TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 31/2022/DS-PT NGÀY 29/08/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 29 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 15/2022/TLPT-DS ngày 22 tháng 6 năm 2022 về việc Tranh chấp về chia di sản thừa kế:
Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 25/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 27/2022/QĐPT-DS ngày 02 tháng 8 năm 2022 và Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên tòa giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Lương Thị T, sinh năm 1976. Địa chỉ: xóm 5, T Đ, xã K X, huyện K T, tỉnh H D.
2. Bị đơn: Bà Dương Thị L, sinh năm 1967. Địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông Lương Đình C, sinh năm 1955. Địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
3.2. Bà Lương Thị G, sinh năm 1966. Địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lương Thị G. Bà Lê Thị Thu H – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hải Dương.
3.3. Bà Lương Thị Th, sinh năm 1983. Địa chỉ: Tổ 5, k 7, phường V H, thành phố H L, tỉnh Q N.
3.4. Chị Lương Thị L, sinh năm 1987. Địa chỉ: Đội 4, thôn G, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
3.5. Anh Lương Đình T, sinh năm 1990. Địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
Người đại diện theo ủy quyền của bà G, bà L, chị L: Anh Lương Đình T, sinh năm 1990. Địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
4. Người kháng cáo: Anh Lương Đình T là người đại diện theo ủy quyền của bà Lương Thị G (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) trong vụ án.
Tại phiên tòa có mặt. bà T, bà L, anh T, bà G, bà Th, ông C. Vắng mặt chị L (chị L đã ủy quyền cho anh T)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải nguyên đơn bà Lương Thị T trình bầy: Bố bà là cụ Lương Đình Đ, cụ Đ kết hôn với ba bà. Bà cả là cụ Nguyễn Thị V. Cụ Đ và cụ V sinh được 01 người con là ông Lương Đình C. Sau khi sinh ông C được mấy tháng thì cụ V bỏ đi nên cụ Đ tiếp tục kết hôn với cụ Nguyễn Thị Vi. Cụ V2 và cụ Đ sinh được 02 người con gồm ông Lương Đình B (ông B chết năm 2017, vợ ông B là bà Dương Thị L. Bà L ông B sinh được 02 người con là chị Lương Thị L và anh Lương Đình T) và bà Lương Thị G. Cụ V2 chết năm 1971. Sau khi Cụ V2 chết ông B tiếp tục sinh sống cùng cụ Nguyễn Thị H, cụ Đ và cụ H sinh được 02 người con là chị Lương Thị T và chị Lương Thị Th. Cụ H chết năm 1992, cụ Đ chết năm 2009. Các cụ chết đều không để lại di chúc. Thửa đất số 219 tờ bản đồ 11 diện tích 147m2 địa chỉ thôn Đông, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương có nguồn gốc từ các cụ để lại cho cụ Đ và cụ H. Quá trình sử dụng đất: Cụ Đ Cụ V2 khi còn sống thì trực tiếp quản lý thửa đất trên nhưng thửa đất vẫn thuộc quyền quản lý sử dụng của bố mẹ cụ Đ, sau này cụ Đ mới được đứng tên trong các sổ sách tại UBND xã Cổ Dũng. Sau khi Cụ V2 chết thì bố mẹ bà (cụ Đ cụ H) trực tiếp quản lý sử dụng thửa đất cho đến khi chết. Trong thời gian hai cụ sinh sống có xây dựng được 01 ngôi nhà trên đất, do bà G là người tàn tật (câm, điếc) nên ở cùng hai cụ, cụ Đ chết năm 2009 thì vợ chồng ông B đón bà G vào sống cùng tại thửa đất khác. Thửa đất số 219 ông Ghi sử dụng để làm quán cắt tóc và cho con gái là chị Lương Thị L làm xưởng mộc. Đến năm 2021 bà L tự ý phá ngôi nhà cũ của bố mẹ bà để lại và xây dựng nhà mới như hiện nay. Khi xây dựng bà đã can thiệp nhưng bà L cùng các con cố tình xây dẫn đến tranh chấp. Nay bà khởi kiện đến Tòa án yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 219 nêu trên cho các đồng thừa kế, bà có nguyện vọng được hưởng di sản bằng tiền bởi bà đã có chỗ ở khác, hơn nữa công trình xây dựng trên đất do bà L và các con xây dựng, bà cũng muốn các bên ổn định nhằm giữ hòa khí gia đình.
