Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 122/2023/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 122/2023/KDTM-PT NGÀY 20/06/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 16, 20 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử công khai vụ án Kinh doanh thương mại phúc thẩm thụ lý số: 94/2023/TLPT - KDTM ngày 25 tháng 4 năm 2023 về Tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 47/2022/ KDTM – ST, ngày 30 tháng 09 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận Cầu Giấy bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 290/2023/ QĐ-PT ngày 24 tháng 5 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 337/2023/QĐ-PT ngày 06 tháng 06 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty cho thuê tài chính B ( gọi tắt Công ty B) Trụ sở: Tầng 20 tháp A số 191 B, phường L, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Thiều S – Tổng giám đốc.

Đại diện ủy quyền: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng B (BAMC) do ông Lương Phú C đại diện.

Người được ủy quyền lại: Ông Nguyễn Tiến T, ông Nguyễn Xuân B, bà Hà Nguyệt M theo Quyết định ủy quyền số 32/QĐUQ-BAMC ngày 31/8/2022.

Bị đơn: Tổng Công ty Bảo hiểm P ( gọi tắt P).

Trụ sở: Tầng 24 Tòa nhà P, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Anh Đ – Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Minh H, bà Trần Thảo L, bà Hoàng Vân L, bà Lê Thị Minh H, ông Kiều Ngọc D theo Giấy ủy quyền số 383/UQ-PBH ngày 23/12/2020.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty TNHH Thương mại Vận tải biển H( gọi tắt Công ty H) Trụ sở: số nhà 235, khu 2 thị trấn Diêm Điền, huyện T, Tỉnh Thái Bình.

Đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị H – Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn B theo Giấy ủy quyền số 07.22/UQ-2022 ngày 22/7/2022.

Ông T, ông B, bà M, bà H, bà L, bà L2, bà H, ông Bcó mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn trình bày:

Ngày 20/01/2017, Công ty B, Công ty Hvà P đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm thân tàu thủy nội địa số C02/BHPS/02/30/17. Theo đó, tài sản được bảo hiểm là tàu Quý Đức 15-BLC. Giá trị bảo hiểm thân tàu: 11.000.000.000 đồng. Hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm: từ 00:00 giờ ngày 25/01/2017 đến 24h00 giờ ngày 24/01/2018.

Ngày 20/01/2017, P đã cấp Giấy chứng nhận Bảo hiểm tàu thủy nội địa số 17/02/30/BHPS/PC00002 với người thụ hưởng bảo hiểm là Công ty B.

Khoảng 05h ngày 29/7/2017, khi tàu Quý Đức đang hành trình vào luồng Định An trong điều kiện thời tiết mưa, giông thì tàu gặp sự cố mắc cạn. Thuyền trưởng tàu Quý Đức là ông Hoàng Đình Chính đã lập văn bản “Báo cáo sự cố” gửi Công ty Hđể báo cáo việc mắc cạn. Cùng ngày 29/07/2017, Công ty Hđã thuê Công ty TNHH Lai dắt Duyên Hải để cứu hộ tàu Quý Đức.

Ngày 07/8/2017, Công ty Hthông báo sự cố tàu Quý Đức mắc cạn tới P (Công văn số 39/CV-ĐN/2017). Cùng ngày, P đã chỉ định Công ty CP Giám định Năng lượng Việt Nam (“Giám định EIC”) tiến hành giám định tổn thất tàu Quý Đức (Công văn số 1349/TL-QLRR&GQKN).

Ngày 12/10/2017, Công ty Hđề nghị P xem xét và bồi thường thiệt hại cho tàu Quý Đức theo các chi phí tổn thất và phát sinh từ việc tàu Quý Đức mắc cạn (Công văn số 50/CV-ĐN/2017) Ngày 18/10/2017, Giám định EIC đã ban hành Báo cáo cuối cùng giám định tổn thất tàu Quý Đức 15-BLC mắc cạn. Theo đó, nội dung chính của Báo cáo là:

- Giám định viên cho rằng các tổn thất thân tàu Quý Đức 15-BLC do mắc cạn, các chi phí thuê kéo tàu ra cạn để hạn chế tổn thất, các đóng góp chi phí tổn thất chung, chi phí lên đà, ụ kiểm tra đáy tàu sau khi mắc cạn… thuộc phạm vi trách nhiệm đơn bảo hiểm thân tàu số 17/02/30/BHPS/PC00002 mà không thể áp dụng bất cứ điều khoản loại trừ nào (Theo trang 50/60 của Báo cáo).

