Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm, bồi thường thiệt hại tài sản bị xâm phạm) số 56/2018/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 56/2018/DS-PT NGÀY 13/11/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG (BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM)

Ngày 13 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 39/2018/TLPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm, bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm phạm); Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 05 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 59/2018/QĐPT-DS ngày 29 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Lộc Thanh L. Địa chỉ: Thôn T, xã T1, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Lộc Văn L1. Địa chỉ: Thôn T, xã T1, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lương Thị Hương L2 – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

- Bị đơn: Chị Phù Thị S. Địa chỉ: Thôn C, xã H, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Chu Bích T2 – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Cháu Lộc Văn L3, sinh năm 2003. Địa chỉ: Thôn T, xã T1, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

Người giám hộ cho cháu Lộc Văn L3: Anh Lộc Thanh L. Địa chỉ: Thôn T, xã T1, huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.

- Người kháng cáo: Anh Lộc Thanh L là nguyên đơn và chị Phù Thị S là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo lời trình bày của các bên đương sự và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyên đơn anh Lộc Thanh L có đơn khởi kiện đề ngày 22/5/2018 về việc yêu cầu chị Phù Thị S, sinh năm 1979, trú tại: Thôn C, xã H, huyện V, tỉnh Lạng Sơn phải có trách nhiệm bồi thường về sức khỏe và tài sản cho con trai của anh là cháu Lộc Văn L3, sinh năm 2003. Lý do, hồi 16 giờ 25 phút, ngày 19/9/2017, cháu Lộc Văn L3 đã điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 12V1-006** do anh Lộc Thanh L đứng tên chủ sở hữu; khi đi đến Km6+900, đường tỉnh lộ 230, thuộc thôn Đ1, xã T1, huyện V, tỉnh Lạng Sơn thì bị chị Phù Thị S điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 12V1-079** đi ngược chiều đâm vào, làm cháu Lộc Văn L3 bị thương nặng ở vùng đầu và vùng đầu gối trái, tỷ lệ thương tích là 54%.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lộc Văn L1 – Người đại diện theo ủy quyền của anh Lộc Thanh L đã yêu cầu bị đơn chị Phù Thị S phải bồi thường các khoản như sau:

- Bồi thường thiệt hại sức khỏe có 10 hóa đơn gốc với tổng số tiền là: 22.837.191 đồng.

- Các khoản tiền không có hóa đơn: Tiền thuê xe các lần là 3.860.000đ;

tiền bồi dưỡng cho cháu Lộc Văn L3 và những người phục vụ 7.260.000đ; tiền mua chậu, bỉm, bàn chải… 180.000đ; tiền bồi dưỡng sức khỏe cho cháu Lộc Văn L3 trong thời gian nằm viện là 2.224.000đ; tiền thuê giường nằm cho cháu L3 và thuê trọ cho người phục vụ 1.800.000đ; tiền công của những người phục vụ trong thời gian nằm viện 7.000.000đ. Tổng cộng: 22.324.000 đồng.

- Bồi thường thiệt hại về tài sản đối với chiếc xe mang biển kiểm soát 12V1-006** là: 4.390.000 đồng.

- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 37 tháng lương cơ sở: 51.143.000 đồng. Tổng cộng các khoản trên là: 22.837.191 + 22.324.000 + 4.390.000 + 51.143.000 = 100.694.191 đồng. Ông Lộc Văn L1 yêu cầu chị Phù Thị S có trách nhiệm bồi thường các khoản lấy tròn số là 100.000.000 đồng.

