Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 08/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 08/2022/DS-ST NGÀY 07/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 07 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 110/2021/TLST- DS ngày 29 tháng 6 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng", theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2022/QĐXXST- DS ngày 01/8/2022 và quyết định hoãn phiên tòa số 89/2022/QĐST-DS ngày 18/8/2022, giữa các đương sự:

1.Nguyên đơn: Ngân hàng N; Trụ sở: Số X Láng Hạ, phường T, quận B, thành phố Hà Nội; Người đại diện cho Ngân hàng N: Ông Thái Văn Hồng – Giám đốc N chi nhánh huyện N, tỉnh Kon Tum; Ủy quyền lại cho ông Nguyễn Văn H – Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh chi nhánh huyện N, tỉnh Kon Tum (Theo quyết định ủy quyền số 389/QĐ-N-PC ngày 23/3/2021 của tổng giám đốc N và Giấy ủy quyền số 494/GUQ-N-NH ngày 02/8/2022 của giám đốc N chi nhánh huyện N); Địa chỉ: T, thị trấn P, huyện N, tỉnh Kon Tum; có mặt.

2. Đồng bị đơn: Anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T;

Cùng địa chỉ: Thôn Đ, xã P, huyện N, tỉnh Kon Tum; Vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là Ngân hàng N trình bày:

1. Ngày 08-01-2019 giữa nguyên đơn với đồng bị đơn ký kết hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201900072, thể hiện văn bản sổ vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn, không bảo đảm bằng tài sản, thực hiện theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ. Nguyên đơn đã giải ngân cho chị T vay số tiền 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng), thời hạn cho vay 60 tháng; thời hạn trả nợ gốc phân thành 04 kỳ: Kỳ 1 trả 20 triệu vào ngày 08/01/2021; kỳ 2 trả 40 triệu đồng vào ngày 08/01/2022; kỳ 3 trả 60 triệu đồng vào ngày 08/01/2023; kỳ 4 trả 80 triệu đồng vào ngày 08/01/2024; thời hạn trả lãi 12 tháng/lần; mục đích vay vốn để chăm sóc cà phê; mức lãi suất cho vay trong hạn 10%/năm, mức lãi suất quá hạn bằng 150% mức lãi suất cho vay trong hạn.

Trong hợp đồng này, tính đến nay (ngày 07/9/2022) chị Đinh Thị T và anh Phạm Văn G đã trả được 30.027.397 đồng tiền lãi; còn dư nợ gốc 200.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 41.325.211 đồng; nợ lãi quá hạn 2.982.586 đồng.

2.Tiếp đến ngày 06-6-2019 nguyên đơn với đồng bị đơn ký tiếp hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201902347, số tiền giải ngân cho vay là 380.000.000đ (Ba trăm tám mươi triệu đồng); mục đích để nuôi bò sinh sản; thời hạn cho vay 60 tháng; thời hạn trả nợ gốc phân thành 04 kỳ: Kỳ 1 trả 50 triệu vào ngày 06/6/2021; kỳ 2 trả 80 triệu đồng vào ngày 06/6/2022; kỳ 3 trả 100 triệu đồng vào ngày 06/6/2023; kỳ 4 trả 150 triệu đồng vào ngày 06/6/2024; thời hạn trả lãi 06 tháng/lần; mức lãi suất cho vay trong hạn 10%/năm, mức lãi suất quá hạn bằng 150% mức lãi suất cho vay trong hạn.

Trong hợp đồng này, tính đến nay (ngày 07/9/2022) chị Đinh Thị T và anh Phạm Văn G đã trả được 38.208.220 đồng tiền lãi; còn dư nợ gốc 380.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 85.470.380 đồng; nợ lãi quá hạn 4.095.312 đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay 380 triệu đồng được thực hiện theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 5103LCL201901416 ngày 05-6-2019 là: Thửa đất số 358, tờ bản đồ số 49, địa chỉ thửa đất: Thôn Đ, xã P, huyện N, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CM 585095 do Ủy ban nhân dân huyện N, cấp ngày 23/4/2018 cho anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T.