- Mức đề xuất bồi thường theo kết luận: 726.835.000 đồng.

Sau khi tiếp nhận nội dung báo cáo, ngày 02/11/2017 P đã gửi Công văn 1822/TL- QLRR&GQKN tới Công ty B . Theo đó, P nêu quan điểm về khả năng từ chối bồi thường bảo hiểm.

Nội dung công văn 1822 nêu trên đã được lặp lại tại các Công văn số 851/PBH- GQKN ngày 10/08/2018 và Công văn số 2003/TL-QLRR&GQKN ngày 06/12/2017, P chính thức đưa ra thông báo từ chối bồi thường bảo hiểm đối với toàn bộ tổn thất của tàu Quý Đức 15-BLC liên quan đến sự cố mắc cạn ngày 29/07/2017.

Sự việc kéo dài đến nay, P không có bất cứ động thái, hành động nào khác về việc giải quyết tổn thất tàu Quý Đức, thể hiện thái độ phớt lờ, không tròn trách nhiệm đối với người mua bảo hiểm, người được thụ hưởng bảo hiểm.

Vậy số tiền Công ty B yêu cầu P phải bồi thường theo Báo cáo cuối cùng do EIC ban hành ngày 18/10/2017 là 726.835.000 đồng, cụ thể:

- Chi phí sửa chữa tàu: 505.798.000 đồng - Chi phí khác: 347.590.000 đồng - Khấu trừ phế liệu thu hồi: 3.288.000 đồng - Mức khấu trừ 5%: 42.505.000 đồng - Mức trừ lỗi sơ xuất thuyền viên 10%: 80.760.000 đồng Mức đề xuất bồi thường: 726.835.000 đồng.

Đề nghị P có trách nhiệm bồi thường chi phí neo đậu tàu tính từ ngày 15/11/2017 tạm tính đến thời điểm ngày 30/9/2019 là 624.000.000 đồng.

Đề nghị P phải bồi thường khoản lãi dư nợ thuê tài chính của Công ty Htại Công ty B phát sinh từ ngày có công văn cuối cùng của P từ chối thanh toán tiền bảo hiểm (06/12/2017) đến ngày bồi thường thực tế. Khoản lãi tạm tính từ ngày 06/12/2017 đến ngày 30/9/2019 là 1.766.471.688 đồng.

Tổng số tiền Công ty B yêu cầu P phải thanh toán tiền bảo hiểm và bồi thường là 3.117.306.688 đồng.

Ngày 17/01/2022, Công ty B có đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện với nội dung: Rút yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Rút yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ chi phí neo đậu tàu Quý Đức 15-BLC tại Nhà máy đóng tàu Đại Dương theo Hợp đồng neo đậu tàu số 15.11./2017/HĐNĐ tính từ ngày 15/11/2017 tạm tính đến thời điểm ngày 30/09/2019 là: 624.000.000 đồng.

Rút yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ phần tiền lãi cho thuê tài chính theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 11716000020/HĐCTTC ngày 09/10/2014 và các phụ lục đi kèm, kể từ ngày 06/12/2017 tạm tính đến ngày 30/09/2019 là: 1.766.471.688 đồng Bổ sung yêu cầu (mới) thanh toán lãi chậm thực hiện nghĩa vụ.

Công ty B đề nghị Tòa án buộc P phải trả lãi đối với số tiền 726.835.000 đồng, do trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bồi thường bảo hiểm (Khoản 2 Điều 576 Bộ luật dân sự 2005). Khởi điểm của việc chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bồi thường bảo hiểm được căn cứ vào Công văn số 2003/TL-QLRR&GQKN ngày 06/12/2017 - Thời điểm Bị đơn từ chối bồi thường bảo hiểm, cùng với việc áp dụng lãi suất theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm. Số tiền lãi cụ thể tính đến ngày 26/9/2022 là: 319.443.982 đồng.

