Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 56/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 56/2023/DS-PT NGÀY 25/10/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 25/10/2023 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 51/2023/TLPT- DS ngày 03 tháng 8 năm 2023, về việc: “Tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 19/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2023/QĐ-PT ngày 13/9/2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 137/2023/QĐ-PT ngày 22/9/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 143/2023/QĐ-PT ngày 30/9/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Bạch Hồng V – sinh năm 1960; cư trú tại đội A, thôn A, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bạch Hồng V: Ông Huỳnh Ngọc Ấ - Luật sư của Văn phòng L, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ: Số I đường Q, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Bị đơn: Ông Bạch Phi H – sinh năm 1976; cư trú tại xóm F, thôn P, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bạch Phi H: Ông Trương Quang T – Luật sư của Văn phòng L1, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ: Số A đường N, tổ B, phường N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lâm Thị C – sinh năm 1957; cư trú tại đội A, thôn A, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

3.2. Bà Đỗ Thị H1 - sinh năm 1976;

* Người đại diện theo ủy quyền của bà Đỗ Thị H1: Ông Bạch Phi H – sinh năm 1976; cư trú tại xóm F, thôn P, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

3.3. Anh Bạch Xuân V1 – sinh năm 1996;

3.4. Chị Bạch Thị Như Ý – sinh năm 2000;

Cư trú tại xóm F, thôn P, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

* Người đại diện theo ủy quyền của anh Bạch Xuân V1, chị Bạch Thị Như Ý: Ông Bạch Phi H - sinh năm 1976 và bà Đỗ Thị H1 - sinh năm 1976; cư trú tại xóm F, thôn P, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

3.5. Anh Bạch Xuân K – sinh năm 1998; cư trú tại xóm F, thôn P, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

3.6. Ủy ban nhân dân xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Địa chỉ trụ sở: xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

4. Người kháng cáo: Ông Bạch Phi H là bị đơn trong vụ án.

(Ông Bạch Hồng V, Luật sư Huỳnh Ngọc Ấ, ông Bạch Phi H, Luật sư Trương Quang T, bà Lâm Thị C có mặt; anh Bạch Xuân K, đại diện Ủy ban nhân dân xã T vắng mặt không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn là ông Bạch Hồng V trình bày:

Nguyên thửa đất 254 và thửa đất 321, tờ bản đồ số 30, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi là của cha mẹ ông (tức cụ Bạch T1 và cụ Nguyễn Thị Đ) tạo lập từ trước năm 1975. Cha mẹ ông cho ông làm nhà ở trên đất từ năm 1978 (việc ông được cha, mẹ cho đất và làm nhà ở đã được chính ông H thừa nhận). Theo Chỉ thị 299/TTg của Chính phủ, ông là người trực tiếp đứng tên đăng ký kê khai thửa đất số 84 (Số đăng ký ruộng đất xã T, trang số 1, diện tích 1.392m2 thuộc diện đất T (đất thổ cư)).

Do điều kiện công tác xa, vợ chồng ông phải ở tập thể tại nơi làm việc nên đến năm 1990, căn nhà bị hư hỏng nặng, ông đã dỡ dọn và đồng ý để cha, mẹ canh tác trên đất nhằm có thêm thu nhập. Ông có nhờ cha mẹ trông coi đất, tôn tạo đất để không làm mất đi giá trị đất. Sau năm 1990, vợ chồng ông chuyển về bên nhà vợ ở xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi sinh sống để tiện việc công tác nhưng ông vẫn thường xuyên về chăm sóc cha mẹ già và trông coi đất.

Năm 1994, địa phương có chủ trương làm kênh Thạch Nham, có đi qua đất của ông dẫn đến thửa 84 (một phần đất đã đưa vào làm kênh) tách thành hai thửa bao gồm thửa 254 (259m2) và thửa 321 (555m2), tờ bản đồ số 30, xã T (bản đồ 64/CP). Theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, ông là giáo viên đi làm xa, không có ở địa phương nên ông không kê khai đăng ký. Trong thời gian này đất của ông vẫn được cha mẹ trông coi, sử dụng, không ai tranh chấp với ông. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã T (viết tắt là UBND xã T) và Tổ phân chia đất theo Nghị định 64/CP cũng không cân đối cho hộ gia đình, cá nhân nào.