Quan điểm của bị đơn bà Dương Thị L: Bà là vợ ông Lương Đình B, bà và ông B sinh được 02 người con là anh Lương Đình T và chị Lương Thị L. Cụ Lương Đình Đ là bố chồng chị. Mối quan hệ nhân thân của cụ Đ như nguyên đơn trình bầy là chính xác, bà không bổ sung gì thêm. Bà xác định thửa đất số 219 mà nguyên đơn khởi kiện có nguồn gốc từ các cụ để lại cho cụ Đ. Theo hồ sơ 299 cụ Đ được đứng tên chủ sử dụng tại thửa đất số 180 tờ bản đồ 02 diện tích 467m2. Năm 1996 cụ Đ tách đất cho ông C ½ diện tích đất tại thửa 180, một phần đất còn lại do Quốc lộ 5 mở rộng đã lấy vào, tiền hỗ trợ do ông C là người nhận, ngoài ra ông C còn bán một phần đất của cụ Đ. Tất cả việc sử dụng đất trên đều không có sự thống nhất của anh chị em trong gia đình. Thửa đất số 219 cụ Đ trực tiếp sử dụng cho đến khi chết năm 2009. Sau khi cụ Đ chết, các anh chị em trong gia đình đã họp lại và thống nhất giao toàn bộ thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 cho gia đình bà, gia đình bà có trách nhiệm chăm sóc bà G. Việc thỏa thuận không lập thành văn bản, không có xác nhận của chính quyền địa phương nhưng có nhiều người trong dòng họ chứng kiến. Do vậy, thửa đất mà bà T khởi kiện không còn là di sản thừa kế nên bà không đồng ý chia. Hiện trạng thửa đất hiện nay bà và các con đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 trên đất, nguồn tiền để xây dựng là của mẹ con bà, không liên quan đến các đồng thừa kế khác.
Quan điểm của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
+. Anh Lương Đình T, chị Lương Thị L, bà Lương Thị G thống nhất trình bầy: Về quan hệ nhân thân và nguồn gốc thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 như bị đơn bà Dương Thị L trình bầy là chính xác. Bà cùng anh chị không trình bầy gì thêm. Tuy nhiên thửa đất số 219 nêu trên có nguồn gốc từ cụ Đ. Năm 2009 cụ Đ chết, các anh em trong gia đình bà G đã thống nhất giao quyền sử dụng thửa đất cho gia đình bà L, đồng thời gia đình bà L có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bà G. Việc thỏa thuận trên là đúng ý chí của các đồng thừa kế trong gia đình nhưng không được lập thành văn bản. Thực tế gia đình anh T đã quản lý sử dụng từ khi cụ Đ chết đến nay. Khi cụ Đ và cụ H còn sống có tạo dựng được ngôi nhà cấp 4 trên đất, khi cụ Đ chết ông B đã ra ngôi nhà trên làm quán cắt tóc, đến năm 2011 cho chị L ra làm xưởng mộc. Năm 2017 ông B chết, mẹ con anh T tiếp tục quản lý sử dụng, do căn nhà đã xuống cấp nên gia đình đã phá đi và xây dựng ngôi nhà mới vào năm 2020. Chi phí xây dựng do ba mẹ con anh T bỏ ra, không có ai đóng góp thêm. Nay bà T làm đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế thửa đất trên bà G và anh chị không đồng ý bởi thửa đất này đã thuộc quyền quản lý sử dụng của gia đình anh.
