Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc 57/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 57/2022/DS-PT NGÀY 21/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

Ngày 21 tháng 3 năm 2022 tại trụ sở, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 76/2021/TLPT-DS ngày 12 tháng 4 năm 2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2020/DS-ST ngày 01 tháng 02 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 148/2021/QĐ-PT ngày 07 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Huỳnh Ngọc A Địa chỉ: khu vực T, phường L, quận C, thành phố Cần Thơ.

2. Bị đơn: Ông Tô Văn G HKTT: ấp T, xã T, huyện P, tỉnh Hậu Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Văn phòng công chứng T Địa chỉ: tổ S, đường N, khu vực B, phường L, quận B, thành phố Cần Thơ.

- Ông Trần Văn C, bà Đinh Thị N.

- Bà Đặng Ngọc H (vợ ông G) HKTT: ấp T, xã T, huyện P, tỉnh Hậu Giang.

- Ủy Ban nhân dân quận C 4. Người kháng cáo: Ông Tô Văn G 5. Người kháng nghị: Ủy Ban nhân dân quận C

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như Nguyên đơn ông Huỳnh Ngọc A trình bày:

Vào ngày 03/02/2020 ông có ký hợp đồng đặt cọc để chuyển quyền sử dụng đất với ông Tô Văn G, thửa đất 570, tờ bản đồ số 06 tọa lạc tại khu vực T, phường T, quận C, thành phố Cần Thơ, giá thỏa thuận chuyển nhượng là 16 tỷ đồng.

Ngày 27/3/2020 (âm lịch) ông G đặt cọc số tiền 02 tỷ đồng và cam kết ngày 18/4/2020 sẽ thanh toán tiếp 03 tỷ đồng, tiếp theo ngày 24/4/2020 thanh toán số tiền 09 tỷ đồng, còn lại 02 tỷ đồng sẽ thanh toán khi chuyển nhượng xong.

Sau khi nhận cọc ông đã giao bảng gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H02586 do Ủy Ban nhân dân quận C cấp ngày 18/11/2009 cho ông G để làm thủ tục sang tên theo quy định. Tuy nhiên, sau đó ông G không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng thỏa thuận nên phát sinh tranh chấp, ông đã nhiều lần yêu cầu ông G trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết hậu quả của hợp đồng nhưng ông G cố tình lánh mặt.

Nay ông khởi kiện yêu cầu:

- Hủy văn bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà hai bên đã ký ngày 03/02/2020;

- Tuyên bố ông G phải chịu mất tiền cọc do vi phạm điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng;

- Ông G phải giao trả lại ông giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H02586 do Ủy Ban nhân dân quận C cấp ngày 18/11/2009 và các giấy tờ khác có liên quan mà ông đã giao cho ông G.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông G có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên cho người khác nên ông đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm thực hiện một số hành vi nhất định quy định tại khoản 12 Điều 114 và 127 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/BPKCTT ngày 23/6/2020.

Đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt do đó cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt theo quy định.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2021/DS-ST ngày 01/02/2021 của Tòa án nhân dân quận Cái Răng tuyên xử như sau:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Huỳnh Ngọc A.

Hủy văn bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký ngày 03/02/2020 giữa ông Huỳnh Ngọc A với ông Tô Văn G.

Số tiền 02 tỷ đồng đặt cọc ông Tô Văn G đã giao cho ông Huỳnh Ngọc A nhận sẽ bị mất (ông Huỳnh Ngọc A được hưởng số tiền này).

Buộc ông Tô Văn G phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 917580, vào sổ số H02586 do Ủy Ban nhân dân quận C cấp ngày 18/11/2009 và các giấy tờ khác có liên quan cho ông Huỳnh Ngọc A khi bản án có hiệu lực.

Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại quyết định số 01/2020/QĐ- BPKCTT ngày 23/6/2020 của Tòa án nhân dân quận Cái Răng, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm thực hiện hành vi nhất định”.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 02/02/2021, ông Tô Văn G kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm. Ngày 09/02/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận C Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị hủy bản án số 12/2021/DS-ST ngày 01/02/2021 của Tòa án nhân dân quận Cái Răng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu như đã trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố C tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

- Về thủ tục tố tụng: Đương sự và Tòa án các cấp thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự;

- Về nội dung giải quyết vụ án: Bị đơn có kháng cáo được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt và không có đơn xin xét xử vắng mặt nên yêu cầu đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Trong giải quyết vụ án cấp sơ thẩm có những sai phạm như sau: Ông Ngọc A và ông G có thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có tranh chấp nhưng số tiền 02 tỷ đồng chưa xác định được là tiền đặt cọc hay tiền thanh toán trước khi nhận chuyển nhượng. Theo Văn phòng công chứng T có lời khai hợp đồng ủy quyền của ông C, bà N cho ông Ngọc A đã bị hủy và đã ký ủy quyền mới cho ông G, tuy nhiên điều này chưa được làm rõ. Ông L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng là vi phạm. Ông L và người đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng buộc ông G trả giấy cho nguyên đơn là không thi hành án được. Liên quan đến kháng nghị về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Viện kiểm sát nhân dân thành phố C rút lại nội dung kháng nghị này.

Với những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308, khoản 2 Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đình chỉ kháng cáo ông G, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận C hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ về xét xử lại vụ án.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục: Ông Tô Văn G là người có kháng cáo đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt, xem như ông đã từ bỏ việc kháng cáo Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông.

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bị đơn phải chịu mất số tiền đã đặt cọc do vi phạm thỏa thuận.

Cấp sơ thẩm thụ lý, xét xử là đúng thẩm quyền tuy nhiên xác định việc tranh chấp trên thuộc quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa chính xác bởi lẻ; căn cứ khoản 1 Điều 30 Bộ luật dân sự quy định “ Đặt cọc là việc một bên (bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Việc đặt cọc 02 tỷ của bị đơn là để đảm bảo thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng bị đơn (bên đặt cọc) từ chối thực hiện hợp đồng nên nguyên đơn khởi kiện và cho rằng số tiền bị đơn đặt cọc thuộc về nguyên đơn. Với nội dung và yêu cầu của nguyên đơn thì cần xác định việc tranh chấp trên là tranh chấp hợp đồng đặt cọc.

[2] Ông Trần Văn Cát được quyền sử dụng hợp pháp diện tích 4.669,9m2 đất tại thửa 570, tờ bản đồ số 06 được Ủy Ban nhân dân quận C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 817508, số vào sổ H02586. Ngày 23/10/2017 ông Cát và vợ bà Đinh Thị N ký thỏa thuận chuyển nhượng hết diện tích đất trên cho ông Huỳnh Ngọc A, cũng trong ngày 23/10/2017 ông Cát bà N lập hợp đồng ủy quyền cho ông Ngọc A được toàn quyền ký kết các hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, góp vốn, tặng cho, đặt cọc…đối với phần đất nêu trên, hợp đồng được công chứng ngày 23/10/2017.

Ngày 03/02/2020 ông Ngọc A lập văn bản thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên cho ông Tô Văn G với giá là 16 tỷ đồng, hợp đồng được công chứng ngày 03/02/2020, sau khi ký hợp đồng ngày 26/02/2020, ông G đặt cọc cho ông Ngọc A 02 tỷ đồng, ông Anh đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ có liên quan cho ông G.

Ngày 16/4/2020 ông G làm văn bản cam kết có công chứng với nội dung sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại cho ông Ngọc A vào ngày 24/4/2020, nếu không thực hiện đúng thì sẽ chịu mất số tiền đã thanh toán trước cho ông Ngọc A, đến thời hạn nhưng ông G vẫn không thanh toán, ngày 15/3/2020, ông tiếp tục viết một giấy cam kết với nội dung “…tôi Tô Văn G cam kết từ ngày 15/3/2020 đến ngày 20/3/2020 giải quyết dứt điểm số tiền còn lại 14.000.000.000 đồng, nếu không thực hiện được tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả lại hồ sơ cho ông Huỳnh Ngọc A và chịu mất tiền cọc” qua hai lần cam kết nhưng ông G vẫn không thanh toán số tiền còn lại 14 tỷ đồng, đến ngày 12/5/2020 ông G tiếp tục làm cam kết với nội dung: “….vào 9h00 ngày 13/5/2020 đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H02586 đến Phòng công chứng Trương Văn Trung để thỏa thuận trả giấy đất hoặc trả tiền”. Tuy nhiên cho đến nay ông G vẫn không thực hiện theo thỏa thuận và các cam kết của ông.

