Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 66/2024/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BN ÁN 66/2024/KDTM-PT NGÀY 27/03/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 27 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Toà án nhân dân TP. Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 62/2024/TLPT-KDTM ngày 02 tháng 02 năm 2024 về “ Tranh chấp hợp đồng Bảo hiểm”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 62/2023/KDTM-ST ngày 14/11/2023 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 113/2024/QĐXX-PTKT ngày 07 tháng 3 năm 2024, Quyết định hoãn phiên tòa, giữa:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Vận tải biển V (viết tắt Công ty V); Trụ sở: số 364 đường 39B, xã TH, huyện T, tỉnh Thái Bình. Đại diện theo pháp luật: Bà Bùi Thị H - Giám đốc;

Đại diện theo uỷ quyền: Bà Nguyễn Thị Thanh T (Có mặt) Địa chỉ: Số 17, NO5 khu 81, đường Thiên Lôi, phường NX, quận LC, thành phố Hải Phòng

Bị đơn: 1. Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành (viết tắt Công ty Hà Thành) Trụ sở: Ngõ 219 phố Trung Kính, phường YH, quận cầu Giấy, TP Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Phí Ngọc B - Giám đốc Đại diện theo ủy quyền ông Phạm Tuấn Hải - phòng QLNV&BT (Có mặt)

2. Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (viết tắt Bảo hiểm PVI) Trụ sở: số 1 phố Phạm Văn Bạch, phường YH, quận cầu Giấy, TP Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Anh Đ - Tổng Giám đốc;

Đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Minh Hương - Trưởng phòng Pháp chế; (Có mặt) Bà Trần Thảo L - Chuyên viên phòng pháp chế; (Có mặt) Ông Đỗ Minh H - Trưởng phòng Hàng Hải, Bà Lê Thị Minh H - Trưởng phòng Hàng Hải. (Có mặt)

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Nguyễn Hoàng H - Văn phòng Luật sư NG Hoàng H và Cộng sự

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đi diện Công ty V trình bày: Ngày 06/04/2018, Công ty V tham gia bảo hiểm thân tàu An Phú 868 theo đơn số:

18/34/09/BHPS/PC00013 và Hợp đồng bảo hiểm số C13/BHPS/34/09/18. Thông tin bảo hiểm như sau: Đối tượng bảo hiểm: Tàu An Phú 868; Thời hạn bảo hiểm: Từ 15 giờ ngày 06/04/2018 đến 15 giờ ngày 06/04/2019; Số tiền bảo hiểm thân tàu 11.000.000.000 đồng; Điều kiện, điều khoản bảo hiểm: Quy tắc Bảo hiểm thân tàu thuỷ nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 1168/QĐ-PVIBH của Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm PVI ngày 15/11/2016. Đến ngày 05/07/2018 tàu An Phú 868 xảy ra sự cố chìm cạn sau đó chìm đắm tại vùng biển LaGi - Bình Thuận.

Sau khi xảy ra sự cố hai bên đã tiến hành trao đổi và tìm cách khắc phục sự cố và đề nghị bên Công ty Hà Thành có biện pháp bồi thường.

Ngày 13/01/2020, Công ty Hà Thành đã có văn bản từ chối bồi thường tổn thất thân tàu An Phú 868 với nội dung “Tại mục 5.1.1 điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thuộc Quy tắc Bảo hiểm Thân tàu thủy nội địa nên Công ty Hà Thành không đồng ý bồi thường”.

Sau khi xem xét Công văn từ chối của Công ty Hà Thành, Công ty V xét thấy là không hợp lý và không có cơ sở từ chối.

Nay, Công ty V khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết: yêu cầu bị đơn Công ty Hà Thành và Công ty PVI phải thanh toán bồi thường tổn thất Thân tàu An Phú 868 do sự cố chìm đắm tại vùng biển LaGi - Bình Thuận vào ngày 05 tháng 07 năm 2018 cho Công ty V với số tiền 11.000.000.000đồng theo Giấy chứng nhận Bảo hiểm tàu thủy nội địa số:18/34/09/BHPS/PC00013 do Công ty Hà Thành cấp cho người được bảo hiểm là: Công ty V ngày 06 tháng 04 năm 2018.