+. Chị Lương Thị Th trình bầy: Chị là con đẻ của cụ Đ và cụ H. Bố chị kết hôn với 03 bà và sinh được 05 người con như bà T trình bầy là chính xác, ngoài những người con trên, các cụ không có người con chung, con nuôi nào khác. Bố mẹ bà chết đều không để lại di chúc, di sản của hai cụ để lại là thửa đất số 219 mà hiện nay mẹ con bà L đang quản lý sử dụng. Bà cùng các đồng thừa kế đều thừa nhận, mặc dù ông C là con bà cả, ông B, bà G là con bà hai nhưng tất cả các ông bà đều được cụ H chăm sóc nuôi dưỡng như con đẻ, không phân biệt con bà cả bà hai. Thửa đất trên khi còn sống bố mẹ bà quản lý sử dụng, sau khi bố bà chết thì ông B trực tiếp quản lý sử dụng, gia đình bà chưa bao giờ thống nhất để lại toàn bộ diện tích 147m2 cho mẹ con bà L như bà L và anh T trình bầy. Khi bà L phá nhà cũ của bố mẹ đi để xây dựng ngôi nhà cấp 4 như hiện nay, anh chị em trong gia đình cũng ngăn cản, tuy nhiên bà L vẫn xây dựng, nguồn tiền để xây là của mẹ con bà L, bà không có đóng góp cũng như không có công sức gì đối với thửa đất. Nay bà T làm đơn khởi kiện chia di sản thừa kế đối với thửa đất trên cho các đồng thừa kế, bà hoàn toàn nhất trí, bà được hưởng di sản thì bà có nguyện vọng được hưởng bằng tiền, không có nhu cầu hưởng bằng hiện vật bởi bà đã có chỗ ở ổn định.
+. Ông Lương Đình C trình bầy: Bố ông là cụ Đ sinh sống với mẹ tôi là cụ V và sinh được 01 mình ông. Cụ V chết năm 1992. Cụ V sinh ông được 02 tuổi thì cụ bỏ đi, ông lớn lên do cụ Đ, Cụ V2 và cụ H nuôi dưỡng. Mẹ ông bỏ nhà đi và lấy chồng khác, sinh được 03 người con hiện đang sống ở Kim Thành, Hải Dương. Về quan hệ nhân thân, năm chết của ba cụ ông hoàn toàn nhất trí với phần trình bầy của nguyên đơn, bị đơn. Ngoài 05 người con chung của cụ Đ với ba bà thì bố ông không có người con chung, con riêng với người nào khác. Về nguồn gốc thửa đất mà nguyên đơn khởi kiện, ông xác định đây là đất ông cha, khi cụ Đ sống với cụ V, Cụ V2 thì thửa đất số 219 vẫn thuộc quyền sử dụng của ông bà nội ông, khi ông bà nội ông chết thửa đất mới được đăng ký sử dụng cho bố ông, thời kỳ chuyển tên chủ sử dụng đất thì cụ V đã đi lấy chồng khác, Cụ V2 đã chết nên thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của cụ Đ và cụ H. Khi còn sống hai cụ cùng nhau sinh sống trên thửa đất số 219 này, hai cụ xây dựng được ngôi nhà cấp bốn, cụ H chết cụ Đ vẫn sống ở đó cùng bà G. Bà G là người tàn tật nhưng chỉ bị câm, không bị điếc vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, nhà nước cũng có chính sách đối với bà (bà được hưởng trợ cấp hàng tháng). Cụ Đ chết năm 2009 thì bà G được vợ chồng ông B đón vào nhà trong ở cùng, còn nhà đất của hai cụ do ông B làm quán cắt tóc, đến năm 2011 cho con gái làm xưởng thợ mộc. Năm 2017 ông B chết thì nhà đất để đó, không ai sử dụng. Đến năm 2020 bà L đã tự ý phá toàn bộ nhà cũ của hai cụ để xây dựng nhà mới, khi tiến hành phá nhà các anh chị em trong gia đình đã có ý kiến nhưng bà L cùng các con vẫn kiên quyết làm. Từ đó phát sinh mâu thuẫn, ông xác định toàn bộ công trình xây dựng trên đất hiện nay là của mẹ con bà L, ông không có đóng góp cũng như không có công sức gì với thửa đất. Bà T làm đơn khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật, ông không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định. Ông cũng khẳng định, sau khi cụ Đ chết năm 2009, gia đình chưa lần nào họp bàn thống nhất giao thửa đất trên cho gia đình bà L mà chỉ bàn nhau, khi bà G còn khỏe thì sinh sống cùng gia đình bà L, bà G mà ốm đau thì anh em sẽ có trách nhiệm với bà G, không để gia đình bà L gánh vác. Do vậy, ông đề nghị Tòa án giải quyết làm sao đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Tòa án tiến hành xác minh về quan hệ nhân thân và nguồn gốc thửa đất tranh chấp. Nội dung thể hiện: Cụ Lương Đình Đ kết hôn cùng cụ Nguyễn Thị V, cụ Nguyễn Thị Vi thời gian nào