Ông Bạch Phi H là cháu ruột của ông, khi cha, mẹ ông già yếu không còn sức khỏe để canh tác, sử dụng diện tích đất trên nên ông cho ông H mượn thửa đất 321 để sử dụng cải thiện đời sống cho gia đình (chỉ nói miệng không có giấy tờ gì). Năm 2007, toàn bộ đất đai của cha, mẹ ông và đất của ông đều cho ông H mượn canh tác. Ông nhiều lần yêu cầu ông H trả lại đất cho ông để ông đi kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất nhưng ông H không chịu trả.

Theo Công văn số 2130/UBND-TNMT ngày 08/10/2019 Ủy ban nhân dân huyện S (viết tắt là UBND huyện S) cung cấp thông tin xác định thửa đất 84, diện tích 1392m2, loại đất T, tờ bản đồ số 12, xã T là do ông Bạch Hồng V đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299/TTg, có tên trong số đăng ký ruộng đất của UBND xã T lập năm 1986 được thể hiện tại bản đồ đo vẽ theo Chỉ thị 299/TTg. Theo hồ sơ thực hiện Nghị định số 64/CP thì thửa đất 84 biến động thành 02 thửa là thửa 254, diện tích 259m2, loại đất Hoang (H) và thửa 321, diện tích 555m2, loại đất Ao, cùng tờ bản đồ số 30, xã T, do UBND xã T quản lý, không cân đối giao cho hộ gia đình, cá nhân và đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân nào.

Dự án kênh mương Thạch Nham tại thôn P, xã T được xây vào năm 1994 có ảnh hưởng đến thửa đất số 84 (hồ sơ 299/TTg) nhưng UBND huyện S không ban hành Quyết định thu hồi đất đối với thửa đất trên.

Theo Công văn số 54/UBND về việc cung cấp thông tin ngày 31/3/2020 của UBND xã T, có nội dung: “Kênh thạch nham tuyến B832.1 được xây dựng vào khoảng năm 1994 ảnh hưởng đến thửa đất 84, tờ bản đồ 12, tại thời điểm đó Nhà nước không bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình cá nhân nào”; “Hộ ông Bạch Phi H được cân đối theo Nghị định 64/CP với tổng diện tích 4461/8517m2 để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, đối với thửa đất 254 và thửa 321 không cân đối cho hộ gia đình cá nhân nào nhưng ông Bạch Phi H là người trực tiếp sản xuất”.

Tại Biên bản làm việc ngày 26/5/2020, đại diện UBND xã T cũng nêu rõ “Hộ ông H đã được cân đối giao đất đủ định mức theo Nghị định 64/CP”. Theo bản đồ địa chính khu đất thuộc thửa đất số 254, 321 tờ bản đồ số 30 (đo vẽ năm 1997) xã T về việc trích đo hiện trạng vị trí khu đất do Trung tâm T2 - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đo vẽ ngày 26/7/2019, hai thửa đất đang tranh chấp hiện nay là đất ONT (đất ở nông thôn).

Theo hồ sơ vụ án, các lời khai của ông H đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do: “Ông H cho rằng hai thửa đất này ông đã sử dụng từ năm 1994 đến nay và ông nội ông đã đưa vào Hợp tác xã nên ông V không có quyền sử dụng đối với đất, do đó ông không đồng ý trả lại đất cho ông V”. Tuy nhiên, ông H không đưa ra được bất kỳ cơ sở nào cho đề nghị của mình, cụ thể ông H không cung cấp được bất kỳ tài liệu gì chứng minh nguồn gốc đất là của ông H. Mặc dù, ông H đang sử dụng thửa 254 và thửa 321 nhưng qua những lần thực hiện chính sách đất đai thì ông không đi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước trong suốt quá trình canh tác cho đến nay vì chắc chắn bản thân ông xác định đất hai thửa này thuộc quyền sử dụng của chú ruột mình là ông V, ông không có cơ sở gì để đăng ký, kê khai đất này để được cấp GCNQSDĐ. Hai thửa đất này thực hiện Nghị định 64/CP vẫn không được cân đối cho hộ gia đình ông, đất hiện nay do UBND xã T quản lý, đất vẫn không vào hợp tác xã và vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân nào.