Bị đơn trình bày: Bị đơn thừa nhận hai bên có ký Hợp đồng bảo hiểm như nguyên đơn trình bày, nhưng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bị đơn không nhất trí vì:

- Thứ nhất, sự kiện tổn thất tàu An Phú 868 nằm ngoài thời hạn bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm do:

Các giấy chứng nhận của tàu An Phú 868 đã hết hiệu lực: Theo quy định tại Điều 1, khoản 1 Điều 3 và Phụ lục 1 Thông tư 41/2016/TT- BGTVT ngày 16/12/2016 của Bộ giao thông vận tải (“Thông tư 41”), tàu An Phú 868 được phân loại là tàu lớn không hoạt động tuyến Quốc tế và do đó bắt buộc phải mang theo các Giấy chứng nhận trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, trên bề mặt Giấy chứng nhận phân cấp của tàu An phú 868, Cục đăng kiểm Việt Nam có quy định: “Giấy chứng nhận có hiệu lực đến ngày 07/03/2021 với điều kiện phải có xác nhận hàng năm phù hợp với Quy chuẩn”. Tương tự, các Giấy chứng nhận mạn khô, Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm dầu và Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị của tàu An Phú 868 cũng sẽ có nội dung như sau: “ Giấy này có hiệu lực đến ngày 07/03/2021 với điều kiện phải tiến hành các đợt kiểm tra phù hợp với Quy phạm”. Như vậy, hiệu lực của các Giấy chứng nhận sẽ không được duy trì liên tục đến ngày hết hạn nếu chủ tàu không tiến hành kiểm tra, xác nhận trong đúng kỳ hạn quy định.

- Hợp đồng bảo hiểm đã hết hiệu lực kể từ ngày 08/06/2018: Căn cứ Điều 3.3 Hợp đồng bảo hiểm quy định về hiệu lực của Hợp đồng như sau: Hiệu lực của Bảo hiểm ngoài những điểm đã quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam và điều kiện, điều khoản bảo hiểm áp dụng cho từng tàu, hiệu lực của bảo hiểm cũng tự động chấm dứt vào thời điểm xảy ra một trong những sự kiện sau đây: “ Tàu bị đình chỉ hoạt động hoặc giấy phép hoạt động của tàu bị thu hồi hay hết hạn ” Như đã phân tích ở trên, trong quá trình hoạt động tàu An Phú 868 phải có đủ Giấy chứng nhận phân cấp, Giấy chứng nhận mạn khô, Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị và Giấy chứng nhận ô nhiễm dầu còn hiệu lực. Tuy nhiên, các Giấy chứng nhận này đã mất hiệu lực vào ngày 08/6/2018, do đó tàu An Phú 868 đã không còn đủ điều kiện hoạt động. Căn cứ quy định nêu trên, Hợp đồng bảo hiểm đã tự động chấm dứt vào ngày 08/06/2018.

+ Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện của Công ty V: Căn cứ: Khoản 3 Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định chung về Hợp đồng bảo hiểm như sau: “3. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật hàng hải; đối với những vấn đề mà Bộ luật hàng hải không quy định thì áp dụng theo quy định của Luật này”. Điều 303 Bộ luật hàng hải quy định về Hợp đồng bảo hiểm hàng hải như sau:“Rủi ro hàng hải là những rủi ro xảy ra liên quan đến hành trình đường biển, bao gồm các rủi ro của biển, cháy, nổ, chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, kê biên, quản thúc, giam giữ, ném hàng xuống biển, trưng thu, trưng dụng, trưng mua, hành vi bất hợp pháp và các rủi ro tương tự hoặc những rủi ro khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Điều 336 Bộ luật hàng hải 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải như sau: “Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp”. Ngày 08/02/2020 Công ty V gửi Bảo hiểm PVI nêu rõ: “Công ty TNHH vận tải biển V không đồng ý với kết luận theo công văn số 55/CBS-HH ngày 13/01/2020 của Bảo hiểm PVI. Công ty V kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi cho tàu An Phú 868”. Như vậy, xác định là thời điểm phát sinh tranh chấp do các bên không thống nhất được quan điểm giải quyết bồi thường. Vì lẽ đó, căn cứ quy định về thời hiệu thời kiện của theo Bộ luật hàng hải 2015 thì thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc sẽ hết hiệu lực vào ngày 08/02/2022. Tuy nhiên, Công ty V nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận cầu Giấy vào ngày 13/01/2023.

