến hết tháng 7/2017. Ngày 23/07/2018 chị H có đơn xin nghỉ việc và chính thức nghỉ từ ngày 01/08/2018 là đúng thực tế đều được các bên thừa nhận. Công ty xác định tổng số tiền Công ty bỏ ra để chi phí đào tạo cho chị H trong quá trình đi học là 50.483.333đ (năm mươi triệu, bốn trăm tám mươi ba nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng), chị H xác định Công ty đã chi phí số tiền đó cho chị đi học là đúng, chị nhất trí trả lại cho Công ty số tiền đó, còn Công ty thì yêu cầu chị H phải thực hiện cam kết trả gấp 04 lần số tiền mà Công ty đã bỏ ra chi phí cho chị H đi học theo đúng cam kết mà hai bên đã lập ngày 02/11/2016. Như vậy, Công ty yêu cầu chị A phải trả cho Công ty 50.483.333đ x 4 = 201.933.332đ.
[2] Xét kháng cáo của Công ty buộc chị A phải bồi thường 04 lần chi phí đào tạo thì thấy rằng: Tại bản cam kết ngày 02/11/2016 giữa Bên A: Công ty Cổ Phần Bệnh viện A và Bên B: Chị Cầm Thị H tại mục 1.1 Điều I xác định “…Riêng thời gian sau đào tạo, bên B phải công tác, làm việc tối thiểu 05 năm tại Bệnh viện A….”, mục 2.2 Điều II “...Cam kết thực hiện công tác lâu dài tại Bệnh viện A. Thời gian tối thiểu đã được ghi trong khoản 1.1….Nếu chấm dứt hợp đồng lao động sớm hơn các thời gian quy định tại khoản 1.1 thì bên B phải bồi thường cho bên A gấp 4 lần toàn bộ số kinh phí bên A đã chi cho bên B”. Như vậy, đây là sự tự nguyện cam kết, thỏa thuận của chị H với Công ty phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 418 của Bộ luật dân sự năm 2015 nên cần được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì vào ngày 14/5/2019 chị H cùng Công ty đã ký vào Bảng kê do Công ty và chị H thiết lập trong đó chị H xác định: “ Tôi là Cầm Thị H…hôm nay là ngày 14/5/2019 tôi đã đến BVQT để xem bảng thanh toán chi phí đào tạo lớp ĐHCK mắt do không chấp hành đúng thời hạn cam kết theo văn bản cam kết đào tạo nghề. Tôi cam kết đến ngày 05/6/2019 tôi sẽ hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo cho bệnh viện tổng là 134.308.030” (bút lục 44). Như vậy, giữa chị H và Công ty đã thỏa thuận lại mức phạt vi phạm gấp 02 lần chi phí đào tạo, cụ thể 50.483.333đ x 2= 100.966.666đ (một trăm triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng) như Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuy nhiên cấp sơ thẩm tính án phí theo vụ án dân sự là không đúng cần phải sửa án phí sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của chị H thấy rằng: Việc chị H và Công ty nếu không có bản cam kết ngày 14/5/2019 thì chị H phải có trách nhiệm bồi thường gấp 04 lần chi phí đào tạo như phía nguyên đơn khởi kiện, tuy nhiên các bên đã tự nguyện thỏa thuận mức bồi thường gấp 02 lần chi phí đào tạo thì đây là sự tự định đoạt của các bên không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần được tôn trọng và các bên phải thực hiện theo đúng cam kết, do vậy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của chị H.
[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án phía Công ty đã rút một phần yêu cầu khởi kiện không yêu cầu chị H phải trả lại số tiền bảo hiểm mà Công ty đã nộp cho chị H, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ yêu cầu này của Công ty là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm, do vậy cần chấp nhận phần kháng nghị này của Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN, ngoài ra tại quyết định kháng nghị có nêu Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào tài liệu chị H và Công ty có cam kết chị H đồng ý trả số tiền bồi thường mà hai bên ký xác nhận ngày 14/5/2019 để buộc chị H phải bồi thường gấp hai lần chi phí đào tạo là không có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử thấy rằng: Đây là sự tự nguyện cam kết, thỏa thuận của chị H với Công ty phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 418 của Bộ luật dân sự năm 2015, không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội, nên cần được ghi nhận, do vậy không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN về nội dung này.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát biểu về sự tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi nghị án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN là không có căn cứ như đã phân tích nêu trên, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy sửa bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên là có căn cứ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 3, 418 và Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015; Điều 43 và Điều 62 của Bộ luật lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố TN, sửa một phần bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.
1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về khoản tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm, công đoàn bệnh viện chi trả là 7.717.460đ (bẩy triệu, bẩy trăm mười bẩy nghìn, bốn trăm sáu mươi đồng).
2. Buộc chị Cầm Thị H phải trả cho Công ty Cổ phần Bệnh viện A tổng số tiền 111.860.969đ (một trăm mười một triệu, tám trăm sáu mươi nghìn, chín trăm sáu mươi chín đồng). Trong đó: 100.966.666đ (một trăm triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng) là số tiền phạt 02 lần chi phí đào tạo và 10.894.303đ (mười triệu, tám trăm chín mươi tư nghìn, ba trăm năm linh ba đồng) là tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Bệnh viện A đòi bồi thường 04 lần chi phí đào tạo và tiền lãi trên 04 lần vi phạm là 260.000.000đ - 111.860.969đ = 148.139.031đ. Buộc Công ty phải chịu tiền án phí 3% của số tiền không được chấp nhận 148.139.031 (một trăm bốn mươi tám triệu, một trăm ba mươi chín nghìn, không trăm ba mươi mốt đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi chậm trả đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự.
3. Về án phí:
3.1 Về án phí sơ thẩm:
- Chị Cầm Thị H phải chịu 3.355.829đ (ba triệu, ba trăm năm mươi năm nghìn, tám trăm hai mươi chín đồng) án phí lao động sơ thẩm.
- Công ty Cổ phần Bệnh viện A phải chịu 4.444.170đ (bốn triệu, bốn trăm bốn mươi bốn nghìn, một trăm bẩy mươi đồng) án phí lao động sơ thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.900.000đ (ba triệu, chín trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0002553 ngày 25/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố TN. Công ty Cổ phần Bệnh viện A còn phải nộp 544.170đ (năm trăm bốn mươi bốn nghìn, một trăm bẩy mươi đồng).
3.2 Về án phí phúc thẩm:
- Chị Cầm Thị H không phải chịu án phí phúc thẩm. Được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0003683 ngày 27/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.
- Công ty Cổ phần Bệnh viện A không phải chịu án phí phúc thẩm. Được trả lại 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0003639 ngày 21/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố TN, tỉnh Thái Nguyên.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án Dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 01/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thái Nguyên |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 29/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về