Cho nên, xét về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất cũng như các tài liệu chứng cứ thực tế có trong hồ sơ vụ án, ông là người được cha mẹ cho đất để ở, đã đăng ký kê khai, hiện nay ông đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ, thuộc trường hợp có một trong những giấy tờ theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Do đó, việc ông khởi kiện yêu cầu ông H trả lại đất và dỡ dọn toàn bộ cây trồng trên đất là hoàn toàn có cơ sở, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đúng theo quy định pháp luật.

Nay, ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Bạch Phi H, bà Đỗ Thị H1 phải trả lại cho ông thửa đất số 254, diện tích 259m2 theo đo đạc thực tế diện tích 263m2 và thửa đất 321, diện tích 555m2 theo đo đạc thực tế diện tích 609m2, thuộc tờ bản đồ số 30, xã T và yêu cầu dỡ dọn toàn bộ cây trồng trên đất.

Tại phiên tòa ông trình bày cha ông chỉ đưa vào Hợp tác xã các thửa đất gồm: Thửa 196 (đám ngõ dưới), diện tích 480m2; thửa 197 (đám ngõ dưới), diện tích 2.176m2 ; thửa 379 (đám cống), diện tích 1.800m2 (đám này cân đối cho ông H). Tại thời điểm thực hiện Nghị định 64/CP thì ông đang là giáo viên, vợ ông cũng là giáo viên nên quy định phải nhập khẩu vào trường đang công tác nên ông không thuộc diện được cân đối đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP. Đồng thời, thửa 84 là đất của cha, mẹ ông cho ông để ở, ông đã đi kê khai theo Chỉ thị 299/TTg, có tên trong sổ đăng ký ruộng đất của UBND xã T lập năm 1986 là đất ở chứ không phải đất nông nghiệp.

Ông không yêu cầu ông Bạch Phi H, bà Đỗ Thị H1 phải trả tiền mà ông H, bà H1 được hưởng hoa lợi khi sử dụng thửa đất của ông. Ông H, bà H1 yêu cầu ông phải trả công gìn giữ, tôn tạo đất số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) thì ông không đồng ý.

* Tại bản trình bày, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa bị đơn là ông Bạch Phi H trình bày:

Từ nhỏ ông ở với ông, bà nội là cụ Bạch T1 và cụ Nguyễn Thị Đ, ông Bạch Hồng V là chú ruột của ông. Khi ông V lập gia đình được ông, bà nội ông cho thửa 84 và dựng nhà trên đất để ở. Sau khi ở được một thời gian thì vợ chồng ông V không ở nữa nên nhà xuống cấp và sập, ông nội ông và ông dỡ dọn và cải tạo thành đám ruộng như hiện nay để sản xuất. Sau đó, Nhà nước có chủ trương nhân dân phải đưa ruộng đất vào Hợp tác xã nên ông nội ông đã đưa ruộng đất, trâu bò vào Hợp tác xã để làm ăn chung trong đó có thửa 84 (cụ thể trong SỔ GIAO KHOÁN được Hợp tác xã đề bù tiền hoa màu mùa vụ năm 1994 - 1995 cho ông nội ông khi Kênh thạch nham tuyến B832.1 được xây dựng vào năm 1994 ảnh hưởng đến thửa 84). Đến năm 1993, Hợp tác xã Nông nghiệp P làm kênh mương thủy lợi đi qua thửa 84 nên thửa đất này được chia làm 02 thửa là thửa 254, diện tích 259m2 theo đo đạc thực tế diện tích 263m2 bị múc đất làm mương kênh nên ông san lấp một bên làm ao nuôi cá và thửa 321, diện tích 555m2 theo đo đạc thực tế diện tích 609m2 ông đã cải tạo để làm lúa.

Ông V cho rằng ông ở xa không biết thời gian Nhà nước kê khai, đăng ký theo Nghị định 64/CP là không đúng, vì hàng tuần ông V đều về thăm cha, mẹ, khi Nhà nước làm kênh mương ông V đều biết và chứng kiến nhưng ông V không có ý kiến. Mặc dù, ông không kê khai, đăng ký đối với 02 thửa đất trên nhưng ông đã sử dụng từ năm 1994 đến nay nên ông không đồng ý trả lại đất cho ông V. Việc ông không đi đăng ký kê khai là do đất do UBND xã T quản lý.

