Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 129/2022/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 129/2022/HS-PT NGÀY 24/06/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 24 tháng 6 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hoá mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 136/2022/TLPT- HS ngày 05 tháng 5 năm 2022. Do Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2022/HS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo.

* Các bị cáo kháng cáo:

1. Họ và tên: Cầm Bá H, tên gọi khác: Không - Sinh năm1966, tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Thôn B, xã V, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Cán bộ công chức xã; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 12/12. Con ông Cầm Vinh Tùng (SN 1940); Con bà Cầm Thị Tiền (SN 1946); Gia đình có 4 anh em, bị cáo là con đầu; Có vợ: Vi Thị Lư (SN 1965); Có 03 con (Con lớn sinh năm 1984, con nhỏ sinh năm 1990). Tiền án; Tiền sự: Không. Là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. (QĐ Đình chỉ sinh hoạt Đảng số 402-QĐ/HU ngày 21/6/2021).

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 15/6/2021 đến ngày 02/8/2021 được thay đổi biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”, hiện tại ngoại tại địa phương (Có mặt).

2. Họ và tên: Cầm Bá Th, tên gọi khác: Không - Sinh năm 1970, tại xã Xuân C, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Thôn H, xã X, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Công an viên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 07/10; Con ông Cầm Bá Đắm và bà Cầm Thị Xem (Đều đã chết); Gia đình có 6 anh chị em, bị cáo là con thứ 6; Vợ: Vi Thị Thủy (SN 1969); Có 02 con (Con lớn sinh năm 1987, con nhỏ sinh năm 1993); Tiền án: Không.

Tiền sự: Ngày 25/02/2020, bị Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC số tiền 5.000.000đ về hành vi “Phá rừng trái pháp luật”. Đã chấp hành quyết định xử phạt vào ngày 10/6/2021. Bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/6/2021 đến ngày 02/8/2021 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Hiện tại ngoại tại địa phương (Có mặt).

3. Họ và tên: Cầm Bá H1, tên gọi khác: Không - Sinh năm 1971, tại xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Thôn B, xã V, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi ở hiện nay: Thôn Tú Ạc, xã Xuân C, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 5/12; Con ông Cầm Vinh Tùng (SN 1940); Con bà Cầm Thị Tiền (SN 1946); Gia đình có 4 anh em, bị cáo là con thứ 3; Có vợ: Cầm Thị Bốn (SN 1972); Có 02 con (Con lớn sinh năm 1991, con nhỏ sinh năm 1993); Tiền án: Không.

Tiền sự: Ngày 30/9/2020, bị Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 63/QĐ-XPVPHC số tiền 6.000.000đ về hành vi “Tàng trữ lâm sản trái pháp luật”. Đã chấp hành quyết định xử phạt vào ngày 10/6/2021. Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/6/2021 đến ngày 16/7/2021 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Hiện tại ngoại tại địa phương (Có mặt).

4. Họ và tên: Vi Văn T, tên gọi khác: Không - Sinh năm 1978, tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 4/12; Con ông Vi Văn Thè (đã chết); Con bà Hà Thị Minh (SN 1947); Gia đình có 6 anh em, bị cáo là con thứ 4; Có vợ: Lang Thị Tuyến (SN 1985); có 03 con (Con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2010); Tiền án; Tiền sự: Không.

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/6/2021 đến ngày 09/7/2021 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Hiện tại ngoại tại địa phương (Có mặt).

5. Họ và tên: Vi Văn C, tên gọi khác: Không - Sinh năm 1983, tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nơi cư trú: Thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 9/12; Con ông Vi Văn Chính (SN 1952); Con bà Hoàng Thị Chuyên (SN 1953); Gia đình có 07 anh em, bị cáo là con đầu; Có vợ: Lang Thị Yến (SN 1990); có 04 con (Con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2019). Tiền án; Tiền sự: Không.

Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 05/6/2021 đến ngày 09/7/2021 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Hiện tại ngoại tại địa phương (Có mặt).

