Bản án về tội trộm cắp tài sản số 34/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 34/2022/HS-PT NGÀY 22/04/2022 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ. Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 11/2022/TLPT-HS ngày 19 tháng 01 năm 2022 đối với các bị cáo Trần Hoàng A và Phan Ngọc S do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 83/2021/HS-ST ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận M, thành phố Cần Thơ.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Trần Hoàng A; sinh năm 198; Nơi cư trú: Khu vực B, phường P, quận M, thành phố Cần Thơ; Nghề nghiệp: Làm thuê, cho thuê loa; Trình độ văn hóa: 6/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Trần Văn G và bà Phạm Thị N; Bị cáo có vợ và 02 người con (Con nhỏ nhất sinh năm 2017). Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Phan Ngọc S; Sinh năm 1986; Nơi cư trú: Khu vực T1, phường P, quận M, thành phố Cần Thơ; Nghề nghiệp: Làm thuê, cho thuê loa; Trình độ văn hóa: 5/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phan Văn G và bà Lê Thị C; Bị cáo có vợ và 01 người con (Sinh năm 2014);

Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

1 - Người bào chữa cho các bị cáo Trần Hoàng A và Phan Ngọc S: Bà Trần Thị M là Luật sư của Văn phòng Luật sư TT, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ. (có mặt).

- Cơ quan định giá tài sản: Hội đồng định giá tài sản quận M, thành phố Cần Thơ. Địa chỉ: Khu vực 10, phường V, quận M, thành phố Cần Thơ, Người đại diện: Bà Lê Thị Thu N là Chủ tịch Hội đồng định giá (Vắng mặt và có văn bản xin xét xử vắng mặt)

- Người bị hại:

1. Anh Trương Minh T2, sinh năm 1980. (Vắng mặt)

2. Anh Trần Đoàn Tấn T3, sinh năm 1992. (Vắng mặt) Cùng địa chỉ: Khu vực BHA, phường P, quận M, thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo của các bị cáo nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 01 giờ 40 phút ngày 23/01/2021, anh Trương Minh T2 trình báo Công an phường P, quận M về việc anh T2 bị mất trộm tài sản là 01 cây mai do anh trồng trước cửa nhà có giá trị khoảng 5.000.000 đồng. Sau khi phát hiện tài sản bị mất trộm thì anh T2 tự đi tìm. Anh T2 nhớ lại vào khoảng 02 tháng trước, ông Trần Văn Thanh có phát hiện Trần Hoàng A có biểu hiện trộm cắp tài sản của ông Thanh nên anh T2 nghi vấn đối với Trần Hoàng A và hỏi đường đến nhà của A. Trên đường đi đến nhà của A thì anh T2 phát hiện có nhiều bùn đất rơi ra trên đường, sau đó phát hiện cây mai của anh T2 tại nhà của Trần Hoàng A đã bị chặt lìa phần đọt ra khỏi gốc cây mai, đồng thời tại nhà của A phát hiện thêm 01 cây mai của anh Trần Đoàn Tấn T3 bị mất trước đó khoảng 03 tháng nên trình báo, Công an phường P phân công lực lượng đến tiến hành xác minh, thu hồi tài sản và mời Phan Ngọc S và Trần Hoàng A về trụ sở làm việc.

Quá trình điều tra chứng minh được: Trần Hoàng A và Phan Ngọc S có mối quan hệ bạn bè nhiều năm, vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 22/01/2021, sau khi đi đám tại nhà của chị Dương Thị Cẩm C (thuộc khu vực X, phường TL, quận M) trên đường đi về, A điều khiển xe mô tô biển số 65E1-089.59, S điều khiển xe mô tô biển số 65T2-2397 cả hai thống nhất trên đường về khi đi đến nhà anh Trương Minh T2 (thuộc khu vực BHA, phường P, quận M) nhổ lấy trộm cây mai trồng trước cửa nhà, do trước đó A phát hiện cây mai rồi chỉ cho S biết nên cả hai cùng bàn bạc nhổ trộm cây mai đem về bán lấy tiền chia nhau tiêu xài còn nếu không bán được ai nhận trồng thì trả tiền lại cho người kia. Khi đến nơi S là người trực tiếp nhổ cây mai, còn A giữ xe và canh đường. Sau khi nhổ trộm được cây mai cả hai cùng khiêng để lên xe của A rồi S điều khiển xe chở cây mai về nhà A tại khu vực B, phường P, quận M còn A thì điều khiển xe của S chạy theo sau. Khi chở cây mai về nhà của A thì có mẹ của A là bà Phạm Thị N ra mở cửa cho A và S, sau đó S mượn cây dao để chặt cây mai. Ngoài ra trước ngày 22/01/2021 khoảng 03 tháng, S và A cùng nhau lấy trộm một cây mai của anh Trần Đoàn Tấn T3 tại khu vực BHA, phường P, quận M rồi mang về nhà của A trồng. Tại công an phường P, A và S cũng đã viết tờ tự khai, khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp tài sản của mình.