Trường hợp Tòa án buộc ông trả lại đất cho ông V thì ông yêu cầu ông V phải trả công gìn giữ, tôn tạo đất (do ông cải tạo, kêu gọi người khác làm san lấp và ông đã bỏ tiền ra để trả công làm cho họ) cho ông với số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).

* Theo các tài liệu có tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lâm Thị C trình bày: Bà là vợ của ông Bạch Hồng V, bà thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông V về việc yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Bạch Phi H, bà Đỗ Thị H1 phải dỡ dọn toàn bộ cây cối trên thửa 254 và thửa 321 để trả lại đất cho ông V.

* Tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đỗ Thị H1 trình bày: Bà là vợ của ông Bạch Phi H, bà thống nhất như lời trình bày của ông H, không bổ sung gì thêm. Việc ông Bạch Hồng V khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà phải dỡ dọn toàn bộ cây trồng trên thửa 254 và thửa 321 để trả lại cho ông V thì bà không đồng ý. Trường hợp Tòa án buộc ông H trả lại đất cho ông V thì bà yêu cầu ông V phải trả công gìn giữ, tôn tạo đất cho vợ chồng bà với số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).

* Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Bạch Thị Như Ý, anh Bạch Xuân V1, anh Bạch Xuân K trình bày: Các anh, chị là con của ông Bạch Phi H, các anh, chị thống nhất như lời trình bày của ông H. Việc ông Bạch Hồng V khởi kiện yêu cầu cha mẹ các anh, chị phải dỡ dọn toàn bộ cây trồng trên thửa 254 và thửa 321 để trả lại đất cho ông V thì các anh, chị không đồng ý.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân xã T do người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Ngọc X trình bày:

Nguồn gốc thửa 321 và thửa 254, tờ bản đồ số 30, xã T là của ông Bạch Hồng V. Theo Chỉ thị 299/TTg ông Bạch Hồng V là người kê khai, đăng ký tại trang 93, số thứ tự 01, diện tích 1.392m2 thuộc thửa đất 84, loại đất T, tờ bản đồ số 12, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Khi thực hiện Nghị định 64/CP thửa đất 84 bị ảnh hưởng kênh mương Thạch Nham tuyến B832.1 nên biến động thành 02 thửa là thửa 254 và thửa 321. Theo Nghị định 64/CP đất do UBND xã T kê khai diện tích 814m2, đất không cân đối cho hộ gia đình cá nhân nào. Hiện nay 02 thửa đất này do UBND xã T quản lý và chưa được cấp GCNQSDĐ cho ai, đất do ông Bạch Phi H đang sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế UBND xã T không trực tiếp quản lý đối với thửa đất 84 (nay là thửa 254 và thửa 321) nên UBND xã T không có tranh chấp và không khiếu nại gì với gia đình ông Bạch Hồng V hay gia đình ông Bạch Phi H. Sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, khi người dân đến đăng ký cấp GCNQSDĐ, UBND xã T sẽ điều chỉnh lại tên người sử dụng đất theo đúng như quyết định của Tòa án.

* Tại Bản án sơ thẩm số 70/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi nhận định: Nguồn gốc thửa đất 254 và thửa đất 321 là của cha, mẹ ông Bạch Hồng V cho ông, ông V là người đi đăng ký kê khai theo Chỉ thị 299/TTg. Năm 1978, ông V đã làm nhà ở trên đất, năm 1990 nhà cửa hư hỏng nên cha của ông V đã dọn nhà để lấy đất sản xuất. Năm 1995, ông V đi dạy ở xa nên giao đất cho cha, mẹ ông quản lý sử dụng, ông Bạch Phi H là cháu gọi ông V bằng chú ruột sống chung với cha, mẹ ông V nên sử dụng hai thửa đất nói trên sản xuất để lo cho ông, bà nội. Ông H cho rằng hai thửa đất này ông đã sử dụng từ năm 1995 đến nay và ông nội ông đã đưa đất vào Hợp tác xã nên ông V không có quyền sử dụng đối với đất, do đó ông H không đồng ý trả lại đất cho ông V. Việc ông H khai là không có cơ sở, mặc dù ông là người đang sử dụng thửa 254 và thửa 321 nhưng qua những lần thực hiện chính sách đất đai ông không đi kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất và ông cũng không có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc đất là của ông. Hai thửa đất này khi thực hiện Nghị định 64/CP vẫn không được cân đối cho hộ gia đình ông, đất hiện nay do UBND xã T quản lý, đất vẫn không vào hợp tác xã và vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân nào.