chính quyền địa phương không nắm được vì không còn lưu trữ hồ sơ. Qua theo dõi thì xác định, cụ Đ sống với cụ V sinh được 01 người con là ông Lương Đình C. Cụ Đ sinh sống cùng Cụ V2 sinh được 02 người con là ông Lương Đình B và bà Lương Thị G. Cụ Đ sống cùng cụ H sinh được 02 người con là bà Lương Thị Th và Lương Thị T. Cụ H chết năm 1992, cụ Đ chết năm 2009, ông B chết năm 2017. Về nguồn gốc thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 diện tích 147m2 địa chỉ thôn Đông, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thửa đất trên do ông cha để lại cho cụ Đ. Theo bản đồ địa chính và sổ mục kê năm 1985 thì thửa đất trên được đăng ký tên cụ Đ. Theo hồ sơ năm 1993 thể hiện thửa đất tranh chấp thuộc thửa 180 tờ bản đồ 02 diện tích 467m2 đăng ký chủ sử dụng là cụ Lương Đình Đ. Theo bản đồ đo đạc năm 2008 thì thửa đất 180 được thể hiện tại thửa 219 diện tích 147m2 (diện tích giảm là do cụ Đ chuyển nhượng bà Nguyễn Thị Miền và ông Vũ Bá Ngưng). Toàn bộ diện tích đất tại thửa 219 nêu trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì trước đây thửa đất nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng của QL5, sau này các đồng thừa kế tranh chấp nên chính quyền địa phương chưa thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ Đ là con một không có anh chị em ruột. Việc gia đình mâu thuẫn, tranh chấp chính quyền địa phương đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành, nay bà T đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế, chính quyền địa phương không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tranh chấp, kết quả thể hiện. Thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11, hiện trạng sử dụng hiện nay còn 145,3m2. Trên đất có các công trình xây dựng gồm: nhà xây một tầng gạch chỉ 110, nền láng xi măng, thời gian xây dựng 2020, diện tích 138,7m2. Tài sản gắn liền với nhà 01 mái lợp tôn lạnh, xà gồ thép. Kết quả định giá ngày 06/4/2021 tổng giá trị 145,3m2 là 2.906.000.000đ; tài sản trên đất có giá trị 381.731.000đ. Tổng giá trị nhà đất là 3.287.731.000đ. Kết quả định giá ngày 27/4/2021 (chị Thắm có đơn đề nghị định giá lại tài sản tranh chấp). Giá trị đất 145,3m2 có giá trị 3.341.900.000đ. Tài sản trên đất các đương sự đồng ý với kết quả ngày 06/4/2021, không đề nghị định giá lại tài sản trên đất.
Quá trình giải quyết vụ án, anh Lương Đình T có yêu cầu độc lập. Anh đề nghị Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương giải quyết 02 yêu cầu. Một là: Yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với diện tích 467m2 đất tại thửa đất số 180 của cụ Lương Đình Đ. Hai là: Chia di sản thừa kế là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại thửa đất số 180 của cụ Đ, người nhận tiền bồi thường là ông C. Tòa án đã ban hành Thông báo cho anh T nộp tiền tạm ứng án phí và giao Thông báo cho anh T. Hết thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, anh T không nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định nên Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho anh T.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 25/4/2022, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã áp dụng: Khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147 BLTTDS; Điều 611; 612; 613; 623; 649; 650; 651; 654; 660; 357; 468 Bộ luật dân sự; Điều 14;15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986; Điều 2, Điều 30 Luật Thi hành án dân sự; Điều 166; 167; 179 Luật đất đai; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lương Thị T.
1. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Hà ngày 23/8/1992. Cụ Lương Đình Đ ngày 19/11/2009.
2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ H, cụ Đ gồm: Ông Lương Đình C, ông Lương Đình B (bà L, anh T, chị L là người hưởng di sản của ông B); bà Lương Thị G, bà Lương Thị T, chị Lương Thị Th.