[3] Căn cứ khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự quy định: “ Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” Theo Điều luật quy định trên bên đặt cọc vi phạm thì phải chịu mất tiền cọc nếu bên nhận đặt cọc vi phạm thì phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền đặt cọc. Với chứng cứ phân tích trên thì chính ông G là người vi phạm đã từ chối thực hiện hợp đồng chuyển nhượng để trả tiếp số tiền 14 tỷ đồng cho ông Ngọc A cho nên số tiền đặt cọc 02 tỷ thuộc về ông Ngọc A như án sơ thẩm tuyên là có căn cứ. Ông G kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm nhưng không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận.

[4] Viện kiểm sát nhân dân quận C kháng nghị các vấn đề sau:

Thứ nhất: Quyền sử dụng đất của ông Cát đã có quyết định thu hồi năm 2019 nhưng cấp sơ thẩm chưa xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ xác định lỗi của các bên để làm cơ sở chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Với yêu cầu xác minh này là không cần thiết, nếu có xác minh thì cũng không làm thay đổi việc thỏa thuận và cam kết mất cọc nếu không thực hiện giao kết, thực hiện hợp đồng của ông G bởi lẽ; các bên đã tự nguyện thỏa thuận, đặt cọc chỉ là giai đoạn giao kết để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng và việc giao kết thỏa thuận này được quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận và những bản cam kết của ông G.

Thứ hai: Ông Cao Quốc L có đơn khiếu nại ông có nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên từ ông G nhưng Tòa sơ thẩm không đưa ông L vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ông L.

Trường hợp này cấp sơ thẩm không đưa ông L vào tham gia tố tụng là đúng bởi vì: nguyên đơn chỉ yêu cầu số tiền đặt cọc của ông G thuộc về nguyên đơn và hủy thỏa thuận của các bên không liên quan đến quyền lợi của ông L. Việc ông L nhận chuyển nhượng lại phần đất của ông G là không phù hợp với những chứng cứ khác như:

- Giá chuyển nhượng giữa ông G và ông L 1.350.000.000 đồng, trong khi diện tích đất này ông Anh chuyển nhượng cho ông G 16 tỷ đồng, đây là vấn đề không hợp lý.

- Ông G đã vi phạm thỏa thuận, cam kết từ chối tiếp tục nhận chuyển nhượng và chưa trả đủ số tiền 16 tỷ thì làm sao ông lại tiếp tục chuyển nhượng lại phần đất này cho ông L với giá 1.350.000.000 đồng, đây là sự thỏa thuận không phù hợp với thực tế.

- Nếu ông L có nhận chuyển từ ông G thì ông có quyền khởi kiện ông G bằng vụ kiện khác theo quy định của pháp luật. Điều này cũng không gây thiệt hại gì đến quyền lợi của ông L như kháng nghị đặt ra.

Thứ ba: Kháng nghị cho rằng tại điểm b, khoản 1 Điều 5 văn bản thỏa thuận ngày 03/02/2020 ông Anh cam đoan tài sản không bị quy hoạch, giải tỏa tài sản được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên lỗi thuộc về bị đơn ông G là chưa chính xác.

Qua đối chiếu văn bản thỏa thuận ngày 03/02/2020, ông Ngọc A không có cam đoan tài sản không bị quy hoạch, giải tỏa tài sản như kháng nghị đã nêu. Nếu như đất có quy hoạch đi nữa thì ông Ngọc A cũng không có lỗi bởi lẽ; căn cứ tại Điều 4 của văn bản thỏa thuận ngày 03/02/2020 quy định: “…Bên A (ông Ngọc A) có trách nhiệm phải ký hợp đồng chuyển nhượng chính thức theo yêu cầu của bên B (ông G) mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì, nếu không thực hiện hoặc đổi ý không bán, bên A phải bồi thường gấp hai lần số tiền đã nhận của bên B và tất cả các chi phí, các khoản tiền khác mà bên B đã nộp cho Công ty Nhà nước” Với thỏa thuận này cũng chỉ ở giai đoạn đặt cọc nếu đến giai đoạn ký hợp đồng chính thức chuyển nhượng mà ông Ngọc A cố tình vi phạm không tiếp tục ký hợp đồng chính thức hoặc đổi ý không bán thì ông Anh phải bồi thường gấp hai lần số tiền ông G đã đặt cọc, nếu hợp đồng không thể ký được do cơ quan có thẩm quyền không cho phép, do đất bị quy hoạch thì lúc này mới được xem đến lỗi của ông Anh nhưng các bên bên chưa ký hợp đồng chính thức, sau khi đặt cọc thì ông G đã đơn phương từ chối ký tiếp hợp đồng chính thức để không giao tiếp số tiền 14 tỷ đồng còn lại lỗi này hoàn toàn thuộc về ông G, để chứng minh rõ thêm số tiền 02 tỷ có phải là tiền đặt cọc của ông G không thì được thể hiện qua ba giấy cam kết của ông ngày 14/4/2020, 15/3/2020, có nội dung: “…tôi Tô Văn G cam kết từ ngày 15/3/2020 đến ngày 20/3/2020, giải quyết dứt điểm số tiền còn lại là 14.000.000.000 đồng nếu không thực hiện được tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả lại hồ sơ cho ông Huỳnh Ngọc A và chịu mất tiền cọc” bản cam kết ngày 12/5/2020 “…tôi cam kết đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H02586 đến Phòng công chứng Trương Văn Trung để thỏa thuận trả giấy đất hoặc trả tiền”.