Ông Bạch Hồng V là người đi kê khai theo Chỉ thị 299/TTg nên ông V có một trong các giấy tờ theo quy định tại Điều 50 Luật đất đai năm 2003 và Điều 100 Luật đất đai 2013 nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bạch Hồng V, buộc ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 phải trả lại hai thửa đất số 254 và thửa đất số 321, tờ bản đồ số 30, xã T là phù hợp theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V.

* Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 16/2020/DS-PT ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nhận định: Mặc dù, ông Bạch Hồng V là người đăng ký, kê khai thửa 84 theo Chỉ thị 299/TTg, nhưng từ năm 1990 đến nay, ông V không trực tiếp quản lý, sử dụng; khi Nhà nước làm kênh mương Thạch Nham có lấy một phần đất của thửa 84, ông V cũng không có ý kiến gì. Tại phiên Tòa, ông V cho rằng khi Nhà nước lấy đất làm kênh mương Thạch Nham, ông không biết. Khi biết, ông có yêu cầu Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Niên hoán đổi đất cho ông thì đại diện Hợp tác xã trả lời ông chuyển hộ khẩu về xã T thì sẽ cấp đất khác cho ông, vì ông đang là giáo viên nên không thể chuyển hộ khẩu về được nên ông không có ý kiến gì khác. Tuy nhiên, tại Biên bản lấy lời khai ngày 09/10/2019, ông V trình bày: Do điều kiện công tác, ông không canh tác được nên ông để cho cha, mẹ canh tác trên đất, còn ông thì vẫn thường xuyên đi về trông coi đất nên việc ông V cho rằng ông không biết việc Nhà nước lấy đất của ông làm kênh mương Thạch Nham là hoàn toàn mâu thuẫn. Mặt khác, không có tài liệu nào thể hiện việc ông V có khiếu nại về việc Nhà nước lấy đất thuộc thửa 84 để làm kênh mương Thạch Nham, được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và ông V cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh có việc ông khiếu nại Nhà nước lấy đất của ông làm kênh mương Thạch Nham mà không được bồi thường hoặc hoán đổi đất khác cho ông.

Đại diện UBND xã T và Hợp tác xã D1 đều xác định là không có giấy tờ sổ sách bàn giao nên không có cơ sở xác định thửa đất 254 và thửa đất 321 có vào Hợp tác xã hay không. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định 64/CP, thửa đất 84 biến động thành 02 thửa là thửa 254 và thửa 32l do UBND xã T đăng ký, quản lý, nhưng thực tế thửa 254 và thửa 321 do anh H quản lý, sử dụng từ năm 1990 cho đến nay. Qúa trình sử dụng, anh H san lấp làm ao nuôi cá đối với thửa 254 và cải tạo để trồng lúa đối với thửa 321, ông V cũng không có ý kiến gì.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật đất đai năm 1987 quy định: Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp người sử dụng đất không sử dụng đất được giao trong 06 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất cho phép. Tại khoản 3 Điều 26 Luật đất đai năm 1993 quy định: Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau: Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất cho phép. Tại phiên Tòa, ông V thừa nhận từ năm 1990 đến nay, ông không quản lý, sử dụng thửa 84, nay là thửa 321 và thửa 254 mà do anh H quản lý, sử dụng, nên được xem ông V đã từ bỏ quyền sử dụng đất của mình.