+ Thứ ba, Công ty Hà Thành là đơn vị hoạch toán phụ thuộc vào Công ty PVI, Tòa án xác định bị đơn Công ty Hà Thành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty thì Công ty PVI là doanh nghiệp bảo hiểm có tư cách pháp nhân, đại diện theo pháp luật ông Phạm Đức A.

Đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty V.

Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 62/2023/KDTMST ngày 14/11/2023 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty V đối với Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI: Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm PVI có trách nhiệm phải bồi thường cho Công ty V số tiền bảo hiểm tàu An Phú 868 là 11.000.000.000đồng.

Ngoài ra bản án tuyên về phần án phí, quyền kháng cáo của các đương sự Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm: Ngày 21/11/2023, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do: Bản án sơ thẩm buộc PVI bồi thường cho Công ty V số tiền 11.000.000.000đồng là chưa khách quan, không đúng quy định của pháp luật, không đúng quy tắc bảo hiểm và không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bảo hiểm PVI.

Tại phiên tòa: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do tàu An Phú 868 đã vi phạm thời hạn kiểm tra hàng năm nên không được Bảo hiểm.

Đại diện VKS nhân dân thành phố Hà Nội có quan điểm: Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán: Từ khi thụ lý đơn và trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán được phân công đã chấp hành đúng qui định của pháp luật. Về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đảm bảo theo qui định tại Điều 286 BLTTDS. Tòa án đã chuyển hồ sơ và quyết định xét xử cho Viện kiểm sát đúng thời hạn theo qui định tại Điều 292 BLTTDS.

- Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án tại cấp phúc thẩm cũng như tại phiên tòa hôm nay, Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng theo qui định tại Điều 70, Điều 71, Điều 72 và Điều 73 BLTTDS.

Căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010; Bộ luật hàng hải 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của UBTVQH quy định về án phí;

- Không chấp nhận kháng cáo của Công ty PVI.

- Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại số 62/2023/KDTMST ngày 14/11/2023 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy .

Án phí: Công ty PVI phải chịu án phí KDTM phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về thủ tục tố tụng - Đơn kháng cáo của Tổng công ty Bảo hiểm PVI làm trong thời hạn luật định, đã nộp dự phí kháng cáo. Việc kháng cáo đúng thời hạn theo qui định tại Điều 273 và là kháng cáo hợp lệ.

- Thẩm quyền: Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền.

Về nội dung:

Tng Công ty Bảo hiểm PVI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

[1]. Xét thời hiệu khởi kiện: Ngày 08/02/2020, Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành phát hành văn bản về việc không đồng ý và từ chối bảo hiểm tàu An Phú 868 theo văn bản số 55/CSB-HH của Văn phòng đại diện chăm sóc khách hàng bảo hiểm PVI phía Bắc. Ngày 06/01/2022, Công ty V nộp đơn khởi kiện lần 1 yêu cầu Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy giải quyết buộc Tổng công ty Bảo hiểm PVI thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm đối với tàu An Phú 868.

Ngày 04/10/2022, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy ban hành Thông báo số 234/2022/TB-TA trả lại đơn khởi kiện, lý do: Đơn khởi kiện thuộc trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.

Nhận thấy: Theo quy định tại khoản 3 Điều 191, Điều 193 BLTTDS 2015 quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc Thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện và quyết định yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ấn định trong thời gian 01 tháng, có thể quá hạn nhưng không quá 15 ngày người khởi kiện thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Thời hạn thực hiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Như vậy, khi xử lý đơn khởi kiện và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, Thẩm phán đã để vụ án trên kéo dài, quá thời hạn quy định, không gửi thông báo trả lại đơn cho người khởi kiện biết do đó, cần rút kinh nghiệm với Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy trong quá trình xử lý đơn khởi kiện chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngày 06/01/2022, Công ty V nộp đơn khởi kiện đến ngày 04/10/2022, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 193 BLTTDS thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đến ngày 13/01/2023, Công ty V khởi kiện là còn trong thời hiệu theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Hàng Hải 2015: “Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp”. Do đó, bản án sơ thẩm xác định vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện là có căn cứ đúng quy định pháp luật.

[2]. Về xác định tư cách tố tụng: Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành là Công ty thành viên của Tổng Cty bảo hiểm PVI, hạch toán phụ thuộc vào Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tòa án sơ thẩm xác định Tổng Công ty Bảo hiểm PVI và Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành là bị đơn là đúng quy định pháp luật.