Bị đơn chị Phù Thị S thừa nhận do chị đi xe vào đường ngược chiều nên mới dẫn đến tai nạn giao thông, gây thương tích cho cháu Lộc Văn L3 với tỷ lệ là 54%. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị chỉ chấp nhận về bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cháu Lộc Văn L3 với số tiền là: 15.610.000 đồng và chấp nhận bồi thường đối với chiếc xe mô tô biển kiểm soát 12V1- 006** là 4.390.000 đồng. Tổng cộng là 20.000.000 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 05/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:

Căn cứ khoản 6 Điều 26; Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 357, 584, 585, 586, 589 và Điều 590 của Bộ luật Dân sự; xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Lộc Thanh L và yêu cầu của người đại diện cho nguyên đơn: Buộc chị Phù Thị S phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, bồi thường thiệt hại về tài sản bị hư hại và bù đắp tổn thất tinh thần với tổng số tiền là 80.000.000đ (tám mươi triệu đồng) cụ thể:

- Bồi thường thiệt hại về sức khỏe, bù đắp tổn thất về tinh thần cho cháu Lộc Văn L3 là: 75.610.000đ (bảy mươi lăm triệu sáu trăm mười nghìn đồng).

- Bồi thường thiệt hại về tài sản (chiếc xe mô tô bị hư hỏng) cho anh Lộc Thanh L là: 4.390.000đ (bốn triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về lãi xuất chậm trả, về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 17/9/2018, bị đơn chị Phù Thị S có đơn kháng cáo đề ngày 14/9/2018 yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hai khoản bồi thường gồm: Khoản bồi thường thiệt hại về sức khỏe không có hóa đơn là 22.320.000 đồng và khoản bồi thường về tổn thất tinh thần là 51.143.000 đồng. Bị đơn đề nghị xem xét khoản bồi thường về tổn thất tinh thần xuống mức thấp nhất.

Ngày 19/9/2018, nguyên đơn anh Lộc Thanh L có đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định phần lỗi của cháu Lộc Văn L3 để trừ đi 20% mức bồi thường là không chính xác. Nguyên đơn yêu cầu tăng mức bồi thường lên phù hợp với những thiệt hại thực tế và mức bồi thường như đã yêu cầu là 100.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Người đại diện của nguyên đơn ông Lộc Văn L1 cho rằng việc cháu Lộc Văn L3 điều khiển phương tiện giao thông khi chưa có giấy phép cũng có một phần lỗi, vì vậy mặc dù chi phí thực tế chữa bệnh cho cháu L3 tại Bệnh viện Đ lên đến hơn 150.000.000 đồng nhưng ông chỉ yêu cầu chị Phù Thị S bồi thường 100.000.000 đồng, hiện tại vết mổ của cháu L3 bị lõm, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của cháu, thời gian tới gia đình còn phải đưa cháu đi kiểm tra, xử lý lại vết mổ, gia đình sẽ tự lo chi phí không yêu cầu chị S bồi thường nữa.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn:

Về thủ tục tố tụng: Quá trình thụ lý và giải quyết tại cấp phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm thực hiện theo đúng quy định tại Điều 285, 286, 287, 292 Bộ luật Tố tụng dân sự; nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 70, 71, 72, 73, Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung kháng cáo:

Đối với kháng cáo của chị Phù Thị S: Bản án sơ thẩm buộc chị Phù Thị S phải bồi thường cho cháu Lộc Văn L3 và có căn cứ. Tuy nhiên, việc xác định các khoản bồi thường còn chưa phù hợp, cụ thể như sau:

- Khoản tiền 7.000.000 đồng tiền mất thu nhập của người chăm sóc người bị thiệt hại nằm viện. Tài liệu hồ sơ thể hiện không có bệnh án, giấy ra viện nên không có căn cứ xác định thời gian điều trị của cháu L3 là bao nhiêu ngày để tính số tiền công người phục vụ, chị S cho rằng cháu L3 chỉ điều trị 16 ngày, mỗi ngày 02 người phục vụ, tiền công mỗi người 160.000 đồng/ngày, hết tổng số tiền là 5.120.000 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm xác định 7.000.000 đồng theo nguyên đơn trình bày là không đúng quy định tại điểm a khoản 5 mục I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Tòa án nhân dân tối cao.