Trong quá trình quản lý, sử dụng 02 thửa đất số 254 và thửa 321, mặc dù anh H và chị H1 không đăng ký, kê khai nhưng tại phiên Tòa đại diện theo ủy quyền của UBND xã T xác định khi Nhà nước lấy đất làm kênh mương Thạch Nham đi qua thửa 84, tách thửa 84 thành 02 thửa 321 và 254, lúc đó Hợp tác xã cho rằng đất xấu, không canh tác được nên không đưa vào cân đối cho các hộ gia đình nên anh H đã tận dụng cải tạo làm ao nuôi cá và trồng lúa như hiện nay.

Từ những cơ sở trên và áp dụng tinh thần Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông H; sửa Bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V và cần xác định anh H, chị H1 được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng thửa 321 và thửa 254 theo diện tích đo đạc thực tế.

* Theo Báo cáo số 1612/BC- VKS ngày 23/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Ngày 17/9/2020, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 92/QĐ-KNGĐT-VKSDS, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét giám đốc thẩm hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 16/2020/DS-PT ngày 19/6/2020 của TAND tỉnh Quảng Ngãi, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 70/2019/DSST ngày 20/11/2019 của TAND huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

* Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03/2021/DS-GĐT ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, nhận định:

Diện tích đất tranh chấp như trên trong quá trình sử dụng đất, anh H không tiến hành đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất, không xây dựng nhà ở trên đất. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Án lệ số 33/2020/AL ngày 25/02/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết vụ án là không đúng.

Thực hiện Chỉ thị 299/TTg của Chính phủ, ông V đăng ký kê khai thửa đất số 84, tờ bản đồ số 12, xã T là loại đất T (đất thổ cư). Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định số 64/CP của Chính phủ thì ông V không kê khai, đăng ký diện tích đất này và bỏ không quản lý sử dụng đất, do đó UBND xã T đã quản lý toàn bộ diện tích đất này; theo bản đồ đo vẽ theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ thì thửa đất trên được tách thành 02 thửa là thửa đất số 254, diện tích 259m2 là loại đất hoang (H) và thửa đất 321, diện tích 555m2 là loại đất ao (A). Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án hai cấp chưa xác minh, làm rõ hiện nay hai thửa đất trên thuộc loại đất gì. Nếu hai thửa đất trên thuộc đất nông nghiệp thì cần làm rõ ông V có thuộc đối tượng được nhận đất nông nghiệp hay không, từ đó mới có cơ sở làm căn cứ chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V.

Theo lời khai của anh H thì ông nội anh (cha ông V) đã đưa ruộng đất, trâu bò vào Hợp tác xã để làm ăn chung, trong đó có thửa đất số 84, tờ bản đồ số 12. Đến năm 1993, Hợp tác xã N1 làm kênh mương thủy lợi đi qua thửa đất số 84 nên thửa đất này chia làm 02 thửa 254 và 321. Thửa 254 bị múc đất làm kênh mương nên anh san lắp một bên làm ao nuôi cá còn thửa 321 anh đã cải tạo để trồng lúa từ năm 1994 đến nay, ông V có biết nhưng không có ý kiến gì. Do đó, cần xác minh làm rõ lời khai của anh H. Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm chưa làm rõ các vấn đề trên đã quyết định là thiếu sót và chưa đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự.

Từ phân tích trên, Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 16/2020/DS- PT ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện S.

* Theo Công văn số 316/TB-TA ngày 09/5/2022 của TAND tối cao phúc đáp gửi Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc kiến nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 03/2021/DS-GĐT ngày 04/02/2021 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án này, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Bạch T1 và cụ Nguyễn Thị Đ (cha mẹ của ông V) cho ông V sử dụng từ năm 1978. Ông V đã kê khai theo Chỉ thị 299 thuộc thửa đất số 84, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.392m2, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi và đã xây dựng nhà ở trên đất, sau đó ông V đi làm giáo viên ở nơi khác nên để lại nhà cho vợ chồng cụ Bạch T1 quản lý, sử dụng.