[3]. Về nội dung kháng cáo: Tổng Công ty Bảo hiểm PVI cho rằng sự kiện tổn thất tàu An Phú 868 nằm ngoài thời hạn bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số 13/BHPS/34/09/18 do các giấy chứng nhận của tàu An Phú 868 đã hết hiệu lực; Hợp đồng bảo hiểm đã hết hiệu lực kể từ ngày 08/06/2018. Do đó, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty V.

- Về hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm thân tàu số 13/BHPS/34/09/18 được ký kết ngày 06/04/2018 giữa Công ty V và Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành: Đối tượng bảo hiểm là tàu An Phú 868; Giá trị bảo hiểm thân tàu:

11.000.000.000đồng; Thời gian bảo hiểm: từ 15 giờ 00 phút ngày 06/04/2018 đến 15 giờ 00 phút ngày 06/04/2019. Công ty V đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm là 116.960.000 đồng. Cùng ngày 6/4/2018, Công ty PVI cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thủy nội địa số 18/34/09/BHPS/PC00013 đối với tàu An Phú 868. Căn cứ Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010 thì Hợp đồng bảo hiểm trên là hợp pháp và có hiệu lực thực hiện, trách nhiệm bảo hiểm của Công ty PVI đối với Công ty V bắt đầu từ ngày 06/4/2018 đến ngày 06/4/2019.

- Về sự kiện bảo hiểm: Ngày 03/07/2018, tàu An Phú 868 nhận 1.799,68 tấn gạo đóng bao tại cảng Mỹ Thới, An Giang, sau đó hành trình sang cảng Hậu Giang nhận dầu nhớt. Đến ngày 04/07/2018, tàu An Phú 868 bắt đầu hành trình đi Hải Phòng để trả hàng. Vào khoảng 09 giờ 45 phút ngày 05/07/2018, khi đang hành trình đến vùng biển thuộc địa phận hòn Kê Gà, La Gi, Bình Thuận, thuyền trưởng tàu An Phú 8 phát hiện thấy có 02 chiếc tàu cá đang kéo lưới ở phía trước nên lệnh cho thủy thủ bẻ lái để tránh va chạm. Sau khi tránh tàu chưa kịp lấy lại hướng đi ban đầu thì bị va chạm với đá ngầm và mắc cạn, mất khả năng điều động, nước tràn vào các két ballast, hầm hàng, buồng máy và sau đó chìm đắm.

Ngày 09/7/2018, Công ty V đã thông báo tai nạn với Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành.

Tại Báo cáo điều tra số 733/BC-CVHHBT ngày 31/8/2018 của Cảng vụ hàng hải Bình Thuận về tai nạn hàng hải của tàu An Phú 868 xảy ra ngày 05/7/2018 trên vùng biển Bình Thuận kết luận: Thời tiết tại khu vực xảy ra tai nạn không được thuận lợi, ảnh hưởng đến quá trình điều động của tàu; Thuyền trưởng thiếu mẫn cán trong ca trực không xác định vị trí tàu trước và sau khi tránh va nên không nhận biết được vị trí bãi cạn hiện đang nằm về phía bên mạn nào của tàu và khoảng cách đến vị trí bãi cạn đồng thời chưa đánh giá được các mối nguy cơ ảnh hưởng đến hành trình của tàu như tác động từ sóng, gió, mật độ tàu thuyền hoạt động tại khu vực; không sử dụng hết các chức năng của trang thiết bị hàng hải sẵn có trên tàu… Căn cứ Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 1168/QĐ-PVIBH ngày 15/11/2016 của Tổng giám đốc Tổng Công ty bảo hiểm PVI, theo điều kiện A thuộc Quy tắc tại Điều 2.

Mc 2.1.1.1. Tổn thất toàn bộ hoặc tổn thất bộ phận xảy ra đối với thân tàu được bảo hiểm do những nguyên nhân trực tiếp sau:…Mắc cạn,…vào vật thể cố định…(trừ bom mìn và thủy lôi) Mục 2.1.1.10: “Sơ suất của thuyền trưởng, sĩ quan, thủy thủ…với điều kiện…không phải là người được bảo hiểm hoặc có cổ phần sở hữu đối với tàu được bảo hiểm”.