- Khoản tiền 7.260.000 đồng bồi dưỡng cho cháu L3 và những người phục vụ: Theo quy định tại tiểu mục 1.1, khoản 1 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Tòa án nhân dân tối cao, cháu L3 là người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi dưỡng, tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tiền bồi dưỡng cho cả người phục vụ trong tổng số tiền 7.260.000 đồng là không đúng quy định. Đồng thời, tiền bồi dưỡng sức khỏe cho cháu L3 đã được tính trong khoản 2.224.000 đồng nên việc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường hai lần đối với khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe là không chính xác.

- Đối với kháng cáo về việc giảm khoản tiền tổn thất tinh thần: Theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 274/2017/TgT ngày 13/11/2017 của Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu L3 là 54%, vị trí thương tích của cháu L3 là vùng đầu gối trái và vùng đầu, phải mổ khớp gối, mổ cấy ghép hộp sọ, có thể gây dư chấn về tinh thần cho cháu trong thời gian dài, do đó bản án xác định chị S phải bồi thường cho cháu L3 số tiền tổn thất tinh thần tương đương với 37 tháng lương tối thiểu là phù hợp, do đó kháng cáo của chị S về nội dung này là không có cơ sở.

Đối với kháng cáo của anh Lộc Thanh L: Cháu Lộc Văn L3 cũng có lỗi là điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định, tuy nhiên đó là lỗi hành chính, không phải lỗi trực tiếp dẫn đến hậu quả làm cháu L3 bị thương phải đi điều trị, tại phiên tòa ông Lộc Văn L1 cho rằng chi phí thực tế chữa bệnh cho cháu L3 tại Bệnh viện Đ lên đến hơn 150.000.000 đồng nhưng tính phần lỗi của cháu Lộc Văn L3 nên ông chỉ yêu cầu chị Phù Thị S bồi thường 100.000.000 đồng, trong thời gian tới gia đình tiếp tục đưa cháu đi kiểm tra, xử lý lại vết mổ, gia đình sẽ tự lo chi phí không yêu cầu chị S bồi thường nữa. Do vậy, có căn cứ chấp nhận kháng cáo của anh Lộc Thanh L.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét bù trừ nghĩa vụ của các bên đảm bảo đúng quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ; căn cứ vào lời khai của các đương sự tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2] Xét kháng cáo của bị đơn chị Phù Thị S đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét đối với hai khoản sau: Khoản bồi thường thiệt hại về sức khỏe không có hóa đơn là 22.320.000 đồng và khoản bồi thường về tổn thất tinh thần là 51.143.000 đồng. Bị đơn cho rằng có một số khoản chi phí bất hợp lý trong khoản tiền không có hóa đơn, chỉ có bảng kê chi phí của gia đình nguyên đơn cung cấp, cụ thể:

[3] Thứ nhất, về khoản chi không có hóa đơn của gia đình anh Lộc Thanh L yêu cầu là 22.320.000 đồng gồm các khoản:

[4]- Tiền thuê xe các lần là 3.860.000 đồng;

[5]- Tiền bồi dưỡng cho cháu Lộc Văn L3 và những người phục vụ 7.260.000 đồng;

[6]- Tiền mua chậu, bỉm, bàn chải…: 180.000 đồng;

[7]- Tiền bồi dưỡng sức khỏe cho cháu Lộc Văn L3 trong thời gian nằm viện là 2.224.000 đồng;

[8]- Tiền thuê giường nằm cho cháu L3 và thuê trọ cho người phục vụ 1.800.000 đồng;

[9]- Tiền công của những người phục vụ trong thời gian nằm viện 7.000.000 đồng.

[10] Trong đó, bị đơn Phù Thị S cho rằng khoản tiền bồi dưỡng cho cháu Lộc Văn L3 và người phục vụ là 7.260.000 đồng là khoản tiền bị tính hai lần vì trong những khoản nguyên đơn liệt kê đã có khoản tiền bồi dưỡng cho cháu Lộc Văn L3 là 2.224.000 đồng và khoản tiền công cho người phục vụ là 7.000.000 đồng. Khoản chi không hợp lý là khoản tiền thuê giường cho cháu Lộc Văn L3 và thuê trọ cho những người phục vụ là 1.800.000 đồng và khoản tiền công cho người phục vụ đã bị kê lên thêm.