Khi thực hiện Nghị định 64/CP thì thửa đất nêu trên bị ảnh hưởng bởi kênh mương Thạch Nham tuyến B832.1 nên biến động thành 02 thửa là thửa số 321, diện tích 555m2 và thửa số 254, diện tích 259m2, cùng tờ bản đồ số 30 và do UBND xã T kê khai quản lý, không cân đối cho hộ gia đình, cá nhân nào. Thời điểm đó (năm 1994) anh H (cháu của ông V) đang trực tiếp quản lý, sử dụng 02 thửa đất trên để làm ao nuôi cá và trồng lúa, chưa đăng ký kê khai và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND xã T khẳng định không tranh chấp hay khiếu nại gì đối với hộ gia đình ông V hay hộ gia đình anh H; sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, UBND xã T sẽ điều chỉnh lại tên người sử dụng theo đúng quyết định của Tòa án.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều chưa xác minh làm rõ đất tranh chấp hiện tại thuộc loại đất gì; khi xảy ra tranh chấp anh H cũng thừa nhận đất của ông V, chỉ đề nghị chia 1/2; lời khai của ông V và anh H còn nhiều mâu thuẫn như anh H cho rằng anh cải tạo đất để trồng lúa từ năm 1994, ông V biết rõ nhưng không có ý kiến gì, song cũng chưa được xác minh làm rõ. Do đó, Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, phúc thẩm để giải quyết lại vụ án là có cơ sở.

* Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 19/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện S , tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Bạch Hồng V.

Buộc ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 phải trả lại cho ông Bạch Hồng V thửa đất số 254, diện tích là 263m2 và thửa đất số 321, diện tích 609m2, thuộc tờ bản đồ số 30 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

(Có sơ đồ thực trạng kèm theo, là một bộ phận không thể tách rời với bản án này).

Ông Bạch Hồng V có nghĩa vụ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2. Giao cho ông Bạch Hồng V được quyền sở hữu toàn bộ cây trồng trên hai thửa đất số 321 và thửa đất số 254, thuộc tờ bản đồ số 30, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

3. Buộc ông Bạch Hồng V phải trả cho ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 giá trị cây trồng trên đất số tiền 1.250.000 đồng (Một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng).

4. Ông Bạch Hồng V phải trả tiền công gìn giữ, tôn tạo đất cho ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 số tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng).

5. Về chi phí tố tụng: Ông Bạch Hồng V tự nguyện chịu chi phí định giá tài sản và chi phí đo đạc trong vụ án số tiền 6.000.000 đồng (Sáu triệu đồng), số tiền này ông V đã nộp tạm ứng, ông V đã nộp đủ chi phí định giá tài sản và chi phí đo đạc.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

* Ngày 30/5/2023, bị đơn là ông Bạch Phi H có đơn kháng cáo với nội dung: Bác đơn khởi kiện của ông Bạch Hồng V; giao toàn bộ hai thửa đất là thửa đất số 254, diện tích 263m2 và thửa đất số 321, diện tích 609m2 cho gia đình ông tiếp tục sử dụng.

* Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bạch Phi H phát biểu ý kiến tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận kháng cáo của ông H, sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; giao thửa 321 và thửa 254 tờ bản đồ số 30, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi cho gia đình ông Bạch Phi H tiếp tục quản lý, sử dụng.

* Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bạch Hồng V phát biểu ý kiến tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông Bạch Phi H, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều chấp hành đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đối với nguyên đơn, bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại các Điều 70, 71, 72, 76 Bộ luật tố tụng dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Bạch Xuân K và đại diện UBND xã T không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại các Điều 70, 73 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét, giải quyết.