- Về thanh toán Bảo hiểm: Công ty PVI cho rằng: Giấy chứng nhận phân cấp của tàu An Phú 868 được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp ngày 05/12/2017 và có hiệu lực đến ngày 07/03/2021. Căn cứ Thông tư 41/2016/TT-BGTVT ngày 16/12/2016 của Bộ giao thông Vận tải, QCVN 21:2015 thì tàu An Phú 868 phải được tiến hành kiểm tra duy trì cấp tàu hàng năm vào ngày 07/03/2018 cộng trừ 03 tháng và như vậy ngày kiểm tra đúng hạn cuối cùng phải là ngày 07/06/2018. Tương tư, các Giấy chứng nhận mạn khô, Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị và Giấy chứng nhận ô nhiễm dầu của tàu An Phú 868 cùng được cơ quan đăng kiểm cấp ngày 07/11/2016, ngày ấn định kiểm tra hàng của lần kiểm tra tiếp theo sẽ là ngày 07/03/2018 và để duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận mạn khô, Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị và Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiêm dầu, tàu An Phú 868 phải được kiểm tra định kỳ chậm nhất vào ngày 07/06/2018. Do đó, các Giấy chứng nhận phân cấp tàu, Giấy chứng nhận kiểm định liên quan đến tàu An Phú đã quá thời hạn kiểm tra thuộc mục 5.1.1 điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thuộc Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa nên từ chối bồi thường đối với tổn thất tàu An Phú 868. Tàu không đủ khả năng hoạt động, không có giấy phép hoạt động hoặc hoạt động ngoài phạm vi quy định, giấy chứng nhận đăng kiểm bị đình chỉ, hết hạn.

Hi đồng xét xử nhận thấy: Ngày 07/11/2016, Cục đăng kiểm Việt Nam đã cấp cho tàu An Phú 868 các Giấy chứng nhận phân cấp tàu; Giấy chứng nhận Mạn khô; Giấy chứng nhận Ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra; Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị. Nội dung: Các giấy chứng nhận này có hiệu lực đến ngày 07/3/2021 với điều kiện phải tiến hành các đợt kiểm tra phù hợp. Tại mặt sau của các giấy chứng nhận thể hiện: Xác nhận kiểm tra hàng năm: Nơi kiểm tra Hải Phòng, ngày 01/6/2017. Do đó ngày 01/6/2017 là ngày kiểm tra hàng năm lần thứ nhất của tàu An Phú 868.

Tại biên bản làm việc ngày 22/10/2019 giữa Cảng vụ An Giang và Công ty cổ phần giám định hàng hải Phương Bắc thể hiện: Trước khi xin cấp phép rời cảng, thuyền trưởng tàu An Phú đã làm việc và đề nghị xin phép Cảng vụ hàng hải An Giang ra Hải Phòng kiểm tra định kỳ hàng năm các hạng mục theo biên bản kiểm tra hàng năm của Cơ quan đăng kiểm. Việc xin phép đăng kiểm không thuộc thẩm quyền của cảng vụ mà cảng vụ cử nhân viên phòng pháp chế, thanh tra, an toàn an ninh hàng hải kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên đầy đủ, Hàng hóa chở trên tàu không quá tải, tàu đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường khi hành trình trên biển theo cấp tàu và vùng biển hoạt động nên đã cấp giấy phép cho tàu rời cảng.

Ngày 03/7/2018, tàu An Phú 868 chở 1.799,68 tấn gạo khởi hành từ cảng Mỹ Thới, An Giang đi Hải Phòng để trả hàng được Cảng vụ hàng hải An Giang cấp phép cho tàu rời cảng. Tàu di chuyển đến cảng Vinaline Hậu Giang xin cấp thêm dầu D.O, L.O cho chuyến đi. Ngày 04/7/2018, tàu tiếp tục hành trình từ cảng Vinaline Hậu Giang đi Hải Phòng. Khoảng 10 giờ, ngày 05/7/2018 tàu mắc cạn trên vùng biển Bình Thuận.