* Những người bào chữa cho các bị cáo Cầm Bá Th, Cầm Bá H1, Vi Văn T và Vi Văn C (Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo không yêu cầu).

* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Không kháng cáo):

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong tháng 8/2019, Cầm Bá H cùng Trịnh Văn T1, Lê Xuân H2 và Đỗ Văn B góp tiền mua chung hai mảnh đất rừng sản xuất hiện trạng là rừng tự nhiên tại khoảnh 4, tiểu khu 555 thuộc thôn Tú Ạc, xã Xuân C, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa của anh Nguyễn Văn Dũng, trú tại khu 4, thị trấn Thường Xuân với giá 290.000.000đ, nhằm mục đích xin khai thác đất trên diện tích rừng đã mua. Do chưa được giấy phép khai thác, Cầm Bá H có ý định phát quang trồng cây khác giá trị kinh tế cao, nên tự ý nhờ Cầm Bá Th và Cầm Bá H1 (em trai H), tìm thuê người cắt cây rừng. Mặc dù biết rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được phép khai thác nhưng sau khi nghe H nhờ tìm người thuê người cắt cây với giá 15.000.000đ thì Th và H1 đồng ý, H đã nhờ Cầm Bá Hùng (cháu ruột H) chở xe mô tô đi chỉ địa điểm, vị trí cắt gỗ cho Cầm Bá Th và đồng thời vay tiền của Lê Xuân H2 đưa trước cho Th 10.000.000đ. Th nhận tiền đưa cho Cầm Bá H1 số tiền 8.000.000đ, còn Th giữ 2.000.000đ để thuê người cắt gỗ cho H. H1 đã thuê Vi Văn T và Vi Văn C đều ở thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với công cắt 500.000đ/01 buổi, chi phí xăng dầu, xích cưa H1 trả, T và C đồng ý. Khoảng 3 ngày sau, H1 gọi điện hướng dẫn đường cho T và C đến cắt gỗ cho Cầm Bá H nhưng do không bố trí được người canh gác nên H1 đưa cho T 400.000đ, đồng thời nói với C và T đi về khi nào bố trí cắt được sẽ gọi sau.

Ngày 26/12/2020, Cầm Bá H1 gọi điện cho Vi Văn T hẹn 14 giờ ngày mai đi cắt cây và tìm thêm người đi cùng, T đồng ý, sau đó H1 gọi điện cho H thông báo về việc ngày mai sẽ tiến hành khai thác gỗ trong rừng, H nói: “ừ, xem phù hợp thì làm”. H gọi điện cho Cầm Bá Th nói Th thuê người cắt cây rừng, Th đồng ý và đi đến nhà Cầm Bá Thưởng, Vi Văn Dần cùng trú tại thôn Hành, xã Xuân C, huyện Thường Xuân để thuê Thưởng và Dần đi khai thác cây tại khu rừng tự nhiên của H với giá 400.000đ/người/ ngày, Thưởng, Dần đồng ý.

Khong 14 giờ ngày 27/12/2020, Vi Văn T, Vi Văn C đi xe mô tô đem theo cưa xăng đến gặp Cầm Bá H1 đang chờ ở rừng. H1 gọi điện thoại cho Cầm Bá H thông báo về việc những người cắt cây đã đến, H nói “cứ từ từ xem hợp lý mà làm”. Sau đó H gọi điện thoại nhờ Th tìm người vào rừng cắt cây và canh gác cho mọi người làm, Th đồng và đến nhà gọi Cầm Bá Thưởng, Thưởng nhận lời và gọi điện cho Vi Văn Dần nói đi cắt cây, cứ đi theo đường 45- 48 vào khu vực cắt cây, khi đến nơi sẽ có người đón. Thưởng và Dần đi xe mô tô mang theo cưa xăng vào khu vực cắt cây còn Th ở ngoài đường canh gác.

