Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 502/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 502/2021/DS-PT NGÀY 30/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 30 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 360/2021/TLPT-DS ngày 13/10/2021 về việc "Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm".

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 43/2021/DSST ngày 23/6/2021 của Tòa án nhân dân quận BĐ13, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 466/2021/QĐ-PT ngày 02/12/2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị BTL1, sinh năm 1994; (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn NG2, xã VN3, huyện ĐA4, Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Anh ĐHS5, và chị PTG6, (Giấy ủy quyền ngày 05/7/2021); địa chỉ: Số 20 ngõ 718 HHT7, pB8, quận TH9, Hà Nội; (có mặt anh S5, chị G6)

Bị đơn: PTI10 Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà số 4A LH11, phường TC12, quận BĐ13, Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông BXT14 - Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Chị NTT15, anh PVT16, anh NQĐ17 (Giấy ủy quyền ngày 08/12/2020); (có mặt chị T15, anh Đ17, vắng mặt anh T16)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh NMH18, sinh năm 1990; (vắng mặt) Địa chỉ: Thôn NG2, xã VN3, huyện ĐA4, Hà Nội.

Do có kháng cáo chị BTL1 là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm vụ án có nội dung như sau: Nguyên đơn chị BTL1 trình bày:

Ngày 22/3/2019, chị L1 được PTI10 (sau đây gọi tắt là PTI) cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số TN 190115417, thời hạn bảo hiểm từ 23/3/2019 đến 23/3/2020 cho xe ô tô BKS: 29 H-202-32 với số tiền bảo hiểm là 365.900.000 đồng.

Ngày 15/11/2019, anh NMH18 (chồng chị BTL1) điều khiển xe ô tô BKS:

29 H-202-32 (Xe Kia Thaco, xe ô tô có chiều cao 2,66m tính từ mặt đường đến điểm cao nhất của xe) di chuyển theo hướng cầu vượt Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên đi vào khu công nghiêp Phố nối A tại Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng yên. Do tránh xe ngược chiều không kịp quan sát nên va vào thanh barie hạn chế chiều cao có số hiệu là P.117, ghi chỉ số là 2,2 chắn ngang đường, gây hư hỏng thùng xe.

Sau khi diễn ra sự việc, anh H18 đã thông báo cho bên bảo hiểm, bên bảo hiểm có cán bộ của Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hải Hưng (sau đây gọi tắt là PTI Hải Hưng) đến ghi nhận hiện trường và lập biên bản giám định hiện trường tổn thất xe cơ giới và Biên bản làm việc giữa các bên.

Ngày 20/11/2019, PTI Hải Hưng có gửi công văn số 246//PTIHH-GĐBT “V/v từ chối vụ bồi thường tổn thất xe ô tô BKS 29H-202.32” cho chị BTL1 với nội dung từ chối bồi thường tổn thất xe vì thiệt hại thuộc điểm loại trừ căn cứ vào Điểm 5, điều 12 - Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô (Ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện) Ngày 25/11/2019, anh H18 có văn bản khiếu nại PTI Hải Hưng về việc lái xe đã trung thực với giám định viên trong buổi làm việc ngày 15/11/2019 và do lái xe tránh xe ngược chiều không kịp quan sát thanh barie và biển hạn chế chiều cao P.117 ghi trị số 2.2m nên đã để thùng xe va vào thanh barie gây hư hỏng thùng xe. Đó là thiệt hại vô ý, không có bất cứ lý do gì để cố ý gây thiệt hại.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”;

- Việc PTI kết luận anh H18 đi vào đường cấm nơi có biển hạn chế chiều cao P.117 cũng không thỏa đáng với lý do sau: Theo QC41:2016 của Bộ Giao thông vận tải, các biển cấm từ P.101 đến P.120 chỉ có hiệu lực khi trước biển có cắm biển I.416 chỉ dẫn lối đi cho phương tiện bị cấm. Tại hiện trường tai nạn không có biển I.416 cắm trước biển P.117 nên biển P.117 không có hiệu lực. Lái xe không vi phạm lỗi đi vào đường cấm.

- Ngày 02/12/2019, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hải Hưng ra công văn số:

253/PTIHH-GĐBT “ V/v phúc đáp đơn khiếu nại xe ô tô BKS 29H-202.32” và bảo lưu quan điểm từ chối bồi thường như đã nêu ở trên. Việc này khiến chị BTL1 phải tự chi trả tiền sửa chữa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng.

