Bản án về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép số 666/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 666/2021/HS-PT NGÀY 17/12/2021 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC Ở LẠI VIỆT NAM TRÁI PHÉP

Ngày 17/12/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 216/2021/TLPT-HS ngày 11/3/2021 do có kháng cáo của bị cáo Hồ Thu A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 03/2021/HS-ST ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.

* Bị cáo có kháng cáo:

Hồ Thu A, tên gọi khác: Không, sinh ngày 09/01/1999 tại Bắc Giang;

Nơi cư trú: Thôn B1, xã B2, huyện B3, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; giới tính: Nữ; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Hồ Văn B4, sinh năm 1977 và bà Tạ Thị B5, sinh năm 1977; bị cáo chưa có chồng, con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 17/8/2020 đến ngày 29/9/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú, hiện tại ngoại có mặt tại phiên tòa lúc khai mạc, nhưng vắng mặt không có lý do khi xét xử.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Văn B, Luật sư Văn phòng Luật sư B, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, có mặt;

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đỗ Thị A1, sinh năm 1990 không kháng cáo, không liên quan đến nội dung kháng cáo, nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1 Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 01/8/2020, Công an thị trấn Nếnh và Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang kiểm tra ngôi nhà tại phố B6, thuộc tổ dân phố B7, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang phát hiện 06 người Trung Quốc (gồm 01 nữ và 05 nam), gồm:

1. Li Zhang C, giới tính: Nam, sinh năm 1985 ở khu Liên Hồ, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (có chứng minh nhân dân và hộ chiếu).

2. Yang Jing C1, giới tính: Nam, sinh năm 1989, ở thị trấn Bồng Lai, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (có chứng minh nhân dân).

3. Chen Li C2, giới tính: Nữ, sinh năm 1989, ở thị trấn Quang Kiều, huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (có chứng minh nhân dân).

4. Li C3, giới tính: Nam, sinh năm 1984, ở trị trấn Bạch Ni, huyện Dư Khánh, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc (không có chứng minh nhân dân).

5. Huang Sheng C4, giới tính: Nam, sinh năm 1989, ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (có hộ chiếu).

6. Liu Hai C5, giới tính: Nam, sinh năm 1990, ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (có hộ chiếu).

Ngoài ra, còn kiểm tra phát hiện và thu giữ 03 quyển hộ chiếu, 04 chứng minh nhân dân, 02 máy vi tính, 05 ổ cứng máy vi tính, 13 chiếc USB, 16 điện thoại di động, 05 thiết bị thu phát 4G, 22 sim điện thoại di động đã qua sử dụng, 04 sim điện thoại di động chưa sử dụng, 03 thẻ ATM và 03 con dấu.

Quá trình điều tra đã xác định được: 06 người Trung Quốc nêu trên được Hồ Thu A thuê nhà, tổ chức cho những người này ở lại Việt Nam trái phép, cụ thể:

Hồ Thu A biết được tiếng Trung Quốc; khoảng tháng 7/2019 A kết bạn qua Wechat với Li Zhang C, thường xuyên trao đổi, nói chuyện với nhau qua Wechat và giữa hai người đã nảy sinh tình cảm. Ngày 12/10/2019, C nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và tìm gặp A, đến nhà A chơi, ngày 23/11/2019 C trở về Trung Quốc nhưng giữa hai người vẫn liên lạc, qua lại với nhau qua Wechat. Hồ Thu A trao đổi với C là mình có chứng chỉ hành nghề spa nên có ý định mở cửa hàng, C cũng nói muốn qua Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh và hứa hẹn giúp A trong việc mở cửa hàng. Tháng 4/2020, C nói với A là xin cấp visa nhập cảnh vào Việt Nam nhưng do đang dịch Covid-19 nên không xin được. Do có ý định vào Việt Nam để tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Trung Quốc, nên C đã lôi kéo thêm 05 người.