Khong 15 giờ 30 phút ngày 27/12/2020, Cầm Bá H1 hướng dẫn cho Vi Văn T, Vi Văn C và chỉ vị trí khu vực khai thác gỗ tại các lô 18, 24, 32, 37, 40, 52 khoảnh 4 tiều khu 555, ở phía bên trái khu rừng từ trên xuống được phân định bằng lối mòn và cách thức khai thác cây gỗ chọn cây to để cắt, không cần cắt khúc và dọn dẹp. Quá trình T và C cắt cây, H1 đi theo giám sát và chỉ cây cho T, C cắt. Khoảng 30 phút sau, Thưởng và Dần đi đến khu vực đang khai thác rừng, nghe thấy tiếng cưa xăng nên cả hai đi theo tiếng cưa xăng lên rừng, vừa đi vừa “hú, hú, hú”. H1 đứng trên rừng nghe thấy tiếng “hú” nên cũng “hú” trả lời. Thưởng và Dần đi theo tiếng “hú” thì gặp H1, biết được Thưởng và Dần là hai người do Th thuê đến để cắt cây, nên H1 đưa xăng để Thưởng và Dần đổ vào máy cưa, chỉ vị trí cho Thưởng, Dần cắt phía bên tay phải theo hướng từ trên xuống, được phân cách với khu vực T và C đang cắt bằng lối mòn, cũng cắt những cây to, không cần cắt cành, cắt đến dưới đường thì dừng. Trong quá trình cắt cây, Thưởng, Dần không trao đổi bàn bạc gì với T và C, không biết T, C là ai, đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Thưởng, Dần cắt được 45 cây thì trời tối, nên đi xuống đường nghỉ, H1 bảo Thưởng, Dần về trước. Khoảng 15 phút sau, sau khi đã cắt được 107 cây, T và C cũng đi xuống đường ngồi nghỉ ngơi, uống nước. Tại đây, H1 đưa cho T số tiền 1.600.000đ và nói: “Ta làm ở đây không được nói với ai”, T cầm tiền rồi cùng C đi về, trên đường về T đưa cho C 400.000đ. Cầm Bá Th đến nhà Cầm Bá Thưởng đưa cho Thưởng, Dần mỗi người 400.000đ.

Tại Bản kết luận giám định số 55/CNR-VP ngày 29/01/2021 của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam kết luận: Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo thô đại và hiển vi các mẫu giám định có số đăng ký từ 14731 đến 14734, kiểm tra so sánh với mẫu tham chiếu, tài liệu và kết luận: Mẫu M1, số đăng ký 14731, tên Việt Nam Bông gạc, tên khoa học: Vernonia arborea Ham, nhóm gỗ VIII; Mẫu M2, số đăng ký 14732, tên Việt Nam: Trín, tên khoa học: Anneslea sp, nhóm gỗ VI; Mẫu 3, số đăng ký 14733, tên Việt nam: Mèn Văn, tên khoa học: Buchanania latifolia Roxb, nhóm gỗ VII; Mẫu M4, số đăng ký 14734, tên Việt Nam: Vạng (Vạng trứng), tên khoa học: Endospermum chinese Benth, nhóm gỗ 7. Loài gỗ Bông gạc, Vạng, Trín, Mèn Văn “không có tên trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tin bảo vệ”, “danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” theo quy định.

Tại Kết luận giám định số 01/KLGĐ ngày 02/02/2021 của Tổ giám định tư pháp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kết luận: Tại hiện trường đoàn kiểm tra đã tiến hành đo chu vi và chiều dài cây gỗ; kết quả tổng số lượng 152 cây gỗ SP, nhóm VII, khối lượng gỗ bị thiệt hại là 26,853m3 Tại Kết luận giám định số 02/KLGĐ ngày 10/5/2021 của Tổ giám định tư pháp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kết luận: Diện tích tại thời điểm trước khi bị chặt phá, khai thác là rừng tự nhiên; quy hoạch là rừng sản xuất; trạng thái là “rừng hỗn giao gỗ và tre nứa”. Toàn bộ 152 cây gỗ bị chặt hạ nằm trong phạm vi diện tích là 13.400m2. Thiệt hại 152 cây gỗ SP, nhóm VII, khối lượng gỗ là 26.853m3. Tại thời điểm kiểm tra, giám định hiện trường (ngày 05/5/2021) khu vực trên đang đủ tiêu chí rừng, nên đang còn chức năng của rừng.