Căn cứ kết luận định giá tài sản số 48/KL-HĐĐGTS ngày 14/5/2021 kết luận:

01 cây mai vàng hoành gốc 45cm, cao 3m đã bị cắt làm hai phần đọt 2m, phần gốc 1m có giá 5.000.000 đồng. 01 cây mai vàng hoành gốc 22cm, cao 1,5m tán ngang 1,2m có giá 1.500.000 đồng. Tổng giá trị tài sản trộm cắp là 6.500.000 đồng Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 83/2021/HS-ST ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận M, thành phố Cần Thơ đã quyết định:

Tuyên bố: Các bị cáo Trần Hoàng A và Phan Ngọc S phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng: Khoản 1 Điều 173; Điều 17; Điều 38; Điểm i, h Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt: Trần Hoàng A 01 năm 06 tháng tù; Phan Ngọc S 01 năm 06 tháng tù. Thời hạn phạt tù của hai bị cáo tính từ ngày chấp hành án.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về phần xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/12/2021, các bị cáo A và S có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng không có trộm mai, đề nghị hủy bản án sơ thẩm do vi phạm tố tụng trong việc định giá tài sản.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo A và S thay đổi nội dung đơn kháng cáo. Hai bị cáo xin được hưởng án treo, đồng thời đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Cáo trạng đã truy tố và Bản án sơ thẩm đã tuyên, thể hiện sự ăn năn hối cải.

Người bào chữa cho các bị cáo A và S đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản” là đúng người, đúng tội và hình phạt 01 năm 06 tháng tù là phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và ăn năn hối cải; Hai bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đủ điều kiện cho hưởng án treo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo A và S có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm trong thời hạn, phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo A và S không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng bị oan, không có trộm cắp hai cây mai mà là mua của người khác. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo A và S đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Cáo trạng đã truy tố và Bản án sơ thẩm đã tuyên. Lời khai nhận của các bị cáo là thống nhất nhau, phù hợp với lời khai của người bị hại và vật chứng của vụ án, phù hợp với những tài liêu chứng cứ do Công an phường P ghi nhận và xử lý. Đồng thời phù hợp với hiện trường xảy ra vụ án cùng các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được trong quá trình điều tra. Từ đó có cơ sở khẳng định vào tối ngày 22/01/2021, các bị cáo A và S đã trộm cây mai của anh T2, sau đó chở về nhà bị cáo A, bị cáo S đã dùng dao chặt đọt cây mai, ngày hôm sau thì bị phát hiện. Đồng thời trước ngày 22/01/2021 khoảng 03 tháng, S và A cùng nhau lấy trộm một cây mai của anh Trần Đoàn Tấn T3 tại khu vực BHA, phường P, quận M rồi mang về nhà của A trồng. Căn cứ vào Kết luật định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản quận M thì hai cây mai có tổng giá trị 6.500.000 đồng. Lời khai và các chứng cứ khác do Công an phường P thu thập được thể hiện các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận M và phiên tòa sơ thẩm thì các bị cáo lại không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng hai cây mai là do các bị cáo mua, thể hiện sự đối phó, quanh co, chối tội. Với hành vi phạm tội và thái độ của các bị cáo, cấp sơ thẩm xử mỗi bị cáo 01 năm 06 tháng tù về Tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[6] Xét kháng cáo của các bị cáo thấy rằng:

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận tòa bộ hành vi phạm tội và thực sự ăn năn hối cải. Đây là tình tiết mới để Hội đồng xét xử xem xét. Đối với các nội dung khác trong đơn kháng cáo thì các bị cáo không đặt ra và cũng không còn yêu cầu, trong đó có việc định giá tài sản, các bị cáo thống nhất kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản quận M. Tuy nhiên, để làm rõ về trình tự, thủ tục tố tụng và các vấn đề khác mà các bị cáo còn có ý kiến trước đây, Hội đồng xét xử tiến hành đánh giá như sau:

[6.1] Về thủ tục tố tụng và định giá tài sản:

Ngày 01/02/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra có đơn yêu cầu định giá tài sản. Đến ngày 08/2/2021 Hội đồng định giá có kết luận định giá. Mặt dù tại thời điểm này Công an phường P chưa chuyển hồ sơ vụ việc lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận M nhưng việc tiến hành định giá này là cần thiết và là sự phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm và xử lý chính xác vụ việc. Bởi chức năng định giá tài sản là ở cấp quận, huyện. Còn cấp phường, xã thì không. Để không bỏ lọt tội phạm và có căn cứ để phường chuyển hồ sơ hay không nên việc định giá này là cần thiết. Mặt khác, sau khi thụ lý vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận M thấy do tài sản cần định giá có sự thay đổi về đặc điểm tài sản định giá nên đã có Công văn yêu cầu định giá ngày 13/5/2021, đến ngày 14/5/2021 Hội đồng định giá đã tiến hành định giá là đúng quy định tại điểm b, c khoản 5 Điều 21 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ. Quy trình định giá của Hội đồng định giá tài sản trong vụ án này đúng quy định tại các Điều 4, Điều 8, Điều 10, Điều 15, điều 16, Điều 17, Điều 18, điểm b, c khoản 5 Điều 21 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ.

Đối với việc khảo sát mức giá theo Điều 10 của Thông tư số 30/2020/TT- BTC ngày 17/4/2020 (gọi tắt là Thông tư 30), như đã phân tích phân trên, Hội đồng định giá đã thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 30). Còn chi tiết về khảo sát theo điểm d2 Điều 10 của Thông tư chỉ mang tính chất tham khảo, còn giá trị như thế nào phải do Hội đồng định giá quyềt định. Hội đồng định giá tiến hành hai phiếu khảo sát, hai trường hợp này thuộc hai cơ sở bán mai kiểng trên địa bàn, và việc không khảo sát được phiếu thứ ba là do trên địa bàn phường thời điểm đó chỉ có hai cơ sở. Theo quy định tại điểm d2 Điều 10 của Thông tư 30 vẫn cho phép trường hợp khảo sát không đủ ba phiếu chứ không phải cứng nhắc phải đủ ba phiếu. Căn cứ vào văn bản số 03/HĐĐG ngày 08/4/2022 của Chủ tịch Hội đồng định giá quận M cũng đã trình bày vấn đề này. Sau khi có kết luật định giá, ngày 21/5/2021, tại biên bản ghi lời khai (Bl: 92) bị cáo A trình bày “Tôi không ý kiến gì về Kết luận định giá đối với hai cây mai”. Tóm lại, việc Hội đồng định giá tiến hành định giá trong vụ án là không sai quy định của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ và Thông tư 30 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên việc khảo sát không đủ 03 phiếu phải được nêu tại cuộc họp của Hội đồng định giá và được ghi vào biên bản cuộc họp. Việc biên bản họp không ghi nhận phần này là thiếu sót cần rút kinh nghiệm và Tòa án cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm để đảm bảo cho vụ án được xét xử không chỉ đúng, trúng mà còn cho bị cáo tâm phục, khẩu phục. Sai sót này chỉ là về kỷ thuật, không làm thay đổi bản chất của vụ án hay thay đổi cơ bản nội dung vụ án.

[6.2] Về thời gian mất trộm mà bị cáo đặt ra trong đơn kháng cáo thấy rằng:

Anh T2 cho rằng khoảng 01 giờ 20 bị cáo nghe tiếng xe nên chạy ra xem thì phát hiện cây mai đã mất, tức đã bị mất trước khi anh phát hiện chứ không phải 01 giờ 20 anh T2 ra tận mắt chứng kiến người trộm mai chở cây mai anh đi. Các mốc thời gian khác thì các bị cáo cũng như người bị hại chỉ trình bày “khoảng” và không buộc tất các lời khai này phải trùng chính xác một mốc thời gian. Do đó, vấn đề thời gian các bị cáo đặt ra để phủ nhận vật chứng bị mất trộm trong vụ án là không có cơ sơ để chấp nhận.

[6.3] Về thực nghiệm điều tra: Quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận M đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và chụp ảnh hiện trường cùng vật chứng, có lập biên bản và có Viện kiểm sát cùng cấp tham gia thể hiện tại các bút lục từ (Bl: 120-140) là đúng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự. Với các chứng cứ và tài liệu đã cụ thể, rõ ràng, vật chứng đã trả lại cho chủ sỡ hữu nên Cơ quan điều tra không phải thực nghiệm hiện trường theo Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự và là không cần thiết phải thực hiện trong trường hợp này.