Tổng số tiền, nguyên đơn yêu cầu P phải bồi thường là: 726.835.000 đồng + 319.443.982 đồng = 1.046.278.982 đồng.

Ngoài ra P còn phải thanh toán số tiền lãi chậm trả phát sinh từ ngày 07/12/2021 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ số tiền trên.

* Bị đơn trình bày như sau:

P và Công ty Hký Hợp đồng bảo hiểm số C02/BHPS/02/30/17 ngày 20/01/2017; Kỳ hạn thanh toán: Phí bảo hiểm được thanh toán 04 kỳ, 02 tháng 1 kỳ, mỗi kỳ:

16.750.000 đồng. Kỳ thứ nhất và kỳ thứ hai Công ty Hthực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán. Đến kỳ thứ ba ngày 23/6/2017, Công ty Hkhông thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm theo quy định và có đơn xin gia hạn thực hiện nghĩa vụ đóng. P có công văn số 108/TL-KDKVTL2 thông báo về việc đồng ý gia hạn phí bảo hiểm kỳ 3 cho tàu Quý Đức 15 – BLC chậm nhất đến ngày 05/7/2017. Đúng ngày 28/7/2017, Công ty Hmới chuyển khoản tiền phí bảo hiểm cho tàu Quý Đức 15 -BLC cho P số tiền: 31.750.000 đồng, trong đó: 16.750.000 đồng là phí kỳ 3 là bảo hiểm thân tàu Quý Đức theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 17/02/30/BHPS/PC00002, số còn lại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu Quý Đức theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 17/02/30/BHPS/PC00003.

Ngày 01/8/2017, P đã có Công văn số 1327/TL-KD302 về việc khôi phục hiệu lực bảo hiểm với nội dung sau: “ P Thăng Long đồng ý khôi phục hiệu lực bảo hiểm cho 2 Giấy chứng nhận bảo hiểm nêu trên kể từ ngày 28/7/2017” Theo Hợp đồng bảo hiểm và quy tắc bảo hiểm, mọi thông tin liên quan đến sự cố phải được thông báo trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn, ngày 28/7/2017 xảy ra tổn thất tuy nhiên đến ngày 07/8/2017, Công ty Hmới gửi Công văn số 39/CV- ĐN/2017 thông báo đến P về tổn thất này.

Ngày 22/11/2017, P có Công văn số 1185/TL-QLRR&GQKN gửi Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ đề nghị xác nhận thời điểm tàu Quý Đức 15-BLC bị mắc cạn và thời điểm đầu tiên mà Đại diện tàu/thuyền trưởng thông báo tin sự cố tàu mắc cạn.

Ngày 29/11/2017, Cảng vụ hàng hải Cần Thơ có văn bản số 1058/CVHHCT-PC xác nhận về việc tàu Quý Đức bị mắc cạn vào lúc 05 giờ 45 phút ngày 28/7/2017.

Ngày 05/12/2018, EIC đã ban hành báo cáo giám định cuối cùng gửi tới bảo hiểm P kết luận: Ngày 28/7/2017, tàu Quý Đức 15 - BCL đã mắc cạn, do sơ xuất của Thuyền trưởng trong quá trình điều động tàu gây tổn thất.

Quan điểm của Bảo hiểm P: tổn thất của Tàu Quý Đức không thuộc phạm vi bảo hiểm dựa trên các căn cứ sau:

* Thứ nhất, về thời điểm xảy ra tổn thất:

Ngày 29/11/2017, Cảng vụ hàng hải Cần Thơ đã có Công văn số 1058 gửi P xác nhận rằng “ vào lúc 05 giờ 45 phút ngày 28/7/2017, trực ban có nhận được tin báo “tàu Quý Đức 15 - BLC chở 1.822 tấn phân vào khu vực Cần Thơ bị cạn qua điện thoại từ một người tự xưng là thuyền viên trên tàu”. Ngoài ra, Cảng vụ hàng hải Cần Thơ không phát hành bất kỳ văn bản nào khác về vấn đề này. Như vậy, Cảng vụ hàng hải Cần Thơ đã có xác nhận chính thức và cuối cùng rằng: Tàu “Quý Đức 15-BLC” bị mắc cạn vào lúc 05 giờ 45 phút ngày 28/7/2017. Xác nhận nêu trên của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cũng phù hợp với diễn biến thực tế, khách quan của vụ việc là: Công ty Hvà Công ty Duyên Hải đã trao đổi, thỏa thuận việc cứu hộ tàu “Quý Đức 15 - BLC” từ ngày 28/7/2017 theo Công văn số 31A và Báo giá cứu hộ.