Khong đầu tháng 7/2020, C liên lạc với A nhờ A thuê địa điểm tại Việt Nam để C sang ở cùng, A đồng ý nên đã tìm hiểu và biết được chị Đỗ Thị A1 có ngôi nhà 05 tầng thường xuyên cho người thuê. Trước khi vào Việt Nam, C đã đóng 03 kiện hàng là các thiết bị, máy móc dùng để thực hiện tội phạm và đồ dùng sinh hoạt gửi bằng đường hàng không qua Việt Nam trước. Sau khi tìm được địa điểm để thuê, ngày 09/7/2020 A yêu cầu C chuyển tiền cho A để thuê nhà, C đồng ý nên đã bảo A cho số tài khoản để C chuyển tiền; do A chưa có số tài khoản nên A đã nhờ số tài khoản của bạn là Nguyễn Văn B8 mở tại Agribank chi nhánh B3; A nhắn tin số tài khoản của B8 cho C, cùng ngày C đã chuyển 03 vạn nhân dân tệ vào tài khoản “CAOVAN” tại Ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) liên kết dưới hình thức logistics với Ngân hàng công thương Việt Nam (Viettinbank), sau đó A liên lạc với người nhận tiền ở Việt Nam biết được số tiền đã được đổi và chuyển tiền vào tài khoản của anh B8, nên chiều cùng ngày, A hẹn anh B8 đến Agribank chi nhánh huyện B3 để rút số tiền 100.200.000đ và A đã cho anh B8 100.000đ; sau khi nhận được tiền, A liên lạc với chị A1 để thuê nhà, chị A1 đồng ý và hẹn gặp nhau tại nhà cho thuê để thỏa thuận việc thuê nhà. Ngày 10/7/2020, A và chị A1 gặp nhau hai bên lập hợp đồng thuê nhà thỏa thuận giá thuê là 20.000.000đ/tháng, thời hạn thuê là 03 tháng, A đã thanh toán cho chị A1 60.000.000đ. Chiều tối ngày 12/7/2020, chị A1 đến nhà trọ thì được A nói mấy ngày nữa thì người Trung Quốc mới đến ở, chị A1 yêu cầu giấy tờ thì A đưa chứng minh nhân dân của A và nói số người Trung Quốc là bạn của A ở Việt Nam lâu rồi nhưng giấy tờ hết hạn chưa gia hạn được.

Ngày 18/7/2020, C đã dẫn 05 người Trung Quốc đến cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục xin cấp thị thực vào Việt Nam nhưng không được; C đã gọi điện thông báo cho A biết thì A giận dỗi, trách móc C, nên C nói sẽ tìm cách khác để vào Việt Nam. Do biết C sẽ tìm cách vượt biên, nên A đã dặn C phải cẩn thận, khi nào vào đến đất Việt Nam thì báo cho A biết. C đã liên hệ với 01 người ở khu vực cửa khẩu để thuê đưa C và những người khác vào Việt Nam. Tối cùng ngày, C cùng với 05 người đã được đưa đi theo đường mòn vượt biên sang địa phận tỉnh Lạng Sơn, C đã thông báo cho A biết là đã sang đến Việt Nam, đi cùng C còn có 05 người Trung Quốc nữa và dặn A nấu cơm chờ C cùng mọi người về ăn. Sau đó, C đã được một xe ô tô do người dẫn C sang Việt Nam thuê chở đến địa phận tỉnh Bắc Ninh, sau đó C thuê xe taxi và cho người lái xe taxi số điện thoại của A để liên lạc hướng dẫn đường; sau khi đón được C và 05 người Trung Quốc, A đã đưa tất cả vào nhà trọ cùng ăn cơm và ở tại ngôi nhà do A thuê, những ngày sau đó C đưa tiền cho A mua đồ ăn về phục vụ 06 người Trung Quốc, C hứa hẹn sẽ trả tiền công cho A từ 8.000.000đ - 10.000.000đ/tháng và biết những người này không có giấy tờ, nên A dặn họ không được ra ngoài.