Tại Kết luận định giá tài sản số 14/KL-HĐĐGTS ngày 11/6/2021 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Thường Xuân kết luận: Giá trị của 26,853m3 gỗ nhóm VII là 30.880.950đ.

Tại Kết luận bổ sung giám định số 03/KLGĐ ngày 30/6/2021 của Tổ giám định tư pháp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa kết luận: Trích bảng kê lâm sản đối với 45 cây do Cầm Bá Thưởng, Vi Văn Dần trực tiếp khai thác, tổng khối lượng lâm sản 8,797m3. Trích bảng kê lâm sản đối với 107 cây do Vi Văn T, Vi Văn C trực tiếp khai thác, tổng khối lượng lâm sản 18,056m3.

Tại Công văn số 01/CV-HDĐG của Hội đồng định giá tài sản huyện Thường Xuân về việc phối hợp giải quyết vụ án và yêu cầu định giá số 15/CSĐT ngày 08/6/2021 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Thường Xuân kết luận: Giá trị lâm sản do nhóm đối tượng Cầm Bá Thưởng, Vi Văn Dần cắt hạ 45 cây có khối lượng 8,797m3, loại gỗ SP, nhóm VII có giá trị 10.116.550đ. Giá trị lâm sản do nhóm đối tượng Vi Văn T, Vi Văn C cắt hạ 107 cây có khối lượng 18,056m3, loại gỗ SP, nhóm VII có giá trị là 20.764.400đ.

Đi với Lê Xuân H2 là người cho vay tiền đồng thời cùng với Trịnh Văn T, Đỗ Văn B là những người góp tiền mua chung đất rừng với Cầm Bá H, tuy nhiên H2, T, B không được tham gia trao đổi, bàn bạc, không biết gì về việc H thuê Cầm Bá Th tìm người khai thác cây trên rừng và đối với Cầm Bá Hùng đã chở H vào khu rừng để H chỉ vị trí cần khai thác cây cho Th, tuy nhiên Hùng cũng không biết việc H thuê Th tìm người cắt cây trong rừng, do vậy Cơ quan Điều tra không xử lý các đối tượng này là phù hợp.

Đi với Cầm Bá Thưởng và Vi Văn Dần có hành vi khai thác lâm sản trái phép tại khu rừng thuộc khoảnh 4, tiểu khu 555 thuộc thôn Tú Ạc, xã Xuân C, huyện Thường Xuân. Dần và Thưởng khai thác 45 cây tổng khối lượng gỗ 8,797m3, loại gỗ SP, nhóm VII, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan Điều tra chuyển cho hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân xử lý, đã ra Quyết định xử lý phạm hành chính đối với Cầm Bá Thưởng và Vi Văn Dần theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Trịnh Văn T, Đỗ Văn B không có yêu cầu đề nghị bồi thường thiệt hại đối với khu rừng đã mua chung với Cầm Bá H. Riêng Lê Xuân H2 đề nghị bồi thường 20.000.000đ, ngày 25/9/2021 H đã tự nguyện bồi thường cho anh H2 số tiền 20.000.000đ. Anh H2 nhận đủ tiền và không có yêu cầu bồi thường gì thêm.

Trong quá trình giải quyết vụ án: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Cầm Thị Bốn (vợ của bị cáo Cầm Bá H1), chị Lang Thị Tuyến (vợ của bị cáo Vi Văn T), chị Lang Thị Yến (vợ của bị cáo Vi Văn C) có đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị xin xe máy là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để chị lấy phương tiện đi lại sinh hoạt. Đối với Cầm Bá Toàn có đơn xin lại chiếc xe mô tô Canary, màu đen xám biển kiểm soát 30H3-1614, là xe của Cầm Bá Toàn mua và sử dụng.