Thứ tư: Kháng nghị cho rằng Tòa sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa phù hợp. Với phần kháng nghị này là có cơ sở, như phần trên đã phân tích việc tranh chấp của các bên thuộc quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Do đó nghĩ nên chấp nhận sửa án sơ thẩm về phần này.

Thứ năm: Kháng nghị nêu bản án sơ thẩm tuyên câu chữ không rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thi hành án do không xác định định thời điểm nào ông G sẽ bị mất 2.000.000.000 đồng để thi hành án. Phần này Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

Thứ sáu: Kháng nghị nêu án sơ thẩm tuyên duy trì quyết định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 23/6/2020 đối với ông Tô Văn G là không đúng chủ thể. Với nội dung này Hội đồng xét xử nhận thấy; Ông Trần Văn Cát đứng tên giấy CNQSD đất ngày 30/10/2017 ông Cát bà N đã chuyển nhượng hết phần đất cho ông Ngọc A (chưa chuyển tên xong) Ngày 23/10/2017 ông Cát bà N đã làm hợp đồng ủy quyền cho ông Ngọc A có quyền chuyển nhượng lại đất. Để thuận lợi chuyển nhượng đất cho người khác để không mất thời gian và không phải qua nhiều trung gian nên ông Ngọc A và ông C làm thêm 01 bản ủy quyền chỉ có chữ ký của ông Cát bà N không có nội dung, khi nào ông Anh chuyển nhượng được cho ai thì ghi nội dung vào cho người đó. Khi ông Anh thỏa thuận chuyển nhượng cho ông G nên đã ghi nội dung ủy quyền vào cho ông G. Chính vì điều này ông G đã làm hợp đồng chuyển nhượng cho ông L. Để tránh tình trạng ông G lợi dụng văn bản ủy quyền chuyển nhượng cho người khác nên cấp sơ thẩm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ông G là không sai. Tại phiên tòa ngày hôm nay Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố C rút lại nội dung kháng nghị này là có cơ sở.

Từ các căn cứ trên nghĩ nên chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận C.

Căn cứ đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố C đề nghị Hủy bản án sơ thẩm là chưa có cơ sở chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3, Điều 296, khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Huỳnh Ngọc A.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Tô Văn G. Chấp nhận một phần quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 09/02/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận C.

Số tiền ông Tô Văn G đặt cọc 2.000.0000.000 đồng (Hai tỷ đồng) hiện ông Huỳnh Ngọc A đang quản lý thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Ngọc A.

Hủy Văn bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký ngày 03/02/2020 giữa ông Huỳnh Ngọc A với ông Tô Văn G.

Buộc ông Tô Văn G phải giao trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 817580, vào số cấp giấy số H02586 do Ủy ban nhân quận Cái Răng cấp ngày 18/11/2009.

“Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 23/6/2020 của Tòa án nhân dân quận Cái Răng về biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện hành vi nhất định” Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Tô Văn G phải chịu 300.000 đồng.

Hoàn trả cho ông Huỳnh Ngọc A 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai số 006081 ngày 16/5/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Cái Răng.

Án phí phúc thẩm: Ông Tô Văn G phải chịu 300.000 đồng nhưng được trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai số 062725 ngày 24/02/2021.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự và Điều 7a, 7b Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

451
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc 57/2022/DS-PT

Số hiệu:57/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về