3. Xác định di sản thừa kế của cụ Đ, cụ H: 145,3m2 đất tại thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D có trị giá:
3.341.900.000đ. Chia di sản thừa kế theo pháp luật thành 05 kỷ phần cho các hàng thừa kế gồm: Ông Lương Đình C, ông Lương Đình B (bà L, anh T, chị L là người hưởng di sản của ông B); bà Lương Thị G, bà Lương Thị T, chị Lương Thị Th. Mỗi đồng thừa kế được chia kỷ phần di sản: 145,3m2 : 5 = 29,06m2, trị giá mỗi kỷ phần là 668.380.000đ.
4. Giao cho bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L được quyền quản lý, sử dụng 145,3m2 đất, trị giá 3.341.900.000đ tại thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 địa chỉ Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D.
Xác định 01 nhà một tầng có diện tích 138,7m2 lợp tôn lạnh trên diện tích đất thuộc thửa 219 tờ bản đồ 11 địa chỉ Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D có tổng giá trị 381.731.000đ là tài sản của bà Dương Thị L, anh Lương Đình T. Tiếp tục giao tài sản này cho bà L, anh T được quyền quản lý, sử dụng.
5. Bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L có nghĩa vụ trả cho ông Lương Đình C, bà Lương Thị G, bà Lương Thị T, chị Lương Thị Th mỗi ngươi được hưởng số tiền tương ứng với kỷ phần được hưởng là 668.380.000đ.
6. Ông Lương Đình C, bà Lương Thị G, bà Lương Thị T, chị Lương Thị Th, mỗi người có nghĩa vụ trả cho bà L, anh T, chị L tiền công sức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản là di sản thừa kế: 20.051.400đ.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, quyền yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, anh Lương Đình T là người đại diện theo ủy quyền của bà Lương Thị G kháng cáo. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương sửa bản án dân sự sơ thẩm, theo hướng: Chia di sản cho bà Lương Thị G được hưởng 2/3 giá trị thửa đất, còn lại 1/3 giá trị mới chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế. Về công sức duy trì thửa đất tăng từ 5 – 6% giá trị thửa đất. Nguyên đơn bà Lương Thị T kháng cáo toàn bộ bản án nhưng ngày 17/5/2022 đã xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên quan điểm xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo, không chấp nhận kháng cáo của anh Lương Đình T, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm mà Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã xét xử. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Tòa án chấp nhận để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà G cũng như gia đình anh T.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà G phát biểu quan điểm. Bà nhất trí với yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận nội dung kháng cáo để bà G đỡ phần nào thiệt thòi.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của BLTTDS từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử. Về quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi đại diện Viện kiểm sát phân tích các tình tiết của vụ án, các căn cứ xem xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, ý kiến của các bên đương sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX áp dụng: Điều 289; Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự. Đình chỉ yêu cầu kháng cáo của bà Lương Thị T. Áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 BLTTDS. Không chấp nhận kháng cáo của anh Lương Đình T (người đại diện theo ủy quyền của bà G). Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 25/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Về án phí phúc thẩm. Đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của anh Lương Đình T là người đại diện theo ủy quyền của bà Lương Thị G trong thời gian luật định, bà G là người khuyết tật nên được miễn án phí. Do vậy, kháng cáo của bà G được xác định là hợp lệ, HĐXX sẽ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Bà Lương Thị T, có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án nhưng đến ngày 17/5/2022 đã rút toàn bộ kháng cáo. Xét việc rút kháng cáo của bà T là tự nguyện, không ai ép buộc nên HĐXX phúc thẩm sẽ đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của bà T theo quy định tại Điều 289; Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại phiên tòa vắng mặt chị L nhưng chị L đã có ủy quyền cho anh T tham gia tố tụng tại Tòa. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, HĐXX tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[2] Về nội dung kháng cáo:
[2.1] Đối với nội dung kháng cáo: Anh Lương Đình T xác định, thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 diện tích theo hiện trạng 145,3m2 địa chỉ thôn Đông, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương không phải là di sản thừa kế. Trường hợp là di sản thừa kế thì bà G phải được hưởng 2/3 giá trị di sản, phần còn lại 1/3 giá trị di sản mới được chia đều cho các đồng thừa kế. HĐXX xét thấy: Về nguồn gốc thửa đất số 219. Thửa đất trên có nguồn gốc từ ông cha để lại cho cụ Đối và cụ Thự (hai cụ là bố mẹ đẻ của cụ Đ). Cụ Đối chết năm 2006, cụ Thự chết năm 1986. Hai cụ sinh được 02 người con là cụ Đ và cụ Đọc. Cụ Đọc chết từ bé chưa có vợ có con nên cụ Đ là thừa kế duy nhất của cụ Đối, cụ Thự. Theo hồ sơ 299 thì thửa đất trên được đăng ký chủ sử dụng đất là cụ Lương Đình Đ, mặc dù tài liệu còn lưu trữ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có tài liệu thể hiện việc tặng cho, chuyển nhượng từ bố mẹ cụ Đ cho cụ Đ nhưng đến thời điểm cụ Đ được đăng ký thì bố mẹ còn sống không ai có ý kiến gì, anh em ruột của cụ Đ không có ai. Bản đồ và sổ mục kê qua các thời kỳ vẫn thể hiện thửa đất 219 được đăng ý chủ sử dụng là cụ Đ. Thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trên, HĐXX có đủ cơ sở khẳng định thửa đất 219 nêu trên là tài sản hợp pháp của cụ Lương Đình Đ. Cụ Đ và cụ H cùng sử dụng và tạo lập tài sản trên đất. Trước thời điểm hai cụ chết các đồng thừa kế đều thừa nhận không có việc chuyển nhượng, tặng cho. Khi hai cụ chết đều không để lại di chúc. Căn cứ Điều 612 Bộ luật dân sự, HĐXX xác định thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 là di sản thừa kế của cụ Đ và cụ H nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T về việc đề nghị HĐXX xác định thửa đất không phải là di sản thừa kế. Ngoài ra anh T còn có yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án xác định bà G được hưởng 2/3 giá trị di sản vì bà là người tàn tật, thiệt thòi trong gia đình. Theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự “ Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Như vậy, các con của chung cụ Đ cụ H cũng như con riêng của cụ Đ không thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản nên có quyền bình đẳng với nhau đối với di sản của các cụ để lại. Bà G tuy là người khuyết tật, có thiệt thòi về mặt thể chất nhưng bà G đã được hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với bà. BLDS đã quy định quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân nên bà G là người khuyết tật cũng không có quyền được hưởng phần thừa kế theo pháp luật nhiều hơn các đồng thừa kế khác. Anh T yêu cầu Tòa án chia 2/3 giá trị di sản của cụ Đ cụ H cho bà G với lý do nêu trên là không có cơ sở pháp lý để HĐXX chấp nhận.
[2.2]. Đối với yêu cầu tăng công sức duy trì thửa đất. Tại cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã trích trả 3% giá trị di sản cho ông B, bà L, anh Thi, chị L. Anh Thi kháng cáo đề nghị tăng từ 5% – 6% giá trị di sản. HĐXX xét thấy, năm 2009 cụ Đ chết, vợ chồng ông B đón bà G vào thửa đất khác sinh sống. Thửa đất số 219 ông B sử dụng để làm quán cắt tóc, đến năm 2011 ông cho con gái là chị Lương Thị L ra làm công việc tiện gỗ. Năm 2017 ông B chết thửa đất 219 để trống thỉnh thoảng gia đình anh T qua lại. Như vậy trong khoảng thời gian từ năm 2009 cụ Đ chết đến nay, gia đình bà L quản lý sử dụng di sản là có thật. Tuy nhiên gia đình bà L ông B cũng sử dụng di sản để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình từ việc mở quán cắt tóc cũng như tiện gỗ. Như vậy, gia đình ông B cũng được hưởng lợi nhuận từ di sản thừa kế của cụ Đ. Cấp sơ thẩm đã phân tích và đánh giá công sức để trích trả 3% giá trị di sản cho gia đình ông B bà L là hợp lý. Cấp phúc thẩm không có căn cứ để thay đổi theo yêu cầu kháng cáo của anh T. Tuy nhiên tại phần quyết định của bản án sơ thẩm, cấp sơ thẩm giao di sản bằng hiện vật cho gia đình bà L, yêu cầu bà L và anh T, chị L trả bằng tiền cho các đồng thừa kế khác, đồng thời lại yêu cầu các đồng thừa kế khác trả công sức bằng tiền cho gia đình bà L là chưa phù hợp. Cấp phúc thẩm sẽ sửa lại, trả công sức cho gia đình bà L 3% nhưng trả bằng đất (3% công sức = 4,359m2 đất = 100.257.000đ). Như vậy di sản còn lại để chia cho các đồng thừa kế là: 140,941m2 (145,3m2 – 4,359m2 = 140,941m2) có giá trị: 3.241.643.000đ (140,941m2 x 23.000.000đ/m2 = 3.241.643.000đ). Cụ thể chia cho 05 đồng thừa kế gồm: bà Lương Thị G, ông Lương Đình C; vợ con ông Lương Đình C; chị Lương Thị Th; bà Lương Thị T. Mỗi người được hưởng 648.328.600đ. HĐXX giao toàn bộ di sản thừa kế là 140,941m2 cho bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L được quyền quản lý sử dụng, đồng thời anh T, chị L và bà L có trách nhiệm thanh toán cho ông B, bà G, bà T, chị Thắm, mỗi người 648.328.600đ. Phần án phí công sức giữ gìn, tôn tạo di sản. Cấp sơ thẩm chưa tính án phí cho người được hưởng là gây thiệt hại cho Nhà nước nên cấp phúc thẩm sẽ sửa lại cho đúng quy định tại mục 10 công văn số 89/TANDTC –PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân Tối cao.