Nay chị BTL1 khởi kiện đối với PTI10 yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:

1. Buộc PTI phải bồi thường chi phí sửa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT) .

2. Buộc PTI phải trả số tiền lãi từ ngày Bảo hiểm PTI ra công văn từ chối bồi thường (ngày 20/11/2019) đến phiên hòa giải ngày 04/6/2021 là 17 tháng 14 ngày là: 19.250.000 đồng x 9%/năm (0,75 %/ tháng) x 17 tháng 14 ngày = 2.526.563 đồng. Tổng cả hai khoản trên là: 21.776.563 đồng.

Về lãi suất 9%/năm là nguyên đơn căn cứ vào lãi suất cơ bản hiện nay của ngân hàng nhà nước để tính lãi suất (QĐ 2868/QĐ ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam).

Bị đơn PTI10 do người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty bảo hiểm Bưu Điện Thăng Long (PTI Thăng Long) là công ty trực thuộc PTI10. PTI10 (tên gọi tắt PTI) xác nhận PTI Thăng Long có ký Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số: 0002331/HĐ/016-PKD3/X0/2019 với chị BTL1 qua đại lý bảo hiểm là Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm. Thời hạn bảo hiểm từ 23/3/2019 đến 23/3/2020 cho xe ô tô KIA Thaco BKS: 29 H-202-32 với số tiền bảo hiểm là 365.900.000 đồng. Điều khoản bổ sung: BS02, BS06, mức khấu từ 20% số tiền bồi thường và tối thiểu 3.000.000 đồng, BS 05 phí bảo hiểm 5.500.000 đồng.

Sự việc xảy ra ngày 15/11/2019 đúng như nguyên đơn trình bày, bị đơn không bổ sung ý kiến gì. Theo quy định của PTI thì sự việc xảy ra ở đâu sẽ do chi nhánh của PTI đứng ra lập hồ sơ giám định xem có thuộc phạm vi giải quyết của chi nhánh hay của PTI. Do sự việc xảy ra tại Hưng Yên và số tiền yêu cầu bồi thường thuộc PTI Hải Hưng nên PTI Hải Hưng đứng ra lập hồ sơ giám định và giải quyết bồi thường. Tại hiện trường, giám định viên của PTI Hải Hưng đo chiều cao của xe trùng với chiều cao ghi trong giấy đăng kiểm xe là 2,66m, còn chiều cao của thanh hạn chế chiều cao là 2,2m, lái xe Hảo cũng đã xác nhận nội dung này thể hện qua biên bản giám định và biên bản làm việc ngày 15/11/2019. Trong các biên bản này, giám định viên đều đã thông báo cho anh H18 biết tai nạn này thuộc điểm loại trừ của PTI theo quy tắc bảo hiểm do kích thước chiều cao của xe cao hơn chiều cao của thanh chắn, lái xe không đồng ý với thông báo đó, nên yêu cầu PTI trả lời bằng văn bản.

Ngày 20/11/2019, PTI Hải Hưng có gửi công văn số 246/PTIHH-GĐBT gửi chị L1 và Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm về việc: "Từ chối vụ bồi thường tổn thất xe ô tô BKS 29H-202.32” với các căn cứ như sau: Căn cứ biên bản giám định và biên bản làm việc thì khách hàng vi phạm vào Điểm 5, điều 12 - Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô (Ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện).

Ngày 21/11/2019, PTI Hải Hưng đã gửi công văn số 247/PTIHH-GĐBT cho Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên với nội dung hỏi cơ quan này về đơn vị lắp biển barie và biển báo này cấm các loại xe thế nào? Ngày 25/11/2019, Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên có Công văn số 2450/SGTVT- KCHT phúc đáp với nội dung: Tuyến đường thuộc Ủy ban nhân dân Huyện Văn Lâm quản lý. Theo quy chuẩn của kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT thì biển báo trên có số hiệu 117 hạn chế chiều cao và được quy định tóm tắt như sau: Biển số P117 có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển không được đi qua, kể cả các xe được ưu tiên theo quy định (chiều cao tính từ mặt đường, mặt cầu đến điểm cao nhất của xe hoặc hàng).

PTI xác nhận có nhận được đơn khiếu nại đề ngày 25/11/2019 của lái xe Hảo với nội dung không đồng ý với việc PTI từ chối bồi thường thiệt hại xe ô tô BKS 29H-202.32 (Văn bản này không có chữ ký của anh H18, nên hiểu là chụp ảnh hoặc gửi mail).