* Vật chứng còn lại của vụ án gồm: 01 (Một) điện thoại di động nhãn hiệu Masstel màu đen đã cũ, số IMEI 1: 352377072168343, số IMEI 2:

352377072168350, lắp sim Viettel số 0377.383.098 của Vi Văn T; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 105, màu xanh đen, đã qua sử dụng, lắp sim mạng Viettl, số 0387.739.093 của Cầm Bá H1; 01 điện thoại di động, loại màn hình cảm ứng, nhãn hiệu OPO F11 màu đen, đã qua sử dụng, lắp 02 sim gồm: Sim 1 số: 0328.845.930 (mang Viettel), sim 2 số: 0816.783.567 (mạng vinaphone) của Cầm Bá H; 01 điện thoại di động nhãn hiệu SAMSUNG Galaxy J4+, màu đen, điện thoại cũ đã qua sử dụng; điện thoại lắp 02 sim: Sim 1: 0855.477.533; sim 2 số: 0822.383.774 cả 2 sim đều mạng Vinaphonne) của Cầm Bá Th. 01 (Một) xe mô tô nhãn hiệu Honda Wavealpha, màu đỏ đen bạc biển kiểm soát 36X1-9324, đã qua sử dụng của Vi Văn T; 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave RSX màu đỏ đen, biển kiểm soát 36M1-062.32 đã qua sử dụng của Cầm Bá H1; 01 xe mô tô nhãn hiệu PROUD, màu đỏ đen biển kiểm soát 36M1-3503 đã qua sử dụng của Vi Văn C; 01 xe mô tô nhãn hiệu Canary, màu đen xám biển kiểm soát 30H3- 1614, đã qua sử dụng của Cầm Bá Th. 01 (Một) thân cưa xăng; 01 (Một) lam xích; 01 (Một) máy cưa; số tiền 10.000.000đồng; 471 khúc gỗ tròn SP, nhóm VII, khối lượng 26,853m3 là vật chứng có liên quan đến vụ án, tiếp tục thu giữ để xử lý.

Bản án sơ thẩm số 08/2022/HS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên các bị cáo Cầm Bá H, Cầm Bá Th và Cầm Bá H1 phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự; Vi Văn C và Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự (BLHS). Căn cứ điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 232; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38, xử phạt: Cầm Bá H 39 (Ba chín) tháng tù. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17, Điều 58 BLHS xử phạt Cầm Bá Th và Cầm Bá H1 mỗi bị cáo 33 (Ba ba) tháng tù. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 17, Điều 58 BLHS, xử phạt Vi Văn T và Vi Văn C mỗi bị cáo 06 (sáu) tháng tù và trừ thời gian tạm giữ, tạm giam cho các bị cáo. Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về hình phạt bổ sung đối với các bị cáo; xử lý vật chứng, nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong hạn luật định, các bị Cầm Bá H, Cầm Bá Th, Cầm Bá H1; Vi Văn C và Vi Văn T đều có đơn kháng cáo với cùng nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng với nội dung của bản án sơ thẩm đã tuyên.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa sau khi phân tích tính chất vụ án, nhân thân, hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) chấp nhận kháng cáo của bị cáo Cầm Bá H; Vi Văn C và Vi Văn T, giảm hình phạt cho bị cáo H từ 03 (Ba) tháng đến 04 (Bốn) tháng tù và cho hưởng án treo. Giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo T, bị cáo C và cho các bị cáo được hưởng án treo. Ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo. Đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 của BLTTHS chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Cầm Bá Th và Cầm Bá H1, giảm hình phạt cho mỗi bị cáo từ 07 (Bảy) tháng đến 09 (Chín) tháng tù.