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 BLTTDS. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/TLST-DS ngày 25/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
[2.3] Về án phí phúc thẩm: Do HĐXX sửa một phần bản án, đồng thời bà G là người khuyết tật nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
[2.7]. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Không chấp nhận kháng cáo của anh Lương Đình T. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 25/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương về phần án phí.
Căn cứ Điều 611; 612; 613; 623; 649; 650; 651; 654; 660; 357; 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
[1]. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Lương Thị T:
3.1. Xác định công sức của bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L là 4,359m2 đất có giá trị 100.257.000đ.
3.2. Xác định di sản thừa kế của cụ Lương Đình Đ và cụ Nguyễn Thị Hà là 140,941m2 đất ở. Tổng giá trị di sản thừa kế là: 3.241.643.000đ.
3.3. Xác định những người được hưởng di sản thừa kế của cụ Đ, cụ H gồm: Ông Lương Đình C; vợ con của ông Lương Đình B (bà Dương Thị L, chị Lương Thị L, anh Lương Đình T); bà Lương Thị G; bà Lương Thị T; chị Lương Thị Th.
3.3. Chia di sản thừa kế theo hiện vật:
Chia cho bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L được quyền sử dụng diện tích 145,3m2 tại thửa đất số 219 tờ bản đồ số 11 địa chỉ: Đội 6, thôn Đ, xã C D, huyện K T, tỉnh H D có giá trị 3.241.643.000đ được giới hạn bởi các điểm :
F. Trên đất có các công trình gồm: 01 nhà một tầng có lợp tôn lạnh. (Phần công trình trên đất là tài sản của bà Dương Thị L và anh Lương Đình T. Bà L và anh T tự nguyện sáp vào tài sản chung với chị L). (có sơ đồ kèm theo bản án).
Bà Dương Thị L, anh Lương Đình T, chị Lương Thị L có trách nhiệm thanh toán cho ông Lương Đình C, bà Lương Thị G, bà Lương Thị T, chị Lương Thị Th giá trị di sản thừa kế của mỗi người là: 648.328.600đ (sáu trăm bốn mươi tám triệu, ba trăm hai mươi tám nghìn, sáu trăm đồng).
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chưa thi hành thì phải chịu trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự có trách nhiệm đề nghị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[4]. Về án phí sơ thẩm: Bà Lương Thị T phải chịu 29.933.120đ tiền án phí dân sự sơ thẩm nhưng được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 28.500.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0001356 ngày 25/02/2020. Bà T còn phải nộp thêm số tiền còn thiếu là: 1.433.120đ. Ông Lương Đình C, chị Lương Thị Th mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 29.933.120đ. Bà Lương Thị G được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Bà Dương Thị L, anh Lương Đình T và chị Lương Thị Lan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí công sức là 34.945.970đ.
[5]. Về án phí phúc thẩm: Bà Lương Thị G được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
[6]. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không bị HĐXX sửa có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ngày 29 tháng 8 năm 2022.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 31/2022/DS-PT
Số hiệu: | 31/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về