Ngày 02/12/2019, PTI Hải Hưng có văn bản số 253/PTIHH-GDBT gửi chị L1, lái xe Hảo và ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm phúc đáp nội dung khiếu nại. Nội dung công văn này PTI đã căn cứ vào Điều 26; Điều 30; phụ lục 26.1; phụ lục B.17; phụ lục E.16 của Quy chuẩn Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2016/GTVT về báo hiệu đường bộ ngày 08/4/2016.

Lý do: PTI phải gửi văn bản cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm vì trong giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm xe cơ giới ký cùng ngày với Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới có nội dung là: Trong trường hợp có tổn thất toàn bộ thì công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm là 365 triệu. Trong trường hợp có tổn thất bộ phận nếu số tiền bồi thường lớn hơn 30 triệu thì bên ngân hàng được quyền thụ hưởng; nếu số tiền <= 30 triệu thì người được bảo hiểm tức là bà L1 được quyền phối hợp công ty bảo hiểm bồi thường mà không chịu sự rằng buộc của các cam kết trên.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến như sau:

- Nguyên đơn cho rằng thiệt hại xảy ra do lỗi vô ý là không có căn cứ vì theo các hình ảnh hiện trường cho thấy trên tuyến đường có các biển chỉ dẫn nhưng lái xe không thực hiện tuân thủ chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn đường bộ, vi phạm Điều 11 Luật giao thông đường bộ.

- Việc nguyên đơn cho rằng không được cung cấp quy tắc bảo hiểm và giải thích khi mua bảo hiểm là không đúng vì trước khi ký Hợp đồng bảo hiểm, khách hàng đều được đọc và giải thích quy tắc bảo hiểm tự nguyện ô tô và quy tắc bảo hiểm trợ cấp nằm viện cho người ngồi trên xe ô tô. Các quy tắc bảo hiểm luôn để sẵn và kẹp vào hồ sơ mua bảo hiểm để khi khách tham gia mua bảo hiểm sẽ được đọc và được cán bộ Ngân hàng giải thích. Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới giữa chị L1 và PTI được hai bên ký kết tự nguyện, không ai bị ép buộc. Trên Giấy chứng nhận bảo hiểm có nội dung: Giấy chứng nhận bảo hiểm này là bằng chứng ký kết Hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe vào bảo hiểm PTI, việc nhận giấy chứng nhận bảo hiểm này được chủ xe, lái xe đã được đọc và giải thích quy tắc bảo hiểm tự nguyện ô tô và quy tắc bảo hiểm trợ cấp nằm viện cho người ngồi trên xe ô tô được hiện hành trên WWW.PTI.com.vn và biết quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm.

- Văn bản của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên và UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trả lời Tòa án đã thể hiện rõ về thẩm quyền cũng như việc đặt biển báo là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

- Căn cứ biên bản giám định và biên bản làm việc thì thiệt hại thuộc điểm loại trừ theo Điểm 5, điều 12 - Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô (Ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện) và theo QC/41/2016 ngày 08/4/2016 thì lái xe Hảo đã đi vào đường cấm, khu vực cấm, nên PTI từ chối bồi thường tổn thất xe ô tô BKS 29H-202.32 là đúng quy định của pháp luật. Do đó bị đơn không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh NMH18 trình bày:

Anh H18 là chồng của chị BTL1. Ngày 16/3/2019, vợ chồng anh và Ngân hàng TMCP Tiên Phong có ký Hợp đồng cho vay kiêm thế chấp xe ô tô số 156/2019/HĐTD/TTKDSPDB/01. Trên cơ sở Hợp đồng này vợ chồng anh được Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm cho vay số tiền:

278.100.000 đồng; Mục đích vay: số tiền 270.000.000 đồng để thanh toán tiền mua xe ô tô theo Hợp đồng mua bán xe ô tô số 1903010-PĐ ngày 08/3/2019 giữa vợ anh là chị BTL1 và Công ty TNHH MTV cơ khí chuyên dụng Bắc Bộ Trường Hải, còn 8.100.000 đồng là vay để thanh toán phí bảo hiểm an toàn tín dụng. Thời hạn vay 60 tháng (kể từ ngày 28/3/2019 đến 27/3/2024). Tài sản đảm bảo là chiếc xe ô tô nhãn hiệu KIA THACO FRONTIER K200-TK1-2, BKS: 29H-202.32.