Các bị cáo không có ý kiến bổ sung và không ai có ý kiến tranh luận với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Lời nói sau cùng, các bị cáo nhận thức được lỗi lầm, hứa không vi phạm pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1] Xét về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các bị cáo trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 333 BLTTHS, nên đơn kháng cáo được coi là hợp pháp. Do vậy, HĐXX chấp nhận đơn của các bị cáo để xem xét nội dung kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đều thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cụ thể:

Ngày 27/12/2020, do chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác, Cầm Bá H, Cầm Bá Th, Cầm Bá H1 đã cùng nhau tham gia, thuê và bố trí người canh gác để Vi Văn C, Vi Văn T, Cầm Bá Thưởng và Vi Văn Dần khai thác trái phép 26,853m3 gỗ SP, nhóm VII, loài thực vật thông thường. Tổng giá trị là 30.880.950đ (Ba mươi triệu, tám trăm, tám mươi nghìn, chín trăm năm mươi đồng) trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các lô 18, 24, 32, 37, 40 và 52 khoảnh 4, tiểu khu 555 thuộc thôn Tú Ạc, xã Xuân C, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nằm trong khu vực rừng Cầm Bá H đã mua chung với Lê Xuân H2, Trịnh Văn T1 và Đỗ Văn B. Trong đó, Vi Văn T và Vi Văn C trực tiếp chặt hạ trái phép 18.056m3 SP, nhóm VII có giá trị là 20.764.400đ (Hai mươi triệu, bảy trăm sáu tư nghìn, bốn trăm đồng); Cầm Bá Thưởng và Vi Văn Dần trực tiếp chặt hạ trái phép 8,797m3, loại gỗ SP, nhóm VII, có giá trị lá 10.116.550đ (Mười triệu, một trăm mười sáu nghìn, năm trăm năm mươi đồng). Hành vi của Vi Văn Thưởng, Vi Văn Dần, Cơ quan Điều tra đã chuyển Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân để ra quyết định xử phạt hành chính là phù hợp.

[3]. Tính chất vụ án đối với hành vi của các bị cáo: Hành vi phạm tội của các bị cáo Vi Văn T, Vi Văn C có tính chất ít nghiêm trọng; Cầm Bá H, Cầm Bá Th, Cầm Bá H1 có tính chất nghiêm trọng. Các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội là bột phát, không có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ nên chỉ ở dạng đồng phạm giản đơn. Lời thừa nhận về hành vi phạm tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cấp sơ thẩm và phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được kiểm tra tại phiên tòa nên hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Ðiều 232 BLHS. Các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu chung về hậu quả do mình gây ra.

Nhận thấy hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, ảnh hưởng đến công tác trồng và bảo vệ rừng tại địa phương. Để đảm bảo trật tự xã hội, có tác dụng giáo dục riêng đối với các bị cáo và phòng ngừa tội phạm thì việc truy tố, đưa ra xét xử và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là cần thiết, cũng là bài học để răn đen và phòng ngừa chung. Cấp sơ thẩm đã xác định tội danh và khung hình phạt cho các bị cáo là có cơ sở pháp luật.

[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của các bị cáo:

[4.1] Nhận thấy, khi lượng hình cấp sơ thẩm có xem xét, đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo Vi Văn T và Vi Văn C phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo Cầm Bá H có giấy xác nhận về việc đã cung cấp thông tin đến Công an huyện Ngọc Lặc, giúp Cơ quan Điều tra Công an huyện Ngọc Lặc phát hiện tội phạm, nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại t khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo H và bị cáo Th đầu thú. Bị cáo H tự nguyện khắc phục hậu quả cho anh Lê Xuân H2 số tiền 20.000.000đ và bản thân có thời gian tham gia quân ngũ được Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng Kỷ niệm chương, được UBND huyện Thường Xuân, UBND xã Vạn Xuân tặng nhiều giấy khen, đồng thời UBND xã Vạn Xuân có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bản thân bị cáo cũng đã tích cực tham gia ủng hộ quỹ phòng chống Covit 19 (1.000.000đ). Hơn nữa, bị cáo Cầm Bá H và Cầm Bá H1 là hai anh em ruột, có bố đẻ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Những tình tiết giảm nhẹ nói trên cấp sơ thẩm áp dụng là phù hợp với quy định của pháp luật. Các bị cáo đều không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4.2] Tại cấp phúc thẩm HĐXX nhận thấy: Mặc dù diện tích rừng các bị cáo khai thác hiện trạng là rừng tự nhiên Cầm Bá H cùng Trịnh Văn T1, Lê Xuân H2 và Đỗ Văn B đã góp tiền mua lại. Tuy nhiên loài gỗ bị khai thác gồm các loại Bông gạc, Vạng, Trín, Mèn Văn đều không có tên trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tin bảo vệ” hay “Danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” theo quy định. Hơn nữa số lượng gỗ đã khai thác là 26,853m3, thuộc nhóm VII chỉ có giá là 30.880.950đ (Ba mươi triệu, tám trăm, tám mươi nghìn, chín trăm năm mươi đồng). Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, đa phần nhận thức pháp luật rất hạn chế, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Bị cáo Vi Văn T và Vi Văn C đều là gia đình hộ nghèo, có nhân thân tốt, chưa vi phạm pháp luật lần nào, phạm tội lần này là lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bản thân các bị cáo này chỉ là người làm thuê lấy tiền để nuôi sống gia đình (được trả công 1.600.000đ), vi phạm pháp luật do các bị cáo khác thuê, mướn, không biết hành vi của mình là hành vi giúp sức và vi phạm pháp luật.

Đi với bị cáo Cầm Bá H và Cầm Bá H1 sau khi biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật đã ra đầu thú, là hai anh em ruột trong gia đình có 4 anh em, chị gái, em gái đã đi lấy chồng xa, bố, mẹ đẻ đã già yếu và là người có công với cách mạng, bố bị cáo hiện đang bị tai biến nằm liệt tại nhà gần 4 năm nay, các bị cáo đều là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bị cáo Cầm Bá H, trước khi phạm tội là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vạn Xuân và bị cáo Cầm Bá Th là Công an viên của xã Xuân C, huyện Thường Xuân, trong qua trình công tác cả hai bị cáo đều có rất nhiều thành tích đóng góp cho địa phương, bị cáo H được UBND xã Vạn Xuân và bị cáo Th được UBND xã Xuân C cũng như UBND huyện Thường Xuân nơi các bị cáo sinh sống, làm việc tặng thưởng giấy khen trong nhiều năm liên tục (Tại cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết này cho bị cáo Cầm Bá Th).

Ti cấp phúc thẩm, tất cả các bị cáo đều có đơn xin cải tạo tại địa phương, được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận điều kiện hoàn cảnh gia đình và đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương. Bị cáo Cầm Bá H đã tự nguyện nộp toàn bộ tiền phạt bổ sung và tiền án phí tại Biên lai thu tiền số AA/2021/0007557 và Biên lai thu tiền số AA/2021/0007558 ngày 20/6/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thường Xuân. Bị cáo Cầm Bá Th đã tự nguyện nộp toàn bộ tiền án phí tại Biên lai thu tiền số AA/2021/0007559 và bị cáo Cầm Bá H1 đã tự nguyện nộp toàn bộ tiền án phí tại Biên lai thu tiền số AA/2021/0007560 ngày 20/6/2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thường Xuân theo quyết định của bản án sơ thẩm khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật, điều đó thể hiện sự ăn năn hối cải, hối hận với việc làm của mình. Do đó HĐXX cần xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS cho các bị cáo.

[4.3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới tại cấp phúc thẩm cũng như nhân thân, điều kiện hoàn cảnh gia đình, động cơ, mục đích, hành vi phạm tội của các bị cáo. HĐXX xét thấy: Đối với bị cáo Cầm Bá Th và Cầm Bá H1 mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, xong các bị cáo đều đang có tiền sự, năm 2020 đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi “Phá rừng trái pháp luật” (Đối với bị cáo Th) và hành vi “Tàng trữ lâm sản trái pháp luật” (Đối với bị cáo H1) vậy nên cần tiếp tục cách ly các bị cáo này khỏi đời sống cộng đồng xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục các bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội và để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm chung. Tuy nhiên cần chấp nhận một phần kháng cáo, xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của Nhà nước mà yên tâm cải tạo sớm trở về với gia đình và xã hội.