Như vậy, P cho rằng thời điểm xảy ra tổn thất của tàu “ Quý Đức 15 - BLC” là vào lúc 05 giờ 45 phút ngày 28/7/2017 theo xác nhận bằng văn bản của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ.

* Thứ hai, Quyền từ chối bảo hiểm của P Theo Điều 9.4 Quy tắc bảo hiểm quy định:“Khi xảy ra tai nạn, Người được bảo hiểm phải: Thông báo ngay cho các cơ quan chức năng theo quy định, đồng thời phải thông báo ngay cho Bảo hiểm P và chậm nhất không quá 03 (ba) ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn hoặc từ ngày tàu về đến bến, cảng hoặc nơi neo đậu đầu tiên phải thông báo bằng văn bản cho P được biết.” - Điều 6.2 Hợp đồng bảo hiểm quy định: “Thông báo sự cố: Khi tàu được bảo hiểm xảy ra tai nạn, Bên B phải bằng mọi cách thông báo ngay cho Bên A, bên C hoặc địa diện Bên C nơi xảy ra sự cố mọi thông tin về sự cố” Xem xét các quy định nêu trên, Công ty Hphải ngay lập tức thông báo cho P được biết về sự cố mắc cạn của tàu “Quý Đức 15 - BLC”, chậm nhất không quá 03 (ba) ngày kể từ ngày xảy ra sự cố.

Trên thực tế, tàu “Quý Đức 15-BLC” đã bị mắc cạn tại luồng Định An vào lúc 05 giờ 45 phút ngày 28/7/2017 và Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cũng đã được thuyền viên tàu “Quý Đức 15-BLC” thông báo về sự cố tại cùng thời điểm. Rõ ràng, Công ty Hồng Hà, với tư cách là đơn vị quản lý, khai thác tàu cũng phải biết về sự cố mắc cạn của tàu “Quý Đức 15-BLC” ngay tại thời điểm này. Tuy nhiên, phải đến ngày 07/8/2017, tức là 10 (mười) ngày sau, Công ty Hmới phát hành Công văn số 39 để thông báo cho P được biết về sự cố nêu trên.

Xem xét các vấn đề nêu trên, P cho rằng Công ty Hđã vi phạm nghĩa vụ thông báo sự cố của mình theo Hợp đồng bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm.

Hơn nữa, Công ty Hcòn có nhiều hành vi không trung thực thể hiện rõ nét hơn việc vi phạm nghĩa vụ thông báo sự cố của họ một cách cố ý với chủ đích che dấu và làm sai lệch thời điểm sự cố nhằm lừa dối P để khôi phục hiệu lực bảo hiểm, cụ thể như sau:

Tại thời điểm xảy ra tổn thất, Công ty Hđã biết rất rõ việc họ đã vi phạm nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm hơn 23 ngày so với thời hạn thanh toán quy định và hậu quả của việc vi phạm này. Nếu thông báo ngay sự cố này thì chắc chắn P sẽ không bao giờ chấp nhận khôi phục hiệu lực Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm. Do đó, thay vì phải thông báo sự số, họ nhanh chóng thực hiện việc nộp phí bảo hiểm ngay trong ngày xảy ra sự cố và đợi đến ngày 07/8/2017 sau khi đã đạt được mục đích khôi phục hiệu lực bảo hiểm, Công ty Hmới thông báo cho P được biết về sự cố mắc cạn của tàu “Quý Đức 15- BLC”.

Tóm lại, Công ty Hkhông những đã vi phạm nghĩa vụ thông báo sự cố của mình theo Hợp đồng bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm mà còn có nhiều hành vi thiếu trung thực, lừa dối cơ quan có thẩm quyền và P trong quá trình thông báo, yêu cầu và giải quyết yêu cầu bồi thường. Căn cứ Điều 8 Hợp đồng bảo hiểm, P không chấp nhận yêu cầu thanh toán theo bảo hiểm của nguyên đơn.