[6.4] Về nhổ hay đào cây mai mà bị cáo đã đặt ra: Hội đồng xét xử thấy rằng: Tài sản bị mất trộm là vật chứng của vụ án đã được các bị cáo và người bị hại xác nhận đúng sự thật tại Công an phường trong rất nhiều loại biên bản khác nhau, trong đó có Biên bản kiểm tra tài sản và các bị cáo đã thừa nhận. Việc Công an phường P trả lại tài sản cho người bị hại, các bị cáo không có ý kiến gì. Việc trao trả đó là phù hợp và kịp thời nhằm bảo quản tài sản tránh hư hại. Theo lời khai của anh T2 thì cây mai mua cách ngày bị mất khoảng 02 năm, anh về trồng lại. Như vậy không phải cây mai tự mộc từ nhỏ để có rễ nhiều dẫn đến không thể nhổ. Căn cứ vào hình ảnh trong quá trình khám nghiệm hiện trường cũng đã thể hiện rễ cây mai gọn, không nhiều. Đồng thời khi trộm được cây mai, các bị cáo khiêng lên xe của bị cáo A và bị cáo A chở về nhà bằng xe hai bánh cũng một mình. Khi chỡ cây mai về tới nhà cha mẹ bị cáo không khiêng tiếp. Như vậy, việc cho rằng gốc mai không thể nhổ nỗi, khiêng nổi vì quá nặng là không đúng.

[7] Xét thấy, sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên tòa hôm nay các bị cáo S và A đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, các bị cáo đã bồi thường xong cho người bị hại, tài sản bị mất trộm đã trả lại cho người bị hại; các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn; Đồng thời người bị hại đã có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, có nhân thân tốt và nơi cư trú rõ ràng, gia đình khó khăn và các bị cáo có đủ điều kiện để được hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên Hội đồng xét xử thống nhất cho các bị cáo được hưởng án treo.

[8] Đối với phần trách nhiệm dân sự tuy không bị kháng cáo, kháng nghị và các bị cáo không kháng cáo. Tuy nhiên, việc các bị cáo bồi thường cho anh T2 là tự nguyện tại Công an phường P, có lập văn bản thỏa thuận vì các bị cáo đã thừa nhận hành vi trộm cây mai và chặt đọt cây mai của anh T2. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo cho rằng bị oan vì không có trộm mai của anh T2 nên yêu cầu anh T2 trả lại. Cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo có tội và tuyên mỗi bị cáo 01 năm 06 tháng tù nhưng lại tách phần yêu cầu anh T2 trả lại 5.000.000 đồng thành vụ án khác là không đúng. Bỡi lẽ, phần trách nhiệm dân sự trong vụ án này đã rõ ràng, đã bồi thường xong, người bị hại không yêu cầu bồi thường thêm, nên khi tuyên bố bị cáo có tội thì tuyên không chấp nhận yêu cầu của các bị cáo về việc đòi lại số tiền đã bồi thường tự nguyện trước đây. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng rút lại yêu cầu anh T2 trả lại 5.000.000 đồng, nên Hội đồng xét xử điều chỉnh phần này. Bên cạnh đó, các bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho anh T2 5.000.000 đồng nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là còn thiếu sót.

[7] Án phí hình sự phúc thẩm các bị cáo không phải nộp.

[8] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;

[1] Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Hoàng A và Phan Ngọc S về việc xin được hưởng án treo. Sửa Bản án sơ thẩm số 83/2021/HS-ST ngày 26/11/2021 của Tòa án nhân dân quận M, thành phố Cần Thơ.

[2] Tuyên bố: Các bị cáo Trần Hoàng A và Phan Ngọc S phạm tội Trộm cắp tài sản.

[3] Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm b, h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự;

[3.1] Xử phạt bị cáo Trần Hoàng A 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 [3.2] Xử phạt bị cáo Phan Ngọc S 01 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

[3.3] Thời gian thử thách của các bị cáo A và S là 03 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

[4] Giao các bị cáo A và S cho Ủy ban nhân dân phường P, quận M, thành phố Cần Thơ và gia đình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại không yêu cầu gì thêm nên không xem xét, giải quyết.

[6] Án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo không phải chịu.

[7] Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

180
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội trộm cắp tài sản số 34/2022/HS-PT

Số hiệu:34/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về