Ngoài ra còn 02 tài sản khác không phải là các tài sản bảo đảm mà đồng bị đơn gửi giao nguyên đơn giữ hộ là giấy chứng nhận quyền sử dụng số CM585570 thửa đất số 735, tờ bản đồ số 41, địa chỉ thửa đất: Thôn Đ, xã P, huyện N, do Ủy ban nhân dân huyện N cấp ngày 18/10/2018 cho anh G và chị T; và giấy chứng nhận quyền sử dụng số CĐ731730, thửa đất số 138a, tờ bản đồ số 41, địa chỉ thửa đất: Thôn Đ, xã P, huyện N, do Ủy ban nhân dân huyện N cấp ngày 23/12/2016 cho anh G và chị T; nguyên đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với các tài sản này.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng phía đồng bị đơn đã vi phạm việc trả tiền gốc và lãi, đã đi khỏi địa phương từ giữa năm 2021, không thông báo địa chỉ mới để nguyên đơn được biết. Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn yêu cầu đồng bị đơn chịu trách nhiệm trả toàn bộ nợ của hai hợp đồng cấp tín dụng, tổng cả nợ gốc và lãi tính đến hết ngày xét xử sơ thẩm là 713.873.489 đồng và lãi tiếp theo cho đến khi thanh toán xong nợ. Nếu đến ngày án có hiệu lực pháp luật mà đồng bị đơn không trả thì nguyên đơn được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Nếu tài sản bảo đảm xử lý không đủ trả buộc đồng bị đơn tiếp tục trả số tiền còn thiếu. Buộc đồng bị đơn phải chịu án phí, lệ phí đăng thông tin, chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định pháp luật.

Đồng bị đơn là anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T: Theo tài liệu nguyên đơn cung cấp và Tòa án xác minh tại chính quyền địa phương được biết anh G và chị T đã đi khỏi địa phương từ giữa năm 2021. Tòa án đã tiến hành thủ tục niêm yết và đăng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật nhưng đồng bị đơn vẫn không tham gia tố tụng, không ủy quyền, không gửi văn bản trình bày ý kiến cho Tòa án.

Ý kiến vị đại diện Viện kiểm sát: Tòa án nhân dân huyện N thụ lý giải quyết vụ án đúng thẩm quyền. Thẩm phán, các Hội thẩm nhân dân, thư ký tuân thủ và thực hiện đúng theo qui định pháp luật. Nguyên đơn chấp hành việc tham gia tố tụng tại Tòa; đồng bị đơn không chấp hành tham gia tố tụng và vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa; Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt đồng bị đơn là đúng.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đại diện Viện kiểm sát đánh giá: Hai Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực pháp luật. Đồng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo phân kỳ nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để buộc đồng bị đơn chịu trách nhiệm trả nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn và các chi phí cho việc đăng thông tin, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ khi án có hiệu lực pháp luật mà đồng bị đơn chưa hoàn tất việc thanh toán tiền theo Điều 91, Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; Các Điều 318, 320, 323 và Điều 463, 466, 468, 470 của Bộ luật dân sự năm 2015 và theo Án lệ số 08/2016/AL. Buộc đồng bị đơn phải chịu án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng:

ác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Đây là quan hệ phát sinh từ hợp đồng dân sự giữa tổ chức Ngân hàng với cá nhân. Tòa án căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Về sự vắng mặt của đồng bị đơn: Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã triệu tập, đăng thông báo hợp lệ, đồng bị đơn không tham gia tố tụng và vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa. Như vậy, đồng bị đơn đã từ bỏ quyền và không chấp hành nghĩa vụ của mình. Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt đồng bị đơn.

[2]Về nội dung: Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Ngày 08-01-2019 giữa nguyên đơn với anh G và chị T ký kết hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201900072, thể hiện văn bản sổ vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn, không bảo đảm bằng tài sản, cho vay 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

Tiếp đến, ngày 06-6-2019, giữa nguyên đơn với đồng bị đơn ký Hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201902347, số tiền vay gốc là 380.000.000đ (Ba trăm tám mươi triệu đồng). Tài sản bảo đảm thực hiện theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 5103LCL201901416 ngày 05-6-2019.

Xét tính hợp pháp của 02 hợp đồng tín dụng và 01 hợp đồng thế chấp tài sản: Về hình thức của các hợp đồng: Các chủ thể tham gia ký kết đều có năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, hình thức hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 119 và Điều 502 của Bộ luật dân sự năm 2015, được lập bằng văn bản; Hợp đồng thế chấp tài sản được chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã P, huyện N và đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký đất đai huyện N. Mục đích và nội dung thỏa thuận trong các hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp theo quy định tại Điều 117 và Điều 501 của Bộ luật dân sự năm 2015. Như vậy 02 Hợp đồng tín dụng và 01 Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực pháp luật, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ, buộc các bên phải thực hiện theo nội dung thỏa thuận trong các hợp đồng.