* Công ty Htrình bày Về việc ký kết bảo hiểm thân tàu Quý Đức như các bên trình bày là đúng. Quan điểm của Công ty Hthống nhất với quan điểm trình bày của Công ty B.

Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 47/2022/KDTM–ST, ngày 30 tháng 09 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận Cầu Giấy đã quyết định như sau:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty Cho thuê tài chính TNHH B-SuMi TRUST đối với Tổng công ty Bảo hiểm P do rút yêu cầu về việc:

- Yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ chi phí neo đậu tàu Quý Đức 15-BLC. Cụ thể:

chi phí neo đậu tàu tại Nhà máy đóng tàu Đại Dương theo Hợp đồng neo đậu tàu số 15.11./2017/HĐNĐ tính từ ngày 15/11/2017 tạm tính đến thời điểm ngày 30/09/2019 là: 624.000.000 đồng.

- Yêu cầu khởi kiện đối với toàn bộ phần tiền lãi cho thuê tài chính theo Hợp đồng cho thuê tài chính số 11716000020/HĐCTTC ngày 09/10/2014 và các phụ lục đi kèm, kể từ ngày 06/12/2017 tạm tính đến ngày 30/09/2019 là: 1.766.471.688 đồng.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Cho thuê tài chính TNHH B- SuMi TRUST đối với Tổng công ty bảo hiểm P về việc yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm của tàu Quý Đức với tổng số tiền là: 1.046.278.982 đồng. (Một tỷ không trăm bốn mươi sáu triệu, hai trăm bảy tám ngàn, chín trăm tám hai đồng).

3. Về án phí: Công ty Cho thuê tài chính TNHH B-SuMi TRUST phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là: 43.388.040 đồng (bốn ba triệu, ba trăm tám tám ngàn, không trăm bốn mươi đồng). Công ty Cho thuê tài chính TNHH B-SuMi TRUST đã nộp tiền tạm ứng án phí 47.173.000 đồng theo biên lai số 16/11/2020 tại Chi Cục thi hành án dân sự quận Cầu Giấy. Hoàn trả Công ty Cho thuê tài chính TNHH B-SuMi TRUST số tiền 3.784.960 đồng (ba triệu bảy trăm tám tư ngàn, chín trăm sáu mươi đồng).

Tổng công ty bảo hiểm P không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Bản án còn tuyên về quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án của đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Công ty B kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm :

- Công ty B, Công ty Hthống nhất trình bày: Thời điểm Tàu Quý Đức xảy ra mắc cạn là 5h45 ngày 29/7/2017. Tại thời điểm đó Tàu Quý Đức thông báo cho Cảng vụ hàng hải Cần Thơ để hỗ trợ kéo tàu ra khỏi nơi mắc cạn nên Tàu Quý Đức chưa thông báo với P. Ngay ngày 29,30/7/2017 Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cử 2 tàu ra cứu hộ nhưng không thể kéo được Tàu Quý Đức ra khỏi nơi mắc cạn. Do vậy đến ngày 7/8/2017 Công ty B mới thông báo về sự kiện bảo hiểm với P. Chi phí sửa chữa thân tàu là 451.455.150 đồng.

- Ngày 28/7/2017 Công ty B đóng phí bảo hiểm kỳ 3 và ngày 1/8/2017 P đã có Công văn khôi phục hiệu lực cho 02 Giấy chứng nhận bảo hiểm kể từ ngày 28/7/2017 do vậy Công ty B đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của Công ty B.

P trình bày như sau: Thời điểm Tàu Quý Đức xảy ra mắc cạn là 5h45 ngày 28/7/2017, khi đó Tàu Quý Đức đã gọi điện thông báo cho Cảng vụ hàng hải Cần Thơ. Sáng ngày 29/7/2017 Cảng vụ hàng hải Cần Thơ cử tàu ra cứu hộ Tàu Quý Đức do vậy đủ cơ sở xác định Tàu Quý Đức xảy ra mắc cạn là 5h45 ngày 28/7/2017, 15h ngày 28/7/2017 Công ty B đóng phí bảo hiểm kỳ 3 nhưng không thông báo về sự cố mắc cạn với P là vi phạm Hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm. Ngày 1/8/2017 P đã có Công văn khôi phục hiệu lực cho 02 Giấy chứng nhận bảo hiểm kể từ ngày 28/7/2017 là do P không hề biết Tàu Quý Đức đã mắc cạn. Nếu P biết Tàu Quý Đức mắc cạn thì P đã không chấp nhận cho Công ty B đóng phí kỳ 3 và khôi phục hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm và 02 Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Ngày 7/8/2017 Công ty B mới thông báo về sự kiện bảo hiểm với P là vi phạm Hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm về nghĩa vụ Thông báo. Do vậy P đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện của Công ty B.