Trên cơ sở Hợp đồng cho vay kiêm thế chấp xe ô tô trên thì Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã chuyển khoản trực tiếp cho Công ty TNHH MTV cơ khí chuyên dụng Bắc Bộ Trường Hải số tiền 270.000.000 đồng, còn số tiền 8.100.000 đồng Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã chuyển trực tiếp cho Công ty bảo hiểm.

Ngày 22/3/2019, chị BTL1 có ký Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số:

00002331/HD/ 016-PKD 3/XO/2019 và Giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm xe cơ giới, Ngân hàng thụ hưởng là Ngân hàng TMCP Tiên Phong- chi nhánh Hoàn Kiếm. Đồng thời cùng ngày PTI cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số TN 190115417, thời hạn bảo hiểm từ 23/3/2019 đến 23/3/2020 cho xe ô tô BKS:

29 H-202-32 với số tiền bảo hiểm là 365.900.000 đồng.

Sau khi mua xe, anh H18 là người thường xuyên sử dụng xe. Khi tham gia giao thông anh H18 có đầy đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông theo luật định, cụ thể là anh H18 có bằng lái xe. Chiếc xe ô tô mà vợ chồng anh mua là loại xe tải K200 thùng kín, anh chỉ biết xe nặng 1,4 tấn, còn chiều dài và chiều cao của xe anh không biết; xe không lắp camera hành trình; và có đăng ký BKS: 29 H-202-32.

Ngày 15/11/2019, anh H18 trực tiếp lái xe ô tô BKS: 29 H-202-32 di chuyển theo hướng cầu vượt Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên đi vào khu công nghiêp Phố nối A tại Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng yên. Do tránh xe ngược chiều không kịp quan sát nên va vào thanh barie hạn chế chiều cao chắn ngang đường, gây hư hỏng thùng xe. Giữa xe của anh và xe máy đi ngược chiều không bị va chạm với nhau, nhưng vì tránh xe máy đó mà xe ô tô do anh H18 điều khiển bị va vào thanh barie hạn chế chiều cao chắn ngang đường, trên thanh barie có biển nền màu trắng, vòng tròn ngoài màu đỏ, bên trong có ghi 2,2 m. Sau khi xảy ra va chạm anh mới nhìn thấy biển hạn chế chiều cao đó trong khi bản thân anh cũng không nắm được chiều cao của xe ô tô anh điều khiển cao bao nhiêu. Do va chạm dẫn đến xe của anh bị vỡ kính chắn gió và hư hỏng thùng xe (va vào thanh baire phần nóc thùng) và cong bệ sát xi.

Sau khi diễn ra sự việc, anh H18 để nguyên hiện trạng xe và gọi điện thoại cho PTI, đồng thời đi bộ ra đường cái để mời cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường vào kiểm tra hiện trường (anh H18 không nhớ đội cảnh sát giao thông đó là đội nào và cán bộ cảnh sát giải quyết tên là gì). Trong lúc chờ bên bảo hiểm đến thì cảnh sát giao thông vào kiểm tra hiện trường, nhưng không lập biên bản vì họ cho rằng anh không vi phạm luật giao thông, không đi vào đường cấm nên không xử phạt hành chính mà chỉ n hắc nhở điều khiển xe an toàn. Tuy nhiên hôm đó PTI không có giám định viên xuống mà nhờ chủ gara sửa chữa xe ô tô là anh Nguyễn Bá Định (Gara ô tô An Việt; ĐC: Q 165 phố Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên) xuống hiện trường, anh Định nói là giám định viên bận nhà có việc nên nhờ anh ra, anh H18 thấy không có giám định viên, nên không đồng ý làm việc với anh Định. Anh H18 và anh Định cùng chụp ảnh lại hiện trường, sau đó có bạn Cường là giám định viên PTI gọi điện thoại cho anh H18 nói anh mang xe về gara xe của anh Định và hẹn anh sáng hôm sau ra gara gặp Cường. Anh H18 để xe ô tô lại gara của anh Định và tự bắt xe về.

Sáng ngày 16/11/2019, anh H18 đến gara xe của anh Định gặp giám định viên Cường, tại đó anh Cường viết biên bản giám định hiện trường và biên bản làm việc. Biên bản giám định hiện trường tổn thất xe cơ giới được ghi lúc 10 giờ 15/11/2019 là do anh Cường bảo anh H18 vì anh bận không ra được nên lập biên bản ghi ngày hôm qua, bảo anh ký để gửi cho Công ty ra văn bản từ chối bồi thường, anh H18 đã ký và có ghi không đồng ý với nội dung biên bản.