[11] Đối với khoản tiền công cho người phục vụ phía nguyên đơn yêu cầu là 7.000.000 mà bị đơn cho rằng bị kê lên thêm. Tài liệu hồ sơ thể hiện không có bệnh án, giấy ra viện nên không có căn cứ xác định thời gian điều trị của cháu L3 là bao nhiêu ngày để tính số tiền công người phục vụ, chị S cho rằng cháu L3 chỉ điều trị 16 ngày, mỗi ngày 02 người phục vụ, tiền công mỗi người 160.000 đồng/ngày, hết tổng số tiền là 5.120.000 đồng. Ông Lộc Văn L1 trình bày: Do thương tích chị Phù Thị S gây ra, cháu Lộc Văn L3 vào viện chữa trị từ ngày 19/9/2017 đến ngày 05/10/2017 (16 ngày) và phải đi ghép xương sọ từ ngày 11/12/2017 đến ngày 16/12/2017. Xét thấy, mặc dù không có bệnh án, giấy ra viện nhưng phía nguyên đơn có hóa đơn gốc thể hiện chi phí khám chữa bệnh của cháu Lộc Văn L3 tại bệnh viện Đ ngày 12/12/2017 và ngày 16/12/2017 nên có căn cứ xem xét tiền công cho người phục vụ trong 06 ngày cháu L3 nằm viện lần thứ hai là: 06 ngày x 160.000 đồng x 02 người = 1.920.000 đồng. Tổng tiền công cho người phục vụ là 5.120.000 + 1.920.000 = 7.040.000 đồng. Người đại diện của nguyên đơn đã làm tròn số tiền này, yêu cầu bồi thường 7.000.000 đồng là hoàn toàn hợp lý.

[12] Đối với khoản tiền bồi dưỡng cho cháu Lộc Văn L3 và người phục vụ là 7.260.000 đồng, theo quy định tại tiểu mục 1.1, khoản 1 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Tòa án nhân dân tối cao, cháu L3 là người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi dưỡng, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tiền bồi dưỡng cho cả người phục vụ là không đúng quy định. Do đó, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của chị Phù Thị S. Tuy nhiên, cần phải xem xét chi phí hợp lý cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho cháu Lộc Văn L3 sau khi ra viện vì sau khi xảy ra tai nạn, cháu Lộc Văn L3 tiếp tục phải đi tái khám và điều trị, phẫu thuật tiếp cho đến ngày tái khám cuối cùng vào ngày 05/4/2018. Như vậy, sau khi ra viện lần thứ hai là ngày 16/12/2017 đến ngày 05/4/2018 là thời gian để cháu Lộc Văn L3 phục hồi sức khỏe, thời gian là 03 tháng 20 ngày, với số tiền bồi dưỡng là 100.000đ/ngày, tổng số tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho cháu Lộc Văn L3 sau khi ra viện là: 100.000đồng/ngày x 110 ngày = 11.000.000 đồng. Nay, nguyên đơn chỉ yêu cầu đối với khoản này là 7.260.000 đồng nên có căn cứ chấp nhận.

[13] Đối với khoản tiền thuê giường cho cháu Lộc Văn L3 và thuê trọ cho những người phục vụ là 1.800.000 đồng. Trong đó tiền thuê giường cho cháu Lộc Văn L3 tại bệnh viện Đ là 450.000 đồng (bút lục số 30), số tiền còn lại 1.350.000 đồng là tiền thuê trọ cho những người phục vụ. Xét thấy, cháu Lộc Văn L3 phải điều trị tại bệnh viện Đ 02 lần, từ ngày 25/9/2017 đến ngày 01/10/2017 và từ ngày 11/12/2017 đến ngày 16/12/2017, tổng số ngày là 13 ngày. Trong thời gian này, cháu L3 phải có người chăm sóc. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: …c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị”. Do đó, khoản tiền thuê trọ cho người phục vụ là 1.350.000 đồng trong 13 ngày là chi phí hợp lý của người chăm sóc trong thời gian cháu Lộc Văn L3 điều trị.

[14] Thứ hai, về khoản tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 51.143.000 đồng, bị đơn cho rằng quá cao nên đề nghị xem xét giảm nhẹ khoản tiền này. Xét thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự quy định “mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự, với tỷ lệ thương tích của cháu Lộc Văn L3 là 54%, án sơ thẩm đã chấp nhận khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần tương đương 37 tháng lương cơ sở là có căn cứ, đúng quy định. Tại Điều 3 Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2018. Như vậy, số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần là: 37 tháng x 1.390.000 đồng = 51.430.000 đồng. Án sơ thẩm chỉ tính 51.143.000 đồng là không đúng. Không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bị đơn.

[15] Xét kháng cáo của nguyên đơn anh Lộc Thanh L đề nghị tăng mức bồi thường lên phù hợp với những thiệt hại thực tế và mức bồi thường như đã yêu cầu là 100.000.000 đồng, thấy rằng: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông ngày 19/9/2017 là do chị Phù Thị S khi tham gia giao thông đã thực hiện không đúng quy tắc chung của Luật giao thông đường bộ, đã điều khiển xe mô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình (không đi đúng làn đường) đâm vào xe mô tô do cháu Lộc Văn L3 điều khiển đi ngược chiều dẫn đến Lộc Văn L3 bị tỷ lệ thương tật là 54%. Hành vi đó đã vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đối với cháu Lộc Văn L3, lúc xảy ra tai nạn, cháu L3 mới đủ 14 tuổi 08 tháng 11 ngày nên có lỗi là điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Án sơ thẩm đã xác định lỗi của chị Phù Thị S là chủ yếu, lỗi của cháu Lộc Văn L3 là thứ yếu; cháu Lộc Văn L3 phải chịu một phần lỗi tương ứng với hành vi của mình, vì vậy chị Phù Thị S chỉ phải chịu 80% tổng số tiền bồi thường 100.000.000 đồng. Điều này là hoàn toàn phù hợp, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn anh Lộc Thanh L và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

[16] Từ những phân tích nhận định trên: Xét thấy cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 05 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

[17] Về án phí phúc thẩm, căn cứ vào điểm d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, miễn toàn bộ án phí dân sự cho các đương sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Lộc Thanh L và bị đơn chị Phù Thị S; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 05 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; cụ thể:

Căn cứ Điều 357, 584, 585, 586, 589 và Điều 590 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ vào điểm d, đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Lộc Thanh L và yêu cầu của người đại diện cho nguyên đơn: Buộc chị Phù Thị S phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, bồi thường thiệt hại về tài sản bị hư hại và bù đắp tổn thất tinh thần với tổng số tiền là 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng) cụ thể:

- Bồi thường thiệt hại về sức khỏe, bù đắp tổn thất về tinh thần cho cháu Lộc Văn L3 là: 75.610.000 đồng (bảy mươi lăm triệu sáu trăm mười nghìn đồng).

- Bồi thường thiệt hại về tài sản (chiếc xe mô tô bị hư hỏng) cho anh Lộc Thanh L là: 4.390.000 đồng (bốn triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu chị Phù Thị S chậm trả tiền thì chị Phù Thị S phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

2. Về án phí phúc thẩm:

Nguyên đơn anh Lộc Thanh L và bị đơn chị Phù Thị S được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (13/11/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3554
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường thiệt hại sức khỏe bị xâm phạm, bồi thường thiệt hại tài sản bị xâm phạm) số 56/2018/DS-PT

Số hiệu:56/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về