Tại phiên tòa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội có quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đơn kháng cáo của Công ty B trong thời hạn Luật định và hợp lệ.

- Hợp đồng bảo hiểm được các bên ký kết trên cơ sở tự nguyện phù hợp với pháp luật nên phát sinh hiệu lực.

- Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ thấy rằng Tàu Quý Đức xảy ra sự cố là 5h45 ngày 28/7/2017 sau thời điểm này tàu không tự di chuyển được, do vậy việc 15h ngày 28/7/2017 Công ty B đóng phí bảo hiểm kỳ 3 nhưng không thông báo về sự cố mắc cạn với P là vi phạm Hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm. Ngày 1/8/2017 P đã có Công văn khôi phục hiệu lực cho 02 Giấy chứng nhận bảo hiểm kể từ ngày 28/7/2017 là do P không hề biết Tàu Quý Đức đã mắc cạn.

Ngày 7/8/2017 Công ty B mới thông báo về sự kiện bảo hiểm với P là vi phạm Hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm về nghĩa vụ Thông báo, do vậy không phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B là có căn cứ , Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của Công ty B giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

- Về thủ tục tố tụng : Đơn kháng cáo của Công ty B trong thời hạn Luật định và hợp lệ.

- Về Nội dung :

Ngày 20/01/2017, Công ty B, Công ty Hvà P đã ký kết, xác lập Hợp đồng bảo hiểm thân tàu thủy nội địa số C02/BHPS/02/30/17. Theo đó, tài sản được bảo hiểm là Tàu Quý Đức 15-BLC. Giá trị bảo hiểm thân tàu: 11.000.000.000 đồng. Hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm: từ 0 giờ ngày 25/01/2017 đến 24h00 giờ ngày 24/01/2018.

Thấy rằng các bên ký kết Hợp đồng trên cơ sở tự nguyện , nội dung và hình thức của Hợp đồng phù hợp với điều 12, 13, 14 Luật kinh doanh bảo hiểm, nên phát sinh hiệu lực. Ngày 20/1/2017 P đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thủy nội địa số 17/02/30/BHPS/PC00002 với người thụ hưởng là Công ty B là phù hợp pháp luật, nên phát sinh hiệu lực.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty B, Công ty Hvà P đều xác nhận vào hồi 5h45 ngày 28/7/2017 Tàu Quý Đức đã gặp sự cố bị mắc cạn, không tự di chuyển được. Do vậy Tàu Quý Đức đã gọi điện cho Cảng vụ hàng hải Cần Thơ về sự việc nêu trên. Mặc dù Cảng vụ hàng hải Cần Thơ không xác định được thời điểm 5h45 ngày 28/7/2017 Tàu Quý Đức đã bị mắc cạn, nhưng căn cứ vào lời thừa nhận của các bên, các tài liệu có trong hồ sơ đủ cơ sở khẳng định Tàu Quý Đức khi đi vào Khu vực Cần Thơ đã gặp sự cố vào hồi 5h45 ngày 28/7/2017 và sau khi gặp sự cố nêu trên Tàu Quý Đức gần như không tự di chuyển được, đến 7h ngày 29/7/2017 Tàu Biển Đông 06 ra cứu hộ nhưng không thể kéo được Tàu Quý Đức ra khỏi nơi mắc cạn.

Căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm, các tài liệu có trong hồ sơ xác định thời điểm cuối cùng mà Công ty Hphải nộp phí bảo hiểm kỳ 3 là ngày 5/7/2017, như vậy đến 5h45 ngày 28/7/2017 khi tàu gặp sự cố thì Công ty Hchưa nộp phí bảo hiểm theo Hợp đồng. Đến 15h ngày 28/7/2017 Công ty Hmới nộp Phí bảo hiểm kỳ

3. Như phân tích ở trên mặc dù chưa xác định được chính xác 5h45 ngày 28/7/2017 Tàu Quý Đức đã mắc cạn hay chưa, nhưng đủ cơ sở xác định tại thời điểm nêu trên Tàu Quý Đức đã gặp sự cố và không thể tự di chuyển được cho đến tận 14h ngày 28/8/2017 Tàu Quý Đức mới rời Cảng. Do vậy việc Công ty Hnộp Phí bảo hiểm sau khi sự cố xảy ra nhưng không Thông báo về sự cố nêu trên với P là Vi phạm Nghĩa vụ Thông báo theo điều 6.2 của Hợp đồng bảo hiểm.

Điều 6.2 Hợp đồng bảo hiểm quy định: “Thông báo sự cố: Khi tàu được bảo hiểm xảy ra tai nạn, Bên B phải bằng mọi cách thông báo ngay cho Bên A, bên C hoặc đại diện Bên C nơi xảy ra sự cố mọi thông tin về sự cố” Điều 9.4 Quy tắc Bảo hiểm thân tàu thủy nội địa của P ngày 15/11/2016 quy định: “ Thông báo tổn thất. Khi xảy ra tai nạn, Người được bảo hiểm phải:

- Thông báo ngay cho các cơ quan chức năng theo quy định, đồng thời thông báo ngay cho Bảo hiểm P và chậm nhất không quá 3 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn hoặc từ ngày tàu về đến bến, cảng hoặc nơi neo đậu đầu tiên phải thông báo bằng văn bản cho Bảo hiểm P biết. Thông báo và chuyển cho Bảo hiểm P ngay khi nhận được thông tin về yêu cầu bồi thường, các biên bản, chứng từ pháp lý liên quan đến vụ tai nạn. Nếu Người được bảo hiểm chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ thông báo trên, Bảo hiểm P có quyền từ chối bồi thường 1 phần hoặc toàn bộ số tiền khiếu nại” Căn cứ vào Báo cáo giám định của Công ty cổ phần giám định năng lượng, các tài liệu khác có trong hồ sơ đủ cơ sở xác định vào 5h ngày 29/7/2017 Tàu Quý Đức đã mắc cạn ở phao số 5-6A luồng Định An. Trong ngày 29 và 30/7/2017 và ngày 3/8/2017 Cảng vụ Hàng Hải Cần Thơ đã điều động Tàu Biển Đông 6 và Tàu Biển đông 12 đến nơi Tàu Quý Đức mắc cạn để hỗ trợ kéo Tàu Quý Đức ra khỏi nơi mắc cạn nhưng không được. Như vậy Sự kiện bảo hiểm đã xảy ra từ ngày 29/7/2017 nhưng ngày 7/8/2017 Người được bảo hiểm là Công ty B mới thông báo sự kiện bảo hiểm với P là vi phạm về nghĩa vụ thông báo và thời hạn thông báo được quy định tại Điều 6.2 Hợp đồng bảo hiểm và Điều 9.4 Quy tắc Bảo hiểm thân tàu thủy nội địa , do vậy việc P từ chối trách nhiệm bảo hiểm là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi thanh toán tiền bảo hiểm của Công ty B do Công ty B vi phạm nghĩa vụ Thông báo là có căn cứ nên chấp nhận. Do vậy căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của Công ty B giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí: Công ty B phải chịu án phí phúc thẩm.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội là phù hợp với pháp luật.

Từ những nhận định trên!

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 4 điều 147, khoản 1 điều 148, khoản 1 điều 308, điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ khoản 1 điều 29 Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử : Không Chấp nhận kháng cáo của Công ty Cho thuê tài chính TNHH B Giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 47/2022/ KDTM – ST, ngày 30 tháng 09 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận Cầu Giấy.

Về án phí: Công ty Cho thuê tài chính TNHH B phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 18844 ngày 26/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự quận Cầu Giấy.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày 20/6/2023. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

695
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 122/2023/KDTM-PT

Số hiệu:122/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về