Ngày 20/11/2019, PTI Hải Hưng có gửi công văn số 246//PTIHH-GĐBT “V/v từ chối vụ bồi thường tổn thất xe ô tô BKS 29H-202.32” cho chị L1 với nội dung từ chối bồi thường tổn thất xe vì thiệt hại thuộc điểm loại trừ căn cứ vào Điểm 5, điều 12- Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô .

Ngày 25/11/2019, vợ chồng anh đã gửi Đơn khiếu nại về việc PTI Hải Hưng từ chối bồi thường thiệt hại xe ô tô BKS 29H-202.3 đến PTI Hải Hưng.

Ngày 02/12/2019, PTI Hải Hưng ra công văn số 253/PTIHH-GĐBT “V/v phúc đáp đơn khiếu nại xe ô tô BKS 29H-202.32” và bảo lưu quan điểm từ chối bồi thường như đã nêu ở trên.

Theo anh H18, việc PTI không chi trả bảo hiểm là không đúng vì: Căn cứ theo quy định tại điểm 30.4 Điều 30 của QC 41:2016 thì trước biển P.117 phải có biển chỉ dẫn I.416 hướng dẫn lối đi và biển này được sử dụng từ biển P.101 đến biển P.120 tùy theo trường hợp cần yêu cầu và đặt trước các đường giao nhau để chỉ dẫn lối đi đường tránh, đường vòng trong trường hợp đường chính bị tắc, hoặc cấm 1 số loại xe đi qua.

Mặt khác, theo điều 21 của Luật kinh doanh bảo hiểm quy đinh: “Trong trường hợp Hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm” và việc Bảo hiểm Bưu điện - PTI căn cứ vào Điểm 5, điều 12- Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô là không đúng vì anh không đi vào đường cấm và khu vực đường đó không cắm biển báo P.101 (biển báo đường cấm).

Nay chị L1 yêu cầu PTI bồi thường chi phí sửa xe ô tô BKS 29H-202.32 căn cứ theo giấy chứng nhận bảo hiểm số TN190115417 là 19.250.000 đồng và số tiền lãi chậm trả từ ngày PTI Hải Hưng ra văn bản từ chối bồi thường thì quan điểm của anh cũng nhất trí và đề nghị Tòa án xem xét đưa anh vào tham gia tố tụng vì anh cũng là đồng sở hữu xe ô tô trên.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 43/2021/DSST ngày 23/6/2021 của Tòa án nhân dân quận BĐ13 đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị BTL1 đối với PTI10 về yêu cầu buộc PTI10 phải thanh toán số tiền sửa chữa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là: 22.007.563 đồng. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, chị BTL1 là nguyên đơn trong vụ án kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bán án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Đề nghị sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn vì:

1. PTI chào bán bảo hiểm qua bà Đặng Thị Vân Anh không có chứng chỉ đại lý bảo hiểm, không có hợp đồng đại lý bảo hiểm để thu xếp việc ký hợp đồng bảo hiểm số 0002331/HĐ/016-PKD3/X0/2019, vi phạm Điều 38 của Nghị định 73/2016/NĐ-CP về hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Điều 17, 86 Luật kinh doanh bảo hiểm gây thiệt hại cho khách hàng.

2. Hợp đồng bảo hiểm số 0002331/HĐ/016-PKD3/X0/2019 không có điều khoản loại trừ, vi phạm quy định về nội dung hợp đồng bảo hiểm tại Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000.

3. Điều khoản loại trừ “xe đi vào đường cấm, khu vực cấm” của PTI không rõ ràng và phải hiểu theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.

4. Hội đồng xét xử sơ thẩm không thể cho rằng hành vi của lái xe NMH18 là lỗi cố ý.

Bị đơn giữ nguyên nội dung và yêu cầu của mình đề nghị giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm. Các đương sự không thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án. Không cung cấp các tài liệu chứng cứ gì khác.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội:

Căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới đã được ký kết, căn cứ vào Quy tắc, biểu phí bảo hiểm tự nguyện xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện” tại điểm 5, điều 12 quy định “… xe đi vào đường cấm, khu vực cấm...” thì PTI không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, PTI từ chối bồi thường thiệt hại xe ô tô BKS 29H-202.32 là đúng. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu buộc PTI10 phải thanh toán số tiền sửa chữa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng và không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn phải trả lãi chậm thanh toán của số tiền sửa chữa xe ô tô tính từ ngày PTI ra công văn từ chối bồi thường (ngày 20/11/ 2019) cho đến ngày xét sử sơ thẩm là phù hợp.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày PTI ra công văn từ chối bồi thường cho đến ngày xét sử sơ thẩm là 2.757.563 đồng. Tuy nhiên, tại phần Quyết định của bản án Tòa án cấp sơ thẩm xác định tiền lãi chậm thanh toán là: 22.007.563 đồng là không chính xác. Do đó cần phải sửa nội dung này.