Về nội dung: Sau khi phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến công khai tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự hủy bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 19/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung. Do đề nghị hủy bản án nên không đề nghị xem xét đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Ngày 19/5/2023, Tòa án nhân dân huyện Sơn Tịnh tuyên án vụ án nêu trên. Ngày 30/5/2023, bị đơn là ông Bạch Phi H có đơn kháng cáo. Về thời hạn kháng cáo, hình thức và nội dung đơn kháng cáo đúng quy định tại Điều 272, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Vì vậy, đơn kháng cáo của ông Bạch Phi H là hợp lệ, nên được chấp nhận.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Các đương sự đều thừa nhận thửa đất số 254 và thửa 321, tờ bản đồ số 30, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc là của cụ Bạch T1 (chết năm 2004) và cụ Nguyễn Thị Đ (chết năm 2010). Theo lý lịch cán bộ, công chức (bút lục 74) về phần quan hệ gia đình ông V khai ông có 05 anh, chị em ruột là bà Bạch Thị A, bà Bạch Thị X1, ông Bạch Văn B (chết), bà Bạch Thị Đ1 và bà Bạch Thị Thu N. Mặc dù, ông V cho rằng cụ Bạch T1 và cụ Nguyễn Thị Đ đã cho ông thửa 84, ông làm nhà ở từ năm 1978 ông đã đăng ký, kê khai thửa 84 theo Chỉ thị 299/TTg và việc cha mẹ ông cho ông đất được ông Bạch Phi H (con ông Bạch Văn B) là một trong các đồng thừa kế của cụ T1, cụ Đ thừa nhận nhưng theo giấy xác nhận đề ngày 24/7/2020 (bút lục 92) các bà A, Xê, Đ1, N xác nhận thửa 84 có nguồn gốc của cụ T1 và cụ Đ đã cho vợ chồng em trai là ông Bạch Hồng V từ năm 1978, các bà có “ký” vào giấy xác nhận nhưng giấy này không được chứng thực chữ ký tại cơ quan có thẩm quyền và Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ các bà A, X1, Đ1, N ký vào giấy xác nhận có đúng ý chí, nguyện vọng của các bà không? Trong vụ án này, tuy các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ T1 và cụ Đ nhưng việc giải quyết vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế theo pháp luật của cụ T1, cụ Đ. Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ quan hệ nhân thân của cụ T1, cụ Đ; ngoài những người con theo ông V trình bày thì cụ T1, cụ Đ còn những người con riêng, con nuôi nào khác nữa không? Không bổ sung những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1, cụ Đ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm việc đối với những người này để xác định họ có yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa 254 và thửa 321, tờ bản đồ số 30, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T1, cụ Đ.

[2.2] Theo bản án dân sự sơ thẩm số 70/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 (bút lục 176, 184), ông Bạch Phi H yêu cầu ông V phải trả công gìn giữ tôn tạo đất cho ông với số tiền 20.000.000 đồng nhưng khi Tòa án nhân dân cấp cao Đà Nẵng hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2019/DS-ST ngày 20/11/2019 của TAND huyện S và Bản án dân sự phúc thẩm số 16/2020/DS-PT ngày 19/6/2020 của TAND tỉnh Quảng Ngãi chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý phản tố đối với yêu cầu này của ông H là không giải quyết triệt để vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông H.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/5/2023, ông Bạch Phi H yêu cầu ông Bạch Hồng V bồi thường công gìn giữ tôn tạo đất cho vợ chồng ông số tiền 200.000.000 đồng (bút lục 109) yêu cầu này của ông H là sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định: “Tại phiên tòa ông Bạch Hồng V không đồng ý trả cho ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 tiền công sức gìn giữ, tôn tạo đất theo yêu cầu của ông H, bà H1 nên Hội đồng xét xử chỉ có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu của ông Bạch Phi H về việc buộc ông Bạch Hồng V trả tiền công sức gìn giữ, tôn tạo đất cho ông Bạch Phi H và bà Đỗ Thị H1 số tiền 20.000.000 đồng”. Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh làm rõ có hay không việc ông H cải tạo, kêu gọi người khác san lấp thửa 254 và thửa 321, ông H đã bỏ tiền ra để trả công làm cho họ nhưng lại chấp nhận một phần yêu cầu của ông Bạch Phi H buộc ông V phải trả tiền công gìn giữ, tôn tạo đất cho ông H, bà H1 20.000.000 đồng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Căn cứ Điều 5, Điều 200, Điều 202, điểm b khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định vượt quá thẩm quyền nên vi phạm tố tụng.

[2.3] Từ những nhận định và phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những sai sót, vi phạm trên, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do đó, cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Do hủy bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử không xem xét nội dung kháng cáo của ông Bạch Phi H.

[3] Về chi phí tố tụng khác và án phí dân sự sơ thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng khác và án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Bạch Phi H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm cho ông H.

[5] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phù hợp với nhận định trên nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử.

1. Hủy toàn bộ bản án số 18/2023/DS-ST ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về chi phí tố tụng khác và án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Ông Bạch Phi H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho ông H 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0006014 ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

79
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 56/2023/DS-PT

Số hiệu:56/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về