Như vậy, các giấy chứng nhận liên quan đến tàu An Phú được kiểm tra hàng năm lần đầu vào ngày 01/6/2017 và đến ngày 01/6/2018 là ngày kiểm tra năm tiếp theo của tàu An Phú. Tuy nhiên, theo Điều 34 Bộ luật hàng hải 2015 Giấy chứng nhận và tài liệu tàu biển quy định: Các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường phải ghi rõ thời hạn có hiệu lực. Thời hạn này được kéo dài thêm nhiều nhất là 90 ngày, nếu tàu biển thực sự không có điều kiện đến nơi được chỉ định để kiểm định và điều kiện kỹ thuật của tàu biển trong thực tế vẫn bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Thời hạn được kéo dài này kết thúc ngay khi tàu biển đến cảng được chỉ định để kiểm định.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy chuẩn QCVN 21:2010/BGTVT Phân cấp và đóng tàu vỏ thép; QCVN 26:2010/BGTVT quy phạm các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu; QCVN 42: 2012 về trang bị an toàn tàu biển quy định: Kiểm tra hàng năm được thực hiện trong khoảng thời gian ba tháng trước hoặc ba tháng sau tính từ ngày ấn định kiểm tra hàng năm của đợt kiểm tra lần đầu hoặc kiểm tra định kỳ trước đó.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, được sửa đổi năm 2016, tại chương 1 quy định chung quy định về thời hạn kiểm tra duy trì cấp tầu “Kiểm tra hàng năm quy định Các đợt kiểm tra hàng năm phải được tiến hành trong khoảng thời gian ba tháng trước hoặc ba tháng sau ngày ấn định kiểm tra hàng năm của lần kiểm tra phân cấp hoặc kiểm tra định kỳ trước đó” Đối chiếu với quy định pháp luật viện dẫn trên, tàu An Phú 868 tiến hành kiểm tra trước 03 tháng là ngày 01/3/2018, sau 03 tháng là ngày 01/9/2018. Do đó, xác định các Giấy chứng nhận của tàu An Phú 868 vẫn còn trong thời hạn kiểm định. Quá trình tàu hoạt động trên biển theo phân cấp tàu, vùng biển hoạt động, tàu đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường nên đã được Cảng vụ hàng hải An Giang cấp giấy phép cho tàu rời cảng. Ngoài ra, Tổng Công ty PVI không cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh các Giấy chứng nhận của tàu An Phú bị mất hiệu lực và tàu không đủ điều kiện được hoạt động trên biển. Vì vậy,Tổng Công ty PVI cho rằng các Giấy chứng nhận tàu An Phú 868 đã quá hạn nên không bồi thường thanh toán tiền bảo hiểm là không có căn cứ.

Ngoài ra, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI không cung cấp được tài liệu chứng minh các Giấy chứng nhận trên của Công ty V bị mất hiệu lực, bị tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 34 Bộ luật hàng hải 2015: “Các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mất hiệu lực nếu tàu biển có những thay đổi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Trường hợp có căn cứ cho rằng tàu biển không bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Thanh tra hàng hải, Cảng vụ hàng hải có quyền tạm đình chỉ hoạt động của tàu biển, tự mình hoặc yêu cầu tổ chức đăng kiểm Việt Nam kiểm định kỹ thuật của tàu biển” Từ những căn cứ trên Hội đồng xét xử xác nhận: Tàu An Phú 868 là đối tượng được bảo hiểm bị chìm hoàn toàn, không thể trục vớt nên trường hợp này xác định tổn thất toàn bộ thân tàu. Trong hành trình trên biển tàu An Phú hoạt động thuộc phạm vi vùng biển cho phép, không bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hàng hải, các giấy chứng nhận của tàu còn trong thời hạn. Khi tàu gặp nạn đã thông báo kịp thời đến Công ty PVI và thu thập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Hợp đồng bảo hiểm. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của Công ty V. Buộc Tổng Công ty PVI bồi thường thiệt hại đối với tàu An Phú số tiền 11.000.000.000đồng là phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Vì vậy, kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm PVI không có cơ sở chấp nhận.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Sau khi đến phần tranh luận, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị ngừng phiên tòa để xác minh làm rõ văn bản trả lời của Cục đăng kiểm, Hội đồng xét xử nhận thấy yêu cầu này là không cần thiết nên tiếp tục xét xử.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

Từ những nhận định trên:

Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010; Bộ luật hàng hải 2015; Nghị quyết số:326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về án phí;

QUYẾT ĐỊNH

Xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm PVI. Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại số 62/2023/KDTM-ST ngày 14/11/2023 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

2. Án phí phúc thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm PVI phải chịu 2.000.000 đồng án phí KDTM phúc thẩm được đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tiền số 0000200 ngày 29/11/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. (Ngày 27/3/2024) 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 66/2024/KDTM-PT

Số hiệu:66/2024/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 27/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về