Từ những phân tích trên đề nghị HĐXX: Áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Sửa bản án sơ thẩm số 43/2021/DSST ngày 23/6/2021, của Toà án nhân dân quận BĐ13 theo như phân tích ở trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa xét thấy:

Về hình thức: Nguyên đơn kháng cáo trong hạn luật định, đã nộp dự phí kháng cáo, về hình thức là hợp lệ.

Về nội dung:

Nguyên đơn và bị đơn cùng thống nhất xác định ngày 22/3/2019, chị BTL1 và PTI10 ( tên gọi tắt PTI) ký Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số:

0002331/HĐ/016-PKD3/X0/2019 và Giấy xác nhận chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm xe cơ giới với thông qua đại lý bảo hiểm là Ngân hàng TMCP Tiên Phong - chi nhánh Hoàn Kiếm với nội dung: Thời hạn bảo hiểm từ 23/3/2019 đến 23/3/2020 cho xe ô tô KIA Thaco BKS: 29 H-202.32 với số tiền bảo hiểm là 365.900.000 đồng. Điều khoản bổ sung: BS 02, BS 06, mức khấu trừ 20% số tiền bồi thường và tối thiểu 3.000.000 đồng, BS 05 phí bảo hiểm 5.500.000 đồng. Sau khi ký kết hợp đồng, chị BTL1 đã đóng tiền phí bảo hiểm đầy đủ theo cam kết trong hợp đồng. PTI10 đã cấp cho chị BTL1 Giấy chứng nhận bảo hiểm số TN 190115417.

Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn cho rằng khi mua bảo hiểm không được tư vấn, giải thích về các điều khoản loại trừ bảo hiểm; không được cung cấp quy tắc bảo hiểm:

Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới số 0002331/HĐ/016-PKD3/X0/2019 đối với xe ô tô KIA Thaco BKS: 29 H-202.32 được chị BTL1 và PTI10 ký kết trên cơ sở tự nguyện; nội dung và hình thức hợp đồng phù hợp quy định pháp luật. Chị L1 đã được đọc và ký vào hợp đồng. Tại Điều 2 của Hợp đồng đã quy định điều kiện bảo hiểm: "…A/ Quy tắc bảo hiểm: Quy tắc, biểu phí bảo hiểm tự nguyện xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 370/2018/QĐ-PTI ngày 26/12/2018 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện”. Ngoài trách nhiệm của bên bán bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm khi đặt bút ký vào hợp đồng phải có trách nhiệm đọc và hiểu các nội dung trong hợp đồng mà mình chuẩn bị ký; nếu có điều khoản chưa rõ ràng, còn thắc mắc thì phải phản hồi với bên bán bảo hiểm. Tuy nhiên kể từ khi ký kết cũng như đến trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông, bên mua bảo hiểm không có bất kỳ ý kiến gì liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã ký.

Do đó bên mua bảo hiểm đã được tư vấn, giải thích rõ về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm phát sinh hiệu lực thi hành đối với các bên.

Như vậy, việc nguyên đơn cho rằng khi mua bảo hiểm không được cán bộ tư vấn, giải thích và cung cấp quy tắc bảo hiểm khi mua bảo hiểm cho mình là không có căn cứ.

Tại cấp phúc thẩm, chị PTG6 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tiếp tục đề nghị Tòa án triệu tập bà Đặng Thị Vân Anh để lấy lời khai làm rõ quy trình tư vấn, bán bảo hiểm cho chị BTL1. Xét thấy, Tòa án sơ thẩm đã thông báo đến Ngân hàng TCMP Tiên Phong chi nhánh Hoàn Kiếm về việc triệu tập lấy lời khai đối với bà Đặng Thị Vân Anh tuy nhiên Ngân hàng đã xác nhận không có nhân viên nào tên Đặng Thị Vân Anh. Hợp đồng bảo hiểm ngày 22/3/2019 có hiệu lực đối với các bên, bên mua đã được đọc và đồng ý nội dung của hợp đồng nên đã ký vào.Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn cũng không có tài liệu chứng minh bà Đặng Thị Vân Anh là người tư vấn, bán bảo hiểm cho chị BTL1. Đề nghị triệu tập người làm chứng để lấy lời khai của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận.