Ngày 27/7/2020, chị A1 đi qua nhà thấy một số người đứng ở ban công tầng 5, nên chị A1 bảo A đưa giấy tờ để làm thủ tục đăng ký tạm trú thì được A cho biết những người Trung Quốc này một số người có giấy tờ nhưng đã hết hạn, một số người không có giấy tờ. Chị A1 yêu cầu nếu hết hạn thì làm thủ tục gia hạn, A cho biết do đang dịch Covid-19 nên không làm được. Đến ngày 31/7/2020, chị A1 đọc báo biết được 05 người Trung Quốc ở Việt Yên bị bắt do không có giấy tờ, nên đã nhắn tin thông báo cho A biết không cho thuê nhà nữa, chỉ tính tiền nhà 01 tháng là 20.000.000 và sẽ trả lại cho A số tiền 40.000.000đ.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2021/HS-ST ngày 29/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang áp dụng điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 348; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Hồ Thu A 05 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 17/8/2020 đến ngày 29/9/2020 và phạt bổ sung 10.000.000đ.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/02/2021, bị cáo Hồ Thu A có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ, xem xét tính chất hành vi của bị cáo; cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; xem xét kháng cáo của bị cáo thấy rằng: Cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” là có căn cứ, bị cáo không bị oan. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã xem xét đến tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo mức án như bản án sơ thẩm đối với tội này là có căn cứ; tại cấp phúc thẩm bị cáo xuất trình thêm tài liệu thể hiện bị cáo đã nộp 200.000đ án phí sơ thẩm, nhưng tình tiết này không đáng kể so với hành vi phạm tội của bị cáo, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Thu A trình bày quan điểm bào chữa: Đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nên không tranh luận về tội danh. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến các yếu tố: Bị cáo A phạm tội khi tuổi đời còn quá trẻ nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế, chưa lường hết được hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra; bản thân bị cáo đã khai báo thành khẩn và thật sự ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đây là hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, bị cáo còn có có ông nội, ông ngoại là những người có công được tặng huy chương, bằng khen; bị cáo lần đầu phạm tội; hiện đang mang thai và đã nộp tiền án phí sơ thẩm. Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, nên đủ điều kiện để được hưởng mức án dưới khung hình phạt. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hồ Thu A có mặt lúc khai mạc phiên tòa, nhưng sau đó bị cáo tự ý bỏ về không có lý do. Xét thấy, đây là phiên tòa được mở lần thứ hai và các văn bản tố tụng đã được tống đạt hợp lệ cho bị cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã có mặt sau đó tự ý bỏ về không có lý do chính đáng, nên việc vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng; trong vụ án này bị cáo chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo; Hội đồng xét xử thấy việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xét xử phúc thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm có mặt người bào chữa cho bị cáo, nên căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hồ Thu A vắng mặt. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm thấy phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra; phù hợp với lời khai của những người làm chứng, người liên quan, phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: Do có quan hệ tình cảm với Li Zhang C và được hứa sẽ giúp đỡ cùng nhau mở cửa hàng spa để kinh doanh, nên Hồ Thu A đã thuê nhà trọ, tổ chức cho 06 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép từ ngày 18/7/2021 đến ngày 01/8/2021 thì bị phát hiện, bắt giữ. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; tội phạm được quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự; cấp sơ thẩm quy kết, xét xử bị cáo về tội danh như trên là có căn cứ, đúng pháp luật, bị cáo không bị oan.

[2] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo nhận thức được việc tổ chức cho người ở lại Việt Nam trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nên bị cáo vẫn cấu kết để thực hiện nhằm hưởng lợi bất hợp pháp. Bị cáo đã tổ chức cho 06 người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép, nên cấp sơ thẩm quy kết bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 348 Bộ luật hình sự là đúng quy định. Đặc biệt, thời điểm bị cáo thực hiện tội phạm là thời điểm đại dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn thế giới, trong khi Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc thiết chặt và kiểm soát những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và ở lại trái phép để chống lây lan dịch bệnh, nhưng bị cáo đã bất chấp, đi ngược lại chủ trương đúng đắn của Nhà Nước, tiếp tay cho những đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý thích đáng.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy: Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội, cũng như đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, như: Bị cáo có nhân thân tốt, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; có ông nội là Hồ Đắc B9 được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, ông ngoại là Tạ Xuân B10 được Thủ tướng chính phủ, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen để xử phạt bị cáo mức án khởi điểm của khung hình phạt như bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, không cao. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo hiện đang mang thai và bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, nên đủ điều kiện để được hưởng mức án dưới khung hình phạt; ngoài ra bị cáo xuất trình biên lai đã nộp 200.000đ tiền án phí sơ thẩm. Tuy nhiên, căn cứ kết quả siêu âm do bị cáo xuất trình thể hiện hiện tại bị cáo không mang thai, nên Luật sư cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự là không có căn cứ; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đã nộp tiền án phí sơ thẩm, nhưng không đáng kể so với hành vi phạm tội của bị cáo, nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo là có căn cứ.

[4] Bị cáo không được chấp nhận kháng cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự;

kng chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Thu A; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 03/2021/HS-ST ngày 29/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang; áp dụng điểm c khoản 2, khoản 4 Điều 348; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Hồ Thu A 05 (năm) năm tù về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” và phạt bổ sung 10.000.000đ (mười triệu đồng). Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, nhưng được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 17/8/2020 đến ngày 29/9/2020.

Về án phí: Bị cáo Hồ Thu A phải chịu 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số: 03/2021/HS-ST ngày 29/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

185
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép số 666/2021/HS-PT

Số hiệu:666/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về