ét việc thực hiện hợp đồng của các bên: Nguyên đơn đã thực hiện đúng hợp đồng, đã giải ngân cho bên vay đúng, đủ số tiền được xác lập trong 02 Hợp đồng tín dụng. Đồng bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả lãi và gốc, cụ thể:

Đối với Hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201900072 ngày 08/01/2019, kèm theo phụ lục số 02B/SVV-CN cùng ngày, thể hiện nguyên đơn đã giải ngân số tiền 200 triệu đồng vào ngày 08/01/2019. Theo quy định tại các Điều 5 và 6 của Hợp đồng thỏa thuận bên vay trả nợ gốc phân thành 04 kỳ: Kỳ 1 trả 20 triệu vào ngày 08/01/2021; kỳ 2 trả 40 triệu đồng vào ngày 08/01/2022; kỳ 3 trả 60 triệu đồng vào ngày 08/01/2023; kỳ 4 trả 80 triệu đồng vào ngày 08/01/2024; thời hạn trả lãi 12 tháng/lần. Bên vay mới trả lãi được 30.027.397 đồng. Tính đến nay vi phạm trả nợ gốc kỳ 1 và kỳ 2; vi phạm chưa trả đủ lãi trong hạn 41.325.211 đồng; nợ lãi quá hạn 2.982.586 đồng.

Đối với Hợp đồng tín dụng số 5103-LAV-201902347, ngày 06-6-2019 thể hiện nguyên đơn đã giải ngân số tiền 380 triệu đồng vào ngày 06/6/2019. Theo quy định tại các Điều 4, 5 và 7 của Hợp đồng thỏa thuận bên vay trả gốc phân thành 04 kỳ: Kỳ 1 trả 50 triệu vào ngày 06/6/2021; kỳ 2 trả 80 triệu đồng vào ngày 06/6/2022; kỳ 3 trả 100 triệu đồng vào ngày 06/6/2023; kỳ 4 trả 150 triệu đồng vào ngày 06/6/2024; thời hạn trả lãi 06 tháng/lần. Bên vay mới trả lãi được 38.208.220 đồng. Tính đến nay vi phạm trả nợ gốc kỳ 1 và kỳ 2; vi phạm chưa trả đủ lãi trong hạn 85.470.380 đồng; nợ lãi quá hạn 4.095.312 đồng.

Theo khoản 1 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định: Tổ chức tín dụng có quyền thu hồi nợ trước hạn khách hàng vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng. Tính đến nay bên vay chưa đến hạn trả nợ gốc kỳ 3 và kỳ 4 của mỗi hợp đồng nhưng vì bên vay đã vi phạm trả nợ lãi và vi phạm trả nợ gốc của kỳ 1 và kỳ 2. Vì vậy, Ngân hàng có quyền khởi kiện để thu hồi nợ trước hạn.

Từ những vi phạm trên cho thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở được chấp nhận. Buộc đồng bị đơn phải trả đủ số tiền dư nợ chung của 02 Hợp đồng tín dụng tính đến hết ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07/9/2022): (nợ gốc 580.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 126.795.591 đồng; nợ lãi quá hạn 7.077.898 đồng). Tổng cả nợ gốc và lãi 713.873.489 đồng (Bảy trăm mười ba triệu, tám trăm bảy mươi ba nghìn, bốn trăm tám mươi chín đồng) theo Điều 288, Điều 463, các khoản 1, 3, 5 Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015.

[3] Về nghĩa vụ chậm thi hành án:

Theo Án lệ số 08/2016/AL được công bố theo quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về xác định lãi suất, thì: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay”. Hội đồng xét xử, xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, cần áp dụng Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015 và Án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xác định nghĩa vụ chậm thi hành án.

[4] Về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ:

Theo quy định tại Điều 1 và Điều 4 của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 5103LCL201901416 ngày 05-6-2019, ghi nhận: Bên A (bên cho vay tài sản) được quyền xử lý tài sản khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên B (bên vay tài sản) không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên A cũng được quyền xử lý tài sản trước hạn do bên B vi phạm hợp đồng cấp tín dụng. Do anh G và chị T vi phạm việc trả nợ gốc và lãi là đã vi phạm hợp đồng. Căn cứ các khoản 1, 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng quy định về quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng không trả được nợ đến hạn; các Điều 299, 317, 318, 319, khoản 6 Điều 320 của Bộ luật dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, khi án có hiệu lực pháp luật mà anh G và chị T không trả đủ tiền gốc và lãi được xác định trên, thì nguyên đơn được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Nếu tài sản bảo đảm được xử lý mà không đủ, thì anh G và chị T phải tiếp tục trả số tiền còn thiếu nợ cho nguyên đơn. Nếu tài sản bảo đảm được xử lý dư sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ, thì được trả lại cho anh G và chị T.