Xét kháng cáo của nguyên đơn đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải thanh toán chi phí sữa chữa xe và tiền lãi chậm thanh toán:

Ngày 15/11/2019, anh NMH18 (chồng chị BTL1) điều khiển xe ô tô BKS:

29 H-202.32 di chuyển theo hướng cầu vượt Như Quỳnh đi vào khu công nghiêp Phố nối A tại Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Lái xe anh H18 trình bày do tránh xe ngược chiều nên không kịp quan sát, va vào thanh barie hạn chế chiều cao chắn ngang đường, trên thanh barie có biển nền màu trắng, vòng tròn ngoài màu đỏ, bên trong có ghi 2,2 m, dẫn đến xe ô tô bị vỡ kính chắn gió và hư hỏng thùng xe (va vào thanh baire phần nóc thùng) và cong bệ sát xi.

Sau khi sự việc xảy ra, các bên đã lập biên bản làm việc, biên bản giám định hiện trường tổn thất xe cơ giới; bản tường trình lại sự việc; bản ảnh hiện trường; biên bản giám định; sơ đồ giám định hiện trường. Các biên bản này đều được lái xe và bên bảo hiểm ký tên xác nhận.

Căn cứ vào các biên bản nêu trên, PTI từ chối bồi thường tổn thất đối với xe ô tô BKS 29H-202.32 vì thiệt hại thuộc điểm loại trừ căn cứ Điểm 5, Điều 12 – Quy tắc bảo hiểm tự nguyên xe ô tô: “Điều 12: Những điểm loại trừ chung: PTI không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau”… 5. Xe đi đêm không có thiết bị chiếu sáng theo quy định; xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; rẽ, quay đầu tại nơi bị cấm”.

Nhận thấy, cấp sơ thẩm căn cứ vào Công văn số 1068 ngày 24/5/2021 của UBND huyện Văn Lâm, Quy chuẩn Quốc gia QCVN41/2016 khẳng định tuyến đường ĐH.12B đoạn đặt thanh barie có biển P.117 là đường cấm đối với các loại xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao trên 2,2m là có cơ sở.

Tại Công văn số 1068/SGTVT- KCHT ngày 14/5/2021 của Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên trả lời Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ số: 130/QĐ- CCCC ngày 07/5/2021 của Tòa án nhân dân quận BĐ13 có nội dung:

“ - Tuyến đường ĐH. 12B do Ủy ban nhân dân Huyện Văn Lâm là cơ quan quản lý, bảo trì.

- Theo quy chuẩn của kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41/2016/BGTVT: “ biển báo trên có số hiệu 117 hạn chế chiều cao và được quy định tóm tắt như sau: Biển số P117 có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển không được đi qua, kể cả các xe được ưu tiên theo quy định (chiều cao tính từ mặt đường, mặt cầu đến điểm cao nhất của xe hoặc hàng).

- Về thông tin đơn vị lắp đặt biển báo trên thanh chắn barie, Sở giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân Huyện Văn Lâm cung cấp thông tin cho Tòa án”.

Ngày 14/5/2021, Ủy ban nhân dân Huyện Văn Lâm đã có Công văn số 474/UBND- KCHT về việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án nhân dân quận BĐ13 như sau:

“ 1. Đường ĐH. 12B là tuyến đường do Ủy ban nhân dân Huyện Văn Lâm quản lý theo quy định tại Khoản 4 điều 15 Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 01/9/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc sửa đổi bổ sung và bãi bỏ một số điều tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 29/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành quy định hoạt động vận tải đượng bộ bằng xe ô tô trong đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thì việc lắp đặt và quản lý biển báo trên thanh chắn barie tuyến đường ĐH. 12B địa phận thôn Ngài Dương, xã Đình Dù, thuộc thẩm quyền của UBND huyện Văn Lâm (có tài liệu kèm theo).

2. Thanh chắn barie hạn chế chiều cao tuyến đường ĐH. 12B có biển tròn hạn chế chiều cao và biển chỉ dẫn theo quy định tại khoản 42.1 và 42.2 điều 42 của QCVN 41:2016/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì biển hạn chế chiều cao đường ĐH. 12B là biển chữ nhật, nền xanh chữ trắng được xác định là đúng.

