TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIỒNG RIỀNG, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 03/2022/KDTM-ST NGÀY 31/05/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG
Trong ngày 31 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2022/TLST-KDTM ngày 01 tháng 02 năm 2021 về việc tranh chấp hợp đồng kinh tế về thi công xây dựng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 67/2022/QĐXXST-KDTM, ngày 25 tháng 4 năm 2022.
- Nguyên đơn: Công ty cổ phần năng lượng V (viết tắt là Công ty V) Địa chỉ: số 105 đường Âu Cơ, phường T, quận T, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Hoài A - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Hữu L - Là luật sư thuộc văn phòng luật sư Phạm Hữu L (có mặt) Địa chỉ: Số 371, đường Trần Hưng Đ, thành phố T, tỉnh Thái Bình.
- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T (viết tắt là Công ty T) mặt).
Địa chỉ: số 11a, khu phố Q, thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hà Bé S - Chức vụ: Giám đốc (vắng Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1995 Chức vụ: Cán bộ kỹ thuật.
Địa chỉ: ấp L, thị trấn T, huyện G, tỉnh Tiền Giang.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và tại phiên Tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần năng lượng V trình bày:
Vào ngày 17/8/2020 giữa Công ty V và Công ty T có thỏa thuận ký kết hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ngày 17 tháng 8 năm 2020 và phụ lục hợp đồng kinh tế số 01/2020 ngày 20 tháng 8 năm 2020. Nội dung ký kết thể hiện trong hợp đồng được phía Công ty V và Công ty T thỏa thuận: Công ty T sẽ sản xuất, cung cấp cọc và ép cọc bê tông cho phía Công ty V của Công trình Trang trại nông nghiệp công nghệ cao V 5, tại Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Về khối lượng và giá trị hợp đồng hai bên ký kết thống nhất: Cọc bê tông cốt thép, có tiết diện cọc bê tông 250 x 250 mm, mác bê tông M250 (thép chủ 04 phi 16, đai phi 6 thép tisco, thép Hòa Phát hoặc tương đương); khối lượng cọc tạm tính là 2.304 cọc bê tông, có độ dài của mỗi cọc là 07m (tạm tính 16.128m chiều dài); giá tiền thỏa thuận là 275.000đ/01m chiều dài. Tổng giá trị của hợp đồng là 4.435.200.000đồng. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV- HT/2020 ký kết ngày 17/8/2020 và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 01/2020 ngày 20/8/2020, Công ty V đã chuyển tạm ứng cho Công ty T số tiền là 500.165.000 đồng vào ngày 18/8/2020 và ngày 31/8/2020 Công ty V tiếp tục chuyển cho Công ty T số tiền là 887.004.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền chuyển khoản trên từ Công ty V, công ty T tiến hành ép cọc theo kích cỡ và khối lượng thỏa thuận nhưng cọc bê tông Công ty T sản xuất không đạt chất lượng. Công ty V đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyễn H Kiên Giang tiến hành lấy mẫu thí nghiệm LAS – XD 1565; kết quả thí nghiệm xác định cọc bê tông do Công ty T sản xuất không đạt tiêu chuẩn so với thiết kế; đồng thời vào các ngày 15/9/2020, ngày 20/9/2020, ngày 29/9/2020 và ngày 06/10/2020 đại diện hai bên Công ty đã lập biên bản hiện trường về việc chậm tiến độ thi công và cọc bê tông sản xuất không đạt chất lượng theo thỏa thuận. Công ty V đã cho Công ty T khắc phục sự cố nhưng Công ty T đã tự ý không tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT/TV-HT/2020 và phụ lục số 01 đã được thỏa thuận ký kết, không thực hiện tiến độ thi công và ép cọc theo thỏa thuận nên Công ty V đã phát thư mời người đại diện của Công ty T là ông Hà Bé S để giải quyết vụ việc nhưng Công ty T không có phản hồi và cố tình không hợp tác. Kể từ thời gian đó đến nay, Công ty V cũng không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi hay thiện chí gì từ Công ty T.
Xét thấy Công ty V đã thực hiện đúng các thỏa thuận tại hợp đồng thỏa thuận ký kết số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ngày 17/8/2020, đã chuyển khoản hai đợt tiền đúng thời gian thỏa thuận cho Công ty T để đảm bảo cho việc tập kết vật tư và đóng ép cọc bê tông đúng thời gian, tiến độ và đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã được ký kết tại phụ lục hợp đồng số 01 nhưng phía Công ty T đã không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết nên Công ty T đã vi phạm hợp đồng. Vì vậy, Công ty V yêu cầu chấm dứt hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT/TV-HT/2020 và Phụ lục số 01 kèm theo, buộc Công ty T phải hoàn trả lại cho Công ty V số tiền đã nhận qua hai lần chuyển khoản là 1.387.004.000 đồng.
Ngoài ra, Công ty V có yêu cầu Công ty T phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng với số tiền là 645.120.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, Công Ty V xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện này.
Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 11/3/2021, Công ty T - người đại diện theo pháp luật ông Hà Bé S trình bày: Phía Công ty T thống nhất có thỏa thuận ký kết hợp đồng kinh tế số 07 và phụ lục hợp đồng kinh tế số 01 với các điều khoản thỏa thuận và thời gian ký kết như Công ty V đã trình bày, tổng giá trị hợp đồng là 4.435.200.000 đồng. Công việc Công ty T phải thực hiện là sản xuất và ép cọc bê tông tại Công trình Trang trại nông nghiệp công nghệ cao V 5, tại Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho Công ty V, thời gian thi công được tính từ ngày 21/8/2020 đến ngày 15/9/2020. Phía Công ty T không nhận được bất kỳ yêu cầu lấy mẫu bê tông nào từ công ty V và khi Công ty V lấy mẫu để làm thí nghiệm cũng không thông báo cho Công ty T biết để cử người chứng kiến. Vì vậy, Công ty T đã không công nhận kết quả thí nghiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyễn H Kiên Giang. Nhưng do Công ty V không đồng ý với 198 cọc bê tông mà Công ty T đã sản xuất nên để giữ mối quan hệ và mong muốn thực hiện công trình nên Công ty T đã chấp nhận làm lại cọc bê tông mới theo yêu cầu của Công ty V và công ty V đã kiểm tra, chấp nhận và ký xác nhận lên các cọc bê tông.
Sau đó, Công ty T chờ Công ty V bàn giao mặt bằng, mốc giới, tọa độ, bản vẽ thiết kế thi công nhưng Công ty V không chịu bàn giao mặt bằng nên Công ty T không thực hiện tiến độ thi công theo thỏa thuận. Như vậy, Công ty V đã không tiếp tục thực hiện hợp đồng nên phía Công ty T phải thuê kho bãi để tập kết vật tư và ép cọc. Do đó, Công ty T không chấp nhận theo yêu cầu của Công ty V, Công ty T đồng ý hoàn trả lại số tiền mà Công ty V đã chuyển khoản hai đợt 1.387.004.000 đồng nhưng phải khấu trừ vào các khoản thiệt hại mà Công ty V đã gây ra do không tiếp tục thực hiện hợp đồng, không bàn giao mặt bằng. Phía Công ty T có yêu cầu phản tố buộc Công ty V bồi thường thiệt hại do không tiếp tục thực hiện hợp đồng là 1.946.810.987 đồng, khấu trừ vào số tiền mà Công ty T đã nhận chuyển khoản hai đợt 1.387.004.000 đồng, Công ty V phải thanh toán bổ sung số tiền là 559.806.987 đồng. Tại phiên Tòa người đại diện theo ủy quyền xác nhận Công ty T đã tiến hành sản xuất ép cọc lại đảm bảo nhưng phía Công ty V không chịu ký xác nhận lên cọc để Công Ty T thực hiện việc thi công nên phía Công ty T không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của Công ty V Phát biểu của đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án:
- Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự trong vụ án được thực hiện đúng trình tự thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự quy định. Riêng bị đơn không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Về thời hạn giải quyết vụ án còn vi phạm đề nghị khắc phục trong thời gian tới.
Phía Công ty T có đơn phản tố yêu cầu Công ty V bồi thường thiệt hại cho Công ty T trong trường hợp chấm dứt hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ký kết ngày 17/8/2020 và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 01/2020 ký kết ngày 20/8/2020. Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng đã ban hành thông báo nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm nhưng hết thời gian quy định, Công ty T không thực hiện việc nộp tiền tạm ứng án phí nên Thẩm phán căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 ra thông báo trả đơn phản tố cho Công ty T lả đúng quy định.
- Về quan điểm giải quyết vụ án:
Tại phiên Tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty V xác định rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 645.120.000 đồng, việc rút lại yêu cầu trên là hoàn toàn tự nguyện và người đại diện theo ủy quyền của Công ty T cũng không ý kiến phản đối nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của Công ty V.
Căn cứ hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ký kết ngày 17/8/2020 và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 01/2020 ký kết ngày 20/8/2020 giữa Công ty cổ phần năng lượng V và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T thể hiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T sẽ sản xuất, cung cấp cọc và ép cọc cho phía Công ty V của Công trình Trang trại nông nghiệp công nghệ cao V 5, tại Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Về khối lượng và giá trị hợp đồng hai bên ký kết thống nhất: Cọc bê tông cốt thép, có tiết diện cọc bê tông 250 x 250 mm, mác bê tông M250 (thép chủ 04 phi 16, đai phi 6 thép tisco, thép Hòa Phát hoặc tương đương); khối lượng cọc tạm tính là 2.950 cọc bê tông, có độ dài của mỗi cọc là 06m (tạm tính 17.700m dài); giá tiền thỏa thuận là 245.000đ/01m chiều dài. Tổng giá trị của hợp đồng là 4.336.500.000 đồng. (BL 22-26) Đồng thời cùng ngày 17/8/2020 Công ty cổ phần năng lượng V đã ký Phụ lục Hợp đồng kinh tế số 01/2020 để điều chỉnh khối lượng và độ dài của cọc bê tông với khối lượng tạm tính là 2.304 cọc bê tông, độ dài mỗi cọc là 07m (tạm tính là 16.128 mét dài) giá tiền thỏa thuận là 275.000đ/01m chiều dài, tổng giá trị hợp đồng là 4.435.200.000 đồng. Công ty V đã chuyển tạm ứng cho Công ty T số tiền là 1.387.004.000 đồng và đã được phía người đại diện Công ty T thừa nhận. Công ty V đã thực hiện đúng các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phía Công ty T sản xuất cọc bê tông không đạt chất lượng thể hiện tại biên bản làm việc giữa hai bên ngày 10/9/2020. Đồng thời các ngày 20/9/2020, ngày 29/9/2020 và 06/10/2020 đại diện hai bên đã lập biên bản tại hiện trường về việc chậm tiến độ thi công và cọc bê tông không đạt chất lượng như thỏa thuận, không thực hiện tiến độ thi công và ép cọc theo thỏa thuận nên công ty T vi phạm hợp đồng đã được các bên ký kết tại Điều 4, điểm 7.2.4 của Điều 7 của Hợp đồng kinh tế 07/HĐKT/2020 và phụ lục hợp đồng số 01 kèm theo. Do đó, Công ty V khởi kiện yêu cầu buộc Công ty T hoàn trả lại cho công ty V số tiền mà phía Công ty V đã chuyển cho công ty T là 1.387.004.000 đồng là có cơ sở.
Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 513, của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 140 của Luật xây dựng 2014; Điều 310, 311 của Luật thương mại 2005; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của công ty V. Buộc công ty TNHH một thành viên T phải trả số tiền là 1.387.004.000 đồng.
Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 BLTTDS 2015, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc công ty T phải chịu án phí có giá ngạch theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng:
Công ty V khởi kiện Công ty T yêu cầu đơn phương chấm dứt hợp đồng kinh tế về thi công xây dựng và buộc Công ty T hoàn trả số tiền đã tạm ứng để thi công, nên đây được xem là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều mục đích lợi nhuận được quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự nên yêu cầu khởi kiện trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Công ty V đã chọn Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang là Tòa án nơi có trụ sở của phía bị đơn để khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp nên thỏa thuận lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp là Tòa án kinh tế thành phố Hà Nội được thể hiện tại khoản 11.3 Điều 11 của Hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV- HT/2020 ký kết ngày 17/8/2020 là vô hiệu. Căn cứ vào giấy xác nhận đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang xác nhận Công ty T có trụ sở hoạt động doanh nghiệp đăng ký tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39, điểm a khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
[2] Về nội dung vụ án:
Tại phiên Tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty V xác định rút lại yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền là 645.120.000 đồng, việc rút lại yêu cầu trên là hoàn toàn tự nguyện và người đại diện theo ủy quyền của Công ty T cũng không ý kiến phản đối nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của Công ty V.
Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty V về việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ký kết ngày 17 tháng 8 năm 2020 với Công ty T về việc sản xuất cọc bê tông nên đây được xem là hợp đồng gia công được quy định tại khoản 1 Điều 542 của Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 140 Luật xây dựng năm 2014. Khi giao kết các bên đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, kể từ khi ký kết hợp đồng đã phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên nên các bên phải có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, phía Công ty T đã không thực hiện đúng các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết như: sản xuất cọc không đảm bảo đúng quy chuẩn, không đạt chất lượng theo thỏa thuận và chậm trễ tiến độ thi công, không đảm bảo thời gian ép cọc. Điều này, thể hiện chi tiết tại biên bản làm việc ngày 10/9/2020 giữa Công ty T và Công ty V và kết quả thí nghiệm cường độ nén của mẫu khoan bê tông xi măng không đạt yêu cầu so với cường độ bê tông thiết kế của Công ty Nguyễn H Kiên Giang; Công ty V nhiều lần lập các biên bản hiện trường ngày 15/9/2020, ngày 20/9/2020, ngày 29/9/2020, ngày 06/10/2020 để xác định tiến độ thi công và nhắc nhở Công ty T thi công cho đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng và đủ khối lượng cọc theo thỏa thuận. Nhưng Công ty T vẫn không đẩy nhanh tiến độ thi công và sau đó không tiếp tục thực hiện việc sản xuất và ép cọc, tự ý nửa chừng chấm dứt việc sản xuất cọc và thi công ép cọc tại công trình trang trại nông nghiệp cao V 5 tại Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang mà không có bất kỳ thông báo nào cho phía Công ty V. Công ty V đã nhiều lần gửi thư mời làm việc đối với sự việc trên với đại diện Công ty T nhưng Công ty T vẫn không có phản hồi. Để chứng minh cho ý kiến này, phía Công ty V đã cung cấp các thư mời làm việc gửi cho Công ty T và các phiếu chuyển phát bưu chính đã gửi đến Công ty T. Mặc khác, tại bản trình bày ý kiến, người đại diện của Công ty T, ông Hà Bé S cho rằng do Công ty V không bàn giao mặt bằng, xác định mốc giới, bản thiết kế… có trong hồ sơ như biên bản làm việc, biên bản hiện trường đã xác định Công ty V đã thực hiện đúng việc bàn giao mặt bằng là trang trại nông nghiệp công nghệ cao V 5 và bản thiết kế, quy cách…từ đó Công ty T mới tập kết vật tư và tiến hành sản xuất ép cọc được 198 cọc bê tông nhưng chất lượng Mác bê tông cọc không đạt chất lượng. Mặc khác, tại phiên Tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty T cũng xác định các biên bản hiện trường Công ty V lập và cung cấp cho Tòa án đều có sự xác nhận của nhân viên Công ty T và có ý kiến cho rằng Công ty T đã sản xuất đúng khối lượng cọc và đạt chuẩn nhưng do đại diện Công ty V không chịu ký xác nhận lên cọc nên Công ty T không thể tiếp tục thi công. Tuy nhiên, người đại diện theo ủy quyền không cung cấp được biên bản hiện trường nào thể hiện Công ty T đã sản xuất cọc đảm bảo đúng khối lượng đã thỏa thuận và đạt chất lượng nhưng Công ty V lại không cho thi công, tại thời điểm trên không có người của Công ty V làm việc tại Công trình và phía Công ty T cũng không phát đi bất kỳ thông báo nào cho Công ty V để thông báo đối với sự việc trên. Trái lại, Công ty V đã thực hiện đúng việc tạm ứng thanh toán cho Công ty T đúng như thỏa thuận đã ký kết. Nên có đủ căn cứ để xác định Công ty T đã vi phạm điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng và phụ lục hợp đồng kèm theo dẫn đến hợp đồng không thể tiếp tục thực hiện, nên Công ty T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền 1.387.004.000 đồng cho Công ty V.
Do đó, Công ty V khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 và phụ lục hợp đồng số 01/2020, buộc Công ty T hoàn trả lại số tiền thanh toán tạm ứng mà Công ty V đã chuyển giao là có căn cứ phù hợp với quy định tại các Điều 513, 515, 516, 520 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 138, 139, điểm b khoản 1 Điều 140, 144, 145 Luật xây dựng năm 2014; Điều 310, Điều 311 của Luật thương mại năm 2005. Xét đề nghị của đại diện của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty V.
[3] Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 147 BLTTDS 2015, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, do yêu cầu khởi kiện của Công ty V được chấp nhận nên Công ty T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch của số tiền 1.387.004.000 đồng = 36.000.000 đồng + ( 3% x 587.004.000 đồng) = 36.000.000 đồng + 17.610.120 đồng = 53.610.120 đồng (làm tròn 53.610.000 đồng).
Hoàn trả lại cho Công ty V tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại đã nộp là 37.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0005832 ngày 01/02/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 40; Điều 244; Điều 266; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 qui định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí;
Căn cứ vào các Điều 513, 515, 516, 520 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ vào các Điều 138, 139, điểm b khoản 1 Điều 140, 144, 145 Luật xây dựng năm 2014;
Căn cứ vào Điều 310, Điều 311 của Luật thương mại năm 2005;
Căn cứ Điều 27, Điều 28 của Nghị định số 37/2015/NĐ – CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính Phủ;
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần năng lượng V.
Tuyên bố chấm dứt hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT/TV-HT/2020 ngày 17 tháng 8 năm 2020 và phụ lục hợp đồng kinh tế số 01/2020 ngày 20 tháng 8 năm 2020 ký kết giữa Công ty cổ phần năng lượng V và Công ty trách nhiệm hữu hận một thành viên T.
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T hoàn trả lại cho Công ty cổ phần năng lượng V số tiền đã nhận tạm ứng là 1.387.004.000 đồng (một tỷ, ba trăm tám mươi bảy triệu, không trăm linh bốn nghìn đồng) Kể từ ngày Công ty cổ phần năng lượng V có đơn yêu cầu thi hành án, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T còn phải chịu khoản tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng của Công ty cổ phần Năng lượng V đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T với số tiền là 645.120.000 đồng (sáu trăm bốn mươi lăm triệu một trăm hai mươi nghìn đồng).
2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Buộc Công ty tránh nhiệm hữu hạn một thành viên T phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch số tiền 53.610.000 đồng (năm mươi ba triệu sáu trăm mười nghìn đồng).
Hoàn trả lại cho Công ty V tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại đã nộp là 37.000.000 đồng (ba mươi bảy triệu đồng) theo biên lai thu tiền số 0005832 ngày 01/02/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Báo cho các bên đương sự biết có quyền kháng cáo bản án trong hạn luật định là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 31-5-2022) Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b, 7d và Điều 9 của Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng số 03/2022/KDTM-ST
Số hiệu: | 03/2022/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Giồng Riềng - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 31/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về