Riêng đối với 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 02 thửa đất số 735 và 138a, tại phiên tòa đại diện nguyên đơn trình bày là giữ hộ đồng bị đơn, giữa các bên không có giao dịch thế chấp các tài sản này nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, Hội đồng xét xử không đề cập đến.

[5] Về án phí và các khoản chi phí khác: Toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên đồng bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo số tiền nợ gốc và lãi được xác định là 32.555.000 đồng (Ba mươi hai triệu, năm trăm năm mươi lăm nghìn đồng). Nguyên đơn được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Việc xử lý tiền tạm ứng án phí, án phí theo Điều 144, khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Ngoài ra trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn đã ứng tiền để chi phí cho việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, là 3.044.000đ và 1.650.000 đồng chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ; Tổng cộng là 4.694.000đ (Bốn triệu, sáu trăm chín mươi bốn nghìn đồng), buộc đồng bị đơn phải hoàn trả cho nguyên đơn số tiền này theo khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 trong các hợp đồng tín dụng. Nếu chậm trả tiền thì phải chịu lãi 10%/năm/số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng các khoản 1, 2 Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng; các Điều 117, 119, 299, 317, 318, 319, khoản 6 Điều 320, 463, các khoản 1,3,5 Điều 466 của Bộ luật dân sự năm 2015;

Áp dụng Án lệ số 08/2016/AL được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ trả lãi chậm thi hành án;

Căn cứ Điều 144, khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 2 Điều 26 và danh mục án phí của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền kháng cáo; Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

1.1.Buộc anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T cùng phải chịu trách nhiệm trả cho Ngân hàng N tổng số tiền dư nợ gốc và lãi của Hợp đồng tín dụng số số 5103-LAV-201900072 ngày 08/01/2019 và Hợp đồng tín dụng số 5103-LAV- 201902347 ngày 06-6-2019, tính đến hết ngày xét xử sơ thẩm (ngày 07-9-2022) là: Nợ gốc 580.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 126.795.591 đồng; nợ lãi quá hạn 7.077.898 đồng; tổng cả nợ gốc và lãi 713.873.489 đồng (Bảy trăm mười ba triệu, tám trăm bảy mươi ba nghìn, bốn trăm tám mươi chín đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 08/9/2022), bên vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn tính trên số tiền dư nợ gốc bằng 150% lãi trong hạn, (lãi trong hạn 10%/năm), cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Bên vay phải chịu sự điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay. Mức lãi suất Tòa án quyết định cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

1.2.Buộc anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T phải trả Ngân hàng N số tiền chi phí cho việc thông báo tìm người vắng mặt tại nơi cư trú, là 3.044.000 đồng và 1.650.000 đồng chi phí cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ; tổng cộng là 4.694.000đ (Bốn triệu, sáu trăm chín mươi bốn nghìn đồng). Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật nếu anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T chậm trả số tiền này thì phải trả lãi 10%/năm/số tiền chậm trả.

1.3.Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật nếu anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T không hoàn tất việc thanh toán tiền nợ gốc, lãi và các chi phí xác định trên thì Ngân hàng N được yêu cầu cơ quan Thi hành án có thẩm quyền, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là: Thửa đất số 358, tờ bản đồ số 49, địa chỉ thửa đất: Thôn Đ, xã P, huyện N, tỉnh Kon Tum, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CM 585095, do Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Kon Tum cấp ngày 23/4/2018 cho anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T. Nếu tài sản bảo đảm được xử lý mà không đủ, thì anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T phải tiếp tục trả số tiền còn thiếu cho nguyên đơn. Nếu tài sản bảo đảm xử lý còn dư sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ, thì được trả lại cho anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T.

2.Về án phí: Anh Phạm Văn G và chị Đinh Thị T phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, là 32.555.000 đồng (Ba mươi hai triệu, năm trăm năm mươi lăm nghìn đồng), để nộp ngân sách Nhà nước. Ngân hàng N, được nhận lại 14.801.000 đồng (Mười bốn triệu, tám trăm không một nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí, theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2016/0002746 ngày 28-6-2021, của chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Kon Tum.

3.Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (ngày 07/9/2022); đồng bị đơn được quyền kháng cáo bản án, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã P, huyện N, tỉnh Kon Tum.

4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

165
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 08/2022/DS-ST

Số hiệu:08/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hồi - Kon Tum
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về