3. Biển báo hiệu hạn chế chiều cao có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển không được đi qua, kể cả các xe được ưu tiên theo quy định. Hiệu lực của biển báo ĐH.12B cổng hạn chế chiều cao là 2,2 m tính từ mặt đường, mặt cầu đến điểm cao nhất của xe hoặc hàng..” Tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện: Trên thanh chắn barie hạn chế chiều cao tuyến đường ĐH. 12B có biển tròn hạn chế chiều cao (P.117) là biển cấm, ghi trị số 2,2m. Mặt khác biển cấm này có hiệu lực không phụ thuộc vào biển chỉ dẫn. Tuy nhiên UBND huyện Văn Lâm vẫn cắm biển chỉ dẫn trước biển P.117 (biển hạn chế chiều cao) 200 m, đã có biển báo chỉ dẫn ĐH.12B cổng hạn chế chiều cao 2,2 m, biển hình chữ nhật, nền xanh chữ trắng theo quy định tại QCVN 41/2016/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Đối với biển chỉ dẫn I.416 chỉ sử dụng để dẫn lối đi đường tránh, đường vòng trong trường hợp đường chính bị tắc, hoặc cấm 1 số loại xe đi qua. Trong trường hợp cụ thể này không có đường tránh nên không cắm biển báo này là đúng quy định.

Căn cứ theo điểm a Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy đinh: “Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ”.

Theo thông tin trong Giấy đăng kiểm, xe ô tô BKS 29H-202.32 có kích thước 5305x1790x2660mm. Giấy đăng kiểm xe là một trong các giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi phương tiện tham gia giao thông. Như vậy, việc anh H18 điều khiển xe ô tô có chiều cao 2,66m đi vào đường cắm biển báo ĐH.12B và xảy ra va chạm với thanh barie là vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ 2008. Quy định đối với người điều khiển phương tiện giao thông là phải làm chủ phương tiện. Anh H18 đã được cấp bằng lái xe hạng C nên buộc phải nắm và hiểu rõ các thông số kỹ thuật chiếc xe mình điều khiển. Hơn nữa chiếc xe ô tô là tài sản của vợ chồng anh, anh là người sử dụng thường xuyên nên không thể không biết về các thông số kỹ thuật của xe. Mặt khác, trên đoạn đường vào phố Nối A, trước biển hạn chế chiều cao P. 117 đã có các biển chỉ dẫn “ĐH12B cổng hạn chế chiều cao (2,2m)” được cắm ở hai chiều đường để chỉ dẫn lái xe về đoạn đường có hạn chế chiều cao. Việc anh H18 trình bày không biết chiều cao của chiếc xe mình đang điều khiển là bao nhiêu và do phải tránh xe đi ngược chiều nên không quan sát được biển báo hiệu là thuộc lỗi chủ quan của anh H18.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn chi phí sửa chữa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán của số tiền sửa chữa xe ô tô từ ngày PTI ra công văn từ chối bồi thường cho đến ngày xét sử sơ thẩm. Tổng số tiền là: 22.007.563 đồng Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị sửa bản án dân sự sơ thẩm do tại phần Quyết định của bản án, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tiền lãi chậm thanh toán là: 22.007.563 đồng, trong khi đương sự chỉ yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán là 2.757.563 đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định đây là lỗi nhầm lẫn về số liệu nên sửa lại mà không phải sửa bản án như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

Từ những căn cứ và nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn chị BTL1 và giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Về án phí:

Án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận, chị BTL1 phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Án phí sơ thẩm: Chị BTL1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Điều 26, Điều 38, Điều 148, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 9, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

- Điều 7, Điều 8, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 17, Điều 18, 40, 41 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi năm 2010;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Xử: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 43/2021/DSST ngày 23/6/2021 của Toà án nhân dân quận BĐ13, Hà Nội, cụ thể:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị BTL1 đối với PTI10 về yêu cầu buộc PTI10 phải thanh toán số tiền sửa chữa xe ô tô BKS 29H-202.32 là 19.250.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là: 2.757.563 đồng. Tổng là:

22.007.563 đồng.

2. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Chị BTL1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 1.100.378 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 500.000 đồng theo biên lai thu số 0024571 ngày 25/6/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự quận BĐ13, chị L1 còn phải nộp tiếp 600.378 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Chị BTL1 phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp tại Biên lai thu số 0067291 ngày 12/7/2021 tại Chi cục thi hành án dân sự quận BĐ13.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1006
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 502/2021/DS-PT

Số hiệu:502/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về