Trong vụ án, Cầm Bá H mặc dù là người giữ vai trò chính nhưng nhận thấy bản thân là lao động chính trong gia đình, có rất nhiều thành tích đóng góp cho địa phương trong quá trình học tập, lao động và công tác, nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất thời phạm tội. Bị cáo Vi Văn C và Vi Văn T phạm tội do không hiểu biết pháp luật, đều lần đầu phạm tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức không đáng kể trong vụ án. Các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, hành vi của các bị cáo chưa gây thiệt hại lớn về vật chất, có khả năng tự cải tạo ngoài xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục và răn đe nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần giao các bị cáo này cho chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú và gia đình có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, giáo dục cũng đủ điều kiện để các bị cáo học tập trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời vẫn đảm bảo được tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Do đó cần áp dụng Điều 65 của BLHS, để xem xét chuyển hình phạt, cho được hưởng án treo để các bị cáo thấy được tính nhân đạo của Nhà nước và sự khoan hồng của pháp luật, đồng thời cũng nhằm giáo dục, giúp đỡ các bị cáo nhận thức, sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh bản thân mà trở thành người công dân có ích cho xã hội. Giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục là phù hợp.

[4.4] Từ phân tích và nhận định nêu trên, HĐXX nhận thấy, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Cầm Bá Th, Cầm Bá H1 và kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Cầm Bá H, Vi Văn C và Vi Văn T là có cơ sở chấp nhận. Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là đề nghị HĐXX áp dụng Điều 357 của BLTTHS, chấp nhận kháng cáo của bị cáo H, T, C và một phần kháng cáo của bị cáo H1, Th, sửa phần hình phạt của Bản án sơ thẩm là có căn cứ chấp nhận.

[5] Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị HĐXX không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chấp nhận phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Cầm Bá Th và Cầm Bá H1.

Căn cứ: Điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của các bị cáo Cầm Bá H, Vi Văn C và Vi Văn T. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2022/HS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa về phần hình phạt.

Tuyên bố: Các bị cáo Cầm Bá H, Cầm Bá Th, Cầm Bá H1, Vi Văn C và Vi Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dung: Điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 232; Điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 58 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

1. Xử phạt: Bị cáo Cầm Bá H 36 (Ba sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (Sáu mươi) tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (24/6/2022).

Áp dung: Điểm b khoản 2 Điều 232; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 50 và Điều 58 của Bộ luật Hình sự.

2. Xử phạt: Bị cáo Cầm Bá Th 24 (Hai bốn) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam (từ ngày 04/6/2021 đến ngày 02/8/2021).

3. Xử phạt: Bị cáo Cầm Bá H1 24 (Hai bốn) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án, được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam (từ ngày 04/6/2021 đến ngày 16/7/2021).

Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 232; Điểm i, s khoản 1; khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 50 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

4. Xử phạt: Bị cáo Vi Văn T 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (Mười hai) tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (24/6/2022).

5. Xử phạt: Bị cáo Vi Văn C 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 (Mười hai) tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (24/6/2022).

Giao bị cáo Cầm Bá H cho Ủy ban nhân dân xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân và giao bị cáo Vi Văn T, Vi Văn C cho Ủy ban nhân dân xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật Thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

Về hình phạt bổ sung và án phí hình sự sơ thẩm: Công nhận các bị cáo Cầm Bá H, Cầm Bá Th và Cầm Bá H1 đã nộp đủ.

Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo Cầm Bá H, Cầm Bá Th, Cầm Bá H1, Vi Văn T và Vi Văn C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

150
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 129/2022/HS-PT

Số